Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
309
116.590.623
 
Chân dung một người bạn
Trần Áng Sơn

Mãi đến năm 1981 tôi mới quen với Trần Dzạ Lữ, lúc ấy anh đang phụ trách Thư viện quận, còn tôi nhân viên hợp đồng Phòng Văn hóa thông tin. Do tính chất của công việc, tôi nắm đầu mối hầu hết công tác của phòng nên tôi và Trần Dzạ Lữ thường qua lại với nhau. Thoạt đầu tôi không mấy chú ý đến anh, do cá tính có phần cách biệt của anh; anh thân với sách vở, tủ phiếu, bạn đọc hơn là bạn hữu; rất ít khi tham dự cà phê cà pháo với đồng nghiệp, nhậu nhẹt anh lại càng tránh xa. Ngược lại tôi xộc vào bất cứ chỗ nào, trên từng cây số với tất cả các dạng sinh hoạt, giao tiếp với tất cả mọi người. Có thể, do công việc, đã biến tôi và Lữ trở thành như thế.

Vào thời điểm ấy, xã hội còn bề bộn, kinh tế lạc hậu, đồng lương công nhân không đủ nuôi bản thân dù anh ta sống khắc khổ, tiết kiệm. Ngoài công việc ở cơ quan tôi cũng phải ngược xuôi tìm nhiều nguồn phụ thu để cầm cự với khó khăn. Trần Dzạ Lữ cũng không khá hơn, anh nhập băng ve chai cùng với một số bạn bè cũ có máu giang hồ như Nguyễn Ước, Phù Hư hành nghề ngoài giờ trên khắp các ngõ hẹp nội, ngoại thành. Câu “hành” của giới ve chai cao cấp đại khái “răng vàng, răng bạc, nút măng sét, gọng kiếng, muỗng, nỉa, dao đồ bán không?”. Trong túi Trần Dzạ Lữ bao giờ cũng có một ống axit dùng để thử vàng khi có khách hàng gọi bán, đỡ phải đem hàng đến vựa thử sẽ bị thu mua giảm giá. Chính tôi có lần hí hửng đem một gọng kiếng bằng vàng do một người bà con moi trong thùng đồ lạc xoong cho, đưa Trần Dzạ Lữ “phân chất”. Dù đang ngồi ở câu lạc bộ Hội Văn nghệ, Lữ vẫn thản nhiên rút đồ nghề ra thử, chất axit ắn vào gọng kính xám ngoét. Lữ tiếc rẻ: đồ dỏm! Tôi cũng bâng khuâng quăng chiếc gọng kính vào gốc cây. Nếu là vàng thật cả hai chúng tôi đã có một ngày ấm bụng.

Công tác mới được vài thàng, tôi phạm sai lầm có liên quan đến thủ trưởng, dù sai lầm ấy nằm trong phạm vi sinh hoạt cá nhân. Thủ trưởng ngầm ra lệnh phải tổ chức kiểm điểm. Trong cơ quan một số đồng nghiệp thông cảm với tôi nhưng họ không dám công khai bày tỏ, một số là đệ tử ruột của thủ trưởng không bỏ lỡ cơ hội lấy điểm với xếp. Trong cuộc họp bình bầu lao động tiên tiến số nhân viên ruột của thủ trưởng không ngần ngại đem sinh hoạt cá nhân của tôi ra chỉ trích một cách hằn học, tôi cắn răng tự nhủ: phải biết nhẫn nhục, hãy trả lời những kẻ xu nịnh bằng chính tinh thần công tác. Giữa lúc tưởng danh dự của tôi bị nhấn chìm thì Trần Dzạ Lữ đứng lên, giọng kiên quyết phản đối việc đem sinh hoạt cá nhân ra phê phán, trong khi tinh thần cuộc họp là bình bầu lao động tiên tiến dựa trên năng lực, hiệu quả công tác. Sự kiên quyết của Lữ đã làm những kẻ muốn hạ nhục tôi phải im lặng. Sau buổi họp căng thẳng, Lữ lấy xe đạp về thẳng Thư viện, chẳng nói gì với tôi. Tôi im lặng nhìn theo, trong đầu vang vang câu nói của Lữ: “Đem sinh hoạt cá nhân ra phê phán trước tập thể là một việc làm tàn nhẫn. Tôi phản đối”.

