Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
773
116.643.547
 
Có một vua tango
Trần Áng Sơn

Lầu đầu tiên tôi biết đến anh lúc đó tôi mới 16 tuổi, đang học lớp đệ ngũ ở một trường trung học ở Huế, vào một ngày xuân, qua bản nhạc Gió mùa xuân tới. Đang tuổi thanh niên tôi rất yêu thích bản nhạc này, nhịp điệu rumba vừa nhịp nhàng vừa quyến rũ. Lớn hơn một chút nữa, tôi lại yêu mến anh qua bản nhạc Thu qua, nhịp điệu chậm, man mác, cái hơi thu chỉ có nhạc sĩ thiên tài Đặng Thế Phong mới đủ quyền năng phả vào hồn chúng ta qua ba khúc tuyệt tác: Đêm thu, Giọt mưa thu, Con thuyền không bến. Thu qua đối với tôi là một điệp khúc âm hưởng vương vất của ba khúc thu ca nói trên. Và anh, nhạc sĩ Hoàng Trọng, những năm tháng còn ở Hà Nội, với tâm hồn trong veo đã tặng cho đời những ca khúc đáng yêu, vương vấn vào lòng người mỗi khi chợt cảm thấy thu của đời mình cũng đang trôi qua.

 

Thời gian thật kỳ diệu, cứ tưởng tôi chỉ yêu mến Hoàng Trọng qua âm nhạc, còn thực tế, đang mài đũng quần trên ghế nhà trường, Hoàng Trọng ở tận trên cao chót vót làm sao với cho được! Vậy mà cứ như nằm mơ, chẳng những tôi đến gần được anh, mà còn có thời được anh dìu dắt bước vào thế giới âm nhạc. Sự may mắn này thật ra có nguyên do chẳng phải ai cũng có. Tất cả nhờ bà chị là ca sĩ ngôi sao trong ban nhạc Tiếng Tơ Đồng mà Hoàng Trọng là trưởng ban. Thuở ấy đôi vợ chồng ca nhạc sĩ Châu Kỳ - Mộc Lan “từ giã kinh thành” để vào Sài Gòn, mảnh đất màu mỡ cho nghệ thuật phát triển. Nhưng, họ không thể ngờ, đó là chuyến từ giã định mệnh, vì khi vào đến miền Nam họ chia tay nhau, chẳng cần quy trách nhiệm tại ai vì cả hai đều cảm thấy mất mát trong cuộc “ra đi là hết rồi” này. Chị tôi – ca sĩ Mộc Lan – lại trở về cuộc sống độc thân ở vào độ tuổi còng nguyên thanh sắc, xuân độ chín mùi còn quyến rũ hơn cả gái xuân xanh. Chị thuê một căn phòng tại khách sạn Viễn Đông đường Phạm Hồng Thái. Khách sạn này xây như một cư xá, hai dãy ở giữa là một khoảng sân rộng, có ngõ hẹp ăn thông vào các phòng. Chị tôi ở căn phòng tận cuối ngõ, đầu ngõ phía bên kia là nhà nhạc sĩ lừng danh thuở bấy giờ: nhạc sĩ Trần Văn Lý, ông có ngón đòn phong cầm tuyệt diệu làm tôi mê mẩn, cũng như cô vợ trẻ thật khêu gợi, lúc nào cũng ăn mặc như Lolita, làm khổ lòng gã học trò học troẹt là tôi, mới lò dò từ Huế vào tìm nơi dùi mài kinh sử có lẽ là không đúng chỗ. Tôi thật may mắn vì khách của chị tôi toàn là những ngôi sao lừng danh, mặc sức cho tôi làm quen, nếu tôi quyết chí theo đuổi âm nhạc đây là cơ hội ngàn năm một thuở, lối tắt đi đến thành công trước mặt. Thế nhưng tôi lại tự ngoặt sang một hướng khác: văn chương. Âm nhạc, tôi cũng thích, nhưng, nó giúp tôi giải trí hơn là hướng dẫn tôi vào đời bằng những bước đi tự chủ. Mặc dù thế, tôi vẫn không bỏ qua một dịp may nào đến với mình. Như đã nói trên, những người khách của chị tôi toàn là đồng nghiệp, họ là nhạc sĩ, ca sĩ, kịch sĩ, một số là họa sĩ, kịch tác gia. Họ đến hoàn toàn vì nghề nghiệp, nhưng cũng có một đôi vị tự nguyện trồng cây si trước người phụ nữ ngọt ngào như một thỏi chocolat. Trong số đó, cây si không giống ai chính là nhạc sĩ Hoàng Trọng.

