Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
501
116.596.453
 
Một thời có bão
Trần Áng Sơn

Tôi không có ý định viết một dòng nào về anh, dầu chỉ là một dòng kỷ niệm; nhưng do những mắc mứu riêng tư, nhất là từ sau khi anh yên nghỉ, tôi nghĩ, vẽ phác họa lại chân dung anh qua tâm thức của mình là điều nên làm, gọi là để tưởng nhớ, để tạ lỗi…

 

Năm 1956, tôi từ Huế khăn gói vào Sài Gòn, sống với người chị ca sĩ rất nổi tiếng: ca sĩ Mộc Lan. Thời gian này chị tôi mới từ đất Thần Kinh vào Sài Gòn được hai ba năm, nhà cửa khó khăn nên mướn một căn phòng ở khách sạn Viễn Đông, đường Phạm Hồng Thái, làm nơi cư ngụ. Nhờ bà chị ca sĩ tôi may mắn được gặp mặt đủ các ca, nhạc, kịch sĩ nổi tiếng bậc nhất Sài Gòn như Phạm Duy, ban hợp ca Thăng Long, Trần Văn Trạch, Khánh Băng, Vũ Huyến, Linh Sơn, Minh Nguyệt, Minh Tần…

 

Trong số những người khách ấy có một người rất khó thương đối với mẹ tôi. Đó là anh Trần Lê Nguyễn. Bà ghét cay ghét đắng “cái thằng” mắt trắng dã, môi thâm xì, miệng cứ oang oang lại còn cầm cái ống vố hôi rình, tướng ngũ đoản mà cứ nghênh nghêng ngang ngang. Thời kỳ này tôi đang gửi thơ đăng các báo Bông Lúa, Nhân Loại, Văn Nghệ Tiền Phong nên rất ngưỡng mộ con người nổi tiếng như cồn với vở kịch Bão thời đại. Nhất là anh lại có chân trong nhóm Sáng Tạo, gồm các chiến tướng như Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Tô Thùy Yên, Ngọc Dũng… Tuy nhiên nếu chỉ có thế, Trần Lê Nguyễn cũng như những nhà văn, nhà thơ khác tôi đã từng ngưỡng mộ, nếu không có chuyện xảy ra giữa tôi – con ngựa non háu đá – với Trần Lê Nguyễn. Chuyện xảy ra mỗi khi nhớ lại, tôi tuy tự trách mình, nhưng không khỏi nở nụ cười vì sự ngộ nghĩnh của câu chuyện, cũng như sự ngô nghê của Trần Lê Nguyễn: năm ấy tôi khoảng 24 tuổi, quen với cô sinh viên trường Quốc gia Âm nhạc, chúng tôi hẹn thề sẽ là bạn đời của nhau. Chẳng hiểu ma đưa lối quỷ dẫn đường thế nào Trần Lê Nguyễn cũng quen với nàng và muốn đưa nàng vào bộ sưu tập người đẹp của mình. Không biết mấy lần Trần Lê Nguyễn đứng đón nàng tận cổng trường và tôi cũng thường xuyên chờ nàng để hai đứa cùng đếm bước trên đường về nhà. Cuộc chạm trán khó tránh khỏi. Vốn có thành kiến với Trần Lê Nguyễn khi anh đến gia đình tôi như một kẻ đi chinh phục bà chị ca sĩ lững lẫy của tôi. Anh đã thất bại vì bà chị tôi tuy ngưỡng mộ văn tài của anh nhưng mẫu người lý tưởng của chị ấy ngoài tài năng còn phải hơi giàu một tí, phải cao ráo, đẹp trai một tí, khéo chiều và ghen một chút chút thôi. Vì biết quá rõ nên khi Trần Lê Nguyễn trở thành đối thủ tôi nhìn anh với đôi mắt… đen thùi, máu thanh niên bốc lên, tôi đã tặng anh một cái nựng ngay má. Không ngờ Trần Lê Nguyễn lại quá thật thà, chưa khảo đã khai tình cờ quen với cô bạn sinh viên âm nhạc ở nhà người bà con nàng là chủ bút một tờ tuần báo tôi thường gửi bài đến đăng. Tuổi trẻ rất khó tha thứ, nhất là tha thứ cho kẻ nuôi ý định chiếm đoạt bạn gái của mình. Nhưng thái độ thú tội hồn nhiên của Trần Lê Nguyễn, lại thêm khi nói một vệt máu ứa ra từ chân răng sau cái nựng của tôi, bất giác tôi mềm lòng. Chuyện gì phải làm thế? Cứ để cho nàng quyết định. Thế là nàng đi theo tôi cho đến tận bây giờ.

