Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
667
116.539.229
 
Có một mùa mưa
Hồ Tĩnh Tâm

Sau chuyến đi thực tế tháng bảy trở về, ngồn ngộn tư liệu trong đầu, tôi quyết tâm ngồi vào bàn nhào nặn, viết cho kỳ xong một truyện ngắn. Mới đầu, tôi không biết mình sẽ đặt tên truyện là gì. Thật rắc rối. Mấy ông báo chí, bao giờ cũng tìm cách rặn cho ra cái tít thật kêu, thật ăn khách. Để làm gì cơ chứ? Sự chuyển tải nội dung bên trong mới là quan trọng. Kế đến là cốt truyện. Lại thêm một rắc rối nữa. Những gì tôi gặp đều rất đơn lẻ, có xâu chuỗi vào nhau, cũng chẳng thể nào gắn kết thành cốt truyện được. Ông Bảy thầy nò thì làm sao mà ăn nhập được với cô Ba bán bánh bò. Còn người đàn bà điên trắng trẻo, bốn lần có bầu, mà có biết tác giả là ai. Đàn ông trong xóm, trăm người đều nốc rượu như hũ chìm cả trăm, xỉn lết, còn biết trời trăng gió đất gì mà kén. Đàn bà thì chỉ giỏi chửi con, nhiếc chồng, và giỏi tào lao chuyện kín bà này ông nọ, đâu còn thời gian dòm dỏ chuyện người điên.

 

Bấn bí quá, tôi quyết định cứ viết tới tới, tới đâu hay tới đó. Nghĩa là cứ viết tràn lan những gì mình nghe, mình thấy, những gì mình đắc ý nhất. Mỏi tay gõ bàn phím từ mười giờ đêm đến năm giờ sáng, được tất cả mười trang A4. Nhìn ra cửa, thấy da trời đã bợt ra, tôi đứng dậy, vươn vai ba lần, rồi mò xuống toa lét.

Vừa đưa tay định vặn núm vòi nước, thì... phực một cái, điện phụt tắt tối thui.

 

Thôi chết! Vậy là toi cả một đêm tràn trề cảm hứng sáng tạo. Ông nhà đèn ơi là ông nhà đèn! Tôi đã kịp lưu miếng nào đâu! Sao người ta không bỏ tù cái thói quan liêu, trịch thượng kiểu độc quyền kinh doanh ấy nhỉ? Giá như truyện của tôi được đăng ở một tờ siêu nhật báo, có phải là tôi đã lủng túi cả hơn triệu

bạc không nào? Nam mô Bồ Tát! Đức Chúa, A men! Chỉ cần năm phút đặt tên, một phút vào mạng, bắn E-mail là xong. Vậy mà tất cả đã tanh bành như bong

bóng nổ tung.

 

Vợ tôi chui ra khỏi mùng, cằn nhằn: “Con bé lêu lổng cả ngày, nằm mớ, tè ướt nhẹp cả tấm chăn len. Trời sậm sịt như vầy, phơi tới mấy ngày cho khô!”. Vậy có điên không chứ! Mới hừng đông đã dầy lỗ tai về cái chuyện con nít, không đâu vào đâu. Người ta toi cả đống bạc, còn chưa dám chửi ai đây! Hiện đại là

hại điện vậy đó!

 

Chừng hay chuyện của tôi, vợ tôi xẵng giọng:

 

“Ông điên vừa thôi! Không có cốt truyện mà cũng đòi viết truyện! Viết lung tung chuyện thiên hạ, bảo vệ văn hóa họ không còng đầu, tôi chớ kể làm người! Ở đó mà mơ hảo bạc triệu! Mùa mưa gõ cửa đùng đùng, nhà dột như tương nát; giỏi thì phịa ra miếng đơn thiệt mùi mẫn xin trợ cấp công đoàn. Hôm nay chưa có lương, ăn dưa mắm nghe ông!”.

 

Đất địa ông trời ơi! Quả là một ý tưởng tuyệt vời? Cứu cánh đến từ dưa mắm, nhà dột. Tiền bạc có là cái thá gì! Thời nay muốn sắm thứ nào, cứ việc mua trả góp. Tức một nỗi là, cá mú, thịt thà, rau dưa... sao mấy bà hàng chợ không chịu học theo nền văn minh trả góp. Thời đại tiền mặt trao tay, đã đến hồi

báo tử rồi.

