Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
494
115.990.182
 
Có thì có tự mảy may
Trần Áng Sơn

TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN:

* Những truyền thuyết trong Kinh Dịch

* Hán Việt tự điển

* Tự điển bách khoa văn học cổ điển Trung Quốc

SẮP IN:

* Lục bát ba câu - Thơ

 

Bộ sách Những trang sách khép mở gồm 3 cuốn. Tập 1, 2 đã xuất bản cuối năm 2002. Đáng lẽ bài này in trong tập 1 trong đợt xuất bản vừa rồi nhưng trong khi bản thảo ra nhũ tôi nhận được thư của anh Nguyễn Tôn Nhan, là bạn cũ, cũng là đồng nghiệp khi chúng tôi công tác cùng một đơn vị ở Phòng VTHT Quận 4. Thư đề ngày tháng 8/2002, trong thư Nguyễn Tôn Nhan đề nghị: “Rút phần viết về tôi ra”. Lý do: “Không thích được bất cứ ai nhắc đến. (Tôi đã từ chối rất nhiều cuộc phỏng vấn đủ mọi thứ báo chí trên đời này). Mong được ông chiều tôi một lần…” (Trích nguyên văn thư Nguyễn Tôn Nhan).

 

Để chiều Nguyễn Tôn Nhan, tôi phải sửa bìa sách đã in, hủy bản nhũ tập 1 trong đó có bài viết về Nguyễn Tôn Nhan. Điều đáng tiếc qua việc này là một vết rạn nứt nhỏ đã có thực trong mối quan hệ lâu năm giữa hai người bạn. Sau khi hai tập đầu bộ sách phát hành, rất nhiều bè bạn thắc mắc vì sao không có bài viết về Nguyễn Tôn Nhan? Trong văn chương, chỉ có tác quyền vẫn còn thuộc về tác giả, đặc biệt khi tác phẩm đã được lưu hành, những phần còn lại thuộc cái chân, thiện, mỹ là của chung. Chính bởi lý do đó, tôi quyết định in bài viết về Nguyễn Tôn Nhan trong tập 3, sau khi có sửa chữa, bổ sung những khiếm khuyết gây ngộ nhận.

 

Là đôi bạn lâu năm, cả tôi và Nguyễn Tôn Nhan đều hiểu rõ về nhau. Tôi cho phép mình viết những điều cả tôi và Nhan đều biết. Đó là sự thực. Tôi cũng không cho phép mình viết những điều không nên, chưa nên, đến lúc nào đó viết cũng chưa muộn…

 

Râu tóc bờm xờm, lởm chởm, dáng điệu lừng khừng, lỏng kha lỏng khỏng. Đó là ngoại hình của Nguyễn Tôn Nhan Nguyễn Hữu Thành.

 

Tôi không nhớ rõ là đã trở thành bạn của Nguyễn Tôn Nhan trong trường hợp nào, có lẽ chẳng ai làm quen với ai, gặp nhau miết rồi trở nên quen. Kỷ niệm về Nguyễn Tôn Nhan thì nhiều, kỷ niệm đẹp xen kẽ với chưa đẹp, đôi khi lộng giả thành chân. Đó cũng là một kiểu đùa dai với đời. Nếu tinh là giả, không tinh là thật. Đã có một thời gian tôi cứ nhìn giả, tưởng thật, nhưng chẳng trách ai, có chăng, tự trách sự kém cỏi của mình.

 

Hình như tôi với Nguyễn Tôn Nhan có mối duyên nợ nào đó, đi đâu, làm gì cũng gặp nhau. Khi vui lúc buồn, vinh chưa được nếm qua, hạn thì cả hai đã từng gặm nhấm. Cái vị đắng cuộc đời đã ảnh hưởng ít nhiều đến cách ăn ở với đời của riêng mỗi chúng tôi. Tôi nói của riêng vì mỗi chúng tôi là một cá tính. Khéo che đậy, ngụy trang đến đâu, cá tính vẫn mang màu sắc riêng của từng cá nhân, đến lúc nào đó nó đột ngột phơi bày…

