Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
857
116.683.842
 
Chuyện tình kể lại
Vinh Anh

Chuyện có ½ sự thật đấy

 

Hàng xóm nhà tôi, nói cho vui, hiện như bị ngất ngơ. Lão bị xuất huyết não hay đột quỵ gì đó, tôi không phân biệt đươc nên cứ gộp lại bệnh loại đó làm một, vì hai thứ đó ai mắc, đều dễ bị để lại di chứng. Từ thay đổi kiểu dáng đi đến nói năng, đều bị ảnh hưởng. Lão bị dễ đã sáu bảy năm nay. Bệnh lão nặng, cứu được sinh mệnh nhưng để lại nhiều tổn thương, não này, chân tay này, nói năng này, trí nhớ này… Đại loại bây giờ lão là phế nhân thật sự. Rõ khổ! Nhiều lúc nhìn mặt lão ủ ê, hướng về xa xăm với đôi mắt rất u hoài, buồn thê lương, não nề… Chắc lúc ấy lão chán đời lắm. Tôi không dám đùa.

Lão vốn là một thày giáo dạy viết báo. Thời nay, thày thì cũng dăm bảy loại, tôi không quan tâm, chẳng biết lão dạy ở đâu. Nhưng rồi chú ý, khi lão khoe với tôi những bài viết của lão được tập hợp  ở một quyển sách. Lão chỉ vào cái tên ở dưới bài và vỗ vào ngực lão. Vậy là tôi phục. Chuyện viết lách thì tôi chịu, khó lắm. Viết cho mình đọc, nhiều khi còn không dám đọc lại, huống hồ đây, lão viết cho ối người, không những đọc mà còn phải học nữa. Lão ấy giỏi, chắc giỏi, tôi nghĩ thế.
            Bằng chứng lão ấy giỏi thể hiện ở hai đứa con. Hai đứa con lão đều là học sinh của một trường danh giá ở Hà Nội, trường Am. Chưa tốt nghiệp phổ thông, mà hai đứa con lão đã đứa trước đứa sau, lần lượt tạm xa bố mẹ, xa gia đình, đi du học bên trời Tây. Lão bảo, lão chẳng tốn một đồng. Tôi bảo, ông sướng nhất, cái đầu của ông hồi đẻ chúng nó siêu nhỉ. Lão cười khoái trá, sươướng, nhấn trọng âm rất to “ướng”, quên cái chân khi đi cứ mỗi bước, mỗi bước đá văng ra ngoài, quên cái tay không nhấc nổi viên gạch, quên cái giọng nói mà ngoài vợ lão, tôi tự hào có thể làm phiên dịch cho lão.

Tôi thích nói chuyện với lão. Cũng vậy, lão thích nói chuyện với tôi. Tôi hay to mồm bắt nạt lão vì biết bây giờ lão chả cãi được tôi. Tôi hay hỏi chuyện ngày xưa của lão. Được gợi nhớ về ngày xưa, lão rất thích, vậy là chưa già nhưng vì bệnh tật, lão cũng đã già như tôi vì chỉ người già mới nhắc lại quá khứ. Nghe lão, thấy lão cũng kinh qua chiến tranh, lại cả học Tây xã hội chủ nghĩa nữa. Lão chỉ cho tôi bạn học của lão, tôi nhận ra trong ảnh có một ông to to, một bà lớn lớn, đôi khi xuất hiện trước công chúng, cũng có cả cái bà hay tua băng: Việt Nam đầy đủ bằng chứng thì phải. Tôi cũng tranh luận, chỉ trích cái nghề của lão, nhiều lúc lão cáu, không nói lại được. Không phải vì lão yếu lí mà vì cái di chứng khốn kiếp của căn bệnh khiến lão không nói ra được. Lão cáu, và lão xua tay, ra cái điều không thèm nói. Tôi biết và bồi thêm, ông thua rồi nhé. Lão quàu quạu, không thuua.

Một lần, lâu rồi, lão lôi tôi vào nhà, dẫn lên gác, mở máy tính và bật một giọng ca nữ, đâu như bài hát nói về tình yêu, nghe chỉ thoang thoảng, có rừng, có núi, có suối, có mây, có chim hót, có tiếng bom… tôi thấy lạ và chú ý nhưng lão chỉ cho tôi cái bản tin của BBC hay VOA gì đó. Trong bản tin có đăng ảnh tôi đi biểu tình phản đối Tàu khựa xâm phạm biển đảo Việt Nam, trong ảnh tôi đang giơ cao tay và mồm đang tròn chữ o, hô khẩu hiệu. Lão cười, chỉ vào ngực tôi, gơớm nhỉ, phản độông à? Từ đó, lão và tôi càng hay nói chuyện với nhau.

