Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
775
116.618.053
 
Người hỏi đường cùng mây trắng
Trần Áng Sơn

“Những buổi chiều ở Tân Định, khi đèn đường vừa lên, có cái gì đó heo hút lạ thường; cái heo hút ở giữa phố thị đông người nghe có vẻ nghịch lý nhưng thực sự nó hiện diện đâu đó, nó hiện hữu bên cạnh những chiếc bóng dật dờ – Những kẻ đang đi tìm chính mình – Chúng tụ lại ở một điểm trong cái vô cùng, chúng soi đèn nhìn mặt nhau, ở đó nỗi đau và mất mát vút lao vào hư không…”. Lần nào cũng thế, mỗi khi tìm đến đường Bà Lê Chân ngồi thu mình trong một góc quán cà phê Huy Tưởng, tôi đều có cả nghĩ như thế. Đó là vào những năm cuối thập niên 70. Chúng tôi như một lũ bơ vơ, điêu linh giữa thành phố, cũng may còn có một góc nhỏ nhỏ, một đốm sáng giữa lớp lụi tàn để cho những tâm hồn phiêu phất tìm đến. Tôi trở thành bạn của Huy Tưởng chính tại nơi này, mặc dù tôi biết anh đã từ lâu. Thật ra con đường chuyển từ chỗ quen biết sang bạn hữu không phải dễ dàng, Huy Tưởng không hề dễ dàng trong việc kết bạn, có thể anh quen biết rất nhiều nhưng để trở thành bạn theo đúng nghĩa bằng hữu, tôi nghĩ còn khó hơn chọn người yêu. Với phụ nữ, ta có thể bị tiếng sét nhưng trong tình bạn thì không. Chính vì thế tôi rất quý tình bạn. Bạn, như Saint Exupery định nghĩa, là cùng nhìn về một hướng. Hướng của tôi và cũng có thể của Huy Tưởng là hoàn thiện chính mình, mãi mãi đi tìm sự hoàn thiện, dẫu phải đối diện với cái vô cùng trong không gian, trong thời gian và cả trong tại thế. Tôi biết ơn cái quán nhỏ nhỏ chứa đựng biết bao sự đời, bao dung biết bao tâm hồn. Chúng tôi đến để được san chia, để sống lại, cũng để phá phách, nhưng tựu chung trên bức tường hoen ố, rong rêu có lưu lại thêm vài dấu tay cào – vấu chỉ làm quặn đau chính mình. Tôi đã chứng kiến Cung Tích Biền gào khóc trong cơn say. Thấy Phạm Văn Hạng đem thúng xôi vợ nấu đến bày biện thay vì ngồi trong xưởng nặn tượng nhân gian, chí hướng gặm nhấm để rồi uống cà phê mà cứ ngỡ uống rượu Tống biệt, ngâm vang bài Hành phương Nam. Tôi cũng thấy Trần Dần ngồi run rẩy, tay chống gậy vẫn chưa đủ vững, hệ lụy của một quãng đời nghiêng vai chỏi lại số phận. Tôi còn kịp nhìn thấy Bùi Giáng đứng ở ngã ba Bà Lê Chân – Trần Quang Khải, trang phục bùng xòe, trên người khoác đủ thứ “trang sức”, tay cầm “thác trượng” múa may, thỉnh thoảng lại thò tay “chim chim” một nụ dã hoa giữa phố thị. Sau nghi lễ phân thân, Bùi Giáng mới đủng đỉnh bước đến quán Huy Tưởng, bằng một thứ ngôn ngữ tỉnh táo hơn bao giờ hết, ông hỏi lấy một mảnh giấy bạc lấy từ bao thuốc hí hoáy viết mấy dòng thơ bên đường tặng Huy Tưởng. Những hành vi trên, theo tôi, là một cuộc “trưng bày nội tâm”. Tôi không dùng từ phản kháng dễ bị ngộ nhận và người chứng kiến thấu hiểu không ai ngoài Huy Tưởng. Hơn 15 năm qua, hàng ngày, hàng giờ, tại một góc phố, anh là chứng nhân cho một khoảnh khắc chẳng dễ nói ngay, viết ngay, nó ươm hạt nảy mầm trong hồn anh. Trong bóng tối của tâm thức, những mầm xanh nứt ra thành ngôn từ, thoạt đầu bảng lảng, càng về sau càng đậm nét trong ngôn ngữ thi ca của anh.