 

Cưỡi lên cái xe trả góp mỗi tháng trăm rưỡi ngàn, tôi phóng ra quán cà phê cô Tư Thắm, gọi một ly đen và nửa gói Jet - cũng theo phương thức trả góp tuyệt vời mà thời đại khuyến mãi đã sáng tạo ra từ cái thói cặm quán của cánh đàn ông ăn nhậu. Vừa nhấm nháp từng giọt đắng, tôi vừa nhớ lại tất cả.

 

Đó là vào một ngày của Chúa, hay của Phật gì đó, mà cũng có thể là ngày của quỷ Sa Tăng cũng nên, chiếc xe trả góp của tôi bị chết máy trên con đường đã được nước mưa của thiên đình nhào thành bột quánh. Nếu là xe đạp thì còn vác được. Đằng này, nó lại là sản phẩm công nghiệp chuyển giao công nghệ, của một quốc gia có số dân hùng cường nhất thế giới. Làm sao vác hơn tỉ người trên vai cho nổi. Bất lực, tôi đành ngồi xuống vệ đường, móc thuốc ra, ngồi đốt thời gian. Bấy giờ trời đã ngã về chiều. Ráng nắng đẫm hơi nước, đỏ quành quạch như máu của Ngọc Hoàng. Cơ chừng này, cầm chắc ngồi chết gí cho muỗi đói ăn thịt là cái chắc. Đang lúc tôi ủ dột như giẻ rách nhúng nước, bỗng có tiếng máy xe công nông phành phạch, sôi réo như súng trận, từ phía cua đường, khuất lấp sau rặng trâm bầu vọng lại. Rồi đột ngột ló ra chiếc xe xấu xí tới không tưởng nổi. Ngất nghểu trên đó là một người đàn bà, mà tôi thề với sình lầy, tới cả mắt của Tề Thiên Đại Thánh cũng không thể nào đoán được là trẻ hay già.

Thấy tôi, người đàn bà thắng xe lại, nhảy phịch xuống, đứng lù lù trước mặt như con gấu. Toét một nụ cười trắng lóa trên gương mặt nâu sậm, bà ta nói rổn rảng: “Ông nhà báo phải hông? Mới gặp tuần rồi trên vô tuyến. Ba cái vụ ông nói, nhằm nhò gì so với ở đây! Thôi, để tui giúp khiêng xe lên. Đất thịt vùng trầm thủy, nắng cả ngày mai cũng chưa đi được. Nào! Một, hai... lên nghen!”.

 

Ơn Chúa! Người đã ban cho con người đàn bà tốt bụng. Bà ta chẳng những đãi con cơm trắng, mà còn đãi cả rượu trắng, kèm thêm một đêm trắng. Đêm ấy, tôi thức tới lòi con mắt. Người đàn bà vừa rót rượu cho tôi, vừa liên mồm tố ông chủ tịch. Cứ như lời bà ta, ông chủ tịch ấy, chỉ là đồ vứt. Bà ta kể một cách khoái chí, rằng có lần bà đã kẹp ông ấy trong nách, rồi lôi xềnh xệch ra đường. Đó là lần ông ta say rượu, mò tới nhà bà đòi uống nữa. Cùng đi có tay thư ký ủy ban. Tay này đã say mèm, nên chỉ mới đổ thêm vài ly, đã lăn ra bộ ván ngựa, ngủ chổng cẳng. Ông chủ tịch cứng hơn, vừa uống vừa lè nhè, vừa dùng cả hai tay bốc hốt. Khi ông hốt vào chỗ ấy, bà ta đã nắm đầu ông, kẹp vào nách, lôi ra đường.

 

Tố xong ông chủ tịch, bà ta tố tới ông bí thư. Nhưng bấy giờ, tôi đã ngấm thứ nước thần men tới lử lả. Đầu óc tôi ong ong, chong chóng; càng lúc càng thấy bà ta phình ra, choán hết cả căn nhà. Và cuối cùng... tôi gục xuống bàn.

