Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
682
116.517.774
 
Thầy Thi
Hồ Tĩnh Tâm

Năm 66, mùa đông ở huyện miền núiThạch Thành lạnh kinh khủng. Lạnh tới mức, sáng ra, sương trên tất cả các cành cây đều đóng băng thành từng hạt to như đầu đũa, chúng kết dính với nhau thành từng chuỗi lóng lánh. Mặt đất thì như bạc ra bởi sương giá. Hơi đất phả mù mịt. Tới tám giờ sáng, ngoài đường cũng chỉ nghe tiếng người, chứ chưa nhìn thấy mặt nhau. Khi mặt trời xua được màn sương, càng hiện rõ hơn cái lạnh tím tái, bởi tất cả các loài cây đều rụng lá xơ xác. Rau màu ngoài vườn bị sương muối chết rũ lá. Chim chóc trốn hết đi đâu. Tới gà trong chuồng cũng co ro, không thèm cất tiếng gáy. Con chó săn lông trắng, tên là Giôn Xơn của tôi, nằm cuộn trong ổ rơm dưới gầm giường, nó cũng tỏ ra biếng nhác, tới mức nhìn thấy tôi cũng không hề vẫy đuôi lấy có. Ấy vậy mà tôi với thằng em tám tuổi vẫn cứ phải tới trường.

 

Tôi chỉ có áo sơ mi và áo bông xanh Trung Quốc. Thằng em thì còn thêm cái áo đông xuân. Nhưng nó nhỏ quá, nó như bị giá lạnh bóp cho co lại, tím tái; và có thể bị rụng hai lỗ tai, nếu như có ai búng mạnh vào.

 

Chúng tôi đến lớp vào lúc còn mù sương. Lớp em tôi nằm ở lưng chừng đồi, lớp tôi ở cao hơn một chút. Thấy lớp đứa em trống vắng, lạnh lẽo, tôi nắm tay nó kéo lên lớp của mình. May quá. Trong lớp có ánh sáng lửa hắt lên. Thì ra thầy Thi dạy toán, đã đến nhúm lên một đống lửa từ lúc nào. Thầy nói: “Hôm nay lạnh dưới tám độ, chắc phải nghỉ học. Sợ các em không biết, thầy đốt sẵn đống lửa ngồi đợi”.

 

Đống lửa ngay gần bục giảng, toàn bằng củi gộc to như bắp chân người lớn. Từ đó tỏa ra mùi sắn nướng. Xin nói là lúc bấy giờ, mấy anh em tôi lúc nào cũng bị đói. Chúng tôi là dân thành phố Vinh đi sơ tán lên rừng. Mỗi ngày được một bữa cơm, với chỉ hai bát cơm độn ngô xay, và thêm một bữa hai miếng mì luộc bằng miệng chén, dày cỡ ngón tay. Thức ăn thì chỉ có dưa cải, với vỏ dưa hấu phơi khô, kho cùng cá trích từ dưới biển đem lên bán. Việc sáng sớm được ngồi ăn sắn nướng với thầy giáo là vô cùng sung sướng và hạnh phúc. Tôi đã lớn nên chỉ ăn một củ để giữ phép lịch sự với thầy. Còn thằng em tôi, nó ăn liền tù tì một lúc những hai củ to như cổ tay người lớn. Sợ nó ăn thêm củ thứ ba, tôi phải nhắc, ăn ít thôi, không bị nghẹn bây giờ. Thầy Thi nghe vậy thì cười. “Cứ để em nó ăn. Sắn của thầy trồng cải thiện đấy”. Thằng em háu ăn của tôi nghe vậy, liền khều thêm một củ đang vùi trong đống tro ra. Tất nhiên là nó không thể nào ăn hết.

