Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
484
116.604.970
 
Chị Tôi Và Tôi
Trần Áng Sơn

Khi tôi chưa đầy một tuổi thì mất cha. Mẹ tôi, người đàn bà chân quê không đủ sức một mình nuôi dưỡng, dạy bảo tám đứa con đang sức ăn sức lớn. Tình cảnh gia đình thật bi đát, tám chị em tôi ở trong tình trạng xẻ nghé tan đàn bất cứ lúc nào. Chưa biết ai trong số các anh, chị tôi sẽ phải dứt bỏ tổ ấm trong nước mắt tiễn đưa của những đứa em ở lại. Cuối cùng, người lãnh trách nhiệm hy sinh để cứu những đứa em còn quá nhỏ dại là anh hai tôi – anh Long. Anh phải từ bỏ trường học, từ bỏ võ đài, nơi ấy anh đang nổi lên như một võ sĩ quyền anh trẻ tuổi đầy hứa hẹn. Anh dắt theo chị hai tôi – chị Ngọc, chị Ngà vào Sài Gòn tha phương cầu thực. Cảnh chia ly ấy diễn ra khi tôi vẫn còn là một đứa bé lẫm chẫm tập đi. Tôi lớn dần lên trong cơ cực, trong đạn bom Thế chiến thứ hai; và khi tiếng súng toàn quốc kháng chiến nổi lên cũng là lúc gia đình tôi hoàn toàn bị cắt đứt liên lạc với các anh chị tôi ở Sài Gòn. Chị cả tôi theo chồng tham gia kháng chiến, mẹ tôi dắt díu những đứa con còn lại đi theo đoàn người tản cư về nông thôn, thành phố cứ xa dần. Đoàn người tản cư dưới bom đạn đuổi theo vượt qua vùng núi Áng Sơn – Kiến An đến huyện An Lão, Tiên Lãng thì ngừng lại. Lúc này tôi đã được mười tuổi. Sau mấy năm tản cư, tài sản đem theo đã ăn hết. Không nhà, không ruộng, không vườn, mẹ tôi liều dắt chúng tôi trở về thành phố. Ngôi nhà cũ sau mấy năm vắng chủ đã bị san bằng, chỉ còn trơ lại nền gạch cây hoang mọc bao trùm. Chúng tôi trở thành những kẻ vô gia cư. Mẹ tôi dắt mấy chị em tôi lang thang lếch thếch tìm nơi ăn nhờ ở đậu. Cuối cùng cũng tìm thuê được một góc nhà ở Ngõ Chuối, phố Mấy Chỉ, Hạ Lý. Ngôi nhà ở cạnh bến than từ Hòn Gai chở về bằng thuyền. Quanh khu vực bến bãi nhuộm một màu đen óng ánh của than đá; mái nhà đen tường hoen ố màu đen, đường đi cũng đen, thậm chí lá cây cũng bị phủ nhẹ một lớp bụi than lấp lánh. An cư rồi cả nhà túa ra mỗi người một ngả kiếm ăn. Tôi ra bến than nhặt những cục than đá do những người phu đội than tốt bụng cố ý làm rơi, gom lại đem bán đưa cho mẹ. Cuộc sống dần dần ổn định. Có tiền, mẹ tôi nghĩ ngay đến việc tìm các anh chị tôi ở trong Nam. Bà đến các nhật báo nhờ đăng tin tìm người thân, qua nhiều tháng vẫn không có hồi âm. Mẹ tôi tuyệt vọng, bà quay về sống với hồi ức, bà luôn nhắc đến các anh chị tôi. Ngày các anh chị ấy rời xa gia đình  tôi còn quá nhỏ nên không hình dung được các anh chị tôi bây giờ ra sao, nhưng qua lời mẹ tôi kể lại các anh chị tôi đều rất đẹp, anh Long cao lớn, đẹp như thầy chúng tôi, còn chị Ngà đẹp như tranh vẽ, theo lời mẹ kể da chị Ngà trắng như trứng gà bóc, răng đều tựa như cườm cườm, tay cứ như tay tiên. Tóm lại trong năm chị gái, chị Ngà tôi đẹp nhất. Tôi giữ hình ảnh đẹp như tranh vẽ của người chị trong tâm hồn như một niềm kiêu hãnh. Như những đứa trẻ khác, tôi đến trường với một tâm hồn mới tinh, mới như nếp áo