 

Những tưởng tôi sẽ được yên thân ngủ ngồi trong căn nhà xa lạ, ai dè bà ta lại lay tôi dậy. Không biết từ lúc nào, bà ta đã nấu xong một nồi cháo cá. Lạy Phật! Phải ăn vào lúc nửa đêm là một cực hình. Ấy vậy mà trên bàn lại còn bày ra một chai rượu khác. “Chèng ơi! Nhà báo gì đâu mà yếu xìu! Mấy lần thấy ông trên vô tuyến, coi mòi dữ dằn lắm cơ mà. Húp miếng cháo nóng, rồi tui kể cho nghe vụ ăn trộm heo bằng bao bố với tro bếp”.

 

Đành phải chống mắt ngồi nghe, chớ biết làm sao. Cái bà hộ pháp này, lái cả xe công nông, biết chừng nào mới chịu say giùm cho. Cứ như tôi thấy hồi chiều, chắc bà ta chưa hề bao giờ có chồng. Mà biết đâu, không chừng bà ta đã một hai đời chồng rồi thì sao. Quỷ bắt tôi đi! Ai đời lại chui đầu vào đây, để phải chịu hành thân bởi trận rượu lúc nửa đêm thế này. Cứ như sách tướng, bà ta đâu phải là tay vừa. Thứ đàn ông quanh năm sấp mặt gõ bàn phím như tôi, làm sao đáng mặt là đối thủ của bộ ngực Hỏa Diệm Sơn đồ sộ như vậy. Mà sao bà ta lại không mặc áo nịt ngực như người ta nhỉ? Cứ phơi ra lồ lộ như thách thức, tay

chủ tịch nào đó, không hư đốn sao được. Lại thêm hai bàn tay cứ hay xoa xoa vào mông. Đành rằng bà ta ăn bốc, phải xoa tay vào mông cho sạch mỡ. Nhưng cử chỉ ấy, ràng ràng là báng bổ thần linh. Vậy mà không hiểu tự làm sao, tôi cũng bị lây cái tật ấy. Một lần. Hai lần. Tới lần thứ ba thì bà ta phát hiện ra, dúi cho tôi cái khăn cáu bẩn. “Nhà báo thông cảm nghen! Tui mắc tật chùi tay vô quần. Mắc từ ngày mua xe về chở mướn tới giờ. Xe pháo lúc nào cũng dầu mỡ tèm lem, tiện nhứt là chùi vô quần”.

 

Ra là vậy. Tôi chỉ biết chạy xe, chứ có biết sửa máy bao giờ, làm sao tay dính dầu dính mỡ cho được. Hơn nữa, tạng của tôi là không chịu được dầu mỡ. Ăn bất cứ thứ gì, tôi không rửa mồm rửa tay là không chịu nổi. Có lúc đang ăn cũng phải chạy đi rửa. Vì cái tật ấy, tôi rất ghét ăn thứ gì mà bị dầu mỡ, muối mắm,

đường mật dính vào tay. Tới đi ăn ở hàng quán, bao giờ tôi cũng gọi phòng hờ ly trà đá, để có nước mà rửa. Ở nhà, tôi rửa tay một ngày vài chục lần, tắm mỗi ngày vài lần. Đến tháng trả tiền nước, vợ tôi nhìn tôi như nhìn quân giặc. May mà còn có tay đi ghi đồng hồ nước, biết nhìn tôi một cách thân thiện, hệt như phật tử nhìn thánh sống.

 

Tôi ngồi cò cưa với người đàn bà được khoảng nửa chai, bất giác trời chuyển dông, rồi đổ mưa sầm sập. Sấm sét đùng đùng, cùng với hơi nước mát lạnh, giúp tôi tỉnh được phần nào. Té ra là người đàn bà vẫn đang bắn liên thanh vào cuộc sống. Kẻ tử nạn lần này là một sư thầy hay ăn thịt chó, tu ở ngôi chùa trong

làng. “Làng này nhóc trẻ con có gương mặt Phật. Toàn là con của mấy bà hay lên chùa. Vườn chùa rộng minh mông, rào giậu kín bưng kín mít; lại còn thêm gần chục con chó. Đêm hôm, tới sư tổ của đạo chích cũng không dám mò vô. Sư thầy làm chi ở trỏng, chỉ có thần trùng mới biết”.