Sau năm năm công tác cực lực, cống hiến nhiều đóng góp cho ngành, tôi được hưởng án treo suốt đời, đó là căn bệnh cao huyết áp quái ác. Lúc này, danh dự tôi phần nào đã được phục hồi, ngay cả thủ trưởng cũng chơi trò quân tử, công khai xác nhận phẩm chất cũng như năng lực của tôi. Tôi nghĩ như thế là đủ rồi, đến lúc giã từ nơi tinh thần gia trưởng còn đậm đặc bao trùm lên mọi hoạt động trong cơ quan. Lá đơn xin nghỉ công tác vì lý do sức khỏe được chấp nhận. Ngày về vườn tôi nhận được hai tháng lương và một tờ giấy khen công lao phát triển ngành. Sau khi tôi xin nghỉ, khoảng một năm sau Trần Dzạ Lữ cũng về vườn. Chúng tôi lại trong gặp nhau ở quán Huy Tưởng. Không còn trách nhiệm ở thư viện, Lữ cũng nhiễm thói cà phên cà pháo. Bằng giọng kém vui, Lũ cho biết hiện giờ anh phụ bà xã mỗi sáng đi lấy mối rau ruống đem ra chợ bán. Tôi thở dài, lại thêm một thi sĩ xuống lề đường, bỏ mặc cho thơ thương nhớ, nhớ thương.

Sau một thời gian vùi đầu viết lách, xuất bản được một số tác phẩm, căn bệnh của tôi lên tiếng cảnh cáo. Vào bệnh viện cấp cứu, điều trị 15 ngày tôi xuất viện với lời khuyên cũng có thể xem là lời cảnh cáo của bác sĩ: phải nghỉ ngơi hoàn toàn, nếu tiếp tục làm việc với tốc độ như cũ, kết quả sẽ càng tồi tệ hơn. Từ đó bia bọt, cà phê, thuốc lá đang là bạn hữu bỗng biến thành kẻ thù. Tôi xa chúng với nỗi buồn vắng lặng, bạn hữu mất dần, những ồn ào ngoài xã hội lùi xa. Cái ngưỡng cửa dù vô hình ở nhà tôi hình như cao dần theo năm tháng, lâu lâu tôi mới “xuống phố”, ghé quán Huy Tưởng với hy vọng tình cờ gặp lại một người bạn cũ. Thật may mắn, tôi và Lữ lại ngồi bên nhau, sắc diện Lữ có vẻ vượng. Anh cho biết vừa xuất bản tập thơ đầu tiên sau ngày giải phóng: HÁT DẠO BÊN TRỜI, vâng, anh tự nhận mình là người hát dạo, kẻ hát dạo ấy hơn 30 năm sau mới in được tác phẩm đầu tay. Bẵng đi một thời gian không gặp Lữ, quán Huy Tưởng nay đã đổi chủ, tôi bơ vơ mong ngóng bạn bè. Một hôm lang thang lạc về chốn cũ, tôi gặp Trần Dzạ Lữ, chỉ bên ngoài thôi nhìn anh khác hẳn xưa, vững chãi, tự tin. Anh đang ngồi ở câu lạc bộ Hội Văn nghệ, hình như đang có cuộc trao đổi mini giữa những “nhà văn hóa” cơ chế thị trường. Thoáng nhìn thấy tôi, Lữ vội đứng lên, tôi lại được ngồi cùng bàn với người bạn cũ. Lữ tặng tôi tập thơ mới in: GỌI TÌNH BÊN SÔNG. Thơ Lữ tôi đã biết, bìa trang nhã và đẹp, chỉ tiếc là anh quyết định in mấy ca khúc phổ thơ của anh, nhạc chưa định hình, định vóc nên không làm thơ anh tăng thêm giá trị, như những nhà thơ may mắn khác. Chỉ trong khía cạnh này Lữ cũng thật dễ thương, một người bạn hiếm có thật đáng trân trọng. Khi chúng tôi từ biệt nhau, tận đáy lòng tôi một cảm giác luyến tiếc dâng lên: trong những ngày lận đận lao đao, Lữ thi sĩ hơn bây giờ. Tôi chẳng dám chờ tập thơ thứ ba của Lữ, chỉ bấy nhiêu thôi đã làm thay đổi hình dáng người bạn đã nằm khắc khoải trong tâm thức của tôi. Tập thơ thứ ba riêng đối với tôi chẳng nên có.

Trần Áng Sơn
Số lần đọc: 2754
Ngày đăng: 25.10.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hoa vàng mấy độ - Trần Áng Sơn
Trần Tuấn Kiệt - từ nhà thơ, nhà văn đến võ sĩ - Trần Áng Sơn
Thuở làm thơ yêu em - Trần Áng Sơn
Đông ngàn - Lê Huỳnh Lâm
Vượt lên bất hạnh,tiếng đàn ngân vang - Nguyễn Khắc Phê
Mùa hương - Trần hữu Lục
chị, và em , và … - Nguyễn Thị Hậu
Vườn xưa mắt mẹ - Lê Huỳnh Lâm
Em cũng không biết nữa...! - Bùi Thạc Chuyên
Chạnh nhớ Nguyễn Xuân Hoàng : Không thể nào quên Huế... - Hoa Ngõ Hạnh
Cùng một tác giả