Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
486
115.989.276
 
Từ thuở vác ngà voi…
Trần Áng Sơn

Tôi gặp Nguyễn Thụy Long tại tòa soạn tuần báo Ngàn Khơi ở đường Bùi Viện năm 1962, cả hai chúng tôi đều quen biết với chủ nhiệm Nguyễn Tạo Lâm qua Trần Dạ Từ, Tú Kếu Trần Đức Uyển. Đây là lần đầu tiên tôi bước từ vị trí người cộng tác gửi bài đến các báo chờ đăng, sang vị trí trực tiếp can dự vào chuyện bếp núc trong tòa soạn. Còn Nguyễn Thụy Long qua lời Trần Dạ Từ lúc ấy đang làm cặp rằn ở bến tàu Khánh Hội. Long đang được nhóm Ngàn Khơi lăng xê bằng một loạt truyện ngắn tôi chỉ còn nhớ truyện đầu tiên có tựa là Vác ngà voi. Trước khi gặp Long tôi đã nghe Trần Dạ Từ nói về anh, cứ ngỡ làm cặp rằn hẳn Long phải là một tay dữ dằn ai dè anh hiền khô, tuy dáng người chắc nịch, đen, cái đen của nắng và gió đích thị dân bến tàu. Có vẻ như Long rất được vợ chồng Trần Dạ Từ ưu ái, anh ở luôn nhà Từ, trên lầu, cùng một dãy với tòa soạn báo Ngàn Khơi.

 

Số báo nào cũng có truyện ngắn của Long được đăng, còn tôi tuy cũng có thơ đăng nhưng không đều. Để tồn tại tôi phải chọn mảnh đất khó nhai hầu như ở tòa soạn chẳng ai nhận, đó là mảng giới thiệu thơ thế giới. Có người đã ví việc làm của tôi là “những chiến công của Hercule”. Ngẫm nghĩ lại tôi giật mình vì quá liều mạng. Tôi dịch thơ của bất cứ người nào mình thích, chẳng theo gu nào cả, từ cổ điển đến hiện đại như Byron, Walt Whitman, Robert Frost, Jacques Prevert…

 

Trang thơ nước ngoài của tôi do Đằng Giao trình bày rất đẹp. Tuy có liều nhưng tôi cũng hơi thận trọng, những bài nào có nhiều cổ ngữ, dịch xong, trước khi giao cho Trần Dạ Từ, tôi đem đến nhờ một giáo sư đọc trước, do đó không có độc giả nào viết thư về tòa soạn phê phán. Do tòa soạn ở Bùi Viện quá chật, không đáp ứng được tình trạng tờ báo ngày càng nhiều độc giả, nên phải di chuyển về nhà in Lê Thanh ở đường Trần Hưng Đạo. Thời gian này Nguyễn Thụy Long đã chuyển sang viết truyện dài đăng nhiều kỳ và đã có những thành công ban đầu. Để có thêm độc giả, nhóm chủ biên tờ báo mở một cuộc đả kích giới đồng nghiệp hòng tạo thành một cuộc bút chiến, nạn nhân đầu tiên là thi sĩ ĐH. Trò ma giáo này tồn tại không lâu vì đa số anh em trong tòa soạn còn rất trẻ, họ gây hấn tựa như những đứa trẻ nghịch ngợm, kịp nghĩ lại thấy mình rắn mắt nên tự sửa sai. Trong khi ấy xảy ra một vụ xung đột giữa chính quyền Ngô Đình Diệm và Phật giáo. Đánh hơi được cơ may, nhóm chủ biên nhảy vào gây thanh thế bằng cách phỏng vấn một đại đức về tình hình Phật giáo bị chính quyền đàn áp. Bài phỏng vấn lên khuôn lập tức mật vụ đến tòa soạn hỏi thăm. Nhóm chủ biên hoảng hồn không dám về nhà, tối tối ra cầu Ông Lãnh mướn ghế bố ngủ tị nạn. Một thời gian sau tờ Ngàn khơi đình bản. Nhóm chủ biên trong đó có tôi cộng tác, hầu hết đang độ tuổi quân dịch, báo bị sập tiệm chúng tôi mạnh ai nấy tự lo thân, tên nào trốn giỏi thì thoát, ngu ngơ như tôi bị nắm đầu quăng vào quân trường.

