Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
862
116.626.884
 
Tư Sẹo
Hồ Tĩnh Tâm

*Năm 78, tôi đi sưu tầm văn học dân gian ở xã Rạch Đùi. Tại đây, tôi gặp và quen với Tư  Sẹo. Tư Sẹo cao một mét tám mươi, nặng hơn bảy chục ký, rất đẹp trai. Bên má trái anh ta có một vết sẹo vắt chéo từ sống mũi xuống cằm, coi rất ngang tàng.

- Mấy thằng biệt kích chơi xấu, rình bắn lén tui ngoài bưng. Nghe động hơi hám tụi nó, tui né kịp, không thì tiêu mạng từ hồi năm nẳm.

 

Bấy giờ Tư Sẹo là công an xã, quyền hành còn hơn cả Chủ tịch; đi đâu ho một tiếng cũng có người dạ thưa anh Tư. Mà anh Tư  mới hăm sáu tuổi hà. Độc thân mình ên nên anh Tư ăn nghỉ luôn tại trụ sở Ủy ban. Ban công an đóng ngay trong ngôi nhà tường của vợ chồng Năm Thạch, chạy dài từ con lộ đá ra ngoài mép nước sông lớn; cặp bên hông nhà là cái ao cá rộng cả ba công đất.

 

Tiếng là công an xã, nhưng lúc bấy giờ Tư  Sẹo suốt ngày đóng bộ sơ vin, đội nón phớt, đi giày bốt bằng da, đeo kè kè khẩu côn bên hông; tướng mạo hệt như  trong phim cao bồi của Mỹ. Tư Sẹo biết đọc, biết làm tính, nhưng lại chưa hề học qua lớp nào cả. Thuở nhỏ, anh ta được ông Tư Đờn ghi ta phím lỏm dạy cho mấy ngón đờn, mấy ngón ca vọng cổ, và chỉ luôn cho bi nhiêu đó chữ nghĩa. Vậy cũng đủ được coi là người có học ở xóm Rạch Đùi xa mụ mị bên triền sông lớn.

 

Hôm đầu tôi đến trình giấy tờ, đọc xong, Tư Sẹo hỏi tôi:

- Ông là nhà văn à? Tốt lắm! Tui cũng rành văn chương một cây.

Nói xong, anh ta gọi với vào trong:

- Thím Năm à! Vặn đầu con gà mái nấu cháo nghen thím!

 

Gà là gà của vợ chồng Năm Thạch. Trận nhậu bày ra cấp kỳ. Khi rượu đã đà đà, Tư Sẹo lôi cây đờn xuống ca liền mấy bản; rồi hắng giọng nói với tôi:

- Ông nhà văn này, dể tui đọc cho nghe bài ca dao xứ tui nghen!

Đó là một bài ca dao ngồ ngộ, rất hạp với tính cách của Tư Sẹo; tôi nghe một lần đã thuộc nằm lòng ngay lập tức.

 

Tưởng giếng sâu qua nối sợi dây cụt

Ai dè giếng cạn nó hụt cái sợi dây

Qua tới đây mà không cưới dược cô Hai mầy

Qua chèo ghe ra biển…  đợi nước đầy qua chèo vô.

 

Sau bữa nhậu ấy, Tư Sẹo mời tôi nghỉ luôn tại trụ sở của anh. Là sinh viên năm thứ hai đi sưu tầm văn học dân gian, được trưởng công an xã mời ăn nghỉ tại trụ sơ thì thật là còn hơn  vớ đuợc vàng.

 

Hừng sáng hôm sau, Tư Sẹo mời tôi qua chợ lớn của xã ở bên kia sông ăn hủ tiếu. Cùng đi với anh ta còn có một tay công an nữa, lùn tè, mập ú. Tay này đội nón rộng vành của dân vệ, xách theo khẩu AR16.

Vừa bước vô quán, Tư Sẹo đã lớn tiếng gọi rổn rảng:

- Cô Tư, cho ba tô đặc biệt, tô xương xúp, với be rượu nước nhứt nghen!

Anh ta gọi với giọng đầy quyền thế. Cô Tư chủ quán te te chạy ra, đá đuôi nheo với anh Tư rất lẳng.

