Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
681
115.997.518
 
Một bài thơ của Kim Tuấn
Trần Áng Sơn

Mỗi độ xuân về, ít ra một lần trong đời chúng ta cũng đã từn nghe ca khúc “Anh cho em mùa xuân”. Nếu có người nào vì yêu thích bài ca, bỏ chút thời giờ tìm hiểu sẽ rất thú vị khi biết được lời của ca khúc đó nguyên là một bài thơ của Kim Tuấn, một thi sĩ ở tận phố núi cao. Tôi cũng nằm trong số những người từng nghe ca khúc ngọt ngào, thiết tha đó. Và tuy không cố ý vẫn bị nhập tâm những lời thủ thỉ mỗi độ xuân về. Dù ở đâu, vui hay buồn, hạnh phúc hay đắng cay, anh vẫn cho em mùa xuân… Thế rồi thời gian trôi đi vùn vụt, cuốn theo tất cả những rong rêu cùng bão tố của thời gian, ngoại trừ… Mùa Xuân anh đã nói cho em.

 

Sau năm 1975, Hội Văn nghệ giải phóng tổ chức một khóa học bồi dưỡng chính trị cho giới hoạt động văn hóa nghệ thuật Sài Gòn, gồm tất cả các bộ môn. Qua khóa học này, tôi được gặp rất nhiều gương mặt nổi cộm trong giới cầm bút, trong số đó có tác giả bài thơ Anh cho em mùa Xuân: Kim Tuấn. Trong mắt tôi Kim Tuấn là một người dễ mến, hiền hòa, thơ cũng như người tròn trịa không góc cạnh, nhưng lại hơi hiếm giữa những người đầy cá tính hoặc cố tạo ra cá tính để vượt trội. Sau khóa học này, Hội Văn nghệ tổ chức  một đợt đi thực tế sáng tác. Từ chỗ chỉ nghe tên, biết mặt tôi và Kim Tuấn trở thành bạn của nhau, có lẽ cái tạng của tôi cũng có vài nét trùng hợp với Kim Tuấn. Tuy nhiên, đợt thực tế này tôi không được đi chung với Kim Tuấn vì anh chọn đi thực tế ở đơn vị Đường Sắt cùng Nguyên Khai và Nguyễn Minh Hoàng, còn tôi lại chọn nông trường Lê Minh Xuân cùng với Trương Đạm Thủy, Mặc Tuyền. Vào phút chót, Nguyên Khai rút khỏi toán thực tế ở Đường Sắt, nhập vào toán với chúng tôi nhưng rồi cuối cùng vẫn chỉ có tôi, Mặc Tuyền, Trương Đạm Thủy lên đường. Sau ba tuần cỡi ngựa xem hoa, chúng tôi quay trở về Hội. Hình như cuộc thử nghiệm không mấy thành công vì những người cầm bút ở Sài Gòn còn hơi bỡ ngỡ trước hình thức xâm nhập thực tế còn quá lạ lẫm. Số tác phẩm gởi về đếm trên đầu ngón tay và có lẽ chất lượng cũng chỉ là những nét chấm phá.

 

