Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
906
116.619.551
 
Bạn cùng làng
Hồ Tĩnh Tâm

“Rối bước chân chiều về với làng xưa

Nắng vẫn hanh gầy dưới dây bầu dây bí

Màu thời gian lên hương chừng thi vị

Mùi rạ rơm đánh thức tấm duyên quê”

                                                           Hồ Tĩnh Tâm

 

 

Lâu lắm tôi mới lại có dịp về làng. Làng tôi nằm ngay vàm sông cái, tên là làng Ông Đôi. Hồi nhỏ, tôi nghe người làng kể: Ông Đôi là người đầu tiên đến đây lập nghiệp. Thuở đó, dưới sông còn sấu lội, trên bờ còn cọp um. Một hôm, ông Đôi đi phá đất về, thấy một người phụ nữ ngồi khóc chồng trên bờ Rạch Tra. Đó là người ở xứ khác tới. chồng chị ta lên bờ kiếm củi, chẳng may bị cọp vồ, mặt mày rách nát, ngực toác một lỗ lớn. Ông Đôi động lòng, đứng ra lo chôn cất cho người xấu số. còn người đàn bà xa lạ, chồng chết, không biết nương náu vào đâu nên ông Đôi cho ở đậu luôn trong nhà. Ở riết rồi thành ra như vợ chồng. Được cái, vợ ông không hề có điều tiếng gì. Ngược lại, bà còn nói với ông: “Người ta từ ngoài Trung trôi dạt vô đây, hoàn cảnh ngặt nghèo như vầy, thôi thì ông cứ coi như vợ, khỏi bày vẻ cưới xin chi cho tốn kém”. Cái tên ông Đôi là do đó mà ra.

Ông Đôi người to lớn, võ nghệ cùng mình, không hề biết sợ cọp là gì. Đêm nọ, sáng trăng vằng vặc, ông Đôi đang ngủ, thốt bị hai bà vợ khều dậy, chỉ ra vàm sông. Trời đất! Ràng ràng một con cọp đang ngồi ngắm trăng dưới nước. Lẹ như mèo, ông Đôi cầm khúc trâm bầu gộc lỏn tới sau lưng nó. Chỉ nghe ông thét một tiếng như sấm, đã thấy con cọp nằm giãy tê tê dưới đất. Ông đập mạnh tới mức con cọp vỡ sọ, rách da đầu. Óc văng ra tung tóe. Bộ da cọp đó còn lại tới bây giờ.

Mỗi lần về làng, bao giờ tôi cũng tới chơi nhà anh bạn để ngắm bộ da đó. Hai đứa tôi ới thêm mấy ông hàng xóm, ngồi lai rai nói dóc chuyện trên trời dưới đất. Nhiều khi nhậu ì ì tới giác hai, ba giờ sáng. Say quắc cần câu mới thấy bộ da treo trên vách đẹp tới lạ lùng. Nó như rung rinh đụng cựa, muốn nhảy vọt lên nóc nhà. Bấy giờ tự nhiên thấy đã trong người, thấy muốn có con cọp ở đâu nhào tới để mình lao ra ăn thua đủ với nó.

Lần này cũng vậy. Tôi với thằng bạn đang lai rai thì có thêm một người nữa tới. Anh ta béo tốt, đỏ đắn; tạng người như ông địa. “Mầy biết thằng nầy không? Nó cũng người làng.”. Nghe anh bạn hỏi, tôi ớ người ra. Anh ta coi lạ hoắc, tôi chưa hề gặp bao giờ. “Lính biệt kích sư 9 đó mầy. Giờ đi tu ngoài Long Thành. Đi tu mà ăn mặn. Lâu lâu lại nhảo về ngủ bậy với vợ mấy hôm, nhậu tới chỉ mấy hôm, rồi lại lên tu nữa”. Anh bạn mới cười cười, lột chiếc nón bánh tiêu, để lộ ra cái đầu trọc lóc, láng bóng, coi ngộ hết biết.

