Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
727
116.506.636
 
Vòng quay của ngựa
Hồ Tĩnh Tâm

Thỉnh thoảng, Tùng vẫn thấy một người phụ nữ còn rất trẻ, dẫn theo đứa bé gái đến công viên, cho nó phi ngựa. Đứa bé tròn trịa, gương mặt hồng hào, hai con mắt đen lay láy. Người phụ nữ trông buồn rười rượi; dáng người như chảy ra nỗi sầu muộn không cùng. Người phụ nữ lêu nghêu như dấu chấm than, đứa con lủn củn như dấu chấm tròn. Và bao giờ cũng vậy, chỉ thấy có đứa bé với người phụ nữ, không bao giờ thấy một người thứ ba nào cả. Có lẽ họ là hai mẹ con. Mãi đến khi đứa bé gọi mẹ, Tùng mới nhận ra điều đó.

 

Đứa bé tỏ ra rất thích, khi được cưỡi ngựa quay vòng vòng; nhưng nó cũng tỏ ra rất rụt rè, không dám phi lúc lắc và hò hét như những đứa bé khác. Người mẹ lặng lẽ đứng nép bên gốc cây xà cừ, đôi mắt lâu lâu mới bừng lên chút tia sáng của niềm vui, khi bắt gặp ánh mắt của đứa bé chiếu về phía chị.

 

Công viên thị xã chiều nào cũng đông nườm nượp. Biết bao nhiêu là người. Biết bao nhiêu là những bậc cha mẹ chở con đi chơi. Nhiều đứa bé hầu như chiều nào, tối nào cũng có mặt. Chỉ có người phụ nữ ấy là thỉnh thoảng mới đưa con đến chơi. Dường như chị có ý thức về một điều gì đó. Những đồng tiền chị trả cho con phi ngựa, bao giờ cũng là những đồng tiền một ngàn, còn rất mới; hoặc còn rất cứng và rất phẳng phiu. Chính điều đặc biệt ấy đã khiến Tùng để ý đến chị.

 

Mỗi lần chơi chỉ một ngàn. Người mẹ không bao giờ cho con chơi nhiều hơn nữa. Khi hết vòng quay cuối cùng, người mẹ hối hả đến với con; đỡ đứa con xuống, rồi hấp tấp biến mất giữa biển người đông vui, tấp nập và thanh nhàn, vô sự. Nhiều lần, Tùng thấy gương mặt đứa bé ló lên trên vai mẹ, ánh mắt nó lóe lên nỗi thèm khát được ở lại chơi thêm vài vòng quay của ngựa.

 

Bẵng đi một thời gian không thấy hai mẹ con đến công viên. Rồi thêm một thời gian hơn cả tháng, cũng không thấy hai mẹ con đến. Tùng lo đứng đóng cầu dao điện, ngỡ đã quên đi; nhưng chợt một hôm, Tùng nghe vợ nói: “Nhà cái chị trẻ trẻ ấy, dạo này biến đi đâu không biết”. Chỉ một câu hỏi bâng quơ của vợ, mà Tùng thấy xốn cả lòng dạ. Ừ nhỉ! Hai mẹ con lóng rày không biết biến đi đâu! Chắc chị ấy nghèo, lo lam lũ làm ăn, không có thời gian đưa con đi chơi. Chỉ có người nghèo mới thương con một cách rụt rè giữa chỗ đông người như vậy. Nhưng mà có lẽ… Lạ thật! Chẳng lẽ chị ấy không có chồng, hay là chồng đã mất! Có bao giờ thấy người đàn ông nào đâu! Mấy năm nay lũ lớn tràn đồng, mênh mông như biển, người nghèo từ vùng sâu kéo về thị xã nhiều lắm. Họ đổ về cùng với sự đói ngèo, nhếch nhác; chấp nhận làm thuê, làm mướn đủ thứ công việc, với giá rẻ như làm không công.  Nhiều nhà qúa túng bấn, phải chấp nhận cho con gái xin vào quán bán bia ôm, bán cà phê ôm. Nhiều lần công an thị xã mở chiến dịch, Tùng thấy tận mắt, công an gom về đồn hàng chục cô gái, nhiều cô còn đang tuổi vị thành niên. Nhà chị trẻ trẻ có đứa con gái ba bốn tuổi, vẫn thỉnh thoảng đến công viên cho con phi ngựa gỗ, biết đâu cũng nằm trong số những người ngèo khổ ấy.