vừa may, mặc vào cứ sột soạt đến gai cả người. Nhà trường là một thế giới mới đối với một thằng bé còi cọc đi vì chiến tranh, mồ côi mồ cút như tôi. Lạ lẫm vì những điều được học tập, lạ lẫm vì những người bạn, nhất thế giới con gái trong lớp, những con bé rụt rè, thẹn thùng, dịu dàng, thông minh nhưng cũng ương bướng, lắm chuyện. Tôi tự nhủ đừng bao giờ lân la đến gần những con bé nguy hiểm ấy, sẽ không bao giờ cãi lại nếu lỡ cãi nhau với chúng nó, đứa nào càng đẹp càng phải tránh xa. Với ý nghĩ dại khờ ấy tôi trở nên kỳ cục trước mắt những con bé cùng lớp nhưng thật kỳ lạ, tôi càng lảng tránh thì lũ con gái tinh quái càng chú ý đến tôi, tất cả như muốn làm chị tôi với ánh mắt dịu dàng, với nụ cười bẽn lẽn. Ngay từ thuở ấy tôi được phái yếu nuông chiều và cứ như thế tôi lớn lên. Một hôm vừa đi học về tôi ngạc nhiên thấy nhà có khách – một phụ nữ sang trọng, rất đẹp, cái đẹp sắc như dao cau. Tôi ngỡ ngàng ngộ nhận đó là chị Ngà tôi ở Sài Gòn mới về. Nhưng không phải, người ấy là chị Thanh, chị dâu tôi, vợ anh Long. Đúng là chị về từ Sài Gòn tìm gia đình sau hơn mười năm thất lạc. Mẹ tôi rất mừng, cơn ác mộng những đứa con bị thất lạc trong chiến tranh không còn phủ cái bóng ảm đạm lên gia đình tôi nữa. Mẹ tôi còn cho biết chị Ngà tôi bây giờ đã trở thành ca sĩ nổi tiếng khắp Bắc – Trung – Nam, chị ấy đang lưu diễn ở Hà Nội theo lời mời của Đài phát thanh Hà Nội cùng với nữ ca sĩ số một của Hà Nội bấy giờ là Minh Đỗ. Tin này đối với tôi thật bất ngờ. Thời thơ ấu khổ cực nhưng tôi luôn có hình ảnh người chị đẹp như tranh trong ký ức, chị ấy đã phải rời xa tổ ấm để chia bớt phần ăn cho những đứa em. Thế mà cô gái nghèo ấy sau hơn mười năm xẻ nghé tan đàn đã trở thành ca sĩ danh tiếng. Tuy chưa biết khi hát chị tôi lấy nghệ danh là gì nhưng tôi tin chắc tên sẽ phải xứng với sắc đẹp và giọng hát chị ấy. Vào thời điểm này (1952) tôi sắp bước sang tuổi mười lăm. Tuy bản tính lúc nào cũng khép kín với con gái. Ghét con bé nào chẳng nói ra, thương con nhỏ nào cũng chỉ một mình mình biết, thế mà tôi như cụm hoa, con gái mới là bướm, họ cứ lượn quanh tôi, tôi chẳng có cơ hội lựa chọn. Cho mãi đến bây giờ, trước phụ nữ, tôi vẫn như đứa trẻ mấy mươi năm về trước – phụ nữ, kẻ xa lạ nhưng mãi vẫn là người quyết định hạnh phúc, bất hạnh, buồn, vui suốt cả đời tôi. Và sau tất cả những hương vị cuộc đời, tôi nhận ra một sự thật: phụ nữ chiếm phần lớn cuộc đời tôi, trước hết phải kể đến mẹ đã tạo ra thằng tôi đầy mâu thuẫn, cương nghị mà mềm yếu, sáng suống vẫn chứa chất u mê, yêu tha thiết mà hờ hững tựa kẻ vô tình. Tiếp theo là các chị tôi đã nhường cơm xẻ áo cho đứa em út ít đủ nguồn dinh dưỡng vươn lên thân dài vai rộng, san chia buồn vui cùng thống khổ với đời. Sau chị tôi là người bạn đời bao nhiêu năm lận đận lao đao cùng với những thăng trầm của tôi. Và cuối cùng là những người phụ nữ đã lìa xa tôi sau khi đã cùng tôi du ngoạn một quãng đường đầy hoa thơm và có cả dư vị để bồi hồi nhớ lại.