 

Đang xổ tràng tràng âm thanh như súng trận, người đàn bà bỗng dừng lại, đột ngột hỏi tôi: “Nhà báo hay đi đây đi đó, có rơi rớt đứa con nào ở đâu?”. Lại thế nữa. Quả là bà ta chẳng còn coi Quan Thế Âm Bồ Tát ra gì.

 

Thấy tôi có vẻ lúng túng, người đàn bà vừa xoa tay vào mông quần, vừa nói: “Nhà báo nói láo ăn tiền, đúng hông? Tui cũng đọc báo chớ bộ! Dân mình nghèo như vầy, đào đâu ra tiền, mà ngày nào cũng có báo tố ông quan này, ông quan nọ tham ô bạc tỉ? Nói họ hiếp đáp người ta thì tui còn tin. Như thằng Tửng công an. Con nít, hỉ mũi chưa sạch, cũng dám đứng chàng hảng, hạch sách tui chở hàng quá tải. Như ở xã này, tới họp hành, hè hội, cũng còn phải vận động xin tiền dân nữa là. Nhà nước dư tiền tới mức để mấy ổng tham ô bạc tỉ, sao hổng dám bỏ ra mà giúp đỡ gia đình có công? Hở chút gì cũng vận động? Phải mấy ổng vận động cho tui lên đời cái xe tải, tui mần ra nhóc tiền! Nói thiệt, tui chở hàng ăn tiền chuyến, chở quá tải thì bà con được nhờ; họ năn nỉ tui, chớ tui đâu muốn”. Người đàn bà cứ như vậy mà thao thao bất tuyệt. Chừng hết ve rượu thì trời đã sáng bạch. Bấy giờ người đàn bà mới nói lời có cánh: “Nhà báo nằm nghỉ cho khỏe. Để cái xe đó, tui sửa cho. Ông chồng hờ của tui, trước đây sửa xe máy. Sanh nghề tử nghiệp, ổng bị xe máy của người ta đụng té bể đầu. Trời còn mưa lắc rắc như vầy, tới trưa mơi, đường cũng chưa chắc đi được”. Suốt mấy ngày lử lả rượu đế với cóc ổi, mới nghe tới đó, tôi đã díp cả mắt.

 

Khi tỉnh dậy, tôi nhận ra mình đang nằm trên bộ ván ngựa; có trải chiếu, có gối đầu hẳn hòi. Ràng ràng là bà ta đã ẵm tôi như ẵm đứa bé. Tôi đã ngủ vùi từ hừng đông tới xế trưa. Tôi không hề hay biết là trời vẫn mưa mù mịt suốt từ hồi khuya tới giờ. Đài báo áp thấp nhiệt đới mà tôi quên béng đi mất. Rượu rõ là thứ nước có tài làm mất trí nhớ. Nhưng đêm qua, nếu không có rượu, làm sao tôi biết được, người đàn bà cũng từng cặp bồ với ông thợ sửa xe máy nào đó. Đời láu cá thật! Bà ta dám cặp bồ với ông thợ sửa xe, vậy mà lại dám chê ông chủ tịch, dám kẹp nách ông ta lôi ra đường. Khi người đàn bà mời tôi ăn cơm trưa, thấy bà ta tỏ ra thân thiện, tôi hỏi: “Ông thợ sửa xe, được mấy đứa con?”. Người đàn bà đang định đưa tay xoa mông quần, nghe tôi hỏi vậy, bèn đặt tay lên bàn. “Có mỗi đứa thôi. Giờ nó cũng ngồi sửa xe. Hồi đó tui cặp bồ với ổng để học nghề. Vợ ổng ghen riết róng lắm! Nhưng lại sợ tui như sợ cọp. Là bả sợ tui giựt mất chồng. Hom hem như bả, làm sao giúp ổng giải quyết được chuyện đó! Nói trộm vía thần linh, khoản đó mà không xong, làm sao có hạnh phúc. Tư còm kế nhà tui, tướng tá râu ria đàng hoàng, mà phải chịu phép cho vợ lén lút ăn bánh nhà người ta. Tức con vợ, có hôm lão nốc rượu, rồi mò qua đây, lạy lục xin tui cho lão được trả thù.

 

Nhà báo thấy có hèn không?”.