- Anh Tư lấy ngót sớm vầy, chắc hôm nay đi họp trên huyện?

- Hôm nay qua đi công tác với ông nhà văn, giúp ông nhà văn này hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt. Chuyến này lu bu công chuyện cả tháng, cô Tư kiếm đứa nào qua tiếp nấu cơm, được hông?

Cô Tư cười tít cả mắt.

- Nhóc. Anh Tư khỏi lo. Được giúp anh Tư, giúp chánh quyền Cách mạng, phải ở không, em qua liền hà! À, mà con Tím được không anh Tư? Con nhỏ này được lắm. Kho cá với nấu canh chua khỏi chê.

 

Khi biết tôi là bộ đội chuyển ngành, Tư Sẹo càng nể tôi hơn. Từ đó, gặp ai anh ta cũng giới thiệu tôi là nhà văn quân đội. Mới đầu tôi rất ngại, chỉ nhăm nhăm cải chính mình là sinh viên, nhưng sợ Tư Sẹo bể mặt với bà con, thành thử tôi cứ để mặc anh ta nói sao cũng được. Ấy vậy mà nhờ anh ta nói qúa lên, đâm ra công việc sưu tầm văn học dân gian của tôi lại được việc trông thấy. Đến đâu tôi cũng được bà con sốt sắng kể cho nghe đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Bởi vậy càng ở lâu tôi lại càng thân với Tư  Sẹo; mà càng thân với Tư Sẹo tôi lại càng hiểu về anh ta.

 

*Trước giải phóng, Tư Sẹo vốn là chân chạy giấy tờ công văn cho xã, sau được sung vào du kích, đánh đấm ra trò; danh nổi tới mức, ở đâu có thằng ác ôn nào cần xử lý, cấp trên cũng phân Tư Sẹo vác bá đỏ đi phục kích. Tư Sẹo không bóp cò thì thôi, hễ đã nheo mắt bóp cò thì y như rằng thằng đó lủng sọ. Vết sẹo trên nặt anh ta không phải là vết đạn hay vết miểng bom miểng pháo gì, đó là vết sẹo do trèo cây bắt tổ chim sao sáo từ hồi còn nhỏ. Vết thương với vết sẹo thì cũng có khác gì nhau đâu.

 

  Sẹo nói với tôi:

- Tui hận tụi nó thua lẹ qúa. Đúng lúc tui biết đánh đấm ra trò thì tụi nó thua cái rụp. Thiệt lãng òm ông à! Nhưng mà công việc bây giờ cũng lu bu lắm. Nội ba cái việc tranh chấp bờ ranh, bờ vùng, mình giải quyết cho xong cũng muốn khùng cần cổ.

 

Tư Sẹo là người của công việc, nhưng lại rất mê cải lương. Tôi nhớ tôi về Rach Đùi được hơn một tuần tì có gánh cải lương trên tỉnh xuống hát tại xã. Suốt mấy đêm diễn. Đêm nào Tư  Sẹo cũng vác ghế ngồi ở hàng đầu, nhiệt tình vỗ tay rốp rốp như pháo nổ. Chỗ nào khoái, anh đứng hẳn dậy, hét toáng lên: “Hoan hô đi bà con!”. Bà con theo anh hoan hô rầm rầm. Tới đêm cuối, có tay kép phụ bị sốt nằm bẹp dí cả ngày, Tư  Sẹo xin với trưởng đoàn cho đóng thế vào. Thấy Tư  Sẹo tướng tá ngon cơm, lại ca cũng cọt quẹt, tay trưởng đoàn nước cùng nên cũng nhận lời. Chừng Tư Sẹo xuất hiện múa kiếm với một vị tướng, đáng lẽ sau ba hiệp Tư  Sẹo phải trúng thương lăn ra chết, ai dè Tư  Sẹo hứng qúa, vung gươm goánh hơn mười hai hiệp vẫn chưa chịu chết. Tay kép chính đóng vai tướng soái đổ mồ hôi hột, van nài: “Ngươi hàng ta đi, ta tha cho mạng sống”. Tư  Sẹo nương vào câu đó, hét lên: “Mi đừng hòng hy vọng! Hãy coi lưỡi kiếm của ta đây!”. Ông bầu đứng sau cánh gà hoảng quá, phải cho cúp điện. Sau khi nhắc Tư Sẹo nhớ kịch bản , điện bật lên diễn tiếp. Vậy mà Tư Sẹo vẫn còn vung gươm đánh thêm hơn hai hiệp mới chịu lăn ra chết. Anh ta chết đẹp tới mức bà con vỗ tay rần rần.

