Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
814
116.684.792
 
“Dẫu xa muôn trùng … ”
Phan Văn Thạnh

 

 

Huế là xứ đi để mà nhớ - là về thăm để mà vấn vương…

Ngày ấy chưa có đường hầm,xe xuống chân đèo Hải Vân rồi mà lòng viễn khách vẫn còn treo trên đỉnh non cao,say say với lời chào rót mật trong đêm nghe ca Huế sông Hương:

Túi (tối)trời chẳng biết là ai / Xin chào một cái rồi mai hãy nhìn”

Lang thang trong lòng Huế,chạm vào đâu,tôi cũng nghe ngân nga những giai điệu thi ca trữ tình của tao nhân mặc khách - Đến đây thì để lại đây - Chút tình xứ Huế biết ngày nào nguôi.

 

1-Mưa Huế

 

   - Nói đến Huế là nói đến lăng tẩm đền đài thành quách rêu phong cổ kính,nói đến những điệu hò câu hát não nùng,buồn rười rượi - những khúc Nam Ai, Nam Bình, Hành Vân, Lưu Thủy, Tương Tư.. bềnh bồng trên sông nước khi chiều xuống, lúc đêm về. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất phải nói là“đặc sản”mưa Huế - Ôi mưa chi mà dầm dề trắng trời thối đất:

- Nỗi niềm chi rứa,Huế ơi !

Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên

 

(Nước non ngàn dặm – Tố Hữu)

 

- Giời mưa ở Huế sao buồn thế!

Cứ kéo dài ra đến mấy ngày

Xa xôi ai nhớ mà thương nhớ?

Mà nhớ mà thương đến thế này!

Cố nhân chẳng khóa buồng xuân lại

 

(Giời mưa ở Huế - Nguyễn Bính)

 

   Mưa Huế có những khoảnh khắc thi vị ru hồn người. Qua giai điệu sương khói của Trịnh,mưa Huế là “Đường phượng bay mù không lối về”- là “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ/Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua… (Diễm xưa). Nhân đây xin nhắc chi tiết thú vị - “Em đi về cầu mưa ướt áo”(Mưa Hồng).Trong một dịp gặp mặt,bà Đặng Tuyết Mai (thân mẫu MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên) có hỏi Trịnh Công Sơn : “Ai là người cầu mưa ướt áo?” Có nguồn dư luận nói là,“Em đi qua cầu, rồi trời mưa ướt áo”. Nhiều người khác lại nói rằng “Anh(TCS) là người cầu mưa ướt áo, vì các em Đồng Khánh mặc áo trắng,mà trời mưa,tất nhiên là có good view.”Thế nhưng theo bà Mai “người cầu mưa chính là người con gái đó. Tại vì người con gái Huế rất lãng mạn.Bây giờ,người phụ nữ được quyền ăn mặc thoáng để khoe nét đẹp body.Nhưng ngày xưa,trong sự nghiêm khắc e dè của người Huế,và của đất nước ngày xưa, không cho phép người phụ nữ được phô bày.Thành ra,“Em đi về, em cầu cho mưa ướt áo,để em được chính thức khoe vẻ đẹp của mình”. Chính người con gái cầu cho mưa ướt áo. Nghe bình thế, Trịnh Công Sơn vỗ bàn và nhổm người lên bắt tay Đặng Tuyết Mai,thích vô cùng: “Chị đã nhìn ra được”. (nguồn tct-home.org)

Mưa Huế đầy những kỷ niệm mong nhớ,mỗi hạt rơi như nỗi niềm cô đơn khao khát tri âm tri kỷ:

Chiều nay mưa trên phố Huế

Kiếp giang hồ không bến đợi

Mà mưa sao vẫn rơi rơi hoài

cho lòng nhớ ai?

…Chiều nay mưa trên phố Huế

Biết ai đã quên ai rồi

Mà mưa sao vẫn rơi rơi đều

cho lòng u hoài.

Ngày xưa mưa rơi thì sao

Bây chừ nghe mưa lại buồn

Vì tiếng mưa,tiếng mưa trong lòng

làm mình cô đơn.

 

( Mưa trên phố Huế - Minh Kỳ-Tôn Nữ Thụy Khương)

 

    Người ta chợt nhận ra mưa Huế đã góp phần làm nên sự tĩnh tại huyền diệu của tâm hồn Huế - đóng mà không khép – lạt mềm buộc chặt !

 

2-Hương giang còn đó

 

    - Nói đến Huế là nói đến sông Hương,núi Ngự. Bên cầu Trường Tiền ngắm nhìn dòng trôi lượn lờ êm ả,bất giác tôi nhớ Bùi Giáng,người đã đóng dấu “trước bạ” Huế vào văn chương : “Dạ thưa xứ Huế bây giờ/ Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương”.

    Cụ Nguyễn Du cảm hứng : Hương Giang nhất phiến nguyệt/Kim cổ hứa đa sầu - Sông Hương trăng một mảnh/Xưa nay biết bao sầu - (*).“Trăng sông Hương” chứa đựng “trăng kinh kỳ”,“trăng công danh” – Một vầng sáng lung linh,phảng phất tâm sự ngao ngán cho cái thân phận nơi chốn quan trường vâng dạ,khom lưng vào luồn ra cúi.