Nếu chỉ qua những cuộc thực tế lao động hoặc lao động thực tế, tình bạn giữa tôi và Kim Tuấn sẽ không có cơ hội phát triển; vì cơm ăn áo mặc đối với những người hoạt động văn nghệ ở Sài Gòn cũ, là một thực tế hết sức cấp thiết, nó len lỏi cả vào những lúc riêng tư nhất. Chỉ có một cách duy nhất để quên: Say! Thật may! Khoảng năm 1977, cả thành phố rộ lên phong trào rè̀n luyện cơ thể. Sau rượu, giải bóng đá A1 là một liều thuốc an thần đối với hầu hết những người cầm bút, cầm cọ. Chúng tôi rủ nhau đến sân Thống Nhất để hò hét giải sầu, lần nào cũng vậy, sau đá banh là trận đá ly, chiến trường lai láng bia tươi, chưa bao giờ chúng tôi có những ngày vui ồn ào như thế. Phong trào rnè luyện cơ thể nhanh chóng tràn vào bàn giấy của Hội VNGP, với sự trợ giúp vật chất của một số đoàn cải lương, một đội bóng văn nghệ sĩ được hình thành. Đội hình ban đầu đúng nghĩa là đội bóng của giới văn nghệ gồm thủ môn Từ Công Phụng, Nhật Trường. Hậu vệ gồm có tôi, Quỳnh Kỳ, tiền vệ gồm Vũ Hạnh, Miên Đức Thắng, Xuân Huy, Phong Sơn, hàng tiền đạo rất đông gồm Hoàng Bửu, Cung Tích Biền, Trần Tuấn Kiệt, Dương Trữ La, Kỷ Hà, Nguyễn Minh Hoàng, Phan Kim Thịnh… Nếu kể về thành tích của riêng từng cầu thủ, e rằng phải viết thành một cuốn sách không dưới vài trăm trang. Ở đây, chỉ xin nói riêng về đội bóng và xin dành quyền ưu têin vài hàng nói về chính mình. Sự thực thì… tôi chỉ là thằng bé mê đá bóng ở bất cứ chỗ nào có trái bóng lăn, và trận đấu cuối cùng của tôi đã diễn ra cách đây hai mươi lăm năm, khi ấy tôi còn là thằng bé 14 tuổi, một cầu thủ chân đất vờn quả bóng bằng giẻ rách quấn lại… Vây mà hơn hai mươi năm sau tôi lại xỏ chân vào đôi giày đinh, mặc áo cầu thủ hẳn hoi ở cái tuổi… lão tướng, quả thật là một chuyện biến hóa cỡ… Tề Thiên hoặc ông già Khốt Ta Bít. Tôi tin rằng cả đội hình đội bóng Hội Văn nghệ chắc cũng chẳng… khác tôi bao nhiêu. Với đội hình như thế, trận ra mắt đầu tiên đấu với đội tuyển Tân Hiệp ngay tại sân của họ, trước đó, trời lại đổ cơn mưa, sân đá bóng gần như một thửa ruộng trên đó dựng hay khung thành, trước khung thành là hai… “ao nước” tưởng có thể thả một bầy vịt lội tung tăng cũng chẳng có gì ngạc nhiên. Đội chúng tôi ngao ngán nhìn mặt sân, thương cho bộ đồng phục mới toanh chỉ lát nữa thôi sẽ phải sũng ướt vì nước bùn, biết đâu chẳng có cả phân trâu. Trận này chúng tôi thua 1-6. Khi lên xe trở về thành phố, các đồng đội chất vấn thủ môn Từ Công Phụng tại sao không chịu lăn xả bắt banh? Phụng nhe rằng cười thú nhận: Mình ngại vũng nước trước khung thành quá. Tuy không lăn xả nhưng nhìn Từ Công Phụng khi rời sân, sình văng đầy mặt, ngực áo bết bùn nên cả đội cùng cười sòa. Chỉ riêng anh Vũ Hạnh đít quần còn trắng phau vì anh mới vừa được tung vào sân chạy lên chạy xuống vài vòng chưa kịp đụng tới trái banh thì tiếng còi tan trận đã ré lên. Rút kinh nghiệm trận thua rất… văn nghệ tại Tân Hiệp, trong trận gặp đội công nhân hãng thuốc lá Bastos ngay tại sân xí nghiệp. 15 phút đầu đội hình đội Văn nghệ với thành phần đại bại trước Tân Hiệp 1-6 ra sân và lập tức bị thủng lưới dù thủ môn Nhật Trường rất chịu khó bay nhảy, tuy anh nhỏ bé hơn Từ Công Phụng rất nhiều. Lập tức đội hình tăng cường được tung ra, đó chính là đội bóng của đoàn Thanh Minh Thanh Nga với trung phong Bảo Quốc đang độ sung sức, anh tung hoành trên sân như một cầu thủ A1. Kết quả đội bóng hội Văn nghệ thắng. Sau trận đấu này rất nhiều nơi mời đội bóng của hội Văn nghệ thi đấu giao hữu. Dù muốn hay không đội bóng cũng phải tổ chức lại, đội hình đầu tiên trở lại thành đội lão tướng, đội bóng đoàn Thanh Minh Thanh Nga trở thành nòng cốt, khi có thi đấu tăng cường thêm Thành Được, Nam Hùng và để tăng sức thu hút, các cầu thủ nghệ sĩ trước khi ra sân thi đấu sẽ trình diễn những màn phụ diễn văn nghệ. Công thức thi đấu này đã thu hút khán giả đang khao khát được nhìn tận mắt nào là Bảo Quốc, Thành Được, Nam Hùng, Phương Thanh, Từ Công Phụng, Nhật Trường, Tony Hiếu. Thế là những cầu thủ cầm bút trở thành cầu thủ kiểng, chỉ ra sân quơ quào chào khán giả rồi nhường chỗ cho các nghệ sĩ cải lương tung hoành. Tuy nhiên, đội bóng gồm các kép độc gặp các cầu thủ chân ruộng cũng phải chào thua. Các trận gặp Gò Công, Vĩnh Long đội Văn nghệ bị các cầu thủ miệt vườn đá cho tả tơi hoa lá. Nhưng, hình như càng thua các nơi lại càng thích mời đội bóng Văn nghệ, có lẽ đá với đội nghệ sĩ chắc ăn hơn, nhất là những màn phụ diễn tân cổ nhạc ngay trên khán đài, ban tổ chức cầm chắc phần lời.