 

Dòng đời cứ thế trôi đi, năm 1975 tôi trở thành một trung niên, Trần Lê Nguyễn vượt qua ngưỡng cửa tri thiên mạng. Chúng tôi gặp nhau ở Hội Văn nghệ giải phóng, anh vẫn trung thành với cái ống vố nhưng không phải để hút thuốc Chery hoặc Half and Half, mà là thuốc rê sao tẩm mật ong bán ở lề đường Hai Bà Trưng, Tân Định, gặp nhau không tay bắt mặt mừng mà thư kẻ xa lạ, ngay cả khi nói chuyện với nhau cứ vờ như Ăng Lê. Sinh hoạt của anh lúc này là chạy thuốc tây và chạy môi giới buôn bán tranh, còn tôi vẫn là ủy viên ủy ban quanh quẩn thành phố cho đến khi Hội cho thành lập tổ hợp Văn nghệ, xét thân thế cũng như tác phẩm không có vấn đề nên tôi được làm tổ trưởng, trong ban điều hành Trần Lê Nguyễn, Cung Tích Biền, Nguyễn Long là ủy viên. Trần Lê Nguyễn được giao một phần kiosque 36, anh hý hoáy đóng kệ đem một ít tranh của Khai Nguyên, Mai Chửng, Nghiêu Đề, những sách hội họa xuất bản ở Pháp bày bán, chưa kể những món thuộc loại “chà đồ nhôm” cũng được bày biện một cách trang trọng. Hàng ngày anh ra kiosque đóng vai ông chủ, phì phèo chiếc ống vố, có khi Tây đến hỏi mua một món gì đó, anh sổ nho Tây thật oách. Vắng khách, anh lôi chai rượu thuốc tự thưởng cho mình một chung cũng đủ qua ngày. Không đi nhậu nhẹt bê tha, anh sống mẫu mực hơn bọn chớm già như chúng tôi. Một hôm Hồ Thành Đức rủ tôi đến nhà anh chơi, thực ra Hồ Thành Đức muốn có liên lạc với đường dây mua bán tranh cũ.

 

Nhà Trần Lê Nguyễn ở khu cư xá cổ Bến Chương Dương, sau khi len lỏi leo mấy lượt cầu thang hẹp chúng tôi tìm ra nhà anh, cảm giác đầu tiên của tôi là hơi ngạc nhiên vì từ nhà anh phát ra những tiếng kêu chim chẳng ra chim, gà chẳng ra gà, khi cửa mở những gì nhìn thấy làm tôi thích thú. Cả một căn phòng bốn bề toàn chuồng là chuồng, trong đó lúc nhúc những chú chim cút, độ chừng không dưới 500 con, mùi chim và mùi chất thải bốc ra một cách rất là… “đời thường”, chẳng cần dài dòng anh kéo chúng tôi sang phòng kế bên, trong phòng treo khá nhiều tranh, có cả tranh Thái Tuấn, Tạ Ty. Chuyện sau đó diễn ra giữa anh với Hồ Thành Đức, tôi đi quanh phòng ngắm tranh nhưng lòng mênh mang: có thật đây là cuộc sống của chúng tôi?

 