 

Thú thật là lúc đó, tôi thấy gai gai trong người. Cứ như tôi, cộng cả sức lực và ý chí, chắc cũng chẳng thấm thía gì, trước người đàn bà ô dề như gấu mẹ vĩ đại này. Giá như bà ta biết được điều đó, chắc chắn tôi sẽ bị coi thường, bị xếp vào hạng đàn ông hèn kém. Để đánh lừa người đàn bà ruột ngựa còn hơn cả ruột

ngựa, tôi hỏi: “Ông thợ sửa xe, ổng có yêu chị không?”. Nghe tôi hỏi, bà ta phá ra cười. “Chừng nào ổng mới chịu yêu tui. Ổng yêu vợ ổng còn không hết. Tui mới là người yêu ổng tới mụ mị, tới đâm đầu đi ghen ngược lại với vợ của ổng. Hồi đó, vì phục tay nghề của ổng, tui ngu tới tối trời luôn. Sau vụ đó, chừng nào tui mới dại dột mà ngu nữa. Xác phàm là thứ vứt đi. Tâm linh mới là cái cần phải giữ. Tật xấu của tui, làm mấy ổng hiểu lầm. Tui trị cho vài lần là cai hẳn. Hồi hôm tui nói, ba vụ nhà báo phát biểu trên vô tuyến, hổng nhằm nhò gì so với ở đây, là tui nói về sự nghèo khổ. Đừng tưởng tui kể tội mấy ổng là tui ghét mấy ổng. Ai cũng là người cả thôi. Tới cả sư thầy cũng vậy. Nhà báo có đọc sách Phật không? Con người ta, có khi tu cả đời, còn chưa giác ngộ ra chân ngã nữa là”.

 

Nghe người đàn bà nói về kinh Phật, tôi buột miệng hỏi, trong nhà có còn rượu không. Lập tức chị ta vô buồng lôi ra một chai rượu. “Tui sống mình ên thui thủi, lấy rượu giải buồn; mỗi bữa một hai ly, khi nào gặp đúng khách, khi đó mới xả láng. Xả láng cho sướng cái mồm, để mà giác ngộ cho tâm linh. Nếu tui

không nghe anh nói trên vô tuyến, chừng nào tui mới đãi ông uống rượu! Rượu hay nói lời cay cú. Tay bí thư xã nói với tui như vậy. Tui biết! Vậy mà tui vẫn không chịu được ổng. Nhưng không phải vì ổng, một vài lần say rượu, mò tới nhà tui. Nhà báo biết hông? Ổng là người hổng có năng lực. Tay chủ tịch cũng vậy. Mình phải tự biết mình chớ! Đeo chi cái chức mà mình không gánh nổi. Khổ cho thân xác của mình, khổ luôn cho cả thiên hạ. Phải nhà báo viết được, viết giùm tui điều này: Nhà nước nên tổ chức cho dân, mỗi năm một lần, được bỏ phiếu cách chức người không có năng lực. Dân được quyền bầu vào thì cũng cần được quyền bầu ra. Nhà báo thấy sao?”.

 

Lúc đó, tôi giả đò ngó lơ ra ngoài sân. Mưa nổi bong bóng phập phồng. Mối cánh ướt tổ, bay ra ngoài mù mịt, mắc mưa rụng lả tả xuống nước. Cóc từ các nẻ

đất bò ra, đua nhau nhảy chồm chộp theo từng con mối, rồi nuốt chửng một cách ngon lành.

 

Thấy tôi im lặng, người đàn bà lại lên tiếng. “Bao nhiêu năm xã thu tiền giao thông phí, mà làm con lộ hổng xong. Hai ấp gần ủy ban, đã có lộ lót đan bằng xi măng, nhưng lại dựng cọc cấm xe công nông không được chạy. Làm đường mà không cho xe chạy xe chở hàng thì cũng như không. Chỉ béo cho xe ôm. Mơi mốt cả xã lót xong đường đan rộng mét hai, chắc tui chỉ còn có nước bán xe đi làm mướn. Vậy mà hôm nối thông được đường đan của hai ấp, mấy ổng mời trên huyện xuống, nhậu nhẹt lu bù suốt một ngày. Phải hồi đó tui không dính với ông sửa xe, tui phấn đấu vô Đảng, tui cách mạng mấy ổng ráo trọi”.