“Tui người bên cồn”. Anh ta nói với tôi. Vừa nói vừa với tay vớ chai rượu, rót tràn ly rồi dốc tuột vô miệng một cách ngọt xớt. “Phải Minh Mạng thang không cha? Hổng phải thì đổi à nghen! Tôi bơi xuồng từng đó đường đất tới đây chỉ để kiếm thứ đó”. Nói xong, anh ta lại rót cho mình ly nữa. Coi cách uống của anh ta thì rõ là thứ rượu đốt phực lửa của bạn tôi cũng chẳng nhằm nhò gì. “Vào ba ra bảy. Tui làm ly nữa cho đủ suất”. “Thôi cha, rượu qúy mà ông uống hệt như trâu uống nước”. Đúng là anh ta uống như uống nước thiệt. Uống tới hai đứa tôi say muốn bò ra mà anh ta vẫn chưa hề hấn gì. Chừng đứng dậy ra về, anh nói: “Mơi sớm qua tui, giết bậy hai con chuột cống nhum, lai rai vài lít cho đã ngứa”.

Anh ta tên Bảy. Trước là sĩ quan biệt kích. Đi cải tạo mấy năm trở về thì vợ đã ở với người khác. Người đó trước kia là lính thuộc cấp của Bảy. Khi Bảy trở về, cả hai sống chung luôn với nhau trong cùng một nhà. Có điều, cứ xế chiều là hai người lôi rượu ra gốc mận ngoài mí mương ngồi nhậu. Nhậu đã thì người chồng sau xuống xuồng bơi đi ngủ đậu nhà hàng xóm. Đâu gần cả tháng như vậy, Bảy bỏ đi tu. Nhưng cứ vài tháng Bảy lại xuất chùa về nhà mấy hôm. Mấy hôm đó, cứ sập tối, người chồng sau lại bơi xuồng đi ngủ đậu hàng xóm. Đã thành lệ như vậy, chẳng ai cản ai một tiếng. Trong nhà Bảy có hai giòng con của hai người, được cái sắp nhỏ rất quấn quýt với nhau, không hề phân biệt cha này cha nọ. Khi Bảy mới trở về, người chồng sau đã tính bỏ đi xứ khác, nhưng Bảy không chịu. “Mầy đã giúp nuôi vợ con tao lúc cơ hàn khốn khó, với nữa, mầy đã có hai mặt con với bả, mầy cứ ở. Ở vậy cho sắp nhỏ nó vui”.

Bảy thuộc diện đi H.O, nhưng anh không chịu bỏ xứ. Anh nói: “Ở xứ mình quen rồi, qua bển muốn nhậu thịt chuột, thịt rắn, khó kiến lắm!”. tánh anh vậy, thành ra chuyện đi tu cũng như trò chơi.

Anh bạn tôi còn đã nữa. Trào chống Mỹ, uýnh giặc mù trời. Chừng hòa bình, đang là tiểu đoàn phó mà nghỉ ngang xương cái rụp. Ai hỏi, anh nói tỉnh như không: “Hồi ra đi, tui đã hứa với bả, hòa bình là về cấp kỳ với bả, trả nghĩa bả nuôi con cho mình đi kháng chiến. Quân tử nhất ngôn. Nói sao thời tui làm y trân như vậy”. Nghỉ ngang xương thì đâu được hưởng chế độ chính sách gì. Tới Đảng cũng không còn. Sau này, mấy tay Ủy ban xoay xở sao đó, anh mới được hưởng tiền thương binh. Xã vị tình anh, có mời anh ra làm công an, làm xã đội, nhưng anh không chịu. “Nói thiệt! Thằng Út nầy đã nghỉ là nghỉ. Một lời đã hứa với vợ là phải như đinh đóng cột. Ai làm gì đó cứ làm, Út nầy làm phó thường dân cho vợ là sướng rồi”.