Vậy là tôi cũng khoái chí. Khoái vì lão đã biết phần nào về cuộc sống và hoạt động của tôi. Tôi nói với lão, báo người ta thế mới là báo chứ, báo các ông vất đi, chó đọc. Cả đời ông đào tạo ra bao nhiêu thằng chỉ biết viết láo và nói láo, chỉ biết bưng bô, chỉ biết tụng ca. Lão im, chỉ yếu ớt phản đối, khôông phải thế. Được thể tôi bảo, ông là trùm tuyên giáo, ông là nguyên nhân của tội lỗi... Lão nhăn mặt, nổi khùng, khô…ông, khôông… tuyên giáo. Nói cứ như Tây học nói, mặt đỏ tía, khó nhọc, rặn ra từng từ. Về sau, hễ thứ bảy và chủ nhật, gặp nhau là lão hỏi, biểu iểu… tình không? Lão không nói được nhiều từ gãy gọn, nhưng, vậy là lão biết các vấn đề thời sự đang xảy ra. Còn biết đến đâu, tôi chịu. Nhưng mà nghĩ, lão, có lẽ, đang dần “giác ngộ”, giác ngộ theo cách hiểu của tôi. Tôi nghĩ, lão như vậy mà thay đổi thì nhanh thật, giỏi thật. Lão thông minh…

Mới đây, độ như mùa hè, ngang qua nhà lão, thấy lão ngó lên trên cao, tay cầm cái cán cờ. Tôi nhìn theo, trên đó đang có một lá cờ bạc phếch, bay bay theo gió và đã rách ở góc. Nhà lão neo người, hai đứa con đi xa, vợ thuộc diện liễu yếu đào tơ, chân yếu tay mềm, nên ngọn cờ cứ vậy tung bay, phất phơ quanh năm. Tôi bảo, nhà ông kiên trì cách mạng đến cùng nhỉ? Lão nhai lại, đến coòng. Đúng là lính thời chiến mới biết và hiểu câu nói đó. Tôi hỏi, thay cờ à? Ừ, thaay cờ. Chiêến… đâấu bằng cờ, hiểu khôông? Tôi ngạc nhiên, lão này thâm thật, đúng dân viết lách, tuyên giáo có khác. Sao mà lão cập nhật thông tin nhanh thế. Ừ, mà lão thông minh hơn tôi tưởng nhiều.

Lại nói về cô vợ chân yếu tay mềm của lão. Vợ lão xinh thật, chẳng thế mà lão có hai đứa con đẹp như mơ. Vợ tôi có lần nói lão hay ghen lắm đấy, đừng liếc ngang liếc ngửa. Vì thế, với vợ lão, tôi cứ “cách ly xã hội” mà nhìn, luôn trên hai mét cách, đảm bảo an toàn tuyệt đối, chẳng con vi rút Tàu nào xâm phạm được.

Nói gì thì nói chứ đàn ông nói chuyện với nhau bao giờ cũng phải có chuyện phụ nữ chêm vào cho đậm đà. Chẳng hiểu phụ nữ có vậy không, chắc cũng thế, nhưng phụ nữ vẫn có cái đáng yêu riêng, cái đáng yêu đó nếu người đàn ông nào bắt được sóng của nó, thì dễ thành tình yêu, dễ thành đôi lứa để sống cuộc đời vợ chồng. Ấy là tôi cứ suy từ tôi, tôi nói đại ra vậy.

Về cô vợ của lão, vì sao mà lão bắt được sóng, chuyện kể qua lời cái lão chỉ nói được từng tiếng, rặn ra từng tiếng, như thế này thì mất công phán đoán lắm, mất công gợi mở lắm, mất công dịch giọt lắm, mất công chắp vá lắm mới thành chuỵên được.

 

Số là cô vợ lão bây giờ là người cùng đơn vị thanh niên xung phong hỏa tuyến. Nàng không những đẹp mà lại còn hát hay nữa kia. Cái người như vậy thì mấy khi hạnh phúc trọn vẹn. Các cụ đã bảo rồi, hồng nhan bạc phận mà.

Lão và nàng ở hai xã khác nhau nhưng học cùng trường. Lão học trên nàng hai lớp. Lão nổi tiếng vì học giỏi, còn nàng thì như mọi thiếu nữ khác lấy khiêm nhường, dịu dàng là cốt cách. Vào đội thanh niên xung phong, lão mới biết nàng còn nàng