 

Trời vẫn mưa rả rích một cách dai dẳng. Bong bóng phập phồng hoa nước trên sân như vậy, nơi vùng đất thịt trầm thủy này, chắc chắn tôi sẽ còn bị trói chân, còn phải tá túc ăn cơm chực của người đàn bà hộ pháp này.

 

Thấy tôi tỏ vẻ tư lự, người đàn bà lại nói. “Nhà báo cứ ở đây mà viết. Tui nuôi cả tháng cũng hổng nhằm nhò gì! Trời càng mưa, làng xóm càng sũng ra, càng phơi cái nghèo cho mấy ổng biết, mấy ổng xứng đáng tới cỡ nào. Làm ăn tèm hem như vậy, mà còn dám vác mặt đòi đi “khám điền thổ”. Phải mấy chả giỏi, tui đâu có tiếc. Mà nói thiệt, mấy chả dám thích tui thì cũng lạ. Coi nghèo rớt vậy, mà xã này cũng có bia ôm, rượu ôm, có gà móng đỏ nơi khác tìm về kiếm ăn. Có chức, không dám mò vào đó như đám trai tơ, bị rượu đốt trong bụng, mấy chả mới hứng ẩu. Mùa mưa này, lũ mà chụp đồng như năm Thìn, rồi thì còn xơ xác cả làng. Đám con gái nhà khó, dám kéo nhau cả đàn đi bán ôm kiếm cháo cũng nên. Cứ đợi thử tới mùa mưa năm sau rồi biết. Xảy ra cảnh đó, dám chừng tui phải liều mạng nhảy ra tranh cử, tìm cách tung hê mấy chả hết cho rồi”.

 

Tôi cứ miên man hồi tưởng về mùa mưa năm ấy, quên mất là nửa gói Jet đã cháy sạch sành sanh từ hồi nào. Chừng nhận ra điều đó, tôi mới chợt nhớ, tôi đã có một mùa mưa ướt sũng bao ý tưởng. Nhưng muốn viết thành truyện, thì phải bắt đầu như thế nào đây?

Hồ Tĩnh Tâm
Số lần đọc: 3463
Ngày đăng: 28.11.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đường về - Lê Đình Bích
Giữa dòng nước lũ - Anh Đào
Bốn Bức Thư - Lê Văn Thảo
Chuyện tình bên cửa sổ - Lê Văn Thảo
Cô áo hồng, cô áo tím - Lê Văn Thảo
Cảm hứng - Trần Kim Trắc
Kẻ trộm tình - Trần Kim Trắc
Ông thối bà thiu - Trần Kim Trắc
Một người bị bỏ quên - Hào Vũ
Nhạc rừng - Lương Hiệu Vui
Cùng một tác giả
Ngũ long công chúa (truyện ngắn)
Nàng (thơ)
Thầy Thi (truyện ngắn)
Có một mùa mưa (truyện ngắn)
Bến thần Kê (truyện ngắn)
Cu Đồ cháy mấn (truyện ngắn)
Chết giữa dòng sông (truyện ngắn)
Đêm Noen (truyện ngắn)
Vi rút rừng xuân (truyện ngắn)
Huynh đệ thần kê (truyện ngắn)
Gà đẻ gà cục tác (truyện ngắn)
Công an xã (truyện ngắn)
Hoành (truyện ngắn)
Bập bùng giai điệu (truyện ngắn)
Dòng sông tuổi thơ (truyện ngắn)
Cõi hoang thăm thẳm (truyện ngắn)
Mùa xuân dìu dịu (truyện ngắn)
Chuyện ở Làng Gao (truyện ngắn)
Chú Bảy (truyện ngắn)
Dấu ấn cuộc đời (truyện ngắn)
Một thời (truyện ngắn)
Thằng bé chết (truyện ngắn)
Tư Sẹo (truyện ngắn)
Nhỡ xe (truyện ngắn)
Con cà con kê (tạp văn)
Xóm phố (truyện ngắn)
Vòng quay của ngựa (truyện ngắn)
Con ngựa (truyện ngắn)
Giai điệu (truyện ngắn)
Bên hồ sen trắng (truyện ngắn)
Út Hường (truyện ngắn)
Bông điên điển (truyện ngắn)
Anh Dần (truyện ngắn)
Bạn cùng làng (truyện ngắn)