Út là người chịu chơi. Hồi cuối năm 75, nhà anh đói vêu vao; có nhiều hôm cả nhà phải xào cải trời cải đất ăn thay cơm. Vậy mà đang lúc túng cùng, anh em cùng đơn vị tới thăm, ngó trước ngó sau không thấy món gì làm mồi, anh vác cây mác nhảy vô chuồng heo, đâm chết nghiến con heo nái. Không ai kịp cản anh một tiếng. Vợ anh chun vô buồng đứng khóc một chập. Không phải chị tiếc con heo, chị khóc vì thương bầy heo con mới đẻ được hơn hai tuần. Sau này, anh em trong đơn vị quyên góp, gởi cho anh một số tiền. Anh dốc hết mua một cái ti vi, mặc dầu đang phải ăn đong từng bữa. Anh nói: “Xóm mình nghèo bấy bá, mua bậy cái ti vi cho cả xóm được coi hát, coi thời sự, đặng mà biết với người ta”. Bởi vậy, khi không, anh trở thành người giàu nhất làng nhờ có cái ăng ten dựng ngất nghểu ngay trước cửa. Đêm nào cũng rần ì lối xóm tới coi ké. Đặc ngừ đàn ông đàn bà. Đặc ngừ người già người trẻ. Anh phải khiêng ti vi ra để trước cửa. Nhiều hôm, mấy tay Ủy ban coi xong, ngồi luôn tại chỗ bàn chuyện chính quyền, anh cũng xía vô bàn bạc đóng góp ý kiến một cách thẳng thớm. Có điều gì mấy tay Ủy ban không chịu, anh gân cổ lên chửi thề văng mạng. Vậy mà không ai giận anh. Có khi thấy anh ngồi im khe, họ còn nhắc: “Anh Út có ý kiến gì không?”. Thành ra, nhờ có cái ti vi mà chuyện trong làng ngoài xã, chuyện trời ơi đất hỡi gì đâu Út cũng biết ráo trọi.

Út nói với tôi: “Tao mới đi thành phố thăm thằng bạn. Thằng tiểu đoàn trưởng cũ của tao, lóng rày làm giám đốc mách mách gì đó, giàu lút! Hắn khoe tao hai bằng đại học. Không biết hắn học hồi nào mà có. Hồi chiến tranh, tao đã dốt, hắn còn dốt hơn. Ký tên hắn chỉ biết khoanh cái vòng tròn méo xẹo. Hắn tên Huỳnh Văn Tròn mà. Thằng chả ăn xài hết biết. Tối nào cũng đánh xe chở tao đi bia ôm mút chỉ. Nghe nói khoản đó bị cấm ngặt, mà sao còn qúa trời! Đứa nào đứa nấy thơm ngon như trái xoài cát, chiều mình, nịnh mình dẻo quẹo. Chừng tính tiền, thấy ngán!”. Vợ Út ngồi hóng chuyện, hỏi: “Có làm ẩu không cha?”. “Bà sợ sida hả? Có mắc cái bịnh đó cũng hai chục năm mới phát, thêm hai chục năm nữa mới chết được. Tui sống tới chừng đó thì đã già cú đế, đã chết kề miệng lỗ. Ở đó mà sợ sida si đủng. Vợ Út lắc đầu cười: “Bản mặt ông mà dám chơi, tui chịu chặt đầu”. “Biết vậy sao còn hỏi. Đừng hỏi khỏi nghe nói dối bà ơi! Tui thèm là thèm uống bia ké không mất tiền. Chứ cái đó thì… cũng y chang như bà chứ gì”.

Như sực nhớ ra điều gì quan trọng, Út vỗ đùi cái chách. “Bà ngoại sắp nhỏ nhà này mới vô mánh nghen! Tuần trước có gánh hát về hát cải lương ngoài xã. Bả đi đám giỗ mấy ngày trở về, nghe nói có Lệ Thủy, bả tiếc hùi hụi, tiếc tới muốn ngất xỉu. Vậy là về hôm trước, hôm sau bả xúc lúa đem bán, lận lưng chỉ vàng lên thành phố. Bả tìm được nhà, đợi tới ba ngày mới gặp. Về khoe rum làng. Biết không! Lệ Thủy mua cho bả cái áo dài gấm màu huyết dụ, lấy xe chở bả đi thăm thú thành phố một ngày. Lúc về, cổ còn đưa cho bả mớ tiền mặt với hai chỉ vàng, nói một chỉ để bả bù lại chỗ lúa bán, một chỉ để bả thuốc thang khi bịnh hoạn. Vậy mà bả cho tuốt trường học một chỉ. Là vì nghe bả khoe rân làng nước, có người nói, gặp được Lệ Thủy là hên qúa xá rồi, có tốn cả cây vàng cũng chưa chắc gặp được kiểu đó, giữ chi chỉ vàng, cho rấp trường học để người ta lợp cái mái lá bị dột. Bả cho cái rụp. Bả vậy, hèn chi bà xã tui cũng máu mê coi hát cải lương cùng mình. Gánh hát về hát ba đêm, ba đêm bả túc trực ngoài bãi từ đầu chí cuối. Đã vậy, còn ráng chèo kéo, giành giựt với người ta, mời bằng được mấy đứa kép hát tới nhà nhậu một bữa. Mà làng nầy ai cũng vậy, há mầy? Hễ gánh hát cuốn màn đi vài tháng, giá nào cũng có một hai đứa con gái lén đi bà mụ phá thai”.