 

Những hôm quán trưa vắng khách, Huy Tưởng cố giữ tôi lại, anh say sưa nói về những dòng thơ, câu chữ anh mới viết, chưa hẳn anh coi tôi là tri kỷ, tri bỉ nhưng tôi là người biết lắng nghe giữa những người chỉ thích nói, lặp lại những điều người ta nói quá nhiều. Bồ Tùng Linh khi viết Liêu trai chí dị cũng trong tâm trạng tịch mịch: “Cô vọng ngôn chi vọng thính chi”, Huy Tưởng nói chuyện thơ có tôi ngồi “cau vò” hẳn cũng khoái, dốc túi thơ ra một cách hào sảng. Nhờ thế tôi khám phá ra Huy Tưởng là tay chơi màu sắc rất “magic”, anh rất ít dùng màu nguyên thủy, thảng hoặc chỉ trong trường hợp nổ tung, vỡ vụn sau cơn dồn nén triền miền. Với Huy Tưởng không có tính từ, trạng từ rõ ràng, vả danh từ cũng biến thể thành một ngôn ngữ của riêng anh. Có thể một ai đó trách anh dụng công, cầu kỳ, nhưng với Huy Tưởng điều ấy không hề có, và nếu có đó chính là sự thăng hoa của ngôn ngữ rất riêng. Chúng tôi hãy đọc:

 

Im hờn

nắng thú hình hoa

bóng di

hoen lá

vàng

pha phách người…

(Hỏi đường cùng mây trắng, Trừu tượng)

 

hoặc:

 

Đêm chuyền giọt

Đêm nhã xanh

Đêm lững thững, lá

Đêm lanh lảnh, huyền.

(Hỏi đường cùng mây trắng, Đêm, Tôi đắm, Mắt như thuyền)

 

Hãy thử tìm trong hội họa hoen  lá – vàng pha – nhã xanh – lanh lãnh huyền là màu gì? Phải chăng chỉ có cảm giác mới pha nổi những gam màu “phi thực” như thế. Âm nhạc trong thơ Huy Tưởng cũng rất tinh tế, khi lồng lộng như vòm thánh đường, lúc dịu hiền như biển lặng. Âm nhạc trong thơ Huy Tưởng có rất nhiều dấu thăng nửa cung, dấu giáng nửa cung, có cả dấu lặng, ngắt quảng của ký âm pháp nhưng khi vận dụng vào thơ trở nên huyền ảo, nó chênh chếch, vàng chanh, lam bạc trong thế giới sắc màu:

 

Nắng lên

Xô trắng giàn mây

Cào cào

Búng nhảy

Trên vai địa cầu…

(Hỏi đường cùng mây trắng, Ngập ngừng chiều xuống còn đâu)

 

Bài này thể hiện rất rõ một dấu giáng ở cách gieo vần, nó được lặp lại khá nhiều trong thơ Hởi đường cùng mấy trắng.

 

Ba yếu tố làm nên chất Huy Tưởng trong thơ hình ảnh là một yếu tố then chốt, nhất là trong tập thơ Người nuôi lửa tịch mịch, chưa bao giờ trong thi ca hình ảnh lại giàu có như thế, hình ảnh bao trùm lên cảm xúc, được âm thanh màu sắc trợ lực, hình ảnh trong Người nuôi lửa tịch mịch chiếm đoạt cảm xúc người đọc, thẩm thấu từng li ti giác quan. Chỉ tiếc cả hai tập thơ tôi vừa nêu mới chỉ là bản thảo trên vi tính, nó đến với một số hiếm hoi bằng hữu, trong đó may mắn có tôi.

 

Hai mươi năm có dư từ chỗ quen biết trở thành bạn của nhau, được nghe chính Huy Tưởng đọc những bài thơ anh mới sáng tác, được tặng những tập thơ anh miệt mài ngồi bên máy vi tính tự thực hiện, tôi cảm thấy như mình đã được đền bù, thấy mãn nguyện, thấy lòng ấm áp.

 

Có thể có ý kiến thơ nào mà chả có hình ảnh, màu sắc, âm thanh. Điều này không sai. Trong rừng thơ đang lưu hành trên báo chí, thi phẩm, bài nào cũng đạt được ba yếu tố nêu trên. Nhưng, chính vì thế thơ cứ lền lền, sàn sàn, giống nhau. Họa hoằn mới le lói xuất hiện một ánh lóe lên, như sao băng rồi sau đó là khắc khoải, lụi tàn. Vì sao? Theo tôi chúng ta đã quá dễ dãi với thơ. Cảm xúc vô cùng cần thiết nhưng không phải là tất cả, hãy tự tỏa sáng bằng bản sắc riêng của mình, bản sắc không phải tự nhiên ai cũng có. Hãy tự bất mãn với chính những gì mình vừa viết xong, không lặp lại nó vào ngày mai, may ra dưới lớp cát khô mới có hơi ẩm của suối nguồn hướng tới bản sắc. Chỉ có tìm tòi, tìm tòi và tìm tòi, may ra mới tìm được ngọc trong đá tảng. Có chứng kiến Huy Tưởng trong cơn đau chữ nghĩa đi tìm cho mình một ngôn từ riêng cho thơ ta mới không hết ngạc nhiên khi đọc Người nuôi lửa tịch mịch, ngôn từ ở dâu mà Huy Tưởng làm cả một tập thơ hoàn toàn không trùng lắp với bất cứ ai, không trùng lắp với cả chính anh. Xin đừng nghĩ vì là bạn tôi bốc thơm Huy Tưởng hay cũng như chê thơ Huy Tưởng chưa đạt. Tôi chỉ toàn nói về một Huy Tưởng luôn tự đổi mới, chỉ cái mới mới có sức thu hút anh, chỉ có cái mới làm ta hôm nay khác với hôm qua. Điều này không có gì bí hiểm, ai cũng có thể hiểu nhưng lại có quá ít người chịu tự thay đổi. Đó là bi kịch của thơ bây giờ.

 

Mấy năm nay vì sức khỏe có phần giảm sút, quán cà phê ở Bà Lê Chân không còn do chính chủ nhân chăm chút nữa, khách quen mất một địa điểm. Tuy cũng như tất cả các quán cà phê khác nếu ta chỉ đơn giản đến uống một ly cà phê, nhưng sẽ vô cùng riêng biệt nếu có ai đã từng mười lăm năm ngồi nhìn thời gian làm phố xá tàn phai, ta sẽ cảm nhận được vỉa hè, góc phố cũng có tiếng nói của nó, nó cảm nhận được sự hiện hữu của ta… Đó chính là linh hồn của vô tri, trong chừng mực nào đó cũng là hồn của thi ca.

 

Năm 62, Bùi Giáng giới thiệu tập thơ Nai của Trần Tuấn Kiệt đã níu theo Trần Dạ Từ, ông viết: “Trần Tuấn Kiệt tương ứng tha thiết với Trần Dạ Từ trong mối sầu “sầu thơ dại đã đầy vơi một dòng. Hai họ Trần đã giúp chúng ta tin tưởng ở tuổi trẻ và hồn thơ Việt một cách tuyệt đối”. Với những gì Huy Tưởng đã và đang tìm tòi, thể hiện, tôi tin sau Hỏi đường cùng mấy trắng và Người nuôi lửa tịch mich, sẽ có một Huy Tưởng khác nữa đến với chúng ta, một Huy Tưởng không ngừng đem lại ngạc nhiên đến cùng với nàng thơ, cho chúng ta một bữa tiệc ngôn ngữ thịnh soạn chỉ riêng anh mới có./.

 

Trần Áng Sơn
Số lần đọc: 2444
Ngày đăng: 12.08.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhà giáo, nhà văn Mang Viên Long:Làm thầy trở thành làm thợ! - Nguyễn Tam Phù Sa
Đìu hiu… mưa rơi - Trần Áng Sơn
Hoàng Tố Nguyên , Nhà thơ lớn của đất nước - Hà văn Thùy
Nguyễn Tam Phù Sa : Sông niệm cõi hoài - Trần Áng Sơn
Nhà Văn, Nhà Báo, Nhà Giáo, Nhà Thơ…Đoàn Vị Thượng - Trần Áng Sơn
Mấy suy nghĩ về nhà thơ Xuân Sách - Phùng Văn Khai
Một thoáng nhớ về Mai Trinh Đỗ Thị - Trần Áng Sơn
Cô Tấm bên đường - Trần Áng Sơn
Đánh giá lại Ngô Đình Diệm - Edward Miller
Những Ngón Tay Bắt Được Của Trời - Trần Áng Sơn
Cùng một tác giả