 

Trước khi gánh hát nhổ sào, kéo ghe đi diễn nơi khác, Tư Sẹo mời cả đoàn về nhà mẹ ruột ở Rạch Vọp, đãi một trận tới bến. Khi gánh hát mới vào tới ngõ, thấy đứa em gái đang quét lá loẹt quẹt trên vuông sân đất, Tư Sẹo vỗ vai em:

- Ủa, biểu bây nhốt gà, sao giờ này còn để gà chạy ngời ngời ngoài sân vậy cà. Thôi, vô nhà nhúm lửa bắc nước. Vụ gà qué để tao lo.

 

Nói xong, Tư Sẹo đứng chạng hảng, móc khẩu con nổ đòm đòm liền mấy phát. Lần đầu tiên tôi tận mắt chứng kiến tài thiện xạ của Tư Sẹo. Mười phát mười con gà nát đầu lăn ra giãy chết. Vậy mà anh ta còn bủa chài kéo lên cả đống cá.

 

Bữa nhậu hôm đó, dân chúng kéo đến rần ì. Là bởi lần đầu tiên dân Rạch Lọp được tự nhiên đờn ca tài tử với đào kép chánh hiệu của tỉnh. Đờn bà thì mang tới bánh trái, đờn ông thì mồi màng. Ê hề cua ốc, rùa rắn. Nhậu đùng đùng như đám giỗ.

 

*Một buổi chiều, tôi từ dưới Láng Voi về tới trụ sở Ủy ban xã, thấy có mấy người thanh niên đang ngồi lui cui nhổ cỏ trên sân, trong đó có em trai của Tư Sẹo. Hỏi ra mới biết, mấy người đó bị phạt lao động công ích vì tội đá gà ăn tiền. số gà đá cũng bị gom hết về xã cùng với số tiền cá độ.

 

Sập tối, Tư Sẹo gọi tay công an mập lùn tới hỏi:

- Biểu thằng Út nhà tao mần mấy con gà bắt xác nấu cháo. Đằng nào gà cũng chết rồi. Tiền thì đem giao nộp tài chánh. Giao hết, hổng được giữ một cắc, mang tiếng.

 

Hồi bấy giờ, mọi việc ở xã đều được giải quyết rất cảm tính. Tư Sẹo muốn phạt ai bao nhiêu tiền, giữ ai bao lâu, anh ta đều tự ý tùy theo vụ việc mà định đoạt. Người nào muốn tại ngoại thì phải đóng tiền cho xã. Bởi vậy có nhiều chuyện rất tức cười. Như chuyện đôi trai gái nọ ở xứ khác tới xã gặt mướn, rủ nhau xuống ghe làm tình. Đám thanh niên trong xã rình bắt được, dẫn độ lên công an.

Thấy đôi thanh niên mặt mày xanh lét, Tư Sẹo lớn tiếng hỏi:

-  Anh chị là sao với nhau mà ăn nằm dưới ghe nhà người ta?

Anh thanh niên nhìn cô gái. Cô gái nhìn anh thanh niên, rồi cúi mặt ấp úng trả lời:

- Dạ, thưa anh Tư, tụi em sắp làm đám hỏi!

Vậy là Tư Sẹo quay ra nạt đám thanh niên.

- Tụi bây nghe chưa! Tự dưng dám rình rập bắt bớ vợ chồng người ta. Về ngay!  Còn tọc mạch kiểu này, coi chừng tao còng hết lượt bây giờ.

 

Khi đám thanh niên tẻn tò đi khỏi trụ sở, Tư Sẹo mới hạ giọng nói với hai người:

- Đêm nay tui giữ mấy người ở đây. Sáng mơi cả hai phải làm xong bản cam kết cưới nhau đàng hoàng. Nếu gạt tui, tui sẽ báo về chánh quyền sở tại, bỏ tù mọt gông.