 

Tám giờ vẫn chưa có ai tới lớp. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi tôi ở trọ cách lớp học chỉ chưa tới một cây số, còn các anh chị khác, phải lội suối trèo đèo đến từ các bản rất xa. Về tuổi tác, họ hơn tôi rất nhiều, bởi tôi là trẻ con thành phố, còn họ là dân miền bán sơn địa, và một số là người dân tộc Mường. Để giết thời gian, thầy Thi kể chuyện về Pitagor, về Ơcơlit, về Lôbalepxki. Rồi thầy đột ngột hỏi chúng tôi về cuộc sống. Tôi thật thà kể cho thầy nghe về việc ngày mồng 5 tháng 8 năm 64, nhà tôi bị trúng bom như thế nào, ba tôi thường phải đi công tác ở chiến trường Quảng Bình ra làm sao. Rồi chuyện chị tôi đang trọ học cấp 3 ở Thanh Tân, hai đứa em tôi còn nhỏ chưa đi học. Thằng em tôi lẻo mép nói thêm rằng, má tôi thương chị gái, có bao nhiêu gạo cũng lấy cho chị tôi đem theo, còn anh em chúng tôi ở nhà toàn phải ăn ngô bung thay cơm, nên lúc nào cũng đói, cũng thèm cơm tới cồn cào. Thầy Thi nghe vậy có vẻ buồn lắm. Đúng lúc đó thì anh Đức, bí thư chi đoàn lớp tôi bước vào. Anh ủ trong cái bọc vải cả một gói xôi lạc to tướng. Rồi thì lục tục chị Én, chị Nụ, chị Liễu, anh Sở cũng tới. Tôi lấy làm lạ là ai cũng đem theo cả một đùm xôi lớn ủ trong bọc vải. Sau này tôi mới biết, người Mường hay ăn cơm nếp. Hơn nữa, mấy anh chị này đều là đoàn viên, đã lớn nên họ hiểu trời lạnh dưới tám độ là học sinh được nghỉ, họ đem xôi tới để cả lớp cùng ăn cho vui.Gần trưa chúng tôi chia tay nhau ra về.

 

Sáng hôm sau, nhờ được thầy Thi dặn trước, nên thấy trời quá lạnh, tôi với thằng em nghỉ hẳn ở nhà. Khoảng một giờ trưa, đang ngồi đọc sách, tôi nghe bên ngoài có tiếng chuông xe đạp leng keng. Nhìn ra, thấy anh Đức chở trên gác ba ga một cái gùi lớn. Đó là gùi gạo lúa nương gần hai mươi ký. Anh Đức nói, đây là gạo anh đổi cho má tôi lấy mười ký bột mì của Liên xô.

Qua ngày hôm sau, lại thấy anh Sở chở tới một gùi gạo nếp, nói rằng đã bàn với má tôi, xin đổi lấy một thùng mỡ thực vật làm từ hạt hướng dương. Rồi tới chị Liễu, Chị Én, chị Nụ, anh Toàn… họ cũng chở gạo, chở nếp đến nhà tôi xin đổi bột mì, đổi ngô, đổi mì chính. Nhà tôi vì vậy không còn lấy một ký bột mì, một ký ngô nào cả. Đã vậy, mấy đứa bạn gái cùng tuổi mười ba với tôi, còn bắt gà, bắt cá tới đổi. Chúng đổi gà, đổi cá để nhờ má tôi may áo bà ba. Tất nhiên là má tôi may bằng kim tay. Vậy mà chúng nó tỏ ra thích lắm.

 

Thế rồi đùng một cái, thầy hiệu trưởng thông báo, kể từ tháng một trở đi, hàng tháng, ngoài tiền học bổng học sinh miền Nam tập kết, tôi còn được nhận tiền học phẩm, do liên tục được công nhận là học sinh xuất sắc của lớp. Em trai tôi không có học bỗng, nhưng cũng được nhận tiền học phẩm của trường.  Học bổng của tôi lúc bấy giờ là mười tám đồng, thêm hai suất học phẩm sáu đồng nữa, cọng lại cũng bằng nửa tháng lương của má tôi. Nhờ vậy, cuộc sống của gia đình tôi cũng đỡ được phần nào.