Sau cuộc đến thăm đột ngột ấy sự qua lại giữa chúng tôi trở nên ấm hơn. Có lẽ cả hai chúng tôi đã xóa hẳn mắc mướu trong quá khứ. Thế rồi tổ hợp giải tán, tôi trở thành nhân viên ngành văn hóa, công việc bề bộn, quanh năm rượt đuổi hết phong trào này đến phong trào khác, kết quả vì quá căng thẳng tôi được thưởng căn bệnh của thời đại: cao huyết áp. Năm 1985, tôi xin nghỉ công tác vì lý do sức khỏe. Ở nhà, có thời gian nhìn lại chặng đường đã đi qua, ký ức đầy ắp, tôi lao vào việc viết lách để rồi năm 1990 tôi tái xuất bằng một loạt tác phẩm, tuy chưa làm tôi hài lòng nhưng ít nhất cũng chứng minh được một điều: tôi vẫn hiện hữu. Một lần, tôi đến thăm bà chị ca sĩ kỳ cựu của mình, tôi hết sức ngạc nhiên thấy Trần Lê Nguyễn đang say sưa độc thoại, bà chị tôi nhẫn nại ngồi nghe như một tín đồ, giọng anh sang sảng. Thấy tôi anh chào hỏi thân mật và hơi có vẻ kẻ cả. Điều này vô hại, bạn của chị cũng như anh của mình, có sao đâu. Hình như vẫn còn cao hứng anh móc bóp lấy tờ 10 đô: tặng Mộc Lan. Mấy đô lẻ cho mấy đứa cháu của chị tôi, thật là hào sảng, anh nói với tôi vừa mới trúng mối bán tranh lời được vài trăm đô. Tôi nhìn anh bằng ánh mắt đầy tia vui. Từ lâu tôi biết anh không còn sáng tác được nữa, thôi thì đời mình trở thành tấm thảm cho con cái bước lên. Bà chị tôi nhắc đến căn bệnh đang hành hạ em trai mình, anh nhìn tôi ban phát đôi lời… xúi dại:

- Cậu bị cao huyết áp hả? Hãy quên cái máy đo ấy đi để vui sống. Chuyện gì đến ắt sẽ đến.

 

Tôi nghĩ bác sĩ nghe được lời xúi dại này hẳn ông sẽ trừng phạt bằng một liều thuốc xổ. Sau khi cao đạo khuyên bảo tôi, anh vỗ túi tiếp:

- Đi! Đến Hội Văn nghệ, tôi bao cậu một chầu bia, việc quái gì mà phải kiêng cữ, đâu phải chi một mình cậu “xấu máu”, tôi đây xấu từ lâu rồi.

Khi ra đến cống ngoái nhìn lại thấy bà chị tôi nhìn theo, khẽ lắc đầu, hình như chị ấy thầm nhủ: vẫn ngông nghênh như thuở nào, già rồi chẳng tự biết.

 

Đó là lần gặp gỡ cuối cùng, khi nghe anh qua đời, cỏ trên mộ anh có lẽ đã xanh. Những ngày cuối cùng của anh như thế nào tôi không muốn biết, một cây bút đã từ lâu bị bỏ quên, không nên nhắc đến ngày hoen rỉ của nó. Nhưng, về phần mình, tôi tự nhủ, phải viết một đôi điều để chia tay anh, để tạ lỗi thời trai tráng đã xúc phạm anh, vì đã có lần anh phân bua: thế mà ngày trước cậy ấy đã tặng tôi một cái bạt tai! Khi nhắc chuyện này anh đã ngoài 70 tuổi, nhắc trước bà chị ca sĩ của tôi như méc thằng nhỏ ngày xưa hỗn quá. Nhưng anh có biết ngay cả khi anh từ giã cõi đời, tâm hồn anh còn trẻ hơn tôi rất nhiều, trẻ đến nổi không quên được sự nông nổi của tôi 30 năm về trước.

 

Xin hãy ngủ yên, nơi anh không còn giông bão, kể cả cơn bão anh góp gió làm thành, cũng đã nằm yên ở một nơi nào đó, giữa tro bụi của thế gian.

Trần Áng Sơn
Số lần đọc: 2583
Ngày đăng: 02.12.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hũ mắm... rươi - Lê Xuân Quang
Tắm gội! - Trần Huy Thuận
Cà Mau vẫn ngát hương rừng - Trần Áng Sơn
Chí Phèo trong truyện ngắn của Nam Cao là con của ai ? - Đoàn Hữu Hậu
Ký ức ngày đầu đông... - Nguyễn Thị Hậu
Chân dung một người bạn - Trần Áng Sơn
Hoa vàng mấy độ - Trần Áng Sơn
Trần Tuấn Kiệt - từ nhà thơ, nhà văn đến võ sĩ - Trần Áng Sơn
Thuở làm thơ yêu em - Trần Áng Sơn
Đông ngàn - Lê Huỳnh Lâm
Cùng một tác giả