 

Kỷ niệm đầu tiên của tôi với Nguyễn Tôn Nhan có lẽ là ngày tôi về công tác chung bộ phận với anh. Bộ phận này có ba người, một là tửu quỷ, kẻ thứ hai xứng đáng gọi là ma men, trự thứ ba là tôi, tửu lượng kém nhất nhưng uống nhiều không bằng hay uống, ai sao tôi cũng theo nhưng, chỉ theo cầm chừng… tôi và Nhan làm việc tương đối có hiệu quả, chúng tôi chỉ chơi sau khi nhiệm vụ đã vẽ vời xong nhưng “sếp” của chúng tôi thì hết ý. Mỗi lần họp cơ quan, khi sếp chúng tôi báo cáo công tác, dù đã được chúng tôi viết sẵn vẫn ba trật ba vuột khiến cơ quan cười nghiêng ngã. Mỗi lần như thế, tôi muốn độn thổ, còn Nhan, anh có thái độ như một hiền triết, chẳng liên quan gì đến anh. Mỗi tuần họp cơ quan ít nhất hai lần, lần nào vừa thấy sếp chúng tôi đứng lên báo cáo là phòng họp trở nên ồn ào vì những tiếng cười, không ác ý nhưng, sự vô tâm có khi lại trở thành nhẫn tâm. Tình trạng này cứ tiếp tục khiến tôi sợ những buổi họp cơ quan. Trái với tôi, Nhan cứ phớt lờ khiến tôi phải tự nhủ: Phải chăng Nguyễn Tôn Nhan đã đạt được nghệ thuật sống nào đó nên không bị chi phối bởi những tác động bên ngoài? Có lúc tôi ước ao mình cũng hành động “đạt” được như Tôn Nhan nhưng… không thể.

 

Cầu đoạn trường tuy dài nhưng đi miết rồi cũng hết, ngày bước qua bờ bên kia cũng là ngày cơ quan rút tôi về văn phòng, phong cho cái chức hữu danh vô thực chánh văn phòng, thực chất, về mặt dùng người, tôi đã bị khích tướng, tôi đã được trao cho một cái giỏ rác Tôi bơi trong công việc, bị nhấn chìm trong công việc. Tôi nhanh chóng nhận ra, về văn phòng, có nghĩa là về quản con rùa hành chánh đang trì trệ… sếp cũ của tôi trở thành thủ kho, Nguyễn Tôn Nhan lên chức quản mấy cậu lau nhau mới ra trường.

 

Tôi từ giã bàn giấy sau năm năm làm việc cật lực. Chẳng bao lâu sau, Nguyễn Tôn Nhan cũng nghỉ việc, hình như đóng mãi vai hiền triết anh cũng cảm thấy chán. Tôi kiên nhẫn cặm cụi trên những trang giấy hoàn thành một số tác phẩm xếp trong ngăn kéo, chờ thời. Hơn nữa, viết vừa là cái nghiệp, vừa là nhu cầu với tất cả sự đam mê. Khi viết, tôi được giải phóng… Nguyễn Tôn Nhan nhờ vốn liếng Hán văn, anh mày mò viết tiểu thuyết dã sử rồi dịch những tài liệu thuộc loại thâm cung bí sử các triều đại Trung Quốc cổ xưa. Ở lãnh vực này, Nguyễn Tôn Nhan đạt được những thành công đáng kể tôi sẽ đề cập ở phần sau.

 

