Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
780
116.660.603
 
Bông điên điển
Hồ Tĩnh Tâm

“chút xạc xào nói để làm chi

  con chim đồng tha cọng lúa bay đi

                                           H.T.T.

 

Tùng có rất nhiều tật, nhưng tật lớn nhất là hay yêu.

Lúc mới nhập học, khi chìa miếng giấy gọi nhập trường cho một cô gái ghi chép để phân chỗ ở, Tùng lập tức điếng người vì đôi mắt và đôi bàn tay của cô. Trời ạ, đôi mắt thăm thẳm xanh như hồ Dầu Tiếng, đôi bàn tay nõn nường như tạc ra từ bạch ngọc! Khi biết cô gái là cán bộ thư viện, Tùng đóng đinh luôn ở phòng học. Tùng đọc Hê Ghen, đọc Phơ Rớt, đọc Ních…đọc để chẳng thèm hiểu gì hết. Chữ nghĩa cao siêu nhưng không thực tế như đôi bàn tay, đôi con mắt của nàng. Nàng hỏi: Anh học triết à? Tùng chộp lấy câu hỏi ấy như chộp lấy cái phao cứu sinh giữa biển cả cồn cồn sóng yêu đương bỏng cháy. Không, tôi học về hạt và phản hạt; tôi đọc mấy cụ ấy cho vui. Cô gái cười: Anh có thích đọc Thích Ca Mâu Ni không? Trời ơi! Vậy là cánh cửa vào niết bàn tình ái đã mở toang ra rồi. Tùng chộp lấy cơ hội như con cọp chộp lấy con mèo hoang, say sưa nói với nàng: Chất liệu yêu thương của Phật giáo như dòng suối mát lịm ngọt ngào chảy giữa trần gian làm cho mọi vật xanh tươi, cỏ cây đâm chồi nẩy lộc. Tùng nói với nàng rằng, đức từ bi hiện hữu giữa cõi đời là thần dược xoa dịu những niềm đau nhân thế, hàn gắn những rạn vỡ tình người, xua tan những oán hờn thù hận, giải quyết căn nguyên của những kiếp phù sinh, đưa ta đến an vui trọn vẹn. Chỉ bi nhiêu đó, Tùng đưa được nàng đến chùa ăn cơm chay rằm tháng mười.

 

Gia đình Tùng sống bằng nghề nuôi cá đìa trong đồng, nên Tùng mắc phải tật hay hút thuốc như tía của Tùng. Hàng ngày, Tùng hay mua thuốc lẻ của một cô bán thuốc lá trước cổng trường. Cô hàng thuốc mặn mòi như cá rô kho tộ. Giữa chốn đô thành hào nhoáng mà cô ta lúc nào cũng thơm sực lên mùi thôn dã. Cái mùi gợi nhớ khói đốt đồng đến nôn nao lòng dạ. Sau mấy lần bắt gặp sóng mắt khuynh thành của cô, Tùng lâm ngay vào căn bệnh đa đoan mất ngủ. Một hôm ngứa miệng, Tùng nấn ná đưa đẩy với cô một câu chuyện về độ đậm đặc của khói thuốc rê trảng, rồi đọc tặng cô một câu ca dao như lối thả tình lơ lửng. Muốn ăn bông súng mắm kho, lén cha lén mẹ xuống đò theo anh. Ai dè cô hàng thuốc chân quê một cục lại văn vẻ cùng mình. Đá đuôi con mắt sắc lẻm như dao cau, cô thổi vào tai Tùng chuỗi âm thanh có cánh. Mẹ mong gả thiếp về vườn, ăn bông bí luộc dưa hường nấu canh. Sau lần thả thơ ấy đúng sáu ngày sáng tạo trần thế của Chúa, Tùng mời được cô hàng thuốc cùng vui vẻ một tối xi nê ở rạp Bến Thành.