 

Trong con mắt tôi, anh không phải là mẫu người phụ nữ thích. Người tuy tầm thước nhưng hơi nặng nề, nước da ngăm bì bì, gương mặt không có cá tính, tuy nhiên, tính anh lại rất hiền, củ mỉ cù mì, ít nói, thuộc loại tán gái bằng cách… ngồi lì, chẳng nói và có lẽ cũng chẳng liếc mắt đưa tình. Anh rất thường đến thăm chị tôi, mỗi lần đến, anh ngồi một đống. Đến âm thầm khi về cũng lặng lẽ. Lối tán này hình như làm chị tôi… hết chịu nổi, và hình như anh cũng tự nhận ra nhược điểm của mình nên anh bắt chuyện với tôi một cách thân thiện. Vào thời điểm ấy tuy đang còn là một học sinh nhưng tôi tập tễnh làm thơ, cũng có một vài bài được chọn đăng trên các báo. Tôi chọn một bài đăng ở Văn nghệ Tiền phong, nội dung nói về lòng mong nhớ quê hương đưa anh Hoàng Trọng, ướm thử xem anh có phổ nhạc bài thơ của tôi được không. Thú thực, tôi không tự tin lắm, anh là một nhạc sĩ thành danh, còn tôi mới chỉ vừa thoát ra khỏi cái lốt con cóc. Nhận bài thơ tôi cắt từ báo, anh nhét túi chẳng nói gì. Tôi cũng chẳng năn nỉ mà tự nhủ “cứ coi như mình gửi cho báo, có thể đăng cũng có thể không”. Thật không ngờ, chỉ mấy hôm sau anh đem bài thơ đã được phổ nhạc theo nhịp điệu tango. Tôi thất vọng vì thơ mà phổ theo điệu tango rất khó hay, trường hợp bài thơ Chiều của Hồ Dzếnh là một ngoại lệ. Nhìn vào bản nhạc tôi càng thất vọng vì ở đoạn điệp khúc có đến bốn bêmôn (b) rất khó hát, ngay cả ca sĩ tập cũng vã mồ hôi, làm sao phổ biến trong dân chúng được! Mặc dù thế, tôi cũng rất sung sướng thấy đứa con tinh thần của mình được phổ nhạc, lại được toàn ban Tiếng Tơ Đồng hát trên đài Sài Gòn mấy buổi liền. Nhạc nghe thì cũng hay nhưng đúng như tôi lo lắng, Hoàng Trọng phổ bài này hàn lâm quá, không tạo được tiếng vang. Nếu tôi không lầm thì ngoài ban Tiếng Tơ Đồng ra, chẳng có ban nhạc nào, ca sĩ nào hát lại, nó rơi vào lãng quên một cách tự nhiên. Thế nhưng chưa hết, chỉ ít lâu sau Hoàng Trọng lại đưa cho tôi một nhạc khúc chưa có lời, anh nhờ tôi đặt lời cho bản nhạc của anh. Tuy bỡ ngỡ nhưng tôi không e ngại, chỉ một điều anh gợi ý tôi hãy viết ca từ như Chiêu Tranh viết cho nhạc Văn Phụng. Tôi không làm theo ý muốn của anh vì nhạc của anh không tươi tắn như nhạc Văn Phụng.

 

Trong khi liên hệ giữa tôi và anh Hoàng Trọng có vẻ tốt đẹp, niềm riêng trong lòng anh không vì thế mà ấm áp hơn. Có lẽ, sự bế tắc trong tình cảm đã làm anh nhìn rõ tâm cảnh của mình, do đó, trong thời kỳ này, anh sáng tác một loạt ca khúc hầu hết viết theo nhịp tango, trong đó có bản Mộng lành, Mộng ban đầu, cho tới bây giờ vẫn là bản tango thuộc loại hay nhất trong nền âm nhạc Việt Nam. Rất có thể vì thế trong giới ca nhạc, người ta thân ái gọi anh là vua Tango. Điểm lại toàn bộ sự nghiệp sáng tác ca khúc của anh, tango đã chiếm một tỉ lệ khá cao, cho nên, người ta không ngạc nhiên khi Hoàng Trọng được phong là vua mà không có quần thần nào phản đối.