Cả hai chúng tôi khi tư bỏ cuộc đời công chức đều nhận cho mình một món quà mang theo suốt đời. Tôi, với căn bệnh cao huyết áp. Nguyễn Tôn Nhan sau cơn tai biến mạch máu não phải đục ổ sọ một lỗ vuông để rút huyết tụ trong não. Vậy mà chúng tôi cắm cúi viết như sợ không còn cơ hội nào dành cho mình nữa. Kết quả tôi phải nhập viện không dưới ba lần; Nguyễn Tôn Nhan biến chứng thành những cơn động kinh, co giật. Có lần đang ngồi uống cà phê với tôi ở Hội Văn nghệ, thình lình, Nhan lăn xuống đất, người co giật, miệng sùi bọt, tôi phải lấy muỗng cạy miệng, vắt chanh cứu chữa theo kiểu dân gian. Sau những năm tháng miệt mài viết, tác phẩm của chúng tôi cuối cùng cũng đến với độc giả. Dĩ nhiên chúng tôi không có vốn để tự xuất bản mà phải qua trung gian của những người mệnh danh là doanh nhân văn hóa bỏ vốn ra in. Họ tự dành cho mình cái quyền can thiệp vào nội dung tác phẩm, cùng với sự sáng tạo của biên tập viên các nhà xuất bản, phần lớn tác phẩm khi in xong nó không còn là đứa con nguyên vẹn như chúng tôi tạo ra. Một yếu tố nữa góp phần làm hỗn loạn tình trạng xuất bản, đó là nạn giấy phép. Tôi có không dưới năm tác phẩm người bỏ vốn xuất bản tự ý lấy giấy phép cấp cho một tác phẩm khác, của tác giả khác, nội dung là tác phẩm của tôi. Sách ra không tài nào tôi nhận diện được tác phẩm của mình Trong những trường hợp ấy chỉ có kiện củ khoai (tình trạng này phổ biến vào thập niên cuối thế kỷ trước). Chính những chi phối này đã góp phần tạo ra loại sách bị dư luận gọi là mì ăn liền. (Dĩ nhiên còn có nhiều yếu tố khác nữa). Cách gọi mang tính áp đặt này tuy đúng trong một số trường hợp nhưng, khá hồ đồ khi đánh giá chung những tác phẩm xuất bản trong thời kỳ đó đều là Miliket hoặc Vifon. Chưa kể một số người tự nhận mình là văn sĩ, thi sĩ, hội viên này, kia nhưng hết năm này sang tháng khác không viết nổi một tác phẩm, chính những người này vừa hậm hực vừa mạnh miệng phê phán theo dư luận.

 

Như đã có lần tôi cảm khái, có thời kỳ tôi nhìn thấy cái giả cứ ngỡ đã nhận ra cái thật, giữa thời buổi giả giả, thật thật cứ tiếp tục ngây thơ chẳng mấy lúc sẽ sụp hầm, cho nên, tôi tin vào những gì mình làm nhưng không tự phong cho nó giá trị quá cao tự thân nó chưa có. Dư luận thì vẫn cứ là dư luận, thế thôi. Mặc dù thế, dư luận chưa thể giết được văn học dù có bị quy chụp bất kỳ cái mũ gì nhưng, điều mọi người không ngờ lại trở thành hiểm họa đối với văn học, nói riêng là đối với tiểu thuyết, bất kể đó là tiểu thuyết có giá trị văn học cao hay tiểu thuyết bình dân. Suy ra tất cả đều là… tiểu thuyết và … đều chết tươi rói trước luồng sóng văn minh của truyền hình chảo, internet, DVD, VCD, CD, VD gia đình đổ ập từ Mỹ, Nhật, Hồng Kông, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore. Đại đa số chẳng ai ngu dại gì bỏ ra vài chục đến vài trăm ngàn mua một vài cuốn sách để rồi phải dành từ vài tiếng cho đến vài ngày đọc, có khi vò đầu bứt tóc cũng không hiểu sách nói gì. Dễ hiểu như tiểu thuyết, mùi mẫn đến đâu so với phim Hồng Kông, Đài Loan vẫn thua xa. Giá cả cũng là một yếu tố then chốt hạ gục tiểu thuyết, trong khi một cuốn tiểu thuyết giá trung bình vài chục ngàn, người ta chỉ tốn từ một đến ba ngàn, mất từ một đến ba giờ là có thể hòa mình vào những câu chuyện tình ướt sũng nước mắt trong phim. đừng nói trẻ em, mà ngay cả những người ở tuổi trưởng thành vẫn bị nhiễm những thói bạo lực, giết người như đồ tể. Chưa bao giờ xã hội tàn bạo như bây giờ, dù chỉ một nhóm người nhưng lại làm ung thối cả một xã hội.

