Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
809
116.629.639
 
Kiêm Minh, chàng tường vi công tử
Trần Áng Sơn

Năm 1952, tôi theo anh chị vào Huế để tiếp tục chuyện học hành. Gia đình anh chị tôi ở trong Thành Nội, cách cửa Đông Ba mấy chục bước, đó là một ngôi nhà đối với tôi rất đẹp, chung quanh có hàng rào tơ hồng cao ngang ngực, mé trái cây sầu đông xanh mượt, tàng lá xòa tròn phủ xuống mái tranh lợp rất dày, xén bằng, tuy đơn sơ nhưng ngắm hoài vẫn không chán; nhất là vào mùa hoa sầu đông nở tim tím những nụ mộng và mơ. Giường tôi nằm sát cửa sổ, sáng mùa đông thức giấc còn luyến tiếc hơi ấm trong chăn, nằm nán trên giường, hé mắt nhìn qua cửa sổ thấy cổng thành cao sừng sững, những cánh mái đao cong cong, rêu phong phủ đậm nhạt làm tôi tưởng như hồn cổ xưa luyến tiếc lâu dài, thành quách, trải qua hàng trăm năm vẫn phảng phất chưa nguôi. Chính những xúc cảm này đã làm cho tâm hồn một thằng bé sớm biết rung động về những nguyên cớ rất ư là vu vơ.

 

Vì nhà tôi ở gần cửa Đông Ba nên những người ở cùng đường muốn đi ra cửa thành đều đi ngang nhà tôi, trong số những người ấy có hai cô gái rất xinh, cô lớn người thanh thanh, cao, tóc luôn kẹp sau lưng, có lẽ lớn hơn tôi vài tuổi. Cô nhỏ vóc dáng hơi đậm, nước da trắng hồng, luôn thả tóc thề, mái tóc mới đẹp làm sao! Cả hai thường mặc áo dài màu thiên thanh. Mỗi lần đi ngang nhà tôi cô nhỏ thường mím môi, mắt nhìn thẳng; cô lớn thì ngược lại luôn cười nói, chọc ghẹo làm cho cô nhỏ luống cuống trượt cả guốc. Tại sao cô gái ấy lại cả thẹn đến thế? Chẳng thể nào tôi cắt nghĩa nổi, ngoại trừ chính cô gái kể lại. Muốn được hai cô gái chú ý hơn, tôi tập tễnh học đàng guitar và canh đúng giờ hai cô gái thường đi ngang nhà; tôi đứng bên hàng rào tơ hồng, ôm cây đàn thò đầu lên, tay bắt đầu tra tấn sáu dây đàn. Tiếng đàn của tôi chắc là kinh khủng lắm nên cô lớn cất tiếng cười, nói với cô nhỏ:

- Mi coi kìa, hắn dễ thương quá!

Cô nhỏ hình như thẹn quá hóa giận, vùng vằng rảo bước. Cô lớn quay lại “khen” một câu làm tôi muốn quăng cây đàn cho đỡ bẽ bàng:

- Đàn dở òm!

Vậy mà tôi không giận cô ấy, nhưng tôi quyết làm cho cô ấy hiểu, rồi đây tôi cũng sẽ là “một cái gì” chứ chẳng dở òm như cô nỡ nhẫn tâm dẫm lên thuở ban đầu của tôi. Tôi hỏi thăm bạn học cùng lớp, cùng ở trên một con đường – đường Nhà Thương – Tôn Thất Văn, bạn tôi cho biết cô lớn tên là Vi Khuê, cô nhỏ tên Thủy (Tôn Thất Văn sau này trở thành họa sĩ khá nổi tiếng, giới yêu thích hội họa trong và ngoài nước ai cũng biết.)