 

Về nghệ thuật là thế, nhưng về mặt tình cảm có vẻ như anh không phải là kẻ đi chinh phục, lại chẳng biết gì về tâm lý phụ nữ và thế là anh bị knock out ngay ngưỡng cửa nhà tôi. Thay chỗ anh ngồi ù lì mỗi khi đến thăm người đẹp là một đấng nam nhin hết sức hào hoa, cao lớn, đẹp trai, ăn nói có duyên, ga lăng hết cỡ, vị này đi bên cạnh chị tôi ngay cả tôi cũng phải công nhân họ hết sức đẹp đôi.

 

Thất bại nặng nề nhưng cũng thật đáng khen, biết chấp nhận cũng là một nhân cách những người đàn ông chân chính cần phải biết. Riêng với tôi, anh Hoàng Trọng cư xứ hết sức người lớn. Anh xuất bản mấy ca khúc có tôi hợp tác, tiền nhuận bút cho tôi còn hậu hĩnh hơn cả nhà xuất bản, khác hẳn với trường hợp tôi gửi thơ đăng báo, hồi hộp theo dõi hộp thư tòa soạn, khi thơ được đăng cứ như là được người yêu tặng cho nụ hôn đầu còn nghĩ gì đến nhuận bút.

 

Như thế đó, Hoàng Trọng đi phớt qua gia đình tôi, riêng tôi lại càng ngắn ngủi, nhưng, anh vẫn kịp để lại cho tôi những kỷ niệm đẹp thuở thanh niên. Mới đây, được xem một cuốn băng video ca nhạc của Hãng phim Trẻ, cuốn Những tình khúc vượt thời gian số 7, người ta phỏng vấn Hoàng Trọng trường hợp nào anh sáng tác ca khúc Ngàn thu áo tím? Những người thực hiện cuộc phỏng vấn là những cô gái còn rất trẻ, trẻ hơn con gái Hoàng Trọng rất nhiều, nhưng cách đặt câu hỏi lại dấm dẳng mang tính chất dẫn dắt. Hoàng Trọng đã hết sức khó khăn trả lời cái kiểu phỏng vấn này, anh lúng búng để cuối cùng các cô gái phá lên cười một cách tinh quái. Tôi hơi khó chịu về cách các cô đối xử với anh Hoàng Trọng, nó thiếu nghiêm túc làm giảm giá trị sẵn có của những ca khúc trong cuốn băng. Hơn thế nữa, ca khúc Ngàn thu áo tím không phải là tác phẩm hay của Hoàng Trọng, nó chỉ đáp ứng nhu cầu thời thượng tỉ tê sướt mướt, ngay cả thời gian trước cũng ít được hâm mộ. Riêng về anh Hoàng Trọng, người có ít nhiều kỷ niệm với gia đình tôi, sau mấy mươi năm không gặp, già đi là điều tất nhiên, tôi muốn nói đến cái chất bên trong làm nên tên tuổi Hoàng Trọng, anh nhạy bén bao nhiêu trong nghệ thuật thì lại vụng về bấy nhiêu trong ứng xử với đời, nhất là trước phái đẹp, anh chẳng rút ra được một chút kinh nghiệm nào, cứ lúng túng như thợ vụng mất kim. Đáng sợ thay sức mạnh của phái yếu.

 

Trần Áng Sơn
Số lần đọc: 2855
Ngày đăng: 07.03.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tiếng gà trưa - Mai Văn Sang
Thư Sài Gòn - Võ Ðắc Danh
Những người không may mắn - Phạm Lưu Vũ
Kiêm Minh, chàng tường vi công tử - Trần Áng Sơn
Tím chi nhiều rứa Huế ơi - Võ Quê
Một lần với Phù Thăng - Tào Khang
Những chuồ/trường đại học (ĐH) d/ranh já/tiếng nhất thế jới vs. ĐH “R” - Đặng Thân
Đạo làm thầy - Trần Huy Thuận
Đồng môn (tiếp) - Trần Huy Thuận
Văn hóa từ chối - Trần Đức Tiến
Cùng một tác giả