 

Sau chuyến lưu diễn ở Hà Nội chị tôi cùng anh Long về Hải Phòng thăm mẹ và các em sau hơn mười năm đứt liên lạc. Đúng như mẹ tôi nói, chị tôi đẹp thật, đẹp hơn cả lời miêu tả với tất cả niềm âu yếu của mẹ tôi. Các anh chị tôi nhìn thấy cảnh mẹ và các em sống quá cơ cực trong một con ngõ tối tăm, đen kịt như trong ống khói đã đi đến quyết định làm thay đổi cuộc đời tôi. Cuối năm 1952 các anh chị tôi về thăm mẹ lần thứ hai và chuyến máy bay của hãng Air France cất cánh từ sân bay Gia Lâm đến Huế có tôi bay cùng. Tôi không thể ngờ chuyến ra đi ấy mãi 43 năm sau tôi mới quay trở lại. Một cuộc trở về chìm trong hoài niệm vì những mất mát sau cuộc chia ly quá dài…

 

Những năm tháng ở Huế tôi như được sống giữa đất nước Trung Hoa cổ xưa, cũng lâu đài thành quách, cũng lăng tẩm, chùa chiền. Núi non trùng điệp, cây ngàn trùng trùng chìm trong màu xanh lục đậm nhạt như tranh thủy mạc. Những gì tôi biết về đất nước Trung Hoa qua sách truyện đang hiện ra trước mắt tôi. Tôi mải mê đắm chìm vào khung cảnh cổ xưa, tạm quên đi con sông Cấm, Tam Bạc quanh năm ngàu đỏ phù sa, hai con sông vây quanh biến vùng trời trẻ thơ của tôi thành một cù lao hoài niệm.

 

Những ngày đầu ở Huế, tôi sống chung với anh chị tôi – đôi vợ chồng ca sĩ Mộc Lan – Châu Kỳ trong một căn phòng nhỏ phía sau Ty Thông tin Huế dưới chân cầu Tràng Tiền. Căn phòng quá nhỏ cho một đôi uyên ương quá nổi tiếng ở đất Thần kinh, tôi cứ ngỡ đẹp như chị tôi, hát hay như chị tôi phải ở trong lâu đài, khuê các. Hiện tại là thế này ư? Nó khác xa với hình ảnh rực rỡ của chị tôi khi đứng trên sân khấu, cất tiếng hát họa my làm say mệ biết bao tâm hồn mơ mộng, đa tình, trong đó có cả tôi. Tiếng hát chị tôi nâng tâm hồn tôi bay theo cánh diều căng gió đậu xa tít tắp trên bầu trời xanh ngắt.