Thi sĩ Cao Bá Quát thì nhìn thấy điều gì hơn là vẻ trầm tư của sông Hương :Vạn chướng như bôn nhiễu lục điền/Trường giang như kiếm lập thanh thiên - Núi ôm ruộng biếc chạy vòng quanh/Sông dài như kiếm dựng trời xanh(**).Hình tượng“kiếm lập thanh thiên”thầm báo điều lớn lao dữ dội sắp xảy ra.

Sông Hương tĩnh lặng như dải lụa hiền hoà miên man xuôi dòng đưa du khách đến miệt vườn Vỹ Dạ xanh mướt,vòng lên Thiên Mụ tan vào hồi chuông thanh tịnh,rồi đột ngột rẽ vào sông Bạch Yến tới bến Huyền Không phiêu diêu cùng gió mây,hòa cùng thế giới của hoa thơm trái ngọt và thiền giữa một không gian cổ kính…Nhưng cũng có lúc Sông Hương cuồng nộ dữ dội.Tôi nhớ một buổi chiều vào giũa mùa mưa trên bến phà Tuần(ngã ba Bằng Lãng - đoạn hợp lưu Hữu Trạch,Tả Trạch),đứng trên bờ chứng kiến cảnh nước lũ kéo về cuồn cuộn,lôi xốc cây cối trốc rễ chới với trên dòng chảy hung hãn.Một anh bạn nói vui :  khiếp thật,tính khí kiểu này những ai muốn đăng ký làm“phò mã”Huế, rứa ắt phải là tay nài cự phách !

 

 3-Bến Ngự còn đây

 

Có một bến đò trên sông An Cựu, TP Huế, một thời các vua triều Nguyễn thường cho thuyền rồng đậu lại, trong những lần đi tế lễ ở đàn Nam Giao, được gọi là Bến Ngự. Con dốc xuống bờ sông được gọi là dốc Bến Ngự. Nhà yêu nước Phan Bội Châu bị giặc Pháp giam lỏng ở đây(năm 1925). Hình ảnh “Ông già Bến Ngự” ngồi ung dung câu cá trên bến sông đã đi vào tiềm thức người dân thành Huế một thời với niềm yêu kính. Ngồi đấy nhưng trái tim ông vẫn còn nóng bỏng với nhịp sống cách mạng dân tộc.

 

Ảnh tượng Danh sĩ-Nhà Cách Mạng Phan Bội Châu (1867 – 1940)

Số nhà 119, phố Phan Bội Châu,nơi ông sống 15 năm cuối đời; từ năm 1925 đến 1940 – nơi ông đã viết hàng chục cuốn sách về lịch sử, văn hóa cùng hàng ngàn bài thơ yêu nước.

Có lẽ không mấy ai có thể quên những câu thơ cháy bỏng:

Dậy! Dậy! Dậy!

Bên án một tiếng gà vừa gáy

Chim trên cây liền ngỏ ý chào mừng

Xuân ơi xuân, xuân có biết hay chăng?

Buồn cùng sông, thẹn cùng núi, tủi cùng trăng

Hai mươi năm lẻ đã từng chua với xót

Trời đất may còn thân sống sót

Tháng ngày khuây khoả lũ đầu xanh

Thưa các cô các cậu lại các anh

Trời đã mới người càng nên đổi mới

Mở mắt thấy rõ ràng tân vận hội

Ghé vai vào gánh vác cựu giang san

Đi cho êm, đứng cho vững, trụ cho gan

Dây đoàn thể quyết ghe phen thành nghiệp lại

Ai hữu chí từ nay xin gắng gỏi

Cởi lốt xưa mà tu dưỡng lấy tinh thần

Chẳng thèm chơi, chẳng thèm mặc, chẳng thèm ăn

Đúc gan sắt để dời non lấp bể

Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ

Mới thế này là mới hỡi chư quân

Chữ rằng “nhật nhật tân, hựu nhật tân”

 

 (Bài ca chúc tết Thanh niên -1927).

 

Ngay cả khi rong chơi, tâm hồn thi sĩ họ Phan vẫn cất lên lời hào sảng: “Giang sơn còn tô vẽ mặt nam nhi. Sinh thời thế phải xoay nên thời thế. Đạp toang hai cánh càn khôn. Đem xuân vẽ lại trong non nước nhà” (Chơi xuân). Thậm chí lúc ngã bệnh,vẫn cuồn cuộn hồn thơ: “Gan vàng một khối nghe sôi mãi. Biết đã sờn chưa, sẽ hỏi trời”.

4- Huế ngấm vào thi ca

Huy Cận để lại Huế thương những tháng năm hồng êm ả :

-Tuổi nhỏ đời ta Huế giữ không?