Hôm sau, qua nhậu với anh Bảy bên cồn về, mới lên bờ tôi đã thấy thằng bé tròn lẳn, để tóc miếng vùa chạy trờ tới, nói nội nó nhắn tới nhà nhậu chơi. Nội thằng bé tên Chà, trước là cảnh sát ác ôn, giết người khét tiếng. Chính tay ông ta đã trói thúc ké người anh ruột của Út, lôi ra sông cái trấn nước. Cứ sau mỗi lần trấn nước, ông ta lại treo dốc ngược anh của Út lên cành chôm chôm, đạp cho ọc nước ra. Đạp mỏi chân, Chà kê súng vào màng tang người anh của Út, nổ đoàng một phát. Bấy giờ Út còn nhỏ, thấy anh bị bắn, liền vớ một khúc củi nhào tới. Chà tung chân đá Út té lăn cù, dận chân lên ngực, dọa: “Mầy mà học thằng anh theo Việt cộng, tao kêu máy chém trên quận xuống, chém cả nhà mầy nghen mầy!”. Sau giải phóng, chà đã đứng tuổi, không hiểu sao cũng không chịu đi nước ngoài. Ông ta nghèo rớt, lại bị bệnh gan. Bệnh tới vàng da, vàng mắt, phải đi mổ. Gia cảnh ông lúc đó đang vào hồi túng cùng, bói cả ngày cũng không ra cắc bạc. Vợ ông mặc cảm, không dám hỏi ai mượn tiền. Bấy giờ đời sống gia đình Út đã có phần dễ chịu hơn hồi mới giải phóng, anh bán ráo cả bầy vịt hãng, biểu vợ đưa qua cho chị ta mượn, lúc nào có thì trả, không có thì thôi. Chà khỏi bệnh trở về, tới nhà qùy xuống lạy Út. Út đỡ ông dậy, nói: “Ông đừng làm vậy, coi kỳ lắm! Mới hôm kia có thằng làm giỗ tía nó, xỉn rượu nó vác dao tới đòi chém tui để trả thù cho cha. Hôm sau tỉnh rượu, nó tới khóc hù hụ, lạy tui như tế sao, tui phải đuổi nó mới chịu về. Hồi chiến tranh hai bên bắn qua bắn lại, cái chuyện chết người, giết người, làm sao tránh khỏi”.

Út giết người bộn, như anh nói, chuyện đó ai cũng biết. Hối mới vô du kích, anh năn nỉ ỉ ôi hoài mới được anh em cho mượn cây tự tạo bắn thử. Ai dè anh bắn như để, bắn đâu trúng đó. Vậy là anh em giao đứt cho anh cây súng. Anh tưng tiu lau chùi nó sáng bóng, sạch hết chê được chỗ nào. Đi ngủ cũng ôm súng trong lòng, như sợ bị ai đó đòi lại. Út nhắm chỗ nào, bắn ngay tróc chỗ đó; riết rồi thành danh Út Xạ, Út xạ kích. Có ai bắn chết thằng lính nào, người ta đều nói do ăn đạn của Út Xạ. Lính đồn, có thằng trước mỗi lần hành quân dã ngoại, bao giờ cũng đốt nhang cầu cho đừng gặp Út. Nội vụ bắn tỉa lẻ tẻ, trong ba năm ôm súng bao đồn, ôm súng phục kích, Út đã hạ gục bảy lăm thằng. Trong Hội nghị báo công của tỉnh, giờ nghỉ, đồng chí bí thư hỏi: “Chú mầy còn trẻ mà guýnh giặc giỏi trời thần, muốn thưởng gì, nói nghe coi?”. Út trả lời cái rốp: “Mốn thưởng cho ít tiền về cưới vợ. Nhắm không có tiền thì thưởng cho khẩu K2, đem về bắn lấy le với cổ”.