 

Anh rể tôi – nhạc sĩ Châu Kỳ khá đẹp trai, giỏi nhạc hát hay không cao lớn nhưng đứng trên sân khấu không đến nỗi bị khuất lấp bởi sự rực rỡ của chị tôi. Giọng hát của anh chị tôi là một sự tô điểm cho nhau, khi họ song ca cảnh vật trở nên tưng bừng, cỏ hoa bừng nở, lòng người rộn rã gợi tình. Mặc dù ở Huế lúc bấy giờ có cặp song ca Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết nhưng họ thuộc về một lớp khán giả riêng biệt, khác hẳn với đôi uyên ương Mộc Lan – Châu Kỳ họ thuộc về mọi lứa tuổi, mọi thành phần nhưng trước hết là giới trẻ, bởi vì sự trẻ trung của mình và cũng vì nghệ thuật ca hát mới mẻ họ cống hiến mỗi khi xuất hiện. Mặc dù  tôi hãnh diện về anh chị mình nhưng chẳng bao lâu sau, bài học đầu tiên tôi rút ra từ cuộc đời là: trên sân khấu và thực tế thường trái ngược đến độ mâu thuẫn. Bài học này có quá sớm cho một thằng bé mới 15 tuổi hay không? Tôi ngỡ ngàng chứng kiến vết rạn nứt vừa xuất hiện giữa anh chị tôi, nó có tự bao giờ, do đâu mà có? Tôi chưa kịp tìm ra câu trả lời anh chị tôi đã quyết định chuyển tôi về sống với vợ chồng chị Ngọc ở trong Thành nội. Ngoài mấy bộ quần áo, hành lý của tôi chẳng có gì, với vẻ mặt buồn buồn anh Châu Kỳ cho tôi chiếc xe đạp anh vẫn đi. Tôi không buồn vì cuộc chia tay vì từ nhà anh chị tôi vào Thành nội khoảng cách chẳng bao xa, hơn nữa, ở nhà chị Ngọc, tôi sẽ gặp được anh Long hiện đang nương náu ở đây chờ lệnh nhập ngũ. Nhưng tôi rất buồn vì từ ngoài Bắc vào Huế không phải để chứng kiến cảnh anh chị tôi đang dần dần xa nhau, rằng một ngày nào đó tiếng hát hạnh phúc của họ sẽ chỉ còn là những tiếng nấc chia lìa. Thời gian u buồn này anh Châu Kỳ sáng tác một số ca khúc gây xôn xao dư luận những người yêu đôi song ca Mộc Lan – Châu Kỳ, yêu âm nhạc ở Huế. Trong đó có những ca khúc thường xuyên được phát thanh trên đài Huế: Khúc ly ca, Từ giã Kinh thành, Tiếng hát dân Chàm. Nhất là những lời than khóc trong bài Tiếng hát dân Chàm, ở chỗ nào trong kinh thành cũng có người cất tiếng hát, tựa hồ như thành Huế trở thành Thành Đồ Bàn, nơi chỉ có nước mắt và chia xa.

 

Anh Luận, chồng chị Ngọc là một quân nhân, anh thường xuyên vắng nhà. Tính tình anh rể tôi rất tốt, rất hiền. Trong khi chờ năm học mới khai giảng, anh Long dạy kèm Pháp ngữ cho tôi. Thỉnh thoảng anh Châu Kỳ và chị Mộc Lan đến thăm (lúc này cả nhà tôi không gọi chị Ngà bằng tên mẹ đẻ nữa). Tôi rất mừng vì anh chị tôi vẫn xuất hiện trước công chúng như một đôi uyên ương không thể chia lìa. Ca sĩ Mộc Lan vẫn là con họa mi của Cố đô.