Cho ta xin lại tháng năm hồng

Cho ta trở lại ngày xưa cũ

Mới hái mùa thơ giữa độ bông

-Tình bạn tình yêu Huế khéo ươm

Hoa xuân trái đậu tháng năm trường

Bâng khuâng nay nhện chiều giăng lưới

Bảng lảng lòng ai Huế vấn vương...

 

(Huế Vấn Vương - Huy Cận 1978)

 

 Huế ánh lên màu nắng ban mai non trẻ,lọc qua hàng cau xanh rực sức sống tha thiết gọi mời:

-Sao anh không về chơi thôn Vỹ?

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

-Mơ khách đường xa, khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà?

                       (Đây Thôn Vỹ Dạ - Hàn Mặc Tử)

Về lại Saigon, định viết cái gì tỏ bày cùng Huế nhưng nấn ná mãi đến nay mới có đôi dòng . Xin tạ lỗi cùng Huế . Người ơi! Nếu còn vầng trăng soi dòng Hương,núi Ngự còn thông reo chiều buông... tôi vẫn... còn thương...(Duy Khánh)

Phan Văn Thạnh

(Huế,tháng 8/2001 - Saigon,tháng 3/2020)

Chú thích :

*Thu chí (I) 秋至 (Nguyễn Du)

香江一片月,

今古許多愁。

往事悲青塚,

新秋到白頭。

有形徒役役,

無病故拘拘。

回首藍江浦,

閒心謝白鷗。

Hương Giang nhất phiến nguyệt,

Kim cổ hứa đa sầu.

Vãng sự bi thanh trủng,

Tân thu đáo bạch đầu.

Hữu hình đồ dịch dịch,

Vô bệnh cố câu câu.

Hồi thủ Lam Giang phố,

Nhàn tâm tạ bạch âu.

 Dịch nghĩa

• Thu đến (I)

Một mảnh trăng trên sông Hương,

Mà xưa tới nay đã gợi không biết bao nhiêu mối sầu.

Chuyện cũ chạnh thương mồ cỏ xanh,

Thu mới tới trên đầu tóc bạc.

Có hình nên phải chịu vất vả,

Không bệnh mà lưng vẫn khom khom.

Ngoảnh đầu trông về bến sông Lam,

Lòng nhàn xin tạ từ chim âu trắng.

 

**Hiểu quá Hương giang  曉過香江  (Cao Bá Quát)

曉過香江

萬嶂如奔繞綠田,

長江如劍立青天。

數行漁艇連聲棹,

兩箇沙禽屈足眠。

塵路悠悠雙倦眼,

遠情浩浩一歸鞭。

橋頭車馬非吾事,

頗愛南風角枕便。

Hiểu quá Hương giang

Vạn chướng như bôn nhiễu lục điền,

Trường giang như kiếm lập thanh thiên.

Sổ hàng ngư đĩnh liên thanh trạo,

Lưỡng cá sa cầm khuất túc miên.

Trần lộ du du song quyện nhãn,

Viễn tình hạo hạo nhất quy tiên.

Kiều đầu xa mã phi ngô sự,

Phả ái nam phong giác chẩm biền (tiện).

 

Dịch nghĩa

 

• Buổi sáng qua sông Hương

Muôn dãy núi như chạy vòng quanh khu ruộng xanh mướt

Dòng sông dài như lưỡi gươm dựng giữa trời xanh

Mấy dãy thuyền chài không ngớt tiếng hò khoan đưa mái chèo

Hai con chim trên bãi đứng co chân ngủ

Đường trần dằng dặc, đôi con mắt đã mỏi

Tình xa man mác, một roi ngựa trở về

Xe ngựa qua cầu, không phải là việc ta nghĩ đến

Chỉ thích trước luồng gió nam, thảnh thơi nằm gối lên chiếc gối sừng

 

Phan Văn Thạnh
Số lần đọc: 1083
Ngày đăng: 10.12.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bài 14:”Biên bản thặng dư” – Đau đáu những phận người - Hoàng Thị Bích Hà
GS Nguyễn Đăng Mạnh - kẻ sĩ, một nhân cách trí thức - Phan Văn Thạnh
Huỳnh Phan Anh và hành-trình văn chương mới - Nguyễn Vy Khanh
Nhà văn Nhật Tiến thời hải-ngoại - Nguyễn Vy Khanh
Sắc tố của hư cấu - Võ Công Liêm
Đọc sách:”Trò chuyện với thiên thần” - Trần Văn Chánh
“Hát trên quê hương tôi” Giai điệu đẹp và thơ - Võ Quê
Nghìn năm mai cốt chẳng mai danh - Nguyễn Anh Tuấn
Chữ Quốc Ngữ dưới mắt một nhà cai trị Pháp cuối thế kỷ XIX - Thiếu Khanh
Cái nhìn tham chiếu về văn học Việt Nam đổi mới của TS. Phan Tuấn Anh - Hoàng Thị Thu Thủy
Cùng một tác giả
Tự khúc cuối năm (truyện ngắn)
Đà lạt & Tôi (tạp văn)
Tản mạn với CAFE (tiểu luận)
Trôi trong mơ (truyện ngắn)