 

Cái món nghệ thuật thứ bảy thật tuyệt vời. Trái cấm trong vườn địa đàng ngon ngọt ra sao Tùng không biết, chứ đôi môi mọng như bông súng của cô nàng hàng thuốc thì rõ là có vị măn mẳn đê mê quyến rủ. Ràng ràng phim ảnh là chất xúc tác tuyệt vời cho ái tình nẩy nở. Kinh kệ trong chùa có gắn kết được Tùng với cô thủ thư lần nào đâu. Sách Phật đã dạy rằng, không có hạnh phúc nào lớn bằng sự yên tĩnh của tâm trí; mà muốn tâm trí được thanh tịnh an lạc thì phải tránh tư duy tham dục, sân hận, ác tâm. Chà, thứ triết lý tình yêu của Phật, của ông Platon rõ là oái oăm, quái qủy.

 

Bài vở bù đầu qủa là thứ chết tiệt. Nó ngốn của Tùng hàng núi núi thời gian vàng bạc mà nữ thần Vénus đã ban tặng. Các hạt chuyển động, các tia nhảy múa. Năng lượng nghỉ của một gam vật chất lớn tới hai trăm năm mươi triệu ki lô oát giờ, phỏng có giúp được gì cho Tùng. Vấn đề cơ bản là sự tích tụ năng lượng rất cần phải được giải phóng. Nhưng thây kệ! Bản chất của vật chất là sóng; sóng lan tỏa, sóng truyền dẫn năng lượng. Tùng cao một mét bảy hai, nặng sáu mươi lăm ký, Tùng là cổ máy phát sóng thì Tùng biết làm sao được.

 

Ai đời đang giữa mùa ôn thi học kỳ mà cái cô cấp dưỡng ở nhà bếp lại lăn ra phải lòng Tùng mới khổ. Thủy mặc trầm trầm. Chỉ cần cô ấy vục cái vá hơi sâu một chút là suất cơm sinh viên của Tùng đã tha hồ dư thừa protit cho một ngày học hành và vui chơi cà nhỏng. Sau vài lần được ưu tiên cố ý, Tùng chợt nhận ra rằng, mình giống như con sâu đã dính tơ nhền nhện. Biết làm sao. Thêm một cuộc tình vui vẻ thì thêm niềm vui sống chứ có mất gì đâu. Đã là kỵ sĩ thì phải biết cầm cương tất cả các con ngựa chiến.

 

Cả năm môn thi Tùng đều được điểm khá. Một anh trai quê lên thành mà đạt điểm khá thì đích thực là giỏi rồi chứ còn gì. Đại học chứ có phải trung học phổ thông đâu. Chuyến về thăm nhà sau kỳ thi, con Tím em ruột của Tùng mừng húm, khoe rối rít về anh mình với cô Út láng giềng. Cô Út đâm ra len lén nhìn Tùng như nhìn thần tượng từ cung trăng rơi xuống. Cả làng Gò giữa cánh đồng ngập nước chỉ có mỗi mình Tùng leo lên tới đại học. Đại úy chớ tới đại tá cũng chẳng là cái gì. Làng Gò có tới hai ông đại tá cách mạng, một ông trung tá nguỵ quân Sài Gòn không thèm đi diện H.O. Cả ba vị ấy đã ai biết cổng trường đại học nó ra làm sao. Cô Út đẹp như bông mận chỉ dám nhìn lén Tùng cũng phải. Tùng thấy tội tội cho cô Út. Cô Út ngày xưa vẫn đeo bè chuối tắm truồng nhồng nhổng với Tùng dưới bến cây còng. Cô Út có lần bị đỉa trâu đeo hút máu ngay bắp vế, phải nhờ Tùng giựt ra giùm. Rồi Tùng với cô Út cùng đi học trường làng với nhau. Mỗi lần cô Út nhân toán thập phân không được phải nhờ Tùng chỉ giúp, Tùng vẫn thường cậy thế cú cho một cái ra trò. Vậy mà cô út chỉ học tới lớp tám đã phải nghỉ học theo ghe đi bán cá đìa. Nghỉ thương cô út, chuyến về quê này, Tùng rủ cô Út vô đồng bẻ bông điên điển.