Thời gian gần đây gia đình tôi thường tiếp một người khách có ngoại hình rất thu hút, ông ta tuy hơi lớn tuổi nhưng thân hình cường tráng, cao lớn, nét mặt quyến rũ, từ ngôn ngữ đến tác phong rất quý phái. Ông ta thường đến thăm các anh chị tôi vào buổi chiều, lúc nào cũng đem theo quà cáp cho mọi người, nhất là đối với các chị tôi. Ông thường tự lái chiếc xe jeep hiệu Land Drover, tiếng máy nổ rất êm, cũng có khi ông để tài xế lái xe đưa mình đến. Lần nào cũng vậy, ông chỉ mặc duy nhất một loại trang phục cắt may rất khít khao càng tôn thêm nét cường tráng của cơ thể. Ông đeo cấp bậc trung úy không nhưng cặp lon rất cũ kỹ, tôi biết chẳng hải vì thiếu tiền không mua nổi cặp lon mới, hình như ông có dụng ý khi đeo cặp long tựa hồ đã đeo từ đệ nhị thế chiến. Mỗi lần ông đến chị Ngọc tôi mừng rỡ như muốn reo lên. Cũng dễ hiểu, thường thì quà tặng chị là món quá lớn nhất, đẹp nhất, sau đó ông còn tự lái xe đưa cả nhà khi thì đi nhà hàng, đi xem phim ở rạp sang nhất Huế: rạp Morrin. Cũng có lúc ông lái xe đưa cả nhà đi dạo khắp các di tích trong quần thể dinh thự các đời vua Nguyễn. Tuy tặng những món quà đắt nhất, đẹp nhất cho chị Ngọc nhưng người ông chú ý là là cô em Mộc Lan, con họa mi tuyệt sắc của cố đô Huế. Tôi nhận ra điều này vì thời gian gần đây anh Châu Kỳ ít đi chung với chị tôi nhất là trong những lần có sự hiện diện của vị khách quý tộc. Chẳng khó khăn gì lắm, qua chị Ngọc tôi được biết người khách hào hoa thường đến nhà tôi được mọi người kính trọng gọi là Mệ Phủ, thuộc hoàng tộc, ông là sĩ quan ngự lâm quân trong hoàng cung. Mệ Phủ rất thân thiện với tôi, ông thường chở tôi về nhà trong khu hoàng tộc giới thiệu con gái làm bạn với tôi, còn rủ tôi tập bắn bằng súng riêng của ông ngay trong khuôn viên rộng mênh mông quan nhà. Kiều Diêu con gái ông rất hồn nhiên, cô bé cũng độ tuổi với tôi hình như cũng thích thú có người bạn mới. Cô là học sinh nội trú chỉ cuối tuần hoặc ngày lễ mới được về nhà, có lẽ vì thế cô rất vui khi có tôi trò chuyện. Cứ ngỡ chúng tôi sẽ thân với nhau nhưng một chuyện xảy ra đã làm đảo lộn tất cả: anh Châu Kỳ đã công khai phản đối gia đình tôi về sự hiện diện quá đặc biệt của Mệ Phủ. Với tư cách gia trưởng, anh Long tôi không chấp nhận thái độ của em rể. Cuộc xung đột đi đến kết quả đổ vỡ. Ít lâu sau, anh Long có lệnh gọi nhập ngũ. Anh Châu Kỳ và chị tôi vào Sài Gòn và họ chia tay nhau. Tôi rất buồn về cuộc chia ly này, người chị đẹp như tranh của tôi bước chân xuống đời cũng vấp váp như bất kỳ cô gái nào, vì yếu đuối, vì ảo vọng. Thế là Huế để lạc mất con chim họa mi của mình. Liệu có còn ai nhớ đến bản nhạc “Đi chơi chùa Hương”, thơ Nguyễn Nhược Pháp do Trần Văn Khê phổ nhạc, duy nhất chỉ một ca sĩ hát thành công, người ấy là chị tôi – chị Mộc Lan. Mấy năm sau, tôi cũng từ biệt Huế vào Sài Gòn, tôi lại về sống chung với chị tôi đang trong tình trạng phòng không chiếc bóng. Trên bước đường công danh chị tôi đã tiến một bước dài, khác với Thái Thanh, Tâm Vấn, chị tôi bước lên sân khấu như một nữ hoàng. Không sân khấu đại nhạc hội nào vắng bóng chị tôi. Các ban nhạc trên đài phát thanh, các dancing, phòng trà nơi nào cũng muốn có ca sĩ Mộc Lan hiện diện. Tuy thành công trên con đường nghệ thuật nhưng lại kém may mắn trên đường đời. Tuy có rất nhiều đấng mày râu theo đuổi nhưng hình như chị tôi quyết định vĩnh biệt cuộc đời, chị sửa soạn cho chuyến đi vĩnh viễn của mình một cách lãng mạn: mặc toàn màu trắng, uống hết ống thuốc ngủ rồi lên giường nằm chờ giây phút thăng hoa. Xin đừng hiểu lầm tôi dùng sai chữ, chị tôi coi cái chết như một giải pháp tốt đẹp nhất, vì thế phải gọi là thăng hoa. Nhận được tin ca si Mộc Lan tự tử, tác giả Tôi không còn cô độc viết một bài dài san chia nỗi đau với người chối bỏ cuộc sống. Thế nhưng như các cụ nói: nợ đời chưa dứt, chị tôi được tử thần trả lại cuộc sống để tiếp tục là con họa mi làm đẹp cho đời. Suy nghĩ về quyết định từ bỏ cuộc sống của chị tôi, tôi bàng hoàng nhớ lại chị đã chuẩn bị rất kỹ. Chị về tận Cần Giuộc tìm mua đất, thuê thợ dựng một ngôi nhà rồi bảo tôi về nhà mới ở, lúc này tôi đã 19 tuổi nhưng vẫn còn là anh chàng ngờ nghệch, cứ nghĩ chị muốn tự do, sự có mặt của tôi không nhiều thì ít cũng cản trở chị tiếp xúc với những người ái mộ chị, trong đó không ít vương tôn công tử sẵn sàng lót vàng dưới gót chân mỹ nhân. Đúng là chị tôi muốn có tự do nhưng là tự do để chết. Tôi ân hận suốt những năm tháng ở bên chị tôi đã cư xử như một thằng em vô tình, nghề ca hát không nhẹ nhàng như người ta tưởng, nó có cả mồ hôi, nước mắt, đôi lúc danh dự bị tổn thương, chị tôi cần được an ủi thế mà thằng em trai lại cứ giương mắt ếch, lập dị theo sách vở chẳng một lời hỏi han mỗi lần chị trở về sau những chuyến lưu diễn ở các tỉnh xa xôi.