 

Tiểu thuyết mì ăn liền? Kết án dễ lắm nhưng tại sao lại có loại tiểu thuyết này? Xin đừng trút hết trách nhiệm lên đầu người cầm bút. Mỗi một thời kỳ có những hiện tượng phản ánh thời kỳ đó. Xã hội nào, sản phẩm đó, lỗi chẳng thuộc riêng ai. Cá nhân nhà văn X, nhà văn Y, tôi hoặc Nguyễn Tôn Nhan ngụ cư ở một khu ổ chuột nào đó trong thành phố, thật chẳng có nghĩa lý gì khi tiếp tục ngày này qua năm khác, bất kể sức khoẻ đang bị đủ thứ vi khuẩn, siêu vi đã kháng thuốc đục khoét cơ thể, còng lưng viết để rồi tác phẩm chỉ in ra với số lượng từ năm trăm đến một ngàn cuốn vẫn không bán hết. Có đất nước nào trên thế giới với gần 80 triệu người, 90 phần trăm biết chữ, vậy mà sách in ra một ngàn cuốn bán không hết? Hiện tượng nào đáng báo động? Xin hãy dành một chút từ tâm và cả công tâm với những người cầm bút nghèo, chọn con đường viết lách là chọn một cuộc đời không bình thường, không êm ả…

 

Sau năm 1992, vì nhiều lý do, tôi rút về ở ẩn, thân tuy ở ẩn nhưng tâm chẳng an lạc chút nào. Buồn nhất là bạn bè cứ thưa dần, chỉ những người nặng tình chợt ghé qua thăm trong khoảnh khắc rồi thôi. Rất tiếc là trong số bạn còn lại ít ỏi đó không có Nguyễn Tôn Nhan. Năm 1995, sau 43 năm xa quê, lần đầu tiên tôi trở về nơi chôn nhau cắt rốn. Ngày ra đi tôi chỉ là một cậu bé, ngày về tóc đã bạc màu, tôi và quê nhà lạ lẫm nhìn nhau, cái còn đã biến dạng, cái mất làm quặn đau ký ức. Chính bởi lẽ đó, tôi quyết định quay trở lại bàn viết. Bộ sách Những trang sách khép mở ra đời trong bối cảnh như thế đó. Khép mở có thể là trắng – đen, trong – ngoài, cũng có thể là lưỡng cực, tóm lại là tất cả những gì thuộc về phạm trù tương khắc, sự tương khắc tạo ra thế quân bình … tôi viết về bạn bè là viết về mình, viết về mình qua bạn bè, phạm trù ấy không thể tách ra được. Sẽ không có bộ sách này nếu không có bạn bè…

 