 

 Vạt bông điên điển nổi lên giữa đồng nước như một vạt rừng bừng bừng màu hoa vàng gắt nắng. Tùng với út mải mê chèo xuồng vô lút trong vạt rừng, bẻ đầy một xuồng bông điên điển. Tới chừng thôi không bẻ nữa, Út hỏi: Đi học vui lắm há anh? Tùng đáp: Học bù đầu chớ vui cái nỗi gì! Út lại hỏi: chớ bộ anh không đi coi hát, coi xi nê à? Tùng nhớ tới cô bán thuốc lá. Cô ta cũng đậm đạp như út, nhưng mà tham lắm. Tự cô ta cứ rủ Tùng đến vườn cây sau lưng nhà thờ Đức Bà, rồi không bao giờ chịu buông cho Tùng ra về trước mười giờ tối. Út lại hỏi: Ở trển đọc sách đã đời luôn phải hôn anh Hai? Tùng nhớ tới cô thủ thư. Cổ trắng như bông bưởi, lúc nào cũng thơm sực mùi nước hoa xa lạ. Cấp chia tay Út lên thành đi học, Tùng nhớ có đọc cho út nghe câu ca dao: Trắng như bông lòng anh không chuộng, đen như cục than hầm biết làm ruộng anh thương. (Bữa nghe đọc câu đó, Út cười lỏn lẻn thấy mắc ghét). Không nghe Tùng trả lời, Út lại hỏi: Ở trển ăn uống cực khổ lắm phải hôn anh Hai? Tùng nhớ tới cô cấp dưỡng say Tùng như điếu đổ. Yêu đương rắc rối thật. Nếu không có ba cuộc tình vui vẻ ấy, biết đâu Tùng lọt mắt xanh cái Hương cùng lớp cũng nên. Cái Hương không đẹp được như cô thủ thư, nhưng ràng ràng là nhỉnh hơn Út về nhan sắc; chỉ tội Hương học giỏi qúa, điểm thi toàn chín với mười. Tùng định kể cho Út nghe chuyện con cọp trong sở thú sổng chuồng, lững thửng ra ngoài dạo chơi, khiến một cô gái sợ tới chết giấc khi bị người yêu bỏ rơi để trèo tót lên cây ngồi trốn, nhưng Út đã nói: Về thôi anh Hai!

 

Tùng trở về trường đại học với một keo lớn dưa giá điên điển. Nghỉ tới Hương hàng ngày vẫn ăn cơm với với muối sả, muối mè, Tùng sớt cho Hương một nửa chỗ dưa giá điên điển của mình. Hương ăn rồi khen: Chắc cô nào ở quê mát tay muối cho ông chớ gì? Ăn thấy thơm mùi con gái chưa chồng. Qủa nhiên chiều hôm ấy Tùng ăn dưa giá điên điển thấy thơm thơm mùi gì rất lạ. Lúc đến thư viện mượn sách, Tùng hỏi cô thủ thư đã ăn dưa giá điên điển bao giờ chưa. Cô thủ thư tròn mắt ngạc nhiên, hỏi: Điên điển là cái giống gì vậy? Ăn tầm bậy lỡ mang bệnh thì chết! Tùng lại đem điều đó hỏi cô bán thuốc lá, cô ta nhăn mặt, chun mũi nói: Cấp trước ở quê em cũng ăn rồi. Hồi đó thấy cũng được. Giờ lên thành, hổng dám rớ ba thứ mọc hoang bậy bạ ấy nữa. Tới chừng Tùng hỏi cô nhà bếp, cô ta phủi phủi bàn tay trái ngang lỗ mũi: Thứ đó đắng nghét mà chát ngầm hà! Anh thích, hôm nào em làm cho hủ dưa món, hủ kim chi cải thảo. Đồ lê ghim trên này rẻ rề!