 

Tôi quyết định bỏ mặc ngôi nhà ở Cần Giuộc hoang phế, quay về Sài Gòn sống với chị với lời tự hứa sẽ để mắt đến chị nhiều hơn. Chị tôi vượt qua cơn khủng hoảng rất nhanh, không một lời giải thích vì sao lại chối bỏ cuộc sống giữa độ xuân thì, đang ngự trị trên chót vót danh vọng. Chị tôi lao vào công việc, hối hả đi hát, hối hả kiếm tiền như chưa hề xảy ra bi kịch trong đời chị. Có lẽ đó là một liệu pháp để quên. Một thời gian sau, nhà tôi có một vị khách thường xuyên đến chơi, đó là nhạc sĩ Hoàng Trọng, trưởng ban nhạc Hoàng Trọng Đài phát thanh Sài Gòn mà chị tôi là giọng ca hàng đầu cùng với Mai Hương, Tuyết Mai, Thể Tần, Hồng Hảo… sự có mặt của anh Hoàng Trọng ở nhà chị tôi ngày càng đều đặn hơn nhưng vẫn không vượt qua những cuộc thăm viếng đối với đồng nghiệp. Anh Hoàng Trọng vốn ít nói, hà tiện cả nụ cười. Nhược điểm này quá lớn nếu đi chinh phục phụ nữ nhưng hình như anh Hoàng Trọng có chiến thuật riêng của mình, khá độc đáo. Anh đến nhà và cứ ngồi như phỗng, khi cảm thấy cần đi anh lí nhí chào từ biệt và… đi, lặng lẽ như lúc đến. Hình như đã quen với tính nết trưởng ban nhạc của mình, chị tôi không mấy… chú ý đến sự có mặt của anh nữa. Muốn đến thì cứ đến, cần đi thì cứ đi. Hình như anh Hoàng Trọng không phải là mẫu đàn ông yêu thích của chị tôi. Đánh dấu thời kỳ này anh Hoàng Trọng sáng tác được rất nhiều ca khúc có giá trị như: Nhịp võng ngày xanh, Vọng ngày xanh, Mộng đẹp ngày xanh, và đặc biệt là hai bài tango bất hủ: Mộng lành, Mộng ban đầu… Như luật bù trừ, được cái này thì không được cái kia, anh Hoàng Trọng không chiếm được chỗ nào trong trái tim người đẹp nhưng bù lại anh có mấy ca khúc để đời. Xem ra anh không thiệt thòi và có lẽ bằng lòng với số phận, như nhịp võng biếng đưa, anh đến nhà chị tôi thưa dần; cho đến một ngày nhân vật định mệnh của chị tôi xuất hiện, sự thăm viếng của anh Hoàng Trọng hoàn toàn chấm dứt. Đó là một người đàn ông còn rất trẻ, gương mặt đẹp thông minh, cao lớn, ngoại hình rất thu hút phụ nữ. Ngoại hình thì như thế, Thượng đế lại ưu đãi trao cho anh một tư chất khá hoàn hảo: hoạt bát, lịch sự, thông minh, thân ái cộng thêm với nghệ thuật chiều chuộng phụ nữ cao độ, anh ta đã hoàn toàn làm chủ trái tim chị tôi. Điều này các chị tôi, anh tôi, mẹ tôi và ngay cả tôi không có lý do gì phản đối. Đặc biệt với chị tôi, trái tim tưởng chừng khô héo lại rộn rã trở lại, chị như hồi sinh, tươi vui, rực rỡ hẳn lên. Người đàn ông có phép nhiệm mầu ấy chính là trung úy Trương Minh Đẩu, sĩ quan tùy viên của tướng Dương Văn Minh, người đã lật chế độ Ngô Đình Diệm để rồi bị chỉnh lý lưu vong trên vương quốc Thái Lan. Mặc dù đã thành hôn với chị tôi nhưng khi Dương Văn Minh bị các chiến hữu đày lưu vong, trung úy Đẩu lúc này đã lên thiếu tá bỏ cả vợ con lưu vong theo ông. Nhưng đó là thiên thâm cung bí sử dài dài về sau. Trở lại chuyện vị trung úy hào hoa và chị tôi, tận mắt chứng kiến những ngày hạnh phúc của người chị xinh đẹp, tôi yên tâm trở về xóm nghèo ở Tân Sơn Nhất sống với mẹ, trả lại tự do cho người chị đã vì gia đình, vì các em, ngay từ nhỏ đã bỏ quên tuổi thơ tha phương cầu thực. Chị ấy đã hy sinh quá nhiều, tôi không có quyền làm phiền chị ấy nữa…/.

 

Trần Áng Sơn
Số lần đọc: 2892
Ngày đăng: 20.05.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ngồi đờn xuống thung lũng - Kiệt Tấn
ChămPa cõi đẹp an lành - Lâm Xuân Vi
Nghìn năm vàng dấu cát - Kỳ 3 - Văn Thành Lê
Nghìn năm vàng dấu cát - Kỳ 4 - Văn Thành Lê
Cỏ vẫn xanh dưới chân Thành Cổ - Minh Tứ
Nghìn năm vàng dấu cát - Văn Thành Lê
Ông bụt ở ấp Ka-liêu * - Phan Đức Nam
Nghìn năm vàng dấu cát - Văn Thành Lê
Xuôi dòng - Lữ Kiều
Tình yêu đầu tiên / Ca khúc đầu tiên - Sâm Thương
Cùng một tác giả