Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
784
116.677.455
 
Hà Nội như mảnh ghép tạng của chính tôi …
Phan Văn Thạnh

 

 

Gọi là đi du lịch nội địa thăm thú cho biết xứ ngàn năm văn vật cũng được,mà bảo là chuyến hành hương về nguồn cũng không sai bởi tôi gửi cuống rốn cho Bà Từ Dũ – Saigon (cuối thập niên 40,thế kỷ trước) nhưng trong mục kê khai căn cước nguyên quán nội tổ ở tít tận cố đô Mê Linh,Hà Nội. Đúng là lịch sử đất nước phân ly nằm vắt hai bờ giới tuyến, đã khiến hình tướng của biết bao người VN di dân,dời cư không tránh khỏi cong cong như hình chữ S, lúc nào cũng đau đáu truy vấn : ta là ai? -  ta từ đâu đến? - ta về đâu cuối đời ?

Xem ra heo may chẳng còn hiu hiu nữa mà đang quạt gió rần rần trên mái tóc phai sương.Cội nguồn réo gọi .Còn chần chừ gì nữa,sao không một lần về thăm cho thỏa?

Tôi ra Hà Nội cũng vừa tầm thu đến,bầu trời trong xanh, mây nhẹ, nắng nhàn nhạt.Vỉa phố Phan Đình Phùng trút đầy lá Sấu.Hà Nội mơ màng chuyển mình với ánh vàng rực nắng của hoa cúc,của cây cơm nguội, của lộc vừng đơm hoa treo lủng lẳng bên Hồ Gươm,thoảng thơm hương  cốm sữa.

Qua ô kính tàu bay,nhà cửa li ti, màu ngói như son,tum mái lố nhố,những đồng xanh nhập nhòa,và dòng sông Hồng đỏ ngầu đặc trưng bên dưới cánh bay,chỉ dấu kinh thành Thăng Long đang dần hiện rõ.Cơ trưởng thông báo vùng không phận chuẩn bị hạ cánh,dặn dò hành khách thắt dây an toàn,tắt sóng di động,ngồi yên cho đến khi tàu bay dừng hẳn. Trong khoang im bặt,áp suất thay đổi làm ù tai,mọi âm thanh nứt vỡ nghe như từ xa xăm. Tàu bay tiếp đất rùng rùng chạy một đoạn dài vào bến đỗ.

Khoác balô bước ra khỏi đường ống dẫn nối với sảnh nhà ga Nội Bài,tôi thực sự hiểu mình đang đứng trong lòng Hà Nội - háo hức pha chút ngỡ ngàng quen-lạ .

 

Ấn tượng đầu tiên – Trích Sài,Hồ Tây

 

Chiếc taxi tấp vào :

- Các bác về đâu ạ ?

Tôi kê một lô địa danh để ông thần thổ địa Hà Nội dễ “search” trong trí não :

- Anh cho về Trích Sài,Võng Thị ,Hồ Tây …- Hà Nội nhiều tên làng,tên phố quá - nào Nhổn,nào Chèm,Vẽ,Láng,Cót…nhưng cái tên Trích Sài thì ít nghe .

Anh tài trẻ góp lời :

- Các bác ở trong Nam ít biết đó thôi - Hà Nội có hàng đống tên phố,tên làng mới cũ kể hàng giờ chưa hết - chúng cháu sinh sau đẻ muộn chỉ biết lõm bõm.Theo các cụ lớn tuổi kể lại : Trích Sài, Kẻ Bưởi, Yên Thái,Võng Thị thuộc vùng đất cổ nằm ở phía Tây Bắc Thủ đô Hà Nội. Ngày ấy... vùng Bưởi có nhiều làng nghề, trong đó có hai nghề thủ công nổi tiếng là dệt lĩnh (làng Bái Ân, Trích Sài) và làm giấy dó (làng Hồ Khẩu, Yên Thái). Tiếng chày giã vỏ cây trở thành nét đặc trưng của kinh kỳ, đi vào câu ca dân gian hầu như ai cũng biết : “Gió đưa cành trúc la đà/Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương/ Mịt mù khói tỏa ngàn sương/Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ”.

Tôi thầm bảo: - À ra thế,mới chấm chân xuống Hà Nội đã nghe danh Kẻ Bưởi thật thú vị.