 

Sáng hôm sau Tùng gặp Hương ở sân trường. Hương vỗ vai Tùng, hỏi: Bộ ăn dưa giá điên điển trúng thực hay sao mà coi buồn hiu vậy cà? Tùng cười thành thật: Mấy đứa cùng phòng xúm vô ăn hết ráo rồi còn đâu. Ăn như rồng cuốn. Chắc tụi nó mê cái mùi.

 

Đêm đó Tùng nằm mơ thấy mình cùng Hương bơi xuồng đi bẻ bông điên điển trong đồng. Chừng bẻ đầy một xuồng, Tùng nói: Bẻ thêm hay về há Hương? Hương cười khanh khách, cung tay thụi một cú vô ngực Tùng. Tham vừa vừa cha ơi! Bẻ nhiều ăn sao hết! Chiếc xuồng chòng chành mấy cái rồi lật úp. Bông điên điển nổi dềnh lên vàng rực. Sợ Hương không biết bơi, Tùng quơ tay ôm lấy Hương vào lòng. Nhưng lạ thiệt, vừa mới lúc nảy là Hương, sao bây giờ lại là Út. Út cười lỏn lẻn: Ở thành hổng có bông điên điển, phải hôn anh Hai?

 

Tùng phá ra cười trong giấc ngủ.

Đúng là vui thật. Ở thành làm gì có bông điên điển để muối dưa mà ăn cơ chứ!

 

Hồ Tĩnh Tâm
Số lần đọc: 3355
Ngày đăng: 30.03.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhạc trầm my - Ngô Phan Lưu
Một cuộc phỏng vấn - Trần Đức Tiến
Bông lục bình - Trần Lệ Thường
Bức tranh không lời - Trương Hoàng Minh
Chiếc dù nhiều màu - Hội An
Hiện tại - Đào Bá Đoàn
Đời tư - Huỳnh Mẫn Chi
Người cóc - Nguyễn Thị Diệp Mai
Cuốn sổ tay - Trọng Huân
Chuyện của chú cháu tôi - Hội An
Cùng một tác giả
Ngũ long công chúa (truyện ngắn)
Nàng (thơ)
Thầy Thi (truyện ngắn)
Có một mùa mưa (truyện ngắn)
Bến thần Kê (truyện ngắn)
Cu Đồ cháy mấn (truyện ngắn)
Chết giữa dòng sông (truyện ngắn)
Đêm Noen (truyện ngắn)
Vi rút rừng xuân (truyện ngắn)
Huynh đệ thần kê (truyện ngắn)
Gà đẻ gà cục tác (truyện ngắn)
Công an xã (truyện ngắn)
Hoành (truyện ngắn)
Bập bùng giai điệu (truyện ngắn)
Dòng sông tuổi thơ (truyện ngắn)
Cõi hoang thăm thẳm (truyện ngắn)
Mùa xuân dìu dịu (truyện ngắn)
Chuyện ở Làng Gao (truyện ngắn)
Chú Bảy (truyện ngắn)
Dấu ấn cuộc đời (truyện ngắn)
Một thời (truyện ngắn)
Thằng bé chết (truyện ngắn)
Tư Sẹo (truyện ngắn)
Nhỡ xe (truyện ngắn)
Con cà con kê (tạp văn)
Xóm phố (truyện ngắn)
Vòng quay của ngựa (truyện ngắn)
Con ngựa (truyện ngắn)
Giai điệu (truyện ngắn)
Bên hồ sen trắng (truyện ngắn)
Út Hường (truyện ngắn)
Bông điên điển (truyện ngắn)
Anh Dần (truyện ngắn)
Bạn cùng làng (truyện ngắn)