 

Sau lần khen tài đàn của tôi, tôi không thấy Thủy đi chung với Vi Khuê nữa, thỉnh thoảng Vi Khuê có đi ngang nhà tôi nhưng trên chiếc xe đạp dura rất đẹp, cô đạp xe khá nhanh và không hề liếc mắt nhìn về ngôi nhà có hàng rào tơ hồng, nơi tôi đứng chờ với tâm hồn như tờ giấy rung lên vì cơn gió lạ chợt lùa tới. Một đôi lần tôi thoáng bắt gặp ánh mắt Vi Khuê nhưng đó là ánh mắt thờ ơ, xa lạ, không phải của người đã buông lời “khen” quái ác làm tôi đành “bỏ quên cây đàn” trong một thời gian dài, đủ để suy ngẫm ra rằng – tôi, chỉ là một cậu em kháu khỉnh, trước một thiếu nữ đương xuân như Vi Khuê. Tôi tìm an ủi trong âm nhạc, sách, báo và bắt gặp cái tên Kiêm Minh trên tờ Đời Mới. Thấy thằng em thích đọc tạp chí Đời Mới, bà chị tôi tiết lộ tác giả Kiêm Minh ở gần nhà mình; thì ra chị ấy cũng là độc giả của nhà văn của đất Thần Kinh. Chị tôi còn tiết lộ thêm một tin đầy bất ngờ: Vi Khuê, người đã từng làm tôi rơi vào cơn sốt vỡ da chính là em gái nhà văn Kiêm Minh. Nhưng tôi hơi thất vọng vì… so với em gái, Kiêm Minh chẳng dễ nhìn chút nào, anh có nước da ngăm ngăm đen, mắt trắng hơi “lộ”, môi thâm, tóc dài, người dong dỏng cao, dáng hơi còng. Nhìn toàn thể, Kiêm Minh đúng là típ văn nghệ sĩ của những năm năm mươi, nghĩa là phải hơi phong lưu, hơi phong trần, và hơi… yên sĩ phi lý thuần một chút.

 

Trong thời gian này tôi tập làm những câu thơ đầu tiên và, dĩ nhiên toàn là thơ hướng về… Sao Khuê, chỉ tiếc rằng, cũng như tiếng đàn, những câu thơ của tôi thuở ấy không có đến người thứ… hai đọc, cho nên, chẳng giữ được đến bây giờ, dù rằng hình bóng người năm cũ đôi khi chợt tỉnh sau cơn mơ tôi cứ nằm lịm đi trong tiếc nuối.

 

Yêu người nên yêu cả đường đi, tôi trót thương thầm bà chị Vi Khuê nên yêu cả con đường nàng vẫn để lại “gót hương”, do đó tôi lần mò đến tận nhà nhưng, chỉ dám đứng ngoài cổng… vọng mỹ nhân. Phải nói là ngôi nhà của hai anh em Vi Khuê thuộc loại đẹp nhất nhì đất Cố Đô, đẹp nhất đường Nhà Thương; với lối kiến trúc đặc biệt của Huế, mái nhà lợp rơm dày đến phải năm tấc, xén bằng tăm tắp, những cột nhà như những cột đình dậy lên màu gụ, ngoài vườn câyc ảnh u nhã. Ở trong ngôi nhà như thế làm sao Vi Khuê không đẹp như sau trên trời, còn anh nàng không viết văn hay cho được?

 

Thế nhưng, tôi như con chim nhỏ, cất lên tiếng hót đầu tiên lại là tiếng kêu thương. Tôi không tìm cách bày tỏ nên chẳng ai biết, và cứ thế khoảng cách đường đời cứ xa dần. Sao Khuê lặn mất trên bầu trời đầy sao, tờ Đời Mới đình bản vì thời cuộc, hai anh em Kiêm Minh chỉ còn trong ký ức, mặc dù sau này tôi có đọc tập truyện Mẹ Á châu của anh. Tôi từ giã ngôi nhà số 54 đường Nhà Thương, Thành Nội Huế để vào Sài Gòn đoàn tụ với mẹ tôi. Vi Khuê đã trở thành một khúc sonnet còn nguyên bồi hồi mỗi khi chợt nhớ lại.

 

Hơn hai mươi năm sau, tôi gặp lại Kiêm Minh ở Hội Văn nghệ Giải phóng, anh tuy có già hơn nhưng phong thái vẫn như xưa, duy có một điều không thể cưỡng lại được, đó là sức khỏe của anh rất kém, thời gian và những cố tật đã tàn phá thân xác anh rất nhiều; vai anh rút lại, mắt lõm sâu như hai hốc tối. Tôi hỏi anh về ngôi nhà ở Thành Nội Huế, anh ngạc nhiên nhìn tôi, tôi thuật lại những năm tháng hai anh em anh để lại tâm hồn tôi những dấu vết chẳng thể nào quên. Anh cả cười, tiếng cười thật hiền, nói với tôi:

- Vi Khuê hiện giờ đã có chồng con, hiện đang ở Sài Gòn, có muốn đến thăm không?