Tuy ở ẩn nhưng tôi vẫn theo dõi bên ngoài qua sách báo, tôi rất mừng khi biết Nguyễn Tôn Nhan biết vận dụng vốn Hán học của mình một cách uyên nhiên, không chỉ tải được cái đạo trong chữ nghĩa thánh hiền, mà còn dung hòa được phần thế tục trong cuộc sống. Bước vào làng văn như một thi sĩ, Nguyễn Tôn Nhan tìm thấy trong dịch thuật sự sáng tạo. Anh không phải là thợ dịch nên những tác phẩm dịch thuật của Nguyễn Tôn Nhan có nội lực của một cây bút đã được thời gian trui luyện. Rất tiếc tôi không rành Hán văn để thẩm định những tác phẩm dịch thuật của anh một cách đầy đủ, làm cái việc “cưỡi ngựa xem hoa” đối với tôi đã là khó nhưng tôi tin có rất nhiều người cũng uyên bác Hán học hẳn Nguyễn Tôn Nhan cũng không quên điều đó. Người Trung Hoa có bề dày lịch sử hàng đầu, một nền văn hóa phong phú, họ có một kho văn hóa khổng lồ bao trùm tất cả các lãnh vực, nghiên cứu văn hóa Trung Quốc không chỉ năm, mười năm, thậm chí vài mươi năm cũng chưa cho là đủ. Rất tiếc ngày nay không có nhiều người xứng đáng là thâm nho, người như Nguyễn Tôn Nhan đếm trên đầu ngón tay, xem ra Nguyễn Tôn Nhan đã làm chủ được chữ thời. Trong số những tác phẩm dịch thuật đã xuất bản trong những năm qua của Nguyễn Tôn Nhan, từ chuyện hậu cung các triều đại vua chúa đến truyện kinh dịch, phong thủy, theo tôi hai tác phẩm xứng đáng gọi là công trình của Nguyễn Tôn Nhan, về sự đồ sộ cũng như nội dung quảng bác không phải bất cứ một người Hán học uyên thâm nào cũng có thể làm được. Tôi muốn nói đến cuốn Tự điển Hán Việt như lời Nhan nói với tôi “dù không biết chữ Hán vẫn có thể tra một cách dễ dàng”. Dư luận về cuốn tự điển khen nhiều hơn chê. Theo tôi, Hán Việt tự điển được xuất bản dù với bất cứ mục đích gì chúng ta cũng nên ghi nhận cái tâm của người biên soạn. Vừa mới đây, khoảng đầu năm 2003, Nguyễn Tôn Nhan đem khoe với tôi một tác phẩm khác vừa phát hành: Bách khoa thư văn hóa cổ điển Trung Quốc, với độ dày gần 1.300 trang. Với thời gian uống cạn một chai bia tôi không tài nào mục quán tất cả những gì cuốn sách chứa đựng, nhưng, với những gì vừa đọc lướt qua quá đủ để thuyết phục tôi về một Nguyễn Tôn Nhan dịch giả. Báo chí đã vài ba lần nhắc đến bộ Bách khoa thư của Nguyễn Tôn Nhan và anh xứng đáng được nhắc đến nhiều hơn nữa. Ở thời điểm hiện tại, con người văn hóa của Nguyễn Tôn Nhan đang đạt một phong độ mẫu mực, thế còn con người thế tục Nguyễn Hữu Thành ra sao? Trong bạn bè có nhiều nhận xét trái ngược. Người khen Nguyễn Tôn Nhan có tài, có kiến thức, nhưng “tâm đạo tâm kinh” hơi chông chênh, dùng chữ thánh hiền, sở học như phương tiện. Nói chung những người khen, chê có cái lý của họ. Họ là những người không xa lại gì Nguyễn Tôn Nhan, Nguyễn Tôn Nhan cũng như Nguyễn Tôn Nhan hiểu về họ. Theo tôi, những lời khen tạm để qua một bên. Còn chê? Tôi nghĩ, sự đố kỵ cũng có vị trí đáng kể. Có người nói Nguyễn Tôn Nhan có phần cao đạo, đôi khi lộng ngôn. Tôi lại nghĩ trong chữ nghĩa thánh hiền có chữ cuồng. Cao Bá Quát cuồng vì ôm hết ba trong bón bồ chữ của thiên hạ, cái tài của Cao Bá Quát ai dám phủ nhận? Nguyễn Tôn Nhan ngày đêm “vọc” tay vào “nồi” văn hóa Trung Quốc thỉnh thoảng bị chữ hành là lẽ tất nhiên. Tôi chẳng có “mẩu” chữ nho nào dằn túi mà lắm khi cũng cuồng lên vì buồn, vì nhớ, vì đau. Thôi thì “Thiện căn ở tại lòng ta / Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”, nhắc lại 14 chữ của Nguyễn Du hẳn không thừa?