Xe lướt nhanh trên cao tốc Nhật Tân-Nội Bài,phía trước cây cầu Nhật Tân hoành tráng hiện ra với 5 trụ tháp hình thoi,6 nhịp dây văng,8 làn xe mỗi chiều,băc ngang sông Hồng đẩy dạt qua một bên đống thép cầu Thăng Long rườm rà,nặng nề,cũ kỹ - công trình khiến dân ta không bao giờ quên sự“hàm ơn”dành cho anh bạn Tàu hữu nghị xảo trá đòi “dạy cho VN bài học” năm 1979 - và ăn cướp trắng trợn Hoàng Sa,"nói dối trơ trẽn"về cái gọi là "chủ quyền từ thời cổ đại" đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam và mới đây trong phát biểu của Triệu Lạc Tế - UV Thường vụ BCT,Bí thư UB Kiểm tra Kỷ luật TƯ Đảng CSTQ dịp thăm làm việc tại VN 27/9/18 - lại tiếp tục nói lời “tăng cường niềm tin”!

                                                            ***

Đứng trên bao lơn tầng 7,nhà khách 299, phố Trích Sài,phóng tầm nhìn bao quát Hồ Tây - cầu Nhật Tân,vòng đu quay công viên nước mờ xa - bán đảo Quảng An,Nghi Tàm nhô ra giữa hồ -Yên Phụ,Cổ Ngư(đường Thanh niên),chùa Trấn Quốc,đền Quán Thánh chếch phía đông.

Trời nước mênh mang,nghe bảng lảng giai điệu Nhớ mùa thu Hà Nội của Trịnh Công Sơn :“Hồ Ƭâу chiều thu,mặt nước νàng laу bờ xa mời gọi.Màu sương thương nhớ, bầу sâm cầm nhỏ νỗ cánh mặt trời…”.Tôi liên tưởng bài đọc thuộc lòng Đêm trăng chơi Hồ Tây của Phan Kế Bính(3)thời niên thiếu,bỗng ùa về xâm chiếm tâm hồn :“Trời tháng Tám,nhân buổi đêm trăng,dắt một vài anh em bơi một chiếc thuyền nhỏ rong chơi trong hồ.Hồ về Thu, nước trong vắt, bốn mặt mênh mông.Trăng tỏa ánh sáng,rọi vào các gợn sóng lăn tăn,tựa hồ hàng muôn hàng ngàn con rắn vàng bò trên mặt nước. Thuyền ra khỏi bờ độ vài ba con sào,thì có hây hẩy gió động sóng vỗ rập rình…

Thuyền theo gió, từ từ mà đi,ra tới giữa khoảng mênh mông,tôi đứng trên đầu thuyền ngó quanh tả hữu.Đêm thanh cảnh vắng,bốn bề lặng ngắt như tờ.Chỉ còn nghe mấy tiếng cá lắc tắc ở giữa đám rong, mấy tiếng chim nước kêu oác oác ở trong bụi niễng, cùng là văng vẳng mấy tiếng chó sủa, tiếng gà gáy ở mấy nơi chòm xóm quanh hồ mà thôi.Trông về Đông Nam,kia đền Quan Thánh,đó Chùa Trấn Quốc;trông về Tây Bắc,đây Đình Võng Thị,nọ Văn chỉ Tây Hồ,cây cối vài đám um tùm,lâu đài mấy tòa ẩn hiện,mặt nước phẳng lỳ tứ phía,da trời xanh ngắt một màu,xem phong cảnh đó,có khác gì bức tranh sơn thủy của Tạo hóa treo ở trước mắt ta không?...

                                                     ****

Hà Nội nhìn lướt

 

Hà Nội hiện có tất cả 30 quận,huyện - Bắc giáp Thái Nguyên và Vĩnh Phúc; Nam giáp Hà Nam và Hòa Bình; Đông giáp các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và Hưng Yên; Tây giáp tỉnh Hòa Bình và tỉnh Phú Thọ.Sau khi điều chỉnh hợp nhất toàn bộ Hà Tây;sát nhập Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) ,và 4 xã Đông Xuân,Tiến Xuân,Yên Bình,Yên Trung thuộc Lương Sơn,tỉnh Hoà Bình,diện tích địa giới hành chính Hà Nội : 3.345 km2 ; dân số (theo thống kê 2009) : 6.451.909 người - hiện nay có thể lên đến > 9triệu.Mật độ bình quân 1979 người/km2 - dày nhất quận Đống Đa (36.286 người/km2),tiếp theo là: Hai Bà Trưng (29.280 người/km2),Hoàn Kiếm 27.799 người/km2),Ba Đình (24.291 người/km2),Thanh Xuân (24.582 người/km2) ... -  những huyện ngoại thành như Sóc Sơn, Ba Vì, Mỹ Đức, mật độ dưới 1.000 người/km².