 

Tôi lắc đầu tự nhủ: Để làm gì? Tôi không muốn hủy hoại hình ảnh Vi Khuê trong ký ức của tôi. Do số phận run rủi, do lịch sử sang trang, tôi và anh Kiên Minh và một số anh em trong giới văn nghệ, báo chí được giới thiệu về làm việc tại Phòng Bảo tồn bảo tàng, nhiệm vụ của chúng tôi là tỏa đi khắp các nơi để ghi lại những sự kiện lịch sử. Vì sức khỏe kém, anh Kiêm Minh không thể đi công tác sưu tầm tương đối vất vả nên anh được bố trí làm việc tại thư viện cơ quan. Thời gian này tôi mới thực sự gần gũi anh. Tôi thật buồn nhận ra rằng anh không còn khả năng sáng tác nữa, con người nhà văn trong anh đã chìm vào, đã mất hút cùng với tháng năm, chỉ còn một Kiêm Minh bệnh hoạn đang chống cự tuyệt vọng thói quen đã hủy hoại tài năng, cơ thể anh. Qua một số bạn bè tôi được biết anh Kiêm Minh được thừa hưởng gia tài rất lớn và tất cả đã biến thành mây, thành khói. Có lẽ anh đã nhận được những ảo giác về sự toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ mà anh đã để gần hết cuộc đời đi tìm. Có một người đồng trang lứa với anh Kiêm Minh đã nói với tôi: Kiêm Minh là một loại Giả Đảo của Việt Nam, rồi người ấy đọc cho tôi bốn câu thơ của Giả Đảo, nghiệm ra quả có sự trùng hợp khá ly lỳ:

 

Phá khước tam gia tác nhất trì

Bất tài đào lý chủng tường vi

Tường vi hoa lạc thu phong khởi

Kinh kích mãn đình quân thủy tri.

 

Kiêm Minh được thừa hưởng gia tài ba ngôi nhà lớn, nhưng anh không làm được như Giả Đảo là đào một cái giếng nên cũng chẳng thể nào trồng được đào lý hoặc tường vi, do đó, chẳng có hoa tường vi nở rụng trong gió thu, mà có rất nhiều hoa phù dung nở suốt đời anh.

 

Kiêm Minh làm việc ở Phòng Bảo tồn bảo tàng không được lâu, khoảng ba tháng sau anh nhận được thư cám ơn. Nỗ lực cuối cùng của anh là ra Bưu điện thành phố viết thuê, làm đơn mướn. Bạn bè bất lực vì bản thân họ cũng chưa có lối thoát. Lần gặp mặt cuối cùng với anh Kiêm Minh vẫn tại trụ sở Hội Văn nghệ thành phố, tinh thần anh lúc này tỏ ra hoang mang, hoảng hốt, việc làm đơn mướn ở Bưu điện bị cạnh tranh, giành giật, đã đẩy anh bật ra ngoài. Tôi không dám nhìn Kiêm Minh nữa, vì hổ thẹn, vì bất lực, tôi thu mình lại gậm nhấm nỗi đau riêng mình. Ít lâu sau tôi nhận được tin Kiêm Minh không còn nữa, anh ngã gục vì bệnh tật, vì đói cả về tinh thần, vật chất. Anh ra đi không di chúc, không di cảo. Anh chưa muốn ra đi, anh vẫn còn muốn sống dù rằng chưa biết ngày mai sẽ phải sống như thế nào!

 

 

 

Trần Áng Sơn
Số lần đọc: 3030
Ngày đăng: 25.02.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tím chi nhiều rứa Huế ơi - Võ Quê
Một lần với Phù Thăng - Tào Khang
Những chuồ/trường đại học (ĐH) d/ranh já/tiếng nhất thế jới vs. ĐH “R” - Đặng Thân
Đạo làm thầy - Trần Huy Thuận
Đồng môn (tiếp) - Trần Huy Thuận
Văn hóa từ chối - Trần Đức Tiến
Cao su rụng lá - Trần Hòang Vy
Đã Phúc, đã Lộc lại còn.Thọ ! - Trần Huy Thuận
Đồng Môn - Trần Huy Thuận
Tầm xuân...tìm nụ cười Di lạc. - Trần Kiêm Ðoàn
Cùng một tác giả