 

Sự ủng hộ của các cầu thủ sân khấu cũng lơi dần, vì họ còn phải theo đoàn trình diễn. Thế là các cầu thủ cầm bút lại được tung vào sân. Tuy nhiên, lần này có bài bản hơn; có huấn luyện viên là cầu thủ thật sự huấn luyện; thành phần có tăng cường thêm Nguyễn Long, Tony Hiếu. Những cầu thủ hụt hơi như Trần Tuấn Kiệt, Cung Tích Biền, Dương Trữ La chịu không xiết đành phải trả giày; chỉ riêng ông già gân Hoàng Bửu tuy tóc đã bạc phơ nhưng nhất định không chịu giã từ sân cỏ, anh vẫn đòi vào sân và phải xếp anh vào vị trí trung phong, những quả sút phạt trực hoặc gián tiếp đều phải do anh độc quyền búa; bù lại anh có cú vuốt bóng rất điệu nghệ, thủ môn nào lơ mơ sẽ phải ân hận nhìn bóng chui vào lưới. Một điểm mới nữa của đội bóng Văn nghệ là trong những chuyến thi đấu giao hữu xa thành phố đều có đem theo các nữ ca sĩ như Đào Hoa Nữ, Lan Ngọc, Tuyết Mai, khiến sức thu hút càng tăng, khán giả nô nức kéo đến sân vận động như trong ngày hội. Đội còn có cả một săn sóc viên có tay nghề, đó là thi sĩ Kim Tuấn, anh có kiến thức về y học vì gia đình anh ở cao nguyên có cửa hàng thuốc Tây. Thế là tôi và Kim Tuấn có điều kiện cùng nhau đi lang bạt miễn phí. Trận cầu được tổ chức quy mô nhất có lẽ là trận gặp đội tuyển Mộc Hóa. Đêm văn nghệ gọn nghẹ được cả huyện đến xem, đèn đuốc rồng rắn kéo đến khu sân khấu ngoài trời cảnh tượng thật ngoạn mục. Đêm ấy các ca sĩ đi theo đoàn lần đầu tiên trong đời hát trước một lượng khán giả đông như thế. Chiều hôm sau trận đấu với đội tuyển Mộc Hóa diễn ra trên sân cỏ đầy lỗ chân trâu. Trận cầu kết thúc với tỉ số 1-1, điều đáng nói trong trận cầu này là giữa hiệp một tôi bị sụp lỗ chân trâu nằm quay lơ trên sân, săn sóc viên Kim Tuấn tức thì xách túi cứu thương chạy băng qua, anh thấy tôi ôm chân chẳng kịp hỏi han vội lấy dầu nóng cứ thế vừa thoa vừa bóp. Trong khi tôi bị trật mắt cá đau thấu trời thì Kim Tuấn cứ nhè đùi tôi mà bóp, tuy đang đau cũng phải phì cười làm Kim Tuấn lỡ bộ ngơ ngác nhìn, tôi quàng tay lên vai Tuấn lò cò nhảy ra khỏi sân cỏ. Chuyện này mỗi khi gặp mặt bạn hữu, bên ly cà phê bốc khói tôi kể lại cả bọn đều ôm bụng cười. Ngày vui thường qua mau, đội bóng Văn nghệ tuy có tạo niềm vui cho một số anh em cầm bút còn sức lực nhưng phần lớn còn lại vẫn trong hoàn cảnh bấp bênh giữa thất nghiệp với thất thểu, cái mỹ vị bóng đá không thay thế nổi kinh tế gia đình suy sụp, anh em tản mát tự cứu mình. Nguyễn Thụy Long đi sửa xe đạp; Nghiêu Đề bỏ mối nước tương; Dương Trữ La bơm mực bút bi ở chợ Tân Bình; Trần Lê Nguyễn chạy mối thuốc tây; Phạm Thiên Thư đi học hớt tóc, mở quán cà phê; Mặc Tuyền lê chân khắp các đường phố bán sáo trúc; Trương Đạm Thủy làm thẩy dạy Thái Cực quá (xin lỗi – Thái Cực quyền), một số khác trở thành công nhân bốc lăn se thuốc lá… Thực trạng trên có lẽ làm động lòng trời nên bỗng dưng một hiện tượng lạ xuất hiện, Hội Văn nghệ cho phép thành lập một bộ phận trực thuộc gọi là tổ hợp Văn nghệ. Tổ hợp này ra đời do anh Vũ Hạnh vận động, gõ cửa khắp các nơi mới hình thành được. Qua Sở Văn hóa thông tin, Hội Văn nghệ được quản lý bốn kiosque ở đường Nguyễn Huệ. Thế là một tổ điều hành tổ hợp Văn nghệ được bầu ra dưới sự đạo diễn của tổng thư ký hội: nhà văn Vũ Hạnh. Tuy nhiên, vốn liếng không có, buôn bán lại chẳng thuộc về “tay” nào của giới cầm bút nên cái tổ hợp tập hợp cả trăm cây bút khá tiêu biểu của Sài Gòn hoạt động lây lất, các kiosque thay vì buôn bán tấp nập lại biến thành nơi họp mặt bù khú, sớm trà, tối rượu, của các tổ viên chẳng biết chờ đợi gì hơn là ngồi bên nhau nhìn ngày tháng trôi qua. Duy nhất có một người thành công, đó là Cung Tích Biền, anh chơi ván bài lật ngửa: bán nhà đưa cả vợ con bám kiosque buôn bán sơn mài. Anh đã tính đúng, sơn mài trở thành món hàng ăn khách với người nước ngoài, chẳng những nuôi sống gia đình anh mà còn giúp anh trở nên giàu có, tiếng nói trở nên rổn rảng, một điểm son của tổ hợp. Ít ra, Hội VNGP cũng có cái để nói khi có ai đó chợt nhắc đến cái tổ hợp hết sức văn nghệ này.