 

Một buổi sáng trời hanh hao, Tùng xách giỏ đi chợ thay cho vợ. Ra đến Cầu Tàu, Tùng ghé vào quán Hoa Nắng ngồi uống cà phê. Đang nhâm nhi từng giọt đắng, thốt nhiên Tùng nhìn thấy đứa bé trước đây vẫn đến phi ngựa gỗ; nó ngồi tha thẩn một mình, say sưa chơi một cách lặng lẽ với con búp bê mủ. Không biết nó chơi trò gì. Chỉ thấy nó hết dùng bàn tay vuốt tóc cho búp bê, lại loay hoay quấn khăn cho búp bê, rồi dùng chính cái khăn ấy lau mặt, lau tay cho búp bê. Đứa bé ngồi ở một góc rất kín, cách không xa chỗ Tùng là bao. Trông nó sạch sẽ, dễ thương, chứ không hề nhếch nhác.

Tò mò không biết mẹ nó làm gì ở đây, nên Tùng ngồi khá lâu. Anh vừa uống vừa kín đáo quan sát đứa bé; và cố gắng lắng nghe xem nó nói điều gì với con búp bê mà nó đang nựng trên đôi vòng tay múp míp. Không nghe được gì; nhưng hình như nó đang hát thì phải. Chỉ thấy đôi môi nó khe khẻ mấp máy. Khi đứa bé đặt con búp bê xuống nền gạch, đứng dậy đi bẻ mấy cái lá cây, tùng mới nhìn thấy trong góc khuất có cái giỏ đệm.

 

Ngồi hơn tiếng đồng hồ không thấy mẹ nó trở lại, Tùng đành phải kêu tính tiền cà phê để còn đi chợ. Anh hỏi cô nhân viên: “Cô ơi! Đứa bé ngồi kia, con ai vậy?”. Cô nhân viên vừa thối tiền vừa trả lời: “Nó tên Cát Hằng. Ngoan lắm! Mẹ nó đi bán vé số và bưng cà phê ngoài chợ; bưng từ quán đến các sạp cho người buôn bán; bưng giùm người ta, đặng người ta mua cho vài tấm vé”. Khi cô nhân viên thối tiền, Tùng nói: “Cô làm ơn đem cho con bé giùm tôi”. Cô nhân viên cười rất tươi. “Nó không lấy đâu anh! Em từng đem cho nó trái dừa, ổ bánh mì, cũng không bao giờ nó nhận. Trong giỏ lác của nó có một chai nước và ổ bánh. Nó chỉ uống nước và ăn bánh của mẹ nó mua thôi”. “Vậy khi mẹ nó về, cô dùng tiền này mua vé số giùm tôi”. “Nhưng mẹ nó biết anh ở đâu mà bán?”. “Mẹ nó biết đấy. Tôi là chủ mấy con ngựa quay ở công viên thị xã”.

 

Xẫm tối hôm ấy, người phụ nữ đưa con đến chơi ngựa quay. Khi vòng quay của mấy con ngựa mủ đã chuyển động, người phụ nữ mới đến bên Tùng, hỏi một cách nhã nhặn: “Anh nhờ mua vé số phải không?”. Tùng gật đầu. “Có! Tôi có nhờ chị bạn ở Hoa Nắng mua giùm mấy tấm. Thấy con chị dễ thương, tôi nghĩ biết đâu mình trúng số. Từ nay, mỗi ngày chị để dành cho tôi mười tấm, được không?”. Người phụ nữ lặng lẽ gật đầu, rồi đưa cho Tùng ba tấm vé và hai ngàn rưỡi. Tùng ngạc nhiên hỏi: “Sao chị lại đưa tiền cho tôi?”. “Hồi sáng anh đưa dư ngàn ruỡi, còn một ngàn là tiền cho cháu chơi ngựa quay”. Theo thói quen, Tùng định phá ra cười; nhưng rồi anh kìm được, chỉ gật gật đầu mà nói: “À, à.. Đúng rồi… Tôi hiểu”.