Hà Nội 20 năm trở lại đây đổi thay đến chóng mặt.Ông Xuân Diệu có sống dậy chắc phải sáng tác thêm Ngói mới 2 thay cho Ngói mới 1(ra đời 9.1959)lạc hậu rồi ! (Ôi ngàn vạn ngói, nói xôn xao /Như đất ta vui bỗng vọt trào …) .Đất nước hôm nay chuyển mình,lột xác dữ dội,nhà cửa không còn “tranh hóa ngói” tầm tầm nữa mà đang“trải ra thành rộng,dựng thành cao”với nhiều cao ốc mọc lên như nấm.Các tuyến giao thông,cầu đường nâng cấp mở rộng hiện đại.Phố thị náo nhiệt đẩy lùi làng xưa,phố cổ.Kinh tế thị trường xới tung sinh hoạt xã hội,tính cạnh tranh vô cùng khốc liệt.Hà Nội cũng như nhiều tỉnh thành cả nước sau thời gian dài bao cấp giậm chân trì trệ,đã chủ động đổi mới,hội nhập quốc tế,tăng tốc phát triển theo kiểu “ăn bù,no dồn”,có dấu hiệu“béo phì”,khiến tấm áo cũ căng cứng .

Ngoài đường phố,người và xe đủ chủng loại chen chúc dày đặc.Siêu thị,chợ búa,cửa hàng,cửa hiệu kinh doanh bán buôn,hoạt động dịch vụ dình dịch 24/24 không ngớt.Nhớ lại cái thời tem phiếu phân phối theo tiêu chuẩn qua hệ thống thương nghiệp quốc doanh-Xã hội chủ nghĩa mà không khỏi rùng mình.Phải nói phúc đức  cho dân tộc này !

Từ Ninh Bình trở về Hà Nội theo trục Tam Trinh-Kim Ngưu-Trần Khát Chân-Đại Cồ Việt-Xã Đàn-La Thành-Bưởi-Thụy Khê về Trích Sài(ven Hồ Tây) – vào giờ tan tầm,phải mất hai ba nhịp đèn tín hiệu mới thoát được ngả tư và hơn tiếng đồng hồ,chúng tôi mới về đến  nhà khách.

Tình trạng ùn ứ,tắc đường nghiêm trọng ở Hà Nội là do các phương tiện giao thông - trong đó có phương tiện cá nhân,gia tăng quá nhanh.Theo thông tin của Sở GTVT HN với báo chí - TP Hà Nội hiện có hơn 5,5 triệu xe trong đó ô tô gần 535 nghìn, xe máy gần 5 triệu. Điều kiện kinh tế phát triển,nhu cầu tăng cao,nhiều gia đình mua sắm ô tô riêng. Tuy nhiên,cũng có gia đình không có nhu cầu sử dụng ô tô riêng nhưng vẫn cứ mua,chỉ để cho “oách” - mua xe nhưng không cần biết ô tô của mình đỗ ở đâu,chi phí mỗi năm cho một chiếc xe tốn bao nhiêu tiền.(Nguồn vtc.vn, số liệu năm 2015)

 

Phố với đường

 

Chắc có lẽ cư dân bản địa Hà Nội quá quen với Ngõ nhỏ,phố nhỏ,nhà tôi ở đó /Trong giấc mơ tôi vẫn thầm mơ.(2) - Nhìn nơi ăn chốn ở quá khiêm tốn,hạnh phúc vừa vặn một vốc tay trẻ sơ sinh của thị dân phố cổ,tôi rất ái ngại. Ngõ 34 Hàng Da với chỗ rộng nhất 60cm, nơi hẹp nhất chỉ có 46cm .Ngõ 24 Hàng Điếu nơi hẹp nhất chỉ 49,5cm, chỗ rộng nhất 61,5cm…Căn nhà trong ngõ số 8,Phất Lộc dài 2,1m, rộng 1,7m với diện tích 3,75m2,là nơi ăn ở của năm con người.Căn nhà số 4 Hàng Gà bề ngang 1,91m, dài 2,82m, tính ra được 5,4m2 là nơi trú ngụ sáu con người…Sinh hoạt gia đình cực kỳ khốn khổ.Mọi người rất  bức xúc,và mong rằng thành phố khẩn cấp chỉnh trang,cải tạo phố cổ,nhà cổ quá đát,trước khi tai họa ập đến.