 

Hay như chuyện du kích bắt được tay trộm gà trong xóm giải lên xã. Tư Sẹo ngồi chéo ngoảy trên bộ ngựa, gườm gườm nhìn tay thanh niên, hỏi:

- Bây con ông Bảy lò bún ở Rạch Bắp, phải hông? Nhà dư dã, sao còn đi bắt gà của người ta?

Tay thanh niên ấp úng trả lời:

- Dạ, con lỡ dại, chú Tư tha cho!

- Chú Tư cái gì, tao hơn bây chưa tới nửa con giáp. Bây trả lời câu tao hỏi đã.

Chàng trai vặn vặn hai bàn tay, không dám nhìn thẳng vào Tư Sẹo, nói:

- Tháng sau em đi nghĩa vụ. Lỡ hứa đãi tụi nó một chầu, mà gà nhà em bị bệnh toi, chết sạch không còn một con.

Tư Sẹo vỗ đùi cười hả hả.

- Bây ngu! Bây đi nghĩa vụ thì tụi nó phải đãi. Nhưng thôi! Nam nhi chi chí. Đã hứa thì phải làm. Nè, cầm tiền của tao đi mua lại mấy con gà nầy của người ta. Trưa mơi anh Tư mầy tới nhậu luôn. Mà có tiền mua rượu chưa đó cha? Chưa có thì để đó tao lo cho khoản rượu.

 

*Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi được phân công về dạy tại trường bổ túc văn hóa cán bộ tỉnh. Trời xui đất khiến sao đó, Tư Sẹo lại được cử đến trường đi học. Trong hồ sơ anh ta khai trình độ văn hóa lớp sáu.

 

Gặp tôi, Tư Sẹo cười hề hề:

- Không dè được học với ông thầy. Ông thầy thông cảm, nói giùm với ban giám hiệu. Nhiều thằng đọc viết còn kém hơn tui mà dám khai lớp bảy, lớp tám. Nhưng cái khoản hình học với đại số sao mà rối rắm qúa trời. Hổng biết học cái đó để làm gì. Biết vậy tui khai lớp ba thì vừa. Nhưng lỡ rồi, giờ đành chịu cực chớ sao. Coi vậy mà học hành còn lu bu hơn làm công an xã.

Tư Sẹo là người biết chịu cực trong học tập. Suốt ba năm học ỏ trường, anh ta trần lưng đánh vật với chữ nghĩa, vậy mà vẫn ạch đụi, không bằng ai với ai. Có điều anh ta rất nhiệt tình với công việc đoàn thể.

 

Hồi đó ở tỉnh người ta gọi tắt trường tôi là trường công nông. Học viên toàn là cán bộ gộc trong kháng chiến và con cái cán bộ, con em liệt sĩ.  Đám choai choai không phải là cán bộ đi học, cậy thế gia đình, quậy phá nổ trời.

Tư Sẹo bàn với tôi:

- Thầy đứng ra thành lập tổ võ thuật, tui lãnh chưn đội trưởng cho. Lấy độc trị độc. Tụi này phải gom thành lò, có vậy mới ngăn được tụi nó phá quấy.

Té ra Tư Sẹo là con nhà võ nòi. Côn quyền đao kiếm, món nào cũng rành. Đám thanh niên mới lớn, nhờ sự quy tụ luyện tập của Tư Sẹo, tự nhiên nhanh chóng răm rắp tuân theo quy cũ nhà trường đâu vào đấy. Mỗi lần văn nghệ, bao giờ cũng có tiết mục đấu võ theo nhạc. Trống thúc, nhạc dồn lên, từng đôi ra sân múa may quay cuồng, loa lóa như trong phim chưởng. Cả đám thanh nữ cũng tham dự. Nữ song đấu với nam. Nhất nữ sử đoản côn phá tam nam mã tấu. Cả hội trường bốc lên ào ào tiếng vỗ tay như  bão.