 

Từ đó, tối tối, người phụ nữ lại đưa con đến chơi những vòng quay của ngựa. Thấy Tùng mua vé của chị, nhiều bậc cha mẹ cũng mua theo. Mới đầu, người ta dặn chị lựa cho những tấm có số con rắn, con chuột, con ngựa… Về sau chị đem cả xấp đến bán. Trong khi những đứa bé hả hê sung sướng với vòng quay của ngựa, thì cha mẹ của chúng cũng có được niềm vui lựa chọn những tấm vé có số con ngựa, con dê, con mèo, con chó… họ tụm lại mua vé số, rồi họ tụm lại bàn tán chuyện làm ăn, chuyện thời sự, chuyện đông tây kim cổ, chuyện trên trời dưới đất. Nhiều khi mãi vui chuyện, họ cho con ở lại, phi tới ba bốn vòng quay của ngựa. Con gái người bán vé số, nhờ vậy cũng được phi thêm một vài vòng.

 

Liền một tháng trời như vậy. Chẳng ai trúng cả, nhưng người ta vẫn cứ mua. Mua để hy vọng, mua để được bù khú tán chuyện cho vui. Tùng đứng đóng cầu dao điện, nghe được không biết bao nhiêu là chuyện trên đời. Cả những chuyện động trời động đất. Ông nọ tham ô bạc tỉ phải ra hầu Tòa. Bà nọ cắm sừng đức ông chồng đang làm quan lớn. Có cô gái còn rất trẻ bị đánh ghen, bị cắt hết cả gân tay, gân chân, phải nằm liệt một chỗ trong bệnh viện… Và cũng nhờ đám người vui vẻ ấy, Tùng mới biết, đứa bé gái không phải là con ruột người phụ nữ bán vé số.

 

Trong cơn lụt năm Canh Thìn, chồng chị đóng bè chuối đưa con đi học, ngang qua vùng nước xoáy, chiếc bè sơ sài bị lốc đánh lật úp và tơi tả ra từng mảnh. Người cha cố hết sức cứu con, nhưng dòng xoáy qúa mạnh, đã nuốt chửng cả hai người, trước sự tuyệt vọng của dân làng lao thuyền ra cứu. Theo dòng người tha phương kiếm sống, chị đã đến thị xã làm nghề lựa cá về đêm dưới chợ. Công việc không nặng nhọc, nhưng phải thức trắng đêm, và phải chịu cảnh tanh tưởi nhớp nháp. Trong một lần về quê thăm mẹ, chị đã nhận đứa cháu con người em bạn dì làm con. Nó chính là đứa bé gái thỉnh thoảng vẫn đến phi những vòng quay của ngựa. Từ khi đưa cháu lên nuôi, ban ngày chị đi bán thêm vé số.

 

Mọi chuyện đang suôn sẻ, bỗng nhiên vào một buổi tối, mọi người ai cũng thấy hụt hẫng, trống vắng tới lạ lùng. Người phụ nữ trẻ góa bụa không đưa con đến chơi những vòng quay của ngựa.