 

Khách trong Nam ra lần đầu khó phân biệt được đâu là đường,đâu là phố? Cách gọi phố là “đặc sản”riêng của Hà Nội và một số thành phố,thị xã phía Bắc -  trong Nam (TP Hồ Chí Minh chẳng hạn) gọi là đường ráo trọi.

Nhiều phố gắn với chữ hàng (hàng Than,hàng Đào,hàng Đường,hàng Đậu,hàng Thùng,hàng Mành …) ,bên cạnh đó cũng có rất nhiều đường:(đường Yên Phụ, đường Láng, đường Đại La, đường Nguyễn Chí Thanh…).

Trong số hơn 500 tuyến phố hiện nay của Hà Nội, phố đường là “ngang ngửa”. Tên gọi phố chủ yếu thuộc về các khu phố cổ,khu phố cũ, các điểm buôn bán sầm uất... Còn các tuyến phố mới xuất hiện thường được đặt là đường . Theo Bản quy ước về việc đặt tên đường, phố, ngõ của TP Hà Nội ,từ ngày 26/8/1998 :

- Đặt là đường đối với những đường có quy mô lớn về độ dài, chiều rộng, nằm trên các tuyến vành đai, đường liên tỉnh, đường trục chính trên địa bàn thành phố.

- Đặt là phố đối với những đường có quy mô nhỏ và hai bên có những công trình kiến trúc liên tiếp (nhà ở, cửa hàng, cửa hiệu, trụ sở cơ quan,…).

Phân biệt là vậy nhưng đường,phố luôn “biến thái” - rất nhiều tuyến đường qua thời gian đã bị “phố hoá”(như Đường Trường Chinh, Đường Láng, Đường Nguyễn Trãi, Đường Cầu Giấy,…) nhưng tên cũ vẫn còn đó.

Dân Saigon bát phố Hà Nội như lạc giữa mê hồn trận,cứ nhoáng nhoàng với tên đường,tên phố - Một tuyến đường dài cắt nhiều khúc, mang nhiều tên như Văn Cao - Liễu Giai - Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng - đại lộ Thăng Long… Cách ngả tư đường,người chờ ở Tràng Tiền,kẻ đợi ở Hàng Khay cứ alô em ở đâu ? Hoặc thả dạo 36 phố phường - đang đi Hàng này bỗng đánh độp biến thành tên Hàng khác như trò ảo thuật - Có tên đường nghe như tấu hài - ví dụ đường Ướp Lạnh khu vực Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm - cũng may biển tên đã được gỡ bỏ.

Trong Nam (Tp Hồ Chí Minh) tương đối đơn giản hơn - chẳng hạn : đại lộ Võ Văn Kiệt mới mở, quất thẳng một lèo từ đầu Bến Chương Dương,cột cờ Thủ Ngữ(Q1) xuyên bến Hàm Tử(Q5),bến Bình Đông(Q6)đến trục qlộ1A - đoạn An Lạc,Bình Điền(H.Bình Chánh).Ai cần hỏi thăm đường cũng dễ chỉ.Có lẽ vì vậy dân Nam bộ tính thẳng như ruột ngựa chăng ?

                                                      ***

Dưới góc nhìn phong thủy,chính dòng sông Hồng chuyển tải nguyên khí tổng hợp từ hai con sông Đà và sông Lô chảy qua địa phận Hà Nội (163km), đã làm cho Hà Nội trở thành một vùng đất địa linh, nguyên khí sung mãn, tồn tại đến muôn đời.

Thân Nhân Trung(1419-1499),Tiến sĩ triều Lê,trong một bài bi ký - Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đã viết: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nếu nguyên khí thịnh thì nước thịnh và mạnh, nếu nguyên khí yếu thì nước yếu và suy, cho nên từ xưa đến nay tất cả các bậc thánh đế minh vương không ai là không chăm sóc hiền tài và bồi dưỡng nguyên khí."

