Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
848
116.683.634
 
Qua đèo Mã Pí Lèng
Phan Văn Thạnh

 

 

Tôi khệ nệ vác cái U70 leo lên các bậc thang Mã Pí Lèng mà không ngờ mình đã sa vào trận địa của thành lũy muôn trùng đá vây khốn.Hẻm vực Tu Sản,dòng sông Nho Quế bên dưới dài 1,7 km,sâu 700-800m,sâu nhất Việt Nam và Đông Nam Á - từ lâu được mệnh danh “Đệ Nhất Hùng Quan”.

Trên non cao từng chòm mây bông co cụm thì thầm bàn bạc với nhau điều gì rồi phân tán xé mỏng rời rạc lửng thửng trôi giạt bâng quơ bỏ mặc tôi ngơ ngác - cô đơn - trống rỗng giữa tư bề càn khôn : Thiên địa diếu vọng hề hà mang mang/Trượng sách ưu du hề phương ngoại phương…/ Phóng tứ đại hề mạc bả tróc/Liễu nhất sinh hề hưu bôn mang – (Ngắm trời đất sao mà mênh mang / Chống gậy rong chơi ngoài thế gian;…/Buông hình hài,đừng nắm bắt / Tỉnh một đời người,thôi đừng chạy đôn,chạy đáo …(*)

Dưới chân tôi là sự gan góc lầm lì của toàn khối cao nguyên đá xám đen,trông rất “ngầu” hiện diện nơi này hàng trăm triệu năm rồi .Tự dưng một ngàn lần tôi không hề tin cái“bia đá” Đồng Văn khổng lồ này có thể dễ dàng bị bào mòn ; và cũng chịu thôi tấm“bia miệng”xưng tụng Mã Pì Lèng :“vua” của các con đèo Việt Nam,xứng đáng là một trong“tứ đại đỉnh đèo” (Mã Pì Lèng,Pha Đin,Ô Quy Hồ,Khau Phạ) của vùng núi Tây Bắc Việt Nam - ngàn năm vẫn trơ cùng tuế nguyệt !

Mã Pí Lèng (马鼻梁) - tên gọi theo tiếng Quan Thoại chỉ sống mũi con ngựa theo nghĩa đen. Nhưng theo nghĩa bóng tên gọi này chỉ sự hiểm trở bậc nhất của đỉnh núi, nơi những con ngựa cái leo lên đến đỉnh trụy thai mà chết, nơi dốc cao đến mức con ngựa đi qua phải tắt thở, hoặc đỉnh núi dựng đứng như sống mũi con ngựa..

Đỉnh Mã Pí Lèng thuộc ba xã Pải Lủng, Pả Vi và Xín Cái(Huyện Mèo Vạc - Hà Giang) trong cao nguyên đá Đồng Văn,có độ cao khoảng 2000m so với mặt nước biển, được tạo nên bởi một loạt trầm tích gồm đá vôi,đá phiến ánh,đá vôi silic chứa các hóa thạch cách đây khoảng 426 triệu năm, bao gồm trong đó nhiều vết trượt và vết nứt do các hoạt động tạo núi gây ra. Cảnh quan khu vực này lởm chởm đá dựng,trong đó vực sâu sông Nho Quế như xẻ đôi một bên là đỉnh Mã Pí Lèng và một bên là Săm Pun (Sam Pun),nơi có cột mốc biên giới và cửa khẩu thông thương từ Xín Cái sang Điền Bồng,Trung Quốc. Các học giả Pháp,từ cả trăm năm trước,đã gọi đỉnh Mã Pí Lèng nói riêng và Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn nói chung là một "Tượng đài Địa chất". Đi trên đèo Mã Pí Lèng nhìn xuống vực sâu,con sông Nho Quế chỉ bé như một sợi chỉ mà muốn xuống đến mặt nước của sông đi bộ phải mất hơn một ngày đường.

Lang thang đầu núi,xa xôi vọng tưởng thị thành,nghĩ rằng khó có dịp trở lại lần thứ hai,tôi cúi nhặt mảnh đá đen hình lưỡi mác - vật chứng vô thủy-vôchung,trân trọng cất vào túi.Tôi mang hồn Mãpílèng về Saigon,để giờ đây được nghe lời đá trần tình về lai lịch con đường giúp vùng núi tiến kịp vùng xuôi và sự hy sinh cao đẹp của những cô gái yêu,những chàng trai trẻ.

Theo tài liệu tham khảo,con đường mang tên Đường Hạnh Phúc nối liền thành phố Hà Giang,Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc dài khoảng 185km ,được hàng vạn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc Việt Nam làm trong 6 năm (khởi công 10/9/1959,thông xe 15/3/1965) với trên 2 triệu lượt ngày công lao động,trong đó đoạn khó khăn nhất của tuyến đường chỉ có 21 km từ Đồng Văn sang Mèo Vạc phải mất thêm gần 2 năm lao động vất vả mới hoàn thành.Đoạn đường này chính là con đèo hiểm trở Mã Pí Lèng.Để vượt bức tường đá này cần xây dựng một đường đèo men theo vách núi ở độ cao khoảng 1.600m.Giai đoạn đầu mở một vỉa đường nhỏ mang tên "đường công vụ" rộng khoảng 40 cm trên vách đá (để công nhân về sau có chỗ đặt chân trên đó thi công phá đường rộng ra), 17 thanh niên trong đội cảm tử - gọi là “Đội Cơ Dũng"- phải treo mình bằng dây trên các vách đá ròng rã trong 11 tháng đục đẽo hoàn toàn bằng bàn tay trần và những phương tiện thủ công. Nhằm thể hiện lòng quyết tâm và tinh thần đối diện với hiểm nguy, các công nhân đã đặt tại lán của mình 10 chiếc quan tài và truy điệu sống trong từng ngày làm việc. Mỗi sáng, các thành viên “Đội Cơ dũng” hô to “quyết thắng” rồi vác choòng (xà beng 8 cạnh), búa, ít thuốc nổ, trèo lên vách núi. Treo mình giữa lưng chừng trời, họ đục vách đá, nhét thuốc nổ vào, rồi hô đồng đội kéo lên đỉnh núi. Ít phút sau mìn nổ, vỡ ra một miếng đá nhỏ bé,thai nghén con đường bấu quanh núi.