Họ xúm lại hỏi thăm Tùng. Tùng cũng có biết ất giáp gì hơn. Đang lúc mọi người đứng chưng hửng nhìn nhau, thốt nhiên một chị béo núng nính te tái chạy tới. Chưa tới nơi, chị ta đã tiếng lớn hơn mồm: “Đâu rồi? Đâu rồi em ơi! Chị trúng rồi em ơi! Trúng nguyên lô độc đắc”. Nói xong câu đó chị ta òa ra khóc. Chị ta càng khóc to hơn khi biết người phụ nữ bán vé số đêm nay không có mặt. Vừa tu tu lên nức nở, vừa đưa cùi tay quệt hai hàng nước mắt dàn dụa, chị ta vừa kể lể: “Hôm qua tôi mua sau cùng. Là bởi tôi quên đem theo cái bóp. Cô ấy nói, chị cứ lấy đi rồi mai đưa tiền sau cũng được. Tôi thiếu cô ấy mấy chục ngàn mà vô bạc tỉ. Hức hức… Lộc trời em ơi! Nay chị em mình chia nhau mà sống. Vậy mà bây giờ em ở đâu?... Hu hu… Em ở đâu rồi em ơi!”.

 

Anh chồng chị béo đi xe gắn máy tới, kéo Tùng ra một chỗ. “Anh biết cô ấy chứ? Anh tìm cô ấy giùm vợ chồng tôi! Được lộc trời là do cô ấy đấy!”.

 

Đêm đó, mọi người ai cũng nán lại lâu hơn một chút. Người ta không bàn tới chuyện người phụ nữ béo núng nính trúng số, người ta chỉ bàn nhiều đến người phụ nữ góa, vẫn thường từng đêm đưa con đến chơi những vòng quay của ngựa, và bán những tấm vé số. Mỗi người mỗi nói, mỗi người mỗi thêu dệt. Họ thêu dệt bằng tất cả tình cảm và trí tưởng tượng của mình.

 

Sáng ngày, Tùng lại ra Cầu Tàu, vào quán Hoa Nắng uống cà phê. Nhưng ở cái góc khuất kín đáo, không còn thấy đứa bé gái ngồi chơi tha thẩn với con búp bê bằng nhựa. Cái góc trở nên sâu hun hút và trống vắng tới kỳ lạ. Hỏi thăm cô nhân viên, cô ấy nói: “Hình như chị ấy tên Thảo Đan, quê ở Đồng Tháp, hay Kiên Giang, hay An Giang gì đó. Tháng rồi nghe nói chỉ có đi bán máu trong bệnh viện. Nghe đâu bà già ở quê bệnh nặng lắm! Anh không thấy gương mặt chị ấy xanh hơn à?”.

Làm sao mà Tùng thấy được cơ chứ. Công viên ngập tràn ánh điện, lung linh đèn màu chớp chớp xanh đỏ tím vàng. Công việc của Tùng là đứng đóng cầu dao điện, và dõi mắt canh chừng những đứa bé phấn khởi tới qúa khích trên những vòng quay của ngựa. Đã mấy khi anh ngắm kỹ ai đâu.

Đành phải tìm vào Khoa xét nghiệm.

 

Cô nhân viên trực ban đưa cho Tùng mượn cuốn nhật ký hiến máu. Tùng lật mãi, lật mãi. Tới gần hết cuốn sổ mới thấy tên Thảo Đan. Trời ạ! Trong vòng một tháng mà cô ấy bán máu tới hai lần. Tùng nghe cô nhân viên nói với giọng buồn buồn: “Đúng ra mỗi người chỉ được hiến một đơn vị máu trong vòng ba tháng. Nhưng lóng rày tai nạn xe cộ nhiều qúa, dự trữ máu không đủ để đáp ứng; đành phải nhắm mắt mà nhận để cứu người. Mà người bị tai nạn, hầu hết là thanh niên ở đâu phóng xe đi chơi, làm sao thông báo kịp cho người nhà! Bởi vậy túng thì phải tính anh à!”.

 

Ngặt cho Tùng là trong sổ nhật ký hiến máu chỉ ghi nơi ở tạm trú của Thảo Đan mà thôi. Vậy thì còn biết tìm ở đâu. Đầu óc Tùng ong ong, văng vẳng câu nói: “Chị ấy tên Thảo Đan, quê ở Đồng Tháp, hay Kiên Giang, hay An Giang gì đó”. Trời ạ! Mênh mông biển sở, lại mới vừa qua cơn lũ, biết tìm đâu ra bóng chim tăm cá.