Nhờ có khẩu K2 mà Út cưới được vợ không tốn cắc bạc. Má vợ Út lúc đó thường nói đùa với du kích: “Đứa nào có được khẩu K2, tao gả con Sáu cho liền xì. Thứ đó bắn na phan, bắn đâu chắc đó. Tao chịu vậy thôi hà!”. Bả nói bữa trước, bữa sau Út đi Đại hội. Hơn tuần sau đã thấy Út trở về, đeo chúc mũi khẩu K2 mới cáo trên vai, đi cà nghinh như tướng soái. Anh em du kích mừng húm, hè nhau công kênh Út trên vai, kéo tới nhà cô Sáu, đòi má cô phải nhận rễ. Giỡn chơi mà thành thiệt. Ủy ban chứng vô tờ giấy đánh máy, má cô Sáu nấu nồi cháo vịt bự trảng. Rượu uống tới tới, rubi hút tới tới, vui ngất trời. Chừng trăng mọc, anh em tìm quanh quất, không biết Út với cô Sáu biến đi đâu. Má cô Sáu nói: “Thằng đó cưới vợ cũng mần rốt ráo như guýnh giặc; việc gì cũng rụp rụp như đụng trận. Tụi nó cuộn nhau sau cây rơm chớ đâu!”.

Cưới được mấy tháng, Út có lệnh rút về tỉnh đội làm trợ lý tác chiến, anh hì hụi làm đơn xin khước, viện cớ không biết làm cán bộ. Tỉnh đội trưởng biết chuyện, cười hì hì: “Nó mới cưới vợ, chừng nào nó chịu rời con nhỏ. Rút lên huyện đội được rồi”. Út lên huyện đội, hỏi giáp vòng,xin giáp vòng mới lựa được chân trợ lý dân quân du kích. Nhờ vậy, thỉnh thoảng Út mới có dịp về làng. Anh về làng, vừa để triển khai kế hoạch của huyện, vừa rình bắn mấy thằng ác ôn, vừa để kết hợp giải quyết chuyện ấy với vợ cho đỡ nhớ. Anh nói với vợ: “Bà cứ sanh hết trứng cho tui. Lỡ tui có bề gì, tụi nó lớn lên còn thay tui guýnh tiếp”.

Đi lui đi tơi hoài, nhiều lần Út gặp nạn, tưởng đã đi đời. Có một lần, Út về tới Mương Điều, bất ngờ đụng nhằm một tiểu đoàn của sư đoàn 9 đóng dã ngoại. Anh vừa lội qua con rạch đã gặp ngay một tốp lính đang ngồi chồm hổm ăn cơm. Lẹ tay, anh rút liền hai trái lốc mích thẩy về phía chúng. Lựu nổ rầm rầm. Đám lính ngồi đâu đó trong vườn nổ súng bắn hoảng tán loạn. Biết không thể thối lui vì con rạch đang lúc nước cường, Út liều mạng chạy rẽ ngoặt theo con rạch. Vấp xác một thằng lính, Út té chúi nhủi về phía trước. Tay anh đập trúng xác một thằng lính khác. Út rút ngay mấy trái lựu của nó, ném tứ tung ra bốn phía. Còn một trái, Út nghĩ bụng, tao rút chốt trái này gài dưới bụng giả chết, tụi bay lôi được tao lên cũng phải tiêu mạng sa tràng vài đứa. Nhưng cùng lúc đó, Út ngó thấy xác một thằng khác gần đó có đeo hai trái pháo màu, thứ trái dùng để gọi pháo. Vậy là anh lăn tới, chụp ngay hai trái pháo màu chọi sâu vô vuông vườn. Trái màu phát nổ, khói đỏ bốc bựng bựng. Pháo giàn từ các nơi lập tức nả xuống tới tấp. Pháo chụp, pháo khoan nổ rền như sấm động. Tai Út điếc đặc. Nhưng nhờ vậy mà anh bơi thoát được qua con rạch. Tin mật báo của ta cho biết, trận đó tụi lính bị pháo của chúng dập trong tư thế phơi lưng mặt đất, chết sắp lớp, chất đầy cả cam nhông.