 

Trở về với tình bạn của tôi và Nguyễn Tôn Nhan, cách đây hơn một năm, khoảng tháng 6 năm 2001, Nguyễn Tôn Nhan gởi tặng tôi một tập thơ, càng đọc tôi càng thích, càng thấm thía: Lục bát ba câu. Theo tôi, với tập thơ này Nguyễn Tôn Nhan đạt được phong độ cao nhất của một thi sĩ, tài năng cũng như bản sắc bộc lộ gần như trọn vẹn. Hồi sinh thời Trần Thương Bá, tôi có viết một bài về tập thơ Vô ngôn kinh của anh (in trong Những trang sách khép mở, tập II, xuất bản năm 2002). Trong phần mở đầu tôi nêu những cảm nhận mang tính đúc kết về tập thơ Lục bát ba câu của Nguyễn Tôn Nhan. Quan điểm ấy bây giờ tôi vẫn giữ nguyên. Khi người ta được đọc những câu thơ như thế này, người ta có thể tin tưởng thơ anh gần đạt đến tinh hoa của tài năng. 

     

8. Trời ơi con chấu con chuồn

Hai con bay bổng bay luồn cuối sân

Một mình nhớ tận xương gân.

 

50. Cỏ cây áy náy chiều rồi

Ngẩn ngơ anh vẫn còn ngồi trên non

Dưới kia hơi ấm có còn?

 

59. Nghìn xưa cái chỗ ta ngồi

Phải chăng đã có muôn người phủi chân

Huống gì túi đựng xương gân.

 

60. Thơ làm hay là anh làm

Hồn thiêng đã nhập đúng ngàm tử sinh

Sờ đâu cũng đụng vô minh.

 

112. Ầm ào thác đổ dưới chân

Phất phơ sửa soạn tới gần như như

Dễ dàng như cộng với trừ.

 

121. Nhớ em gió bão thổi về

Thuở nằm nôi đã sớm mê mẩn rồi

Và còn ngây dại suốt đời.

 

Trên đây chỉ là một vài trích đoạn bất chợt trong số 228 bài lục bát ba câu không đề. Chúng ta nên đọc Lục bát ba câu bằng cái thần, thi từ chỉ là xác phàm, hồn của chữ mới là chỗ ảo diệu. Tôi rất nể tập thơ này của Nguyễn Tôn Nhan nhưng lại không mấy nể cái “ngu cốc” của anh, nó có vẻ hợm hĩnh thế nào, dọn nhà ba bốn lần rồi, anh khiêng cái ngu cốc đi khắp Sài Gòn. Bùi Giáng mất rồi, nếu còn, Bùi thi sĩ líu lưỡi nói lái hai ba lần… sẽ mệt, chỉ là đùa một chút chút thôi.Neu có ai hỏi tôi thích Nguyễn Tôn Nhan nào, tôi sẽ không ngần ngại trả lời: Tôi tôn trọng dịch giả Nguyễn Tôn Nhan và những công trình biên soạn công phu của anh nhưng tôi ưa thích một Nguyễn Tôn Nhan làm thơ hơn. Ở trong cõi thơ không có chỗ cho những cái… không thuộc về thơ. Thời nay, không ai còn… xông trầm rồi mới làm thơ, mà nếu có, phần nhiều là thơ… dở, trầm cũng là trầm dỏm. Thi sĩ Nguyễn Tôn Nhan mà tôi biết làm thơ văng tê, thậm chí thơ chồi ra ngay cả khi ngồi trong nhà vệ sinh, khi say xỉn? Chẳng phải Nhan đã nói riêng với tôi tốc độ anh hoàn thành Lục bát ba câu như thế sao?

 

Sao cơn mưa đầu mùa 2003

Trần Áng Sơn
Số lần đọc: 3190
Ngày đăng: 04.06.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lãng Du Trong Văn Học Áo - Lương Văn Hồng
Tiễn Khương Bình - Huỳnh Thúy Kiều
Hoa Đạo Mùa Phật Đản - Trần Kiêm Ðoàn
Về tìm chiếc giày bảy dặm - Nguyễn Thánh Ngã
Ngày bãi trường - Mai Văn Sang
Cuộc Tình Thi Sĩ - Việt Thư
Thêm một tác phẩm âm nhạc về Hoàng Sa – Trường Sa - Giang Nam
Dấu hương trong mơ - Thụy Vi
Sao em buồn quá - Âu thị Phục An
Khê Kinh Kha, Quê Hương Và Tình Người - Võ Công Liêm
Cùng một tác giả