 

Tùng đành thất vọng ra về.

Về tới nơi, Tùng thấy vợ chồng chị béo đang ngồi nói chuyện với bà xã của anh. Gương mặt người nào người nấy đều sáng rỡ. Vừa nhìn thấy Tùng, người đàn bà béo núng nính đã toét miệng cười: “Hy vọng rồi anh ơi! Vợ chồng tui nhờ ti vi thông báo. Ti vi tỉnh mình phủ sóng rộng lắm! Thể nào cô ấy hổng hay”.

Ừ nhỉ! Thời buổi của thông tin cơ mà! Đến tế bào của sự sống trên sao hỏa mà người ta còn tìm ra được, huống nữa là con người bằng xương bằng thịt trên mặt đất.

 

Nhưng rồi thời gian cứ trôi qua. Trôi qua. Mãi tới bây giờ vẫn chưa ai hay được tin tức gì về người phụ nữ và đứa bé gái khoảng lên ba, lên bốn. Dẫu rằng ba bốn đài truyền hình của các tỉnh đồng bằng đã đưa tin liên tục. Dòng đời vẫn cứ chảy về phía trước như vòng quay của ngựa.

Đêm đêm, Tùng vẫn đứng đóng cầu dao điện, và canh chừng những đứa bé đang phi một cách lẫm liệt  trên những vòng quay của ngựa.

 

Những đứa bé này rồi sẽ lớn lên. Còn những con ngựa bằng mủ, chúng vẫn sẽ còn quay cho đến ngày phải thay bằng những con ngựa mới.

Hồ Tĩnh Tâm
Số lần đọc: 3038
Ngày đăng: 16.08.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cuống rún thiên thần - Bích Ngân
Lái gà - Lê Xuân Quang
Chưa kịp bình minh - Triệu Từ Truyền
Như là cổ tích - Nguyễn Một *
Xí bệt , xí xổm - Thai Sắc
Cô gái gọi mặt trời - Hồ Tĩnh Tâm
Chia đôi - Trần Huyền Trang
Kẻ phá thối - Lê Xuân Quang
Tạm biệt quán Con nai vàng - Nguyễn Hồ
Tạm biệt quán Con nai vàng - Nguyễn Hồ
Cùng một tác giả
Ngũ long công chúa (truyện ngắn)
Nàng (thơ)
Thầy Thi (truyện ngắn)
Có một mùa mưa (truyện ngắn)
Bến thần Kê (truyện ngắn)
Cu Đồ cháy mấn (truyện ngắn)
Chết giữa dòng sông (truyện ngắn)
Đêm Noen (truyện ngắn)
Vi rút rừng xuân (truyện ngắn)
Huynh đệ thần kê (truyện ngắn)
Gà đẻ gà cục tác (truyện ngắn)
Công an xã (truyện ngắn)
Hoành (truyện ngắn)
Bập bùng giai điệu (truyện ngắn)
Dòng sông tuổi thơ (truyện ngắn)
Cõi hoang thăm thẳm (truyện ngắn)
Mùa xuân dìu dịu (truyện ngắn)
Chuyện ở Làng Gao (truyện ngắn)
Chú Bảy (truyện ngắn)
Dấu ấn cuộc đời (truyện ngắn)
Một thời (truyện ngắn)
Thằng bé chết (truyện ngắn)
Tư Sẹo (truyện ngắn)
Nhỡ xe (truyện ngắn)
Con cà con kê (tạp văn)
Xóm phố (truyện ngắn)
Vòng quay của ngựa (truyện ngắn)
Con ngựa (truyện ngắn)
Giai điệu (truyện ngắn)
Bên hồ sen trắng (truyện ngắn)
Út Hường (truyện ngắn)
Bông điên điển (truyện ngắn)
Anh Dần (truyện ngắn)
Bạn cùng làng (truyện ngắn)