Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
826
116.684.539
 
Nhân sinh thất thập : “cổ lai hi” hay “nhi tòng tâm bất du củ” ?
Phan Văn Thạnh

 

 

Nhiều người thuộc,nhưng có lẽ thi thoảng mới dùng nên khi đụng tới,nhớ láng máng nhầm lẫn,cài cắm thơ cụ này vào ý cụ kia,rồi bỏ mặc cho thế nhân,ai muốn hiểu thì xin“làm ơn”tra tìm giùm.Riêng tôi rất cám ơn vì có dịp“đào bới” ôn lại chút vốn liếng thời theo học C/c Văn chương Việt Hán - Văn Khoa Saigon(1971). Vậy thì : nhân sinh thất thập cổ lai hi hay thất thập nhi tòng tâm khi “tụng kinh” nhà họ Khổng ?

1- Thực ra câu“Nhân sinh thất thập cổ lai hi”trích xuất từ bài “Khúc Giang Nhị Thủ - Kỳ Nhị” của Đỗ Phủ (712-770) .Câu thơ thường được hiểu là “Người thọ 70, xưa nay hiếm" và dừng lại ở cách hiểu đó như trích dẫn trong Di chúc của Bác Hồ - nhưng đặt trong ngữ cảnh bài thơ(Khúc Giang Nhị Thủ)thì đó là một lời than của Đỗ Phủ về tuổi đời(70) rất hiếm,khó đạt tới, nên chăng phải tranh thủ vui đi chớ có hành xử trái với đời.

 Nguyên tác chữ Hán (nguồn thivien.net):

曲江其二

朝回日日典春衣,

每日江頭盡醉歸。

酒債尋常行處有,

人生七十古來稀。

穿花蛺蝶深深見,

點水蜻蜓款款飛。

傳語風光共流轉,

暫時相賞莫相違。

Phiên âm

Khúc Giang - kỳ nhị

Triều hồi nhật nhật điển xuân y,

Mỗi nhật giang đầu tận túy quy.

Tửu trái tầm thường hành xứ hữu,

Nhân sinh thất thập cổ lai hi.

Xuyên hoa giáp điệp thâm thâm hiện,

Ðiểm thủy thanh đình khoản khoản phi.

Truyền ngữ phong quang cộng lưu chuyển,

Tạm thời tương thưởng mạc tương vy.

 

Dịch nghĩa 

Sông Khúc (bài 2)

Ngày ngày khi tan triều, áo đẹp đem đi cầm ngay,

Ngày nào cũng ở đầu sông uống thật say mới về.

Nợ tiền uống rượu vốn chuyện thường nơi nào cũng có,

Xưa nay đời người sống tới bảy chục là hiếm hoi.

Bươm bướm luồn hoa thấp thoáng hiện ra,

Chuồn chuồn giỡn nước chập chờn bay.

Nhắc người rằng phong cảnh thường hay thay đổi,

Hãy cùng nhau hưởng đi, chớ nên bỏ qua.

 

Bản dịch thơ của Tản Đà

Bến Sông II

Khỏi bệ vua ra,cố áo hoài

Bến sông say khướt, tối lần mai

Nợ tiền mua rượu đâu không thế?

Sống bảy mươi năm đã mấy người?

Bươm bướm luồn hoa phơ phất lượn

Chuồn chuồn giỡn nước lững lờ chơi

Nhắn cho quang cảnh thường thay đổi

Tạm chút chơi xuân kẻo nữa hoài.

 

2- Trái lại câu“Thất thập nhi tòng tâm sở dục bất du củ” trích từ sách Luận Ngữ     (論語) - một trong bốn cuốn sách gọi là Tứ Thư(Luận Ngữ,Đại Học,Mạnh tử và Trung Dung)do Khổng Tử (551 TCN - 479 TCN) và những đệ tử của mình biên soạn. Ngài đúc kết kinh nghiệm bản thân truyền lại cho đời sau - tạm gọi“hệ quy chiếu” Khổng Mạnh :

 “Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tòng tâm sở dục bất du củ”.

Ý rằng: “Ta 15 tuổi chí ở học hành, 30 tuổi có thể tự lập, 40 tuổi không còn nghi hoặc, 50 tuổi biết được mệnh Trời, 60 tuổi ta biết điều phải trái, 70 tuổi tâm theo ý mình, có thể làm một cách tùy ý nhưng lại không vượt ra ngoài quy tắc khuôn khổ”.Diễn giải thêm :

* Tam thập nhi lập: 30 tuổi có thể tự lập.Con người ở độ tuổi này về cơ bản đã có thể  làm chủ bản thân,xác lập được phương hướng phát triển cuộc đời mình - gánh vác những trách nhiệm mình cần đảm đương. “Nhi lập” ở đây bao gồm các khái niệm : lập thân,lập nghiệp,lập gia: - tuổi 30 định hình nhân cách và sự tu dưỡng bản thân - xác lập công danh,sự nghiệp mà mình muốn theo đuổi – chín chắn,hiểu rõ về hôn nhân và trách nhiệm xây dựng gia đình .

* Tứ thập nhi bất hoặc: 40 tuổi không còn mê lầm – Chữ “hoặc”- bộ tâm[惑]là ngờ,hoài nghi/mờ tối,lầm lẫn - là độ tuổi trưởng thành nhận thức tỉnh táo,minh bạch với bản thân,với người khác, biết vận dụng điều bất biến để ứng vạn biến,có thể nhìn thấu vạn vật trên thế gian.