 

*Lụi bụi mấy năm trời, rồi Tư Sẹo cũng lận lưng được miếng bằng tốt nghiệp cấp ba, về công tác ở ban an ninh của tỉnh. Từ đó tôi rất ít gặp anh ta. Một lần lên bưu điện thị xã lãnh nhuận bút, tình cờ tôi gặp Tư Sẹo. Thấy tôi, Tư Sẹo mừng thiếu điều ôm lấy tôi mà nhấc bổng lên.

- Chà, tui đọc báo tỉnh, gặp bài của ông thầy hoài hà! Truyện ông thầy viết đã ngứa lắm. Mà báo cũng bén. Thơ ông thầy đăng tui cũng đọc. Có bài còn thuộc rành rẽ từng câu.

Tư Sẹo lôi tuột tôi vào quán nhậu. Giữa chốn đông người, Tư Sẹo lôi thơ của tôi ra đọc bô bô như kiểu ca tài tử trên sân khấu.

 

Tóc còn xanh đời vốn bạc đầu

Có lẽ nào hỡi sông Tiền, sông Hậu!

Chín nhánh rồng ghi một thời thơ ấu

Hái lục bình cho mẹ nấu canh chua;

Tóc mẹ bạc rồi còn tóc ta chưa

Cái màu bạc như bạc đầu con sóng.

Có lẽ nào ta sống không hoài vọng

Con sấu ngoài sông, con rắn trong đồng

Và bông súng, bông sen, bông lục bình tím nữa.

Mẹ dạy con vặn nùn rơm giữ lửa

Và giang tay mở cửa đón khách vào

Kết làm anh em cầm chắc lấy ngọn dao

Khai sáng, đào kinh, lập làng lập ruộng

Đời kế thừa mở ra bốn hướng

Tóc còn xanh đời vốn bạc đầu.

 

Kể ra Tư Sẹo đúng là người máu mê văn chương thiệt. Thơ thẩn của tôi thì có ra gì, có lẽ anh ta mến tôi nên mới học thuộc. Mà anh ta thuộc nhóc nhách các bài thơ mà chính tôi cũng không biết là anh ta moi ra ở đâu. “Đêm qua tôi mơ chết ngoài đồng, chim sơn ca đậu trên nón sắt, chiến tranh đi qua đây, ngực quê hương lủng đầy vết đạn, đổ hết máu ra ngoài con tim, nên chúng mình ốm yếu, người yêu cười xanh xao”.

 Sau khi đọc rổn rảng một lô một lốc các bài thơ, Tư Sẹo kể:

- Hồi mới lên thành, tui chạy Honda chưa rành. Một bận đeo phá án trên Sài Gòn, tui phải rượt theo một con nhỏ hai mươi hai mốt. Trẻ khô mà nó xiết ga phóng ào ào, lạng lách thấy mà chóng mặt. Đến ngã tư, nó vượt cắt ngang mặt hai chiếc xe chạy ngược chiều. Tui hoảng hồn đạp thắng. Vậy là nó biến mất tăm mất tích. Sau vụ đó, tui tức muốn điên, tối nào cũng xách xe vô sân vận động tập lạng lách với tốc độ tám chín chục cây số. Cuối cùng tui cũng tóm được nó trên xa lộ đại Hàn.

 

Khi nghe tôi hỏi chuyện vợ con, Tư Sẹo hào hứng hẳn lên.

- Vợ tui ở nhà buôn bán lặt vặt. Không có học thì còn biết làm gì ngoài chuyện đó. Bả nguyên là phạm nhân. Nhà nghèo, lúc đầu bả vô viện bán máu. Rồi xoay qua đánh số đề số đuôi. Về sau túng quẫn, bả đi làm gái. Cảnh sát khu vực bắt hoài, bả cũng làm hoài. Không làm, đào đâu ra tiền nuôi mẹ già sáu mươi tuổi đang bịnh lao. Tiếc cho nhan sắc của bả, tội cho hoàn cảnh của bả, tui đứng ra bảo lãnh cho bả tại ngoại. Rồi cưới. Cưới để tiếp bả nuôi mẹ già. Cấp trên mới đầu không cho phép. Tui cãi. Người ta cưới đĩ về làm vợ, chớ không ai cưới vợ về làm đĩ. Cãi riết rồi mấy ổng cũng chịu. Vậy mà hạnh phúc nghen thầy. Tháng sau mời thầy tới nhà ăn mừng cho sanh nhựt của cháu. Thằng cu, tròn như trái quách nghen thầy! Con trai mà da trắng hệt như mẹ nó, môi đỏ hệt như môi mẹ nó. Cặp mắt cũng vậy. To đen lay láy. Biết cười cả bằng môi bằng mắt. Thằng này lớn lên trổ mã, chắc con gái tới nhà sắp hàng xếp lớp.