Út hút chết, nhưng phải gần tới sập mặt người mới mò được về nhà. Anh tự thưởng cho mình trọn cả đêm với vợ. Mãi gần trưa hôm sau mới đủng đỉnh đi tìm xã đội, triển khai kế hoạch của trên. Xong việc, anh nói: “Tui tặng mấy ông đám lính hôm qua để báo thành tích, đổi lại, mấy ông phải khao tui một chầu bia con cọp”. Du kích xã chịu cái rụp. Vậy là nhậu đứt nghiến cả buổi chiều.

 

Út thoát nghèo, giàu lên được cũng là chuyện lạ.

Sau trận lụt 79, đói qúa, anh móc với mấy người bạn lính phục viên, rủ nhau qua biên giới buôn hàng lậu. Có người sợ, anh nói: “Túng cùng phải liều. Không liều, có nước ngồi cạp đất, chết đói nhăn răng cả đám”. Họ mỗi người đi được mấy chuyến, đem được mấy chiếc honda về nước. Nhưng đi mãi cũng có ngày gặp ma. Một lần, khi chạy xe vượt qua biên giới, họ bi bộ đội biên phòng phục kích bắt được. Út đứng ra đại diện cho anh em gặp đồn trưởng để lập biên bản. Hai người vô nhà dân một hồi thì Út đi ra, mặt tươi hơn hớn, khoát tay bảo mọi người lên xe đi tiếp. Anh em hỏi, nói cách sao mà được thả. Út cười rổn rảng: “Tao có năn nỉ ỉ ôi gì đâu. Vô tới nhà, tao than nực, xin phanh ngực áo cho mát. Tay đồn trưởng thấy mấy vết sẹo sâu hoắm trên ngực tao, hỏi, bộ ông là lính Ngụy à? Vậy là tao chìa cái thẻ thương binh ra. Tao nói, đói qúa, chịu hết xiết, chú mày không thương, anh đành về biểu vợ con mua thuốc bả chuột, trộn cơm ăn cho no một bữa rồi chết chùm với nhau, chớ hòa bình rồi mà nghèo đói thì nhục mặt thằng lính giải phóng qúa. Chả cười khấc khấc, phẩy tay: Thôi, đi đi cha nội! Chả còn nói: Mua xe lậu thuế, về bán rẻ cho dân được nhờ, tui mà biết ông bán mắc, bán cắt cổ người ta, thể nào tui cũng tìm tới tui cắt cổ ông cho bỏ ghét.                              

Đi được một tháng, Út dốc hết vốn, xoay qua nuôi rắn. Anh không nuôi rắn độc, chỉ mua mấy thứ rắn nước, như ri voi, ri cá, ri cóc… Con nào cũng phải trên ký anh mới khớp miệng, bỏ vô rọ, chở lên thị xã bán cho nhà hàng khách sạn. Khởi sự bằng nghề nuôi rắn, anh nhanh chóng trở thành ông thầu rắn của cả vùng. Rồi lấn tới, anh thầu luôn cả tôm càng, rùa, chuột, dơi, ếch… Khỏi phải đi đâu, chỉ ngồi một chỗ, mỗi tháng anh cũng hốt khơi khơi dăm chục triệu dễ ợt.

Gia đình Út giàu lên nhưng Út vẫn chạy chiếc 67 cà tàng, máy nổ phành phành như súng nổ. Ngôi nhà vẫn là ngôi nhà tình nghĩa trống trếnh, xã cất cho tự thuở nào. Vợ chồng anh vẫn hay làm chuyện phúc đức với làng xóm như xưa. Có người mượn tiền lâu qúa, hai vợ chồng quên luôn, không nhớ là họ mượn bao nhiêu, họ trả sao thì biết vậy.

