Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
830
116.679.763
 
Nhặt trên đường thể dục sớm mai
Phan Văn Thạnh

 

 

Sáng nào cũng vậy như một lập trình sẵn - 4g30 iphone phát âm báo thức - tôi dựng cái thân phàm còn ngái ngủ,cơ khớp bãi hoãi,bắt nó xỏ giày đánh mấy vòng thể dục . Với phép“tự thắng mình”,tôi kiên nhẫn gò ép,hành xác bản thân. Cái tôi lười nhác hay tự tha thứ dần dần phải chịu thua, khép vào khuôn khổ kỷ luật,mỗi sáng ngoan ngoãn thức sớm luyện chút gân cốt vớt vát chút sức tàn,lực cạn lúc lui về tuyến hai,chờ cho đến khi chiều xuống – “tà tà bóng ngả về tây”. – Rồi sau đó trời bảo sao - bắt làm sao,dạ con xin vâng!

Tôi thả mình vào màn đêm chưa tan

Toàn khu phố còn say giấc nồng,không gian im vắng,đường nội bộ lác đác dăm người xuất hành sớm.Hồi chuông công phu phát đi từ nhà Phật Minh Giác phía cầu Bảy Nhạo - Hiệp Bình(Thủ Đức) ngân dài tan loãng trong sương mai như gọi tâm về với thân,như mang âm vọng cõi thiền vỗ về nhân thế.

Cắm cúi bước như Tam Tạng thiền hành – thở vào,thở ra - tâm thế thanh thản-ngân nga câu thơ Thế Lữ:“Tôi là người bộ hành phiêu lãng/đường trần gian xuôi ngược để vui chơi- (Cây đàn muôn điệu).

Trên nền trời phía tây, sót lại khuôn trăng như cái dĩa tròn to rộng vành loang vãi ánh vàng nhìn tôi dường như nhếch môi đầy bí ẩn, phảng phất dáng vẻ nàng Mona Lisa – La Joconde trong tranh Leonardo da Vinci .Tôi sực nhớ à hóa ra đêm qua Nguyên tiêu một nguyệt sung mãn, khai trương những mùa trăng Âm lịch - nàng tiêu dao phó hội Tao đàn - cùng thơ và thi nhân gieo vần đến tận gà gáy sớm mới quay về trình diện - chắc Ngọc Đế không nỡ bắt tội !.

Thấp thoáng phía trước là đôi bóng đang sánh bước – tôi nghe văng vẳng đâu đây cái đoạn kết “Thế rồi một buổi chiều”(1937) của Nhất Linh - nhân vật Dũng hoạt động cách mạng bí mật bị mật thám truy đuổi phải tạm lánh ngôi chùa sư nữ - ni cô bảo bọc che giấu chăm sóc và rồi tình cảm nẩy nở …- hai người bảo nhau cùng trốn theo tiếng gọi của đời tục lụy:

Chiều hôm ấy, sư bà không thấy sư cô đâu, cặm cụi lên gác thỉnh chuông.Mỗi tiếng chuông nổi lên rung động văng vẳng như ở cõi hư vô đưa lại, rền rĩ, tha thiết như tiếng gọi... Nhưng ngoài cánh đồng làng, trên con đường lờ mờ trắng, hai bóng người ra bước cùng đi như không nghe thấy tiếng chuông gọi. Họ đi... đi xa chốn hư không tịch mịch, không đoái nhìn lại, đăm đăm như theo một tiếng gọi khác réo rắt hơn ở tận phía trước xa xa đưa đến: tiếng gọi của đời tục lụy, đời ân ái. Sau lưng hai người, tiếng chuông chùa liên tiếp nhau mỗi lúc một nhỏ, rồi như đua nhau, theo nhau dần dần tan vào quãng hư vô…”.