 

Mùa hè năm đó đến rất sớm. Khi chúng tôi thi kết thúc năm học, cũng là lúc thầy Thi, anh Đức, anh Sở lên đường nhập ngủ. Anh Đức tặng tôi cái mủ bông mùa đông, có hai miếng chụp tai giả lông cừu. Anh Sở tặng tôi một cái nỏ thân gỗ lim làm kỷ niệm. Còn thầy Thi, thầy đến tận nhà chào mẹ tôi, và đem tặng cho tôi một cuốn sách nói về cuộc đời nhà toán học Lôbalepxki, cùng với hai cuốn bài tập toán- là thứ sách rất quý hiếm vào lúc bấy giờ ở miền Bắc.

 

Vào một sáng tháng sáu, chị Én đạp chiếc xe phượng hoàng đến rủ tôi cùng xuống thị trấn Thạch Thành thăm thầy Thi, anh Đức và anh Sở. Trời nắng nóng, chúng tôi dừng lại dưới chân dốc Trẩu, xuống suối uống nước. Thấy một cây vả chiu chít những chùm trái chín đỏ, hai chị em tôi rủ nhau hái đem theo làm quà. Trong lúc ngồi xếp những chùm trái thơm lựng vào giỏ, chị Én nói: “Thầy Thi dạy giỏi thế, tính tốt thế mà đi bộ đội, tiếc cho trường lắm”. Trầm ngâm một lúc, chị lại nói: “Nếu không có thầy Thi, cả lớp không biết gia đình em bị đói. Chính thầy Thi đã bàn với chi đoàn chuyện đổi gạo, đổi nếp lấy bột mì, mì chính. Cả chuyện cấp học phẩm cho học sinh giỏi trong trường, cũng do thầy Thi  nêu lên”.

 

Nghe chị Én nói vậy, tôi bỗng thấy buổi trưa dưới chân dốc rộng ra tới vô cùng vô tận. Còn trong lòng thì dâng lên một nỗi niềm nghèn nghẹn.

Hồ Tĩnh Tâm
Số lần đọc: 3244
Ngày đăng: 08.06.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một khoảng xô bồ - Nguyễn Đức Thiện
Khoảng trống - Huỳnh Mẫn Chi
Làm mẹ - Trương Thị Thanh Hiền
Dạ khúc ven rừng - Trương Thái Du
Ông lão bán chim - Nguyễn Đức Thiện
Con sáo chưởi thề - Thu Trân
Tư Sẹo - Hồ Tĩnh Tâm
Linh hồn Hoa mai - Ngô Thị Hạnh
Một vụ ly hôn - Xuân Sách
Nơi ở của bọn mình - Trương Thị Thanh Hiền
Cùng một tác giả
Ngũ long công chúa (truyện ngắn)
Nàng (thơ)
Thầy Thi (truyện ngắn)
Có một mùa mưa (truyện ngắn)
Bến thần Kê (truyện ngắn)
Cu Đồ cháy mấn (truyện ngắn)
Chết giữa dòng sông (truyện ngắn)
Đêm Noen (truyện ngắn)
Vi rút rừng xuân (truyện ngắn)
Huynh đệ thần kê (truyện ngắn)
Gà đẻ gà cục tác (truyện ngắn)
Công an xã (truyện ngắn)
Hoành (truyện ngắn)
Bập bùng giai điệu (truyện ngắn)
Dòng sông tuổi thơ (truyện ngắn)
Cõi hoang thăm thẳm (truyện ngắn)
Mùa xuân dìu dịu (truyện ngắn)
Chuyện ở Làng Gao (truyện ngắn)
Chú Bảy (truyện ngắn)
Dấu ấn cuộc đời (truyện ngắn)
Một thời (truyện ngắn)
Thằng bé chết (truyện ngắn)
Tư Sẹo (truyện ngắn)
Nhỡ xe (truyện ngắn)
Con cà con kê (tạp văn)
Xóm phố (truyện ngắn)
Vòng quay của ngựa (truyện ngắn)
Con ngựa (truyện ngắn)
Giai điệu (truyện ngắn)
Bên hồ sen trắng (truyện ngắn)
Út Hường (truyện ngắn)
Bông điên điển (truyện ngắn)
Anh Dần (truyện ngắn)
Bạn cùng làng (truyện ngắn)