Có một điều mà tôi nể phục Út và giòng họ của anh, là dẫu có lâm cảnh đói kém ngặt nghèo cỡ nào cũng không bao giờ tính tới chuyện bán miếng da cọp. “Con cọp đó, cụ tổ của tui đập chết trước cửa nhà, linh cụ nhập vô đó, độ trì cho tụi tui có gân có bắp, có phước có đức. Bán sao được mà bán!”.

Út kể tôi nghe chuyện miếng da cọp bị mất năm đói 79. Lần đó, Út từ Châu Đốc trở về, nghe vợ nói tấm da cọp bị mất, anh tá hỏa chạy nhờ công an xã, công an huyện tìm giùm. Tìm cả tháng không được. Út ngồi đâu cũng thần ra như người mất hồn. Một hôm, mới bửng sáng, Út đang ngồi vấn thuốc hút khan trên bộ ngựa, bỗng thấy một người phụ nữ, khệ nệ ôm một bọc vải mủ bước vô nhà. Anh hỏi: “Chị đem trả tui tấm da cọp phải không?”. Người phụ nữ gật đầu. “Anh cho em đốt nén nhang khấn vong linh cụ, xin cụ xá tội cho chồng em lỡ dại”.

Bấy giờ, hai vợ chồng chị ta mới sanh đứa con được bảy tháng. Đứa bé bú nước cơm quậy đường thay sữa tối ngày, xanh rớt như tàu chuối. Anh chồng phải lặn lội đi làm thuê làm mướn tối ngày. Hôm đó đi làm mướn về ngang qua nhà Út, anh ta tính vào uống đỡ gáo nước mưa cho đỡ khát. Thấy cửa nhà trống trải, anh ta nảy ra ý định chôm tấm da cọp đem bán. Anh ta gở tấm da xuống, vơ chiếc mền vải gói lại. Nhưng mới bước ra tới cửa đã đụng nhằm gộc cây, tróc móng chân cái. Chưa hết. Khi mới đặt chân lên cầu khỉ, anh ta lại trợt chân, vập mặt vào cọc tre, rách da mặt. Đã vậy, đi được nửa đường còn mắc mưa cho tới tận nhà. Từ đó về sau, anh ta bệnh rề rề, người tọp như con khô khoai. Đêm nào cũng vậy, hễ gần chợp mắt ngủ được, anh ta lại thấy con cọp hiện lên, ngồi chầu hẩu trước mặt gầm gừ. Sợ qúa, anh ta biểu vợ đem tấm da cọp đi trả. Bấy giờ chị vợ mới biết việc làm của chồng. Nhưng lu bu con cái, công chuyện, mãi tới hôm đó chị mới trả được tấm da cho Út. Út chẳng những không trách cứ chồng chị ta một lời, còn nói; “Tui biếu chị mớ tiền, về mua gạo cho sắp nhỏ, mua thuốc cho ảnh. Đói ăn mà làm lụng cật lực thì đổ bịnh, chứ linh con khỉ khô gì!”.

Trước hôm trở về nhà, tôi ghé nhà Út nhậu chia tay. Cạn chai thứ nhất, Út hỏi: “Nè! Ông biết tại sao giáo viên mấy ông dạy hoài mà nghèo hoài không? Tui nghĩ bấy ra rồi. Tại dân mình chưa trọng cái sự học ông ạ! Trả lương cho thầy cô giáo thấy mà mắc rầu. Thua thằng tiểu đoàn trưởng cũ của tui trả tiền cho người ở lau nhà cho nó xa lơ xa lắc. Còn ba cái trường học ở nông thôn, như trường làng mình đây, ngó thấy mà buồn thúi ruột. Mùa mưa, trẻ con lội sình lép nhép từ nhà tới tận cửa lớp, biểu nó còn muốn đi học nỗi gì? Lại cái sự học cũng hổng ra làm sao. Học trò lớp chín, đi học cấp tốc hai tháng hè, về đứng lớp dạy từ lớp một đến lớp năm. Việc học của tụi nó còn chập chủm chập chọe, hèn chi con nít học hai năm không đọc chạy mặt chữ. Mấy đứa giỏi, học hết lớp 12 thì đua nhau đi học Anh văn, học máy tính gì đó, rồi xúm xít xin làm việc cho tụi nước ngoài. Khi không, tụi nước ngoài nó xớt ngọt trọn công sức đào tạo dạy dỗ của mình. Nghĩ mà ói máu!”.