 

Trong thời gian tôi làm “lính thú” thì Nguyễn Thụy Long tiến một bước dài trên đường bút nghiên, tác phẩm của anh liên tục xuất bản, thậm chí còn được dựng thành phim. Tiêu biểu như cuốn Loan Mắt Nhung.

 

Ngày tôi chính thức thoát khỏi kiếp lính chính là ngày 30/4/1975. Chúng tôi gặp nhau ở Hội Văn nghệ, tôi gợi lại chuyện cũ anh cười bảo lâu quá rồi. Chẳng hiểu anh vô tư hay ngụ ý gì nhưng nghe “lâu quá rồi” cứ nhẹ tênh, chẳng chối bỏ cũng chẳng chấp nhận. Xã hội thay đổi tận gốc rễ, người ta lao vào cuộc mưu sinh gay gắt. Nguyễn Thụy Long thử đủ nghề: mở quán cà phê, sửa xe, khai hoang, chuyện văn nghệ văn gừng tạm xếp qua một bên. Còn tôi thì làm thợ đụng, việc gì cũng làm, việc cuối cùng là làm… công nhân viên. Cuối thập niên 80, thời kỳ mở cửa bắt đầu khởi sắc, chính sách đối với văn hóa cũng thoáng hơn, không khí làng văn làng báo nhộn nhịp hẳn lên, chúng tôi lại trau chuốt cây bút đã khá lâu xếp xó. Nhưng vốn liếng để cho một tác phẩm ra mắt bạn đọc quả thực nan giải, vừa qua thời kỳ khó khăn chưa hoàn máu mặt làm sao có thể tự in sách! Xếp hàng để in sách chúng tôi chẳng thuộc diện ưu tiên nào. Cũng may, thời kỳ mở cửa tư nhân hoạt động văn hóa đã nhạy bén nhập cuộc, cả tôi và Nguyễn Thụy Long cũng đều được một doanh nhân văn hóa đầu tư, nhiệm vụ của chúng tôi là viết cho đạt yêu cầu. Nguyễn Thụy Long với một quá khứ thành tựu đã tỏ ra khá vướng víu, ngược lại chưa bao giờ tôi là nhà thơ hoặc nhà văn sống bằng cây bút, thích thì viết, không thích thì tung hê, do đó tôi viết thoải mái, lần này tôi tỏ ra “hội nhập” nhanh hơn, do có chung một “ông bầu” tôi và Long thường gặp nhau, anh ngỏ ý cần một chiếc Velosolex còn chạy được, tôi mau mắn cho biết tôi có một chiếc đã lâu không dùng sẵn sàng nhượng lại, “ông bầu” lập tức ứng tiền cho Long lấy xe. Long hài lòng trước con ngựa sắt còn khá cứng cáp. Sau khi lấy xe được một ngày, gặp tôi ở Hội Văn nghệ, mồ hôi ướt đẫm lưng áo, Long nói qua hơi thở: Chiếc xe nó chạy như ngựa bất kham không thể thắng lại được, thế là đụng… cái rầm, hiện xe đang bỏ sửa ở chân cầu Công Lý. Tôi cười ngất gọi nước cho Long uống. Xe của tôi làm sao tôi không biết, chình vì nó bất kham nên tôi mới cho nó nghỉ hưu, trong khi đi đâu phải lóc cóc trên chiếc xe đạp. Trở lại chuyện viết lách, tôi liên tiếp gặt hái thành công trong khi Long tỏ ra trúc trắc trục trặc, anh xoay sang viết kịch với hãng phim vì trước đây anh đã từng hợp tác, nhưng ngay cả trong lãnh vực này cũng không được suôn sẻ như ý muốn. Có nhiều cách lý giải, theo tôi trong thời kỳ sung sức nhất Nguyễn Thụy Long hầu như tinh anh phát tiết ra trọn vẹn, anh là một trong số những nhà văn hiếm hoi lúc bấy giờ ngồi trong xe du lịch (bây giờ gọi là xe con) viết văn. Ngoài nguyên nhân kể trên, dĩ nhiên còn nhiều nguyên nhân khác không tiện nêu ra ở đây. Một lần, khoảng cuối năm 1991, tôi đến nhà xuất bản Trẻ gặp Thái Thăng Long trao đổi một vài chi tiết xung quanh tác phẩm được nhà xuất bản cấp giấy phép xuất bản, tôi hơi bất ngờ gặp Nguyễn Thụy Long ở đây. Long đón tôi với nụ cười không khác trước, vừa có vẻ quen biết nhưng vẫn chưa đủ thân tình phản ánh đúng tình bạn giữa chúng tôi. Long cho biết anh đang viết truyện thiếu nhi cho nhà xuất bản Trẻ. Tôi lại hơi ngạc nhiên vì một cây viết đã từng có những tác phẩm đề tài dữ dội như Long, liệu tâm hồn có còn đủ hồn nhiên bước vào thế giới tuổi thơ? Chỉ có thời gian mới thỏa mãn được thắc mắc của tôi.