 

Cuộc thử nghiệm tổ hợp Văn nghệ không thành công, hàng ngày cái cảnh hàng trăm những “gương mặt văn nghệ” kéo đến Câu lạc bộ hội ngồi tán gẫu chuyên đông tây kim cổ có lẽ đã làm cho các vị chức sắc của hội cảm thấy bỏ thì thương mà vương thì… vướng. Phải, vướng từ trong ra ngoài, vường từ mọi phía. Thôi thì đã có phong trào “chà đồ nhôm” sao lại không thể có “khà đồ nhiêng” để tồn tại hay không tồn tại cùng với năm tháng. Thời gian quả là liều thuốc thánh, đa số những “cây bút tự bỏ quên” bị dòng tồn sinh cuốn hút, kẻ gắng gượng dựng ngọn bút sĩ khí, người bị nợ áo cơm đành buông tay, vì thế mới có hiện tượng nhà văn, nhà báo đi làm xa bông bột, sản xuất kem đánh răng phỏng mồm phỏng môi. Hoặc như Phạm Thiên Thư pha chế rượu thuốc cường dương rủ bạn bè uống để khuya chống gậy đi tìm Động hoa vàng còn hay mất. Con đường đau khổ đến khoảng năm 1980 thì ánh sáng lấp lóe cuối đường, Câu lạc bộ Hội thưa dần những gương mặt đã có một thời gian dài là những ủy viên thường trực tự nguyện. Tôi trở thành nhân viên bảo tồn bảo tàng, đi lột bóc thời gian để tìm dư ảnh. Còn Kim Tuấn về Phòng Giáo dục quận 4 trở thành thầy ký, chúng tôi có hội gặp nhau thường xuyên hơn. Tuy cả hai cùng làm cái nghề chẳng dính dáng gì đến văn nghệ văn gừng nhưng mỗi khi gặp nhau, bên ly cà phê “bang rắp” đắng lét, chúng tôi vẫn thường mơ đến ngày tác phẩm của mình lại xuất hiện. Chín năm sau, cơ hội đã đến với tôi, cuốn tiểu thuyết đầu tiên xuất bản sau giải phóng: “Kẻ buôn hoa hậu”. Kim Tuấn cũng tặng cho đời tập thơ mới: “Thời của trái tim hồng”. Thời gian tuy có nghiệt ngã nhưng ngẫm ra lại vô cùng nhân hậu, chúng tôi lại rong ruổi con đường mình đã lựa chọn. Dẫu có đắng, cay, ngọt, bùi, nhưng con đường ấy vẫn mở ra ôm lấy chúng tôi. Dẫu rằng người trở về đã qua mấy độ phong trần. Cũng đành!


Đề từ của tác giả : 

MỘT THỜI BÓNG ĐÁ

Trần Áng Sơn
Số lần đọc: 3646
Ngày đăng: 02.11.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Kí sự ngã sáu - Phạm Lưu Vũ
Trích Luận ngữ tân thư (phần tiếp theo) - Phạm Lưu Vũ
Ăn cơm nhà... (phần 23) - Phạm Lưu Vũ
(Lại (lạm) bàn về Dịch) - Phạm Lưu Vũ
“HAI LÚA” học FULBRIGHT - Hồ Hùng
Ăn cơm nhà... (phần 20) - Phạm Lưu Vũ
Ăn cơm nhà... (phần 18 - 19) (Trích Quốc văn Tây du dị bản) - Phạm Lưu Vũ
Ăn cơm nhà... (phần 16) - Phạm Lưu Vũ
Ăn cơm nhà... (phần 17) - Phạm Lưu Vũ
Bông điên điển - Huỳnh Kim
Cùng một tác giả