* Ngũ thập nhi tri thiên mệnh: 50 tuổi biết mệnh Trời – hình dung khá rõ số phận – đây là giai đoạn chín muồi trong cuộc đời - nhiều dự tính dường như đã thành hình - hiểu biết nhiều về xã hội và do vậy càng thấu hiểu bản thân mình hơn. Họ xác lập được bản lĩnh ứng phó với mọi việc .

* Lục thập nhi nhĩ thuận: 60 tuổi tai nghe nhận biết điều phải trái.Dẫu ai nói ngả nói nghiêng,dù gặp phải cảnh ngộ trắc trở,khó khăn đều không quá dao động. Họ rất điềm tĩnh và thuận theo quy luật của sự vật - thản nhiên trước vinh nhục,ngộ ra ý nghĩa đời người, nhìn thấu kiếp nhân sinh,coi nhẹ danh lợi.

* Thất thập nhi tòng tâm sở dục bất du củ: 70 tuổi tâm theo ý mình không ra ngoài khuôn phép.Họ có thể muốn gì làm nấy theo cách nghĩ của mình - biết cách sống thuận theo tự nhiên,thích ứng với mọi hoàn cảnh,không vượt ngoài khuôn khổ.Sống đạm bạc,biết đủ,biết nhàn(tri túc,tri nhàn) - an nhiên thích thản - không oán người,trách trời,trách đất,không để tâm lo nghĩ quá mức.Sức khỏe suy giảm từng ngày cũng không hoảng hốt,thấy cái chết cận kề mỗi ngày cũng không khiếp sợ. Mọi thứ cứ thuận theo quy luật,tùy cảnh an nhiên – Và,nói như Thiền sư Trần Nhân Tông :“đối cảnh vô tâm; mạc vấn thiền”.(*)

 

Tóm lại “thất thập”của Đỗ Phủ là lời than tuổi già 70 rất hiếm,hãy vui thú với đời chớ nên bỏ qua - “thất thập”của Khổng Tử là bài học nhân sinh,chỉ cách sống thọ theo lòng mong muốn,không vượt quá qui tắc,khuôn khổ đạo lý. Chữ “củ” - bộ mộc [榘] là cái khuôn - khuôn phép.

Ngày nay trong điều kiện khoa học tiến bộ,kinh tế toàn cầu phát triển như vũ bão,nền y học thế giới đạt nhiều thành tựu phi thường – có thể chấn chỉnh dung nhan con người - “đập ra xây lại”,cãi lão hoàn đồng,ghép tạng kéo thêm sự sống cho con người như hóa phép.Cuộc sống được cãi thiện tác động tuổi thọ cũng được nâng lên - Tuổi 70 rất phổ biến - có cụ trèo lên 80,hái luôn 90… thậm chí cán mốc 100 mới chịu buông ! Ở đây lời dạy của cổ nhân mang tính tham khảo,ứng với từng chặng tuổi biết hành xử cuộc đời - “thời hành tắc hành,thời chỉ tắc chỉ”- biết tiến,biết thoái không mù quáng,mê lầm.

Riêng với ông “Thánh thơ” Đỗ Phủ thì tuổi 70(khi xưa)không dễ đạt đâu - hiếm lắm vậy! - Nên chi ta cứ vui hưởng,chớ hoài phí – tất nhiên với điều kiện lực phải tòng tâm… !

 

 

(Saigon,17/8/2020)

 

 

(*) Trích bài kệ “Cư Trần Lạc Đạo Phú” của Thiền sư Trần Nhân Tông(1258-1308) - Thơ Thiền Lý-Trần,tr 268,Tập I - NXB Văn Nghệ TP HCM,1998. Tạm diễn nghĩa: Đối với cảnh bên ngoài,dù đẹp hay xấu,trái hay phải,thuận hay nghịch, tiếng khen hay tiếng chê,mà tâm không hề xao xuyến, không hề dấy động, tâm như như bất động – không cần hỏi Thiền nữa.

 

 

Phan Văn Thạnh
Số lần đọc: 1561
Ngày đăng: 31.08.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ngôi chùa thiêng lưu giữ “Văn chiêu hồn” của Nguyễn Du - Nguyễn Anh Tuấn
Từ tro tàn bóng chữ bay lên - Trương Văn Dân
Đọc lại hồi ký Nguyễn Huy Tưởng, nghĩ về bài học cho văn nghệ hôm nay - Cảnh Thụy
Huy Tưởng, lục bát - Nguyễn Đức Tùng
Đi tìm Dịch giả Trần Dần - Nguyễn Anh Tuấn
Sài-Gòn, Ngày Trở Lại - Nguyễn Vy Khanh
Đôi dòng tản mạn về “Trò chuyện với thiên thần” của nhà văn Trương Văn Dân - Nguyên Cẩn
Hiện-tượng hồi-ký hải-ngoại - Nguyễn Vy Khanh
“Thơ đến từ đâu”- Cuộc truy tìm bất thành đáng trọng - Nguyễn Đức Tùng
Chiếc đòn khênh võng của một bậc quốc sĩ - Nguyễn Anh Tuấn
Cùng một tác giả
Tự khúc cuối năm (truyện ngắn)
Đà lạt & Tôi (tạp văn)
Tản mạn với CAFE (tiểu luận)
Trôi trong mơ (truyện ngắn)