 

Để nhớ về Nguyễn Thụy Long một cách trọn vẹn, tôi nghĩ nên loại bỏ hết những cái vặt vãnh chung quanh. Một trong những kỷ niệm thật nhất của chúng tôi có lẽ là chuyến tham quan Củ Chi khoảng năm 1977, Hội Văn nghệ tổ chức cho tất cả những văn nghệ sĩ ở Sài Gòn trước 1975. Mục đích chuyến tham quan là để thành lập một làng văn nghệ trên Đất thép thành đồng. Ngồi trên xe hơi trên đường đến Củ Chi, tôi, Nguyễn Thụy Long, Cung Tích Biền và Đỗ Vinh ước hẹn sẽ là hàng xóm của nhau khi tất cả chúng tôi được sống trong làng văn nghệ.

 

Khi đến Củ Chi, chúng tôi thích thú vì địa điểm chọn làm làng ở trên một ngọn đồi địa thế rất đẹp, sườn đồi thoai thoải dốc về phía sông Sài Gòn uốn quanh, sáng lấp lánh dưới ánh nắng chói chang. Cung Tích Biền cao hứng bảo anh sẽ mua lưới chiều chiều xuống sông bắt cá cùng nhau nhậu. Thật tuyệt vời, hoàng hôn trên sông, trên sườn đồi thoai thoải, những mái nhà tranh đang nhả khói trên bầu trời bao la ngợp mây, chúng tôi sẽ ngồi dưới một tàng sim uống rượu như những nhà ẩn dật. Một giấc mơ quá đẹp. Và, thật may mắn, đó chỉ là một giấc mơ. Lũ chúng tôi lúc nào mà chẳng sẵn sàng mộng với mơ.

 

Trần Áng Sơn
Số lần đọc: 3078
Ngày đăng: 07.04.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một trong hai người lính - Trần Áng Sơn
Tình yêu của Vincent Van Gogh : Danh họa Hà Lan - Vương Trung Hiếu
Khoảng trống để lại - Trần Công Nhung
Mờ mờ nhân ảnh - Trần Huy Thuận
Tình yêu của George Sand : Nữ văn sĩ Pháp - Vương Trung Hiếu
Nét bút ,âm thanh và cát bụi… - Trần Trung Sáng
Nguyễn Khắc Dương - Người tìm mình qua những xung đột văn hóa - Đỗ Lai Thúy
Nghệ sĩ Bửu Lộc : Điệu đàn lời ca hòa quyện gió Hương Bình - Võ Quê
Võ Đắc Danh : “Nghệ thuật chỉ là tìm tới sự đồng cảm” - Diễm Thư
Người của cát bụi lộng lẫy - Ngô Minh
Cùng một tác giả