Tôi thả mình vào màn đêm chưa tan

Tiếng chuông Ưu Đàm phía ngoài khu Cá sấu Hoa cà – Bình Triệu nghe xa xôi mơ hồ như thể tiếng vọng từ chùa Long Giáng,thấm đẫm chất thi vị lãng mạn. Câu chuyện “Hồn bướm mơ tiên” (1933) của Khái Hưng – mối tình sương khói “dưới bóng từ bi Phật tổ”xảy ra giữa nhân vật Ngọc – chàng sinh viên Canh nông với chú tiểu Lan – là gái cải dạng nam trang xin tu chùa Long Giáng .Cuộc tình phản ánh mối xung đột giữa đời và đạo mà đoạn kết là một màu lam thương nhớ thanh sạch:

“…Lan đăm đăm nhìn về phía xa. Linh hồn Lan như đang theo áng mây hồng bay vào nơi hư vô tịch mịch. Lan thở dài, buột miệng thong thả nói: "Nát bàn! Bồng lai!" Hai ý tưởng "tôn giáo" và "ái tình" hình như đương công kích nhau trong tâm trí.Bỗng Lan giật mình tỉnh bằng giấc mộng. Tiếng chuông chùa như cất vọng từ bi vỗ về an ủi, dỗ dành. Lan mỉm cười lẩm bẩm: "Thế nào cũng phải lánh xa nơi trần tục!" Tiếng chuông đổ hồi như vui mừng, cười reo vì đã giải thoát được linh hồn Lan. Lan cười theo hồi chuông, tiếng cười lanh lảnh trong làn không khí yên lặng dưới ánh lờ mờ thảm đạm buổi chiều tà”.

Cùng với thơ mới,văn chương Tự lực Văn đoàn thuộc khuynh hướng lãng mạn những năm đầu thập niên 30 thế kỷ trước,có dạo bị kết khá nặng nề: nào là ủy mị, bạc nhược,suy đồi,ru ngủ,thoát li cuộc sống v..v…- bị đóng dấu cấm kỵ ném vào kho phế thải thật oan ức . Khách quan nhìn lại tiến trình phát triển của văn học dân tộc trước sau - giả định vắng bóng TLVĐ,giả định trắng xóa thơ ca lãng mạn thì có đâu - còn đâu một cuộc “cách tân” đưa văn học Việt Nam từ phạm trù cổ điển sang phạm trù hiện đại…

 

Đến với dòng Văn học Lãng mạn,người đọc nghe được tiếng nói của “cái tôi nhân bản” - cái tôi được giải phóng toàn diện trên cả hai lĩnh vực cảm xúc và lý trí - được cổ vũ tháo thoát xiềng xích của luân lý lễ giáo cực đoan lỗi thời – được phản ánh chân thực những mâu thuẫn xã hội đương thời - để từ đó hình thành ý thức khai phóng đổi mới.Văn chương làm nhiệm vụ theo cách của mình – nói theo pháp môn nhà Phật - nó thấm vào tư tưởng - khởi phát “chánh niệm” - định hình “chánh tư duy” – cấu thành thái độ,hành động tích cực khi tham gia xã hội.

Tôi tạm bằng lòng với điều suy nghĩ bâng quơ về một vấn đề quá rộng lớn, lầm lũi đi trong ban mai,gió thổi suốt từ thời nguyên thủy làm tỉnh giấc mộng “hồn bướm mơ tiên”.Âm vọng hồng chung Long Giáng tỏa ngát hương yêu “đời/đạo”- Tôi hiểu ra trên đời này còn có một thứ tình yêu lãng mạn đượm mùi thiền thanh cao,ngan ngát hương sen:“Ta xa nhau từ vô lượng kiếp mà vẫn chưa hề rời nhau trong chốc lát/Ta đối mặt nhau suốt ngày mà chưa hề gặp nhau lần nào”-(Quốc sư Đại Đăng)…

 

(Saigon,12/3/2013)

 

Phan Văn Thạnh
Số lần đọc: 853
Ngày đăng: 14.04.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ám ảnh một lời nguyện - Nguyên Minh
Kế hoạch kinh doanh - Lê Hứa Huyền Trân
Cái rào tuổi thơ - Quang Nguyễn
Ông lão 80 trên lồng cu - Nguyễn Lệ Uyên
Món quà Xuân - Nguyễn Đại Duẫn
Chân mây xa vời (phần 2) - Đỗ Nguyễn
Chuyện bên đống lửa sưởi - Vinh Anh
Định kiến - Lê Hứa Huyền Trân
Chân mây xa vời - Đỗ Nguyễn
Xập xòe én liệng - Nguyễn Đức Tùng
Cùng một tác giả
Tự khúc cuối năm (truyện ngắn)
Đà lạt & Tôi (tạp văn)
Tản mạn với CAFE (tiểu luận)
Trôi trong mơ (truyện ngắn)