 

Đang vui, bỗng Tư Sẹo sựng lại. Mãi một lúc sau mới nói.

- Có lẽ tui phải bỏ nghề. Năm ngoái tui bị mấy thằng trong băng trấn lột chém trúng một nhát mã tấu vào đầu. Gần đây thỉnh thoảng vết thương tái phát, sây sẩm mặt mày, tới đứng cũng không vững. Ở quê còn ruộng đất. Nếu còn khỏe thì lại làm công an xã. Bằng không thì làm phó thường dân.

 

*Nhớ tới ngày sinh nhật đứa bé, tôi đạp xe tìm đến nhà Tư Sẹo. Nhà vắng hoe. Hỏi thì hàng xóm cho biết: đêm qua Tư Sẹo tham gia phá án, bị một thằng du thủ du thực dùng dao Thái Lan đâm lủng phổi, hiện đang cấp cứu trong bệnh viện.

 

Khi tôi tới viện thì người ta đã chuyển Tư Sẹo lên tuyến trên. Tôi đành thất thểu ra về. Khi ra tới cầu tàu sông lớn, tôi vo tròn cái nón vải liệng xuống sông, bụng thầm nghĩ: Người như Tư Sẹo, không trời độ thì người cũng độ. Sáng mai tôi đưa cả nhà lên thăm cũng chưa muộn.

Sóng cuốn chiếc nón vải trôi lừng lững. Nếu không chìm, nó sẽ ra tới biển.

Hồ Tĩnh Tâm
Số lần đọc: 3161
Ngày đăng: 04.06.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một vụ ly hôn - Xuân Sách
Nơi ở của bọn mình - Trương Thị Thanh Hiền
Ba tôi - Huỳnh Mẫn Chi
Tản mạn về Cần Thơ - Hư Thân
Tin chiều - Bích Ngân
Ngày mơ qua bình yên - Thu Trân
Năm chục ngàn - Tâm Đào
Buổi chiều của Họa Mi - Ngô Thị Hạnh
Ba người nữ trên xe đò - Triệu Từ Truyền
Cơm bình dân - Nguyễn Văn Ninh
Cùng một tác giả
Ngũ long công chúa (truyện ngắn)
Nàng (thơ)
Thầy Thi (truyện ngắn)
Có một mùa mưa (truyện ngắn)
Bến thần Kê (truyện ngắn)
Cu Đồ cháy mấn (truyện ngắn)
Chết giữa dòng sông (truyện ngắn)
Đêm Noen (truyện ngắn)
Vi rút rừng xuân (truyện ngắn)
Huynh đệ thần kê (truyện ngắn)
Gà đẻ gà cục tác (truyện ngắn)
Công an xã (truyện ngắn)
Hoành (truyện ngắn)
Bập bùng giai điệu (truyện ngắn)
Dòng sông tuổi thơ (truyện ngắn)
Cõi hoang thăm thẳm (truyện ngắn)
Mùa xuân dìu dịu (truyện ngắn)
Chuyện ở Làng Gao (truyện ngắn)
Chú Bảy (truyện ngắn)
Dấu ấn cuộc đời (truyện ngắn)
Một thời (truyện ngắn)
Thằng bé chết (truyện ngắn)
Tư Sẹo (truyện ngắn)
Nhỡ xe (truyện ngắn)
Con cà con kê (tạp văn)
Xóm phố (truyện ngắn)
Vòng quay của ngựa (truyện ngắn)
Con ngựa (truyện ngắn)
Giai điệu (truyện ngắn)
Bên hồ sen trắng (truyện ngắn)
Út Hường (truyện ngắn)
Bông điên điển (truyện ngắn)
Anh Dần (truyện ngắn)
Bạn cùng làng (truyện ngắn)