Riêng thi sĩ Hồ Dzếnh(1916-1991),ông cảm nhận rất rõ những gì Hà Nội đã đem lại cho đời văn của ông : - Cái nước sông Hồng,cái gió sông Hồng nó lạ lắm,nó làm ra văn chương Bắc Hà,văn chương Hà Nội.Anh muốn sống ở đâu cũng được,viết ở đâu cũng được nhưng phải tráng qua tí chút hơi hướng Tràng An thì mới thành văn chương đích thực,nó khác với văn tỉnh lẻ. Giải thích điều này theo ông: Thì bao nhiêu cái khôn ngoan của thiên hạ tất phải chạy về đất kinh kỳ mới có cơ hội nổi danh được.Tầng lớp sĩ phu đông,danh gia vọng tộc nhiều,dầu muốn hay không nó  vẫn đóng góp cái phần của nó vào sự phát triển trí tuệ của dân tộc.Tiếng nói của họ dầu là chính thức hay không chính thức vẫn tác động tới đời sống tinh thần cả nước.Nhưng không có con buôn đâu nhá,dẫu có là tỉ phú vẫn cứ bị dân Hà Nôi xem là lái buôn.Cũng không có quan lại đâu nhá,quan lại phải đỗ đại khoa,phải sống cao thượng,đẹp đẽ mới được xem là trí thức.Cụ Thiếu Hà Đông (Hoàng Trọng Phu,1872-1946) vẫn cứ là bồi tây.Còn Tổng Đốc Hoàng Diệu(1829-1882) mới là sĩ phu Bắc Hà.Sự đánh giá của nó,của đất kinh kỳ,về việc về người là rất quan trọng,có giá trị lưu truyền hậu thế…(4)

 

Hà Nội là vậy - “nếu chúng ta định nghĩa Hà Nội là một nơi tinh hoa dưới dạng “thanh lịch Tràng An” thì chúng ta sẽ thất vọng. Bởi nó vốn là một nơi kẻ chợ, bây giờ vẫn là một nơi kẻ chợ, và chắc chắn là một kẻ chợ phồn hoa, sầm uất, nuôi sống được nhiều người. Nơi đô hội ấy, tập trung anh tài, tinh hoa... và cả cái xấu xí.”(5)

Với tôi,được về thăm nguyên quán sau bao dâu bể,là niềm hạnh phúc viên mãn.

Hà Nội như mảnh ghép tạng của chính tôi !

 

 

(Saigon,viết 2015 - chỉnh sửa 08/10/2018)         

 

(1) Cầu Thăng Long TQ  xây bỏ dở (1974-1977) - Liên Xô giúp hoàn thành (1978-1982)

(2) Bài hát “Hà Nội và tôi” - Lê Vinh

(3) Phan Kế Bính (1875-1921),hiệu Bưu Văn,bút danh Liên Hồ Tử,người làng Thụy Khuê (làng Bưởi), nay thuộc quận Tây Hồ (Hà Nội). Chỉ trong 15 năm,từ khi thi đỗ cử nhân Hán học năm 1906 và không ra làm quan đến khi qua đời năm 1921.Ông đã để lại cho hậu thế một di sản văn hóa lớn.Bài ký "Đêm trăng chơi Hồ Tây" của ông có thể coi là một áng văn tuyệt bút viết về thắng cảnh .

(4) “Hà Nội trong mắt tôi” - Nguyễn Khải, tr.35,NXB Văn hóa Thông tin,2014

(5) “Hà Nội có phải nơi đáng sống?” ( nguoidothi.vn)

 

 

Phan Văn Thạnh
Số lần đọc: 1740
Ngày đăng: 13.10.2018
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dọc đường văn nghệ (tiếp theo phần 31) Trần Áng Sơn, cuối cùng anh tắm gội mình bằng thơ - Trần Dzạ Lữ
Kể chuyện làm thơ - Phan Tấn Uẩn
Thư gởi con trai nhân ngày tựu trường (II) (tiếp theo) - Nguyễn Đức Tùng
Cỏ biếc - Yến Nhi
Xín Mần, Hoàng Su Phì du kí… - Hoàng Thị Thu Thủy
Kể chuyện viết văn (Chuyện bên lề Trường Điện Tử ĐaKao) * - Phan Tấn Uẩn
Hai chuyện tình thời chiến - Phan Tấn Uẩn
Lãng du qua Thổ Sơn Cổ Tháp - Phan Anh
Đất làng - Vinh Anh
Du ký qua đèo ngang - Giang Hiền Sơn
Cùng một tác giả
Tự khúc cuối năm (truyện ngắn)
Đà lạt & Tôi (tạp văn)
Tản mạn với CAFE (tiểu luận)
Trôi trong mơ (truyện ngắn)