Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.374 tác phẩm
2.747 tác giả
547
116.490.970
 
Cô Tấm bên đường
Trần Áng Sơn

Tôi phải mất nhiều thời gian cân nhắc, đắn đo nghĩ về đôi vợ chồng họa sĩ Bé Ký – Hồ Thành Đức. Họ là một đôi vợ chồng thành danh, có hoàn cảnh gia đình tương tự nhau, xuất thân giống nhau, viết về cả hai tôi đều vinh dự, nhưng rồi cuối cùng tôi quyết định ghi lại kỷ niệm ít ỏi về chị Bé Ký, mặc dù tôi có đầy ắp kỷ niệm với Hồ Thành Đức nhưng toàn là kỷ niệm quên đi có lẽ tốt hơn là gợi nhớ. Mặc dù vậy, viết về Bé Ký mà không nhắc đến Hồ Thành Đức là một thiếu sót, thế cho nên…

 

Cuối những năm năm mươi, lúc ấy tôi đang còn là học sinh chuyên khoa, một buổi chiều đi lang thang trên đường Catina tôi gặp một thiếu nữ dáng người mảnh khảnh, gò má hơi cao, tóc kẹp, tay trái cầm một giá vẽ xách tay trong đó có một xấp tranh vẽ bằng mực tàu. Thiếu nữ mời những người khách ngoại quốc mua tranh. Có người dừng lại xem tranh rồi mua, có người lịch sự từ chối. Tranh vẽ nguệch ngoạc ghi lại những sinh hoạt bên lề đường, cảnh ngựa kéo xe, cảnh gánh hàng rong. Lúc ấy tôi chưa hiểu gì về hội họa, cũng chẳng biết thiếu nữ là ai nên tiếp tục lang thang trên con đường đẹp nhất Sài Gòn thuở bấy giờ. Có ngờ đâu người con gái thoạt nhìn có vẻ quê mùa ấy, sau này, lại được giới sành điệu về hội họa bên Pháp đặt cho cái tên đầy ngưỡng mộ: Tiểu Matiss. Người ấy là họa sĩ Bé Ký. Sau này, khi đã quen biết với vợ chồng Bé Ký, tôi nhận thấy ở chị có nhiều đức tính đáng quý. Chị là một phụ nữ đôn hậu, tâm hồn trong sáng, đầy tài năng, với nghệ thuật, chị mãi trung thành với trường phái đã chọn từ thuở hàn vi. Trái ngược với vợ, do hoàn cảnh phải vào đời sớm, để tồn tại, phải vận dụng tất cả sự khôn ngoan, thủ đoạn. Hồ Thành Đức là một người đàn ông bản lĩnh. Trong một thời gian dài đi chơi chung với Hồ Thành Đức tôi đã nghiệm ra phần nào lý do tại sao Hồ Trường An thường nửa đùa nửa thật mỗi khi nhìn thấy Hồ Thành Đức đều gọi là Hồ Tà Đạo, và chưa bao giờ tôi thấy hai nhân vật này bắt tay nhau, nói gì đến chuyện ngồi chung bàn cụng ly cùng ngâm Hành phương Nam như Phạm Văn Hạng vẫn thường cao hứng sau vài vại bia. Mặc dù vậy, điểm tôi thích nhất ở Hồ Thành Đức là khi uống rượu anh trở nên thân thiện, cởi mở, nói chuyện rất có duyên, cao hứng anh trổ tài hát bội ngay tại bàn nhậu rất hay, anh còn có tài nhái các giọng rao hàng hay hơn cả chính những người đi bán hàng rong. Nhưng có lẽ xuất sắc nhất là tài đóng kịch sau khi đi chơi về muộn, chị Bé Ký gạn hỏi, hỏi đông anh trả lời tây, giọng nói lúc lớn lúc nhỏ rồi cười sòa vuốt ve vợ mấy cái thế là thoát nạn. Tuy nhân sinh quan có chỗ khác nhau nhưng tôi lại hay đi chơi với Hồ Thành Đức, trước hết vì anh tỏ ra hơn tôi rất nhiều về kinh nghiệm sống, giao du rộng, biết nắm thời cơ đúng lúc. Nhưng về mặt kiến thức nghệ thuật tạo hình, tôi chẳng học hỏi được gì ở anh. Những năm sau  1975 anh sáng tác không nhiều, toàn là tranh cắt giấy, giá trị không cao so với tên tuổi của anh. Ngược lại, Bé Ký vẽ đều đặn, tranh của chị là những món quà Việt kiều cũng như khách nước ngoài đến du lịch tìm mua. Còn có tin ở ngoại quốc đã có người vẽ giả tranh Bé Ký bán, điều đó chứng tỏ Bé Ký vẫn tiếp tục thành công, vị trí của chị trong nền hội họa Việt Nam là không thể tranh luận.

 

Những năm đầu thập niên 90, gia đình Bé Ký định cư ở nước ngoài, trong một chuyến về thăm quê nhà tình cờ tôi gặp cả hai vợ chồng. Chị Bé Ký vẫn niềm nở chuyện trò thân mật như chưa hề ra sống ở nước ngoài, nhưng thái độ của Hồ Thành Đức đối với tôi hết sức bất ngờ, anh hoàn toàn xem tôi như người không quen biết, không hỏi, không chào, không nói  chuyện, ngược lại anh nói đủ thứ chuyện với người bạn quen cả tôi và anh, người ấy chính là Huy Tưởng, ba chúng tôi đã từng đi chơi với nhau, đã cùng dự những bữa nhậu chỉ có bò mới về đến nhà, chia sẻ với nhau nhiều cảnh ngộ trong những cơn bỉ cực, thế mà bạn cũ nay hóa ra kẻ xa lạ. Không cần phải suy nghĩ nhiều tôi hiểu được nguyên nhân vì sao Hồ Thành Đức ngó lơ người bạn cũ tuy không thân nhưng lại hiểu khá rõ về những năm tháng khó khăn trong thời kỳ Sài Gòn còn ngổn ngang mưu sinh. Hồ Thành Đức không muốn nhớ đến những chuyện cũ, tôi chính là những lời nhắc nhở anh phải nhớ lại, là một trong những người anh chẳng muốn tái ngộ, những người đã làm xong nhiệm vụ lót đường cho anh vượt qua khó khắn. Mất một người bạn như thế, dù anh ta rất nổi tiếng cũng chẳng nên tiếc. Tôi thản nhiên giữ im lặng, một thứ im lặng người từng trải như anh thừa hiểu, chỉ riêng anh và tôi hiểu thôi, thế cũng đủ./.

Trần Áng Sơn
Số lần đọc: 2678
Ngày đăng: 19.04.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đánh giá lại Ngô Đình Diệm - Edward Miller
Những Ngón Tay Bắt Được Của Trời - Trần Áng Sơn
Nghệ sĩ TAKAIWA SHIN: " Việt Nam - Con người và đất nước tôi yêu"! - Võ Quê
Hoa đào năm cũ - Trần Áng Sơn
Người bạn đời của một nhà thơ - Mang Viên Long
Nhặt Lên một nặng trĩu - Văn Công Hùng! - Lê Huy Mậu
Chí Phèo,nhân vật bị khước từ - Võ Công Liêm
Đi tìm thời gian đã mất - Sâm Thương
Những ngày cuối của Sơn ở cỏi tạm - Sâm Thương
Trịnh Công Sơn , một hồn bi ca - Lê Huỳnh Lâm
Cùng một tác giả