Ngoài vàm, gió chướng đã nổi lên lao rao. Mặt sông cái như căng vồng lên bởi con nước triều đang lớn. Một chiếc tàu chở dầu kéo còi hù hụ chạy ngang. Một chiếc tam bản của ai đó đang ráng sức chèo ngược nước.

Châm một điếu thuốc, Út gục gặc đầu nói với tôi: “Mầy đừng nói nước mình còn nghèo nghen! Nghèo mà xe máy lạnh chạy mù trời, vi la xây rợp đất. Mầy dám gan, tao rủ lên thằng bạn nhậu bia ôm một bữa, mầy thấy dân mình nghèo cỡ nào liền hà! Nói thiệt, Tây còn phải lắc đầu chào thua mấy cha nội đó nghen mậy! Nghèo thật sự là dân làm ruộng. Như dân làng mình đây nè! Quanh năm còng lưng trồng lúa, hụp hửi nắng mưa sâu rầy; đôi lúc tưởng đã chắc ăn, đùng một cái, mất trắng như chơi vì lũ chụp. Trăm thứ bà dằn đều trông vô hột lúa. Vậy chớ lúa thì bán được bi nhiêu tiền? Tấn lúa bán được có ngoài trăm đô chút đỉnh, không đủ trận nhậu của họ mầy ơi!”.

Tôi ngắm anh bạn người cùng làng, thấy cái dáng lính trận vẫn còn sung lắm.

Hồ Tĩnh Tâm
Số lần đọc: 3061
Ngày đăng: 27.06.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ngôi nhà có khoảng sân, cổng và tường - Nguyễn Mỹ Nữ
A lô... Tôi xin lỗi - Nguyễn Lệ Uyên
Con mắt thứ ba - Trần Kim Trắc
Đường về trần gian - Đoàn Quang
Thế là…Chị ơi ! - Vũ Ngọc Tiến
Bão - Trang Thanh
Cha và...Con - Lê Xuân Quang
Kỷ Niệm Sông Elbe - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Lửa - Trần Văn Bạn
Những cuộc đời ảo - Lê Nguyệt Minh
Cùng một tác giả
Ngũ long công chúa (truyện ngắn)
Nàng (thơ)
Thầy Thi (truyện ngắn)
Có một mùa mưa (truyện ngắn)
Bến thần Kê (truyện ngắn)
Cu Đồ cháy mấn (truyện ngắn)
Chết giữa dòng sông (truyện ngắn)
Đêm Noen (truyện ngắn)
Vi rút rừng xuân (truyện ngắn)
Huynh đệ thần kê (truyện ngắn)
Gà đẻ gà cục tác (truyện ngắn)
Công an xã (truyện ngắn)
Hoành (truyện ngắn)
Bập bùng giai điệu (truyện ngắn)
Dòng sông tuổi thơ (truyện ngắn)
Cõi hoang thăm thẳm (truyện ngắn)
Mùa xuân dìu dịu (truyện ngắn)
Chuyện ở Làng Gao (truyện ngắn)
Chú Bảy (truyện ngắn)
Dấu ấn cuộc đời (truyện ngắn)
Một thời (truyện ngắn)
Thằng bé chết (truyện ngắn)
Tư Sẹo (truyện ngắn)
Nhỡ xe (truyện ngắn)
Con cà con kê (tạp văn)
Xóm phố (truyện ngắn)
Vòng quay của ngựa (truyện ngắn)
Con ngựa (truyện ngắn)
Giai điệu (truyện ngắn)
Bên hồ sen trắng (truyện ngắn)
Út Hường (truyện ngắn)
Bông điên điển (truyện ngắn)
Anh Dần (truyện ngắn)
Bạn cùng làng (truyện ngắn)