Trước những năm 1960 hơn 8 vạn người Mèo thuộc 4 huyện ở phía sau các dãy núi hùng vĩ của cao nguyên Đồng Văn không có khái niệm con đường.Bao đời họ chỉ biết vượt Mã Pí Lèng bằng cách đóng cọc treo dây trên vách đá để bò qua chín khoanh đèo hun hút, lởm chởm đá tai mèo dựng đứng. Dốc Chín Khoanh leo tới đỉnh Mã Pí Lèng còn gọi là con dốc của Giàng (Trời).

Nhiều người trẻ đã hy sinh :

Anh Đào Ngọc Phẩm quê ở Thái Nguyên, lên Hà Giang nhập đội quân mở đường.Khi đi kiểm tra thấy một tảng đá có nguy cơ rơi xuống đè chết hai bố con người Mông, anh lao đến xô họ ra. Hai bố con thoát chết, nhưng anh Phẩm mất đà rơi xuống vực Mã Pì Lèng hy sinh!

Anh Lương Quốc Chanh, quê ở Cao Lộc, Lạng Sơn. Làm việc trong điều kiện quá khắc nghiệt, anh mắc bệnh,nhiều người vào các bản xa xôi kiếm thuốc, nhưng không cứu được người đồng đội của mình.Trước khi nhắm mắt, anh Chanh khóc: “Tôi sẽ chết ở đây, tôi nằm bên vệ đường Hạnh Phúc này. Anh em phải tiếp tục phá đá. Mai đây con đường hoàn thành, anh em về lại Lạng Sơn. Liệu ai còn nhớ tôi không? Tôi sẽ nhớ mọi người lắm đấy”. Mọi người òa lên nức nở, đau đớn tiễn anh đi. (nguồn internet)

Cung đường Mã Pí Lèng nối liền Đồng VănMèo Vạc trong đó có đoạn đèo 9 khoanh dài 20 km về sau trở thành một kỳ tích mà nhiều người ví như một Vạn Lý Trường Thành của Việt Nam hay Kim Tự Tháp của người Mèo.

Thương lắm cư dân bản địa miền núi bên cạnh số đông người Kinh là 17 dân tộc ít người - trong đó dân tộc Hmong chiếm 70%,gắn bó thủy chung với cái xứ chó ăn đá,gà ăn sỏi triền miên.Nhìn ruộng bậc thang bấu bám quanh sườn núi nhuộm vàng,những cây ngô xanh mượt đứng thẳng người trong các hẻm đá,ở đó tôi thấy sức người phi thường và sự sống cực kỳ khốn khó nhiều hơn là vẻ đẹp kỳ thú tuyệt vời.Lác đác ven đường những người đàn bà lặng lẽ còng lưng gùi thóc ngô,vài ba mụt măng,ít quả dưa ốm teo,mớ rau bí bầm dập -  lầm lũi miết từng bước chân như những cái móc sắt cắm phập trên mặt đường dốc dựng.Chẳng thấy xóm thôn đâu.Chiều xuống dưới lòng thung - bỗng dưng nghe lòng nặng trĩu nỗi buồn sơn cước…

 

Chuyến bay VJ157 đáp xuống đường băng Tân Sơn Nhất 14g,14/8/2015. Chạm đất Saigon rồi, tôi vẫn còn say say với Mã Pí Lèng kỳ vĩ .Chinh phục cung đường hiểm trở đầy mây,mệt thiệt!Tuy vậy lòng Saigon này vẫn mong có ngày gặp lại Mèo Vạc yêu thương ! .

 

( Saigon - 21.8.2015)

 (*) Phóng cuồng ngâm - Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230-1291)

 

Phan Văn Thạnh
Số lần đọc: 1525
Ngày đăng: 22.03.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhớ vụn vặt về cả một gánh chịu thương chịu khó của Mẹ - Phạm Nga
Nỗi nhớ bạc màu - Phan Văn Thạnh
Cây vả vườn nhà - Trang Thùy
"Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà" - - Đỗ Quyên
Niềm Vui Sống - Elena Pucillo Truong
Bữa rượu lặng lẽ của các thầy giáo - Phạm Nga
Giữa Huế yêu thương - Trang Thùy
Cơm cháy nồi đồng - Lê Ký Thương
Về làng sình để yêu tranh làng sình hơn! - Trang Thùy
Tuổi nào em trở thành thiếu nữ? - Vinh Anh
Cùng một tác giả
Tự khúc cuối năm (truyện ngắn)
Đà lạt & Tôi (tạp văn)
Tản mạn với CAFE (tiểu luận)
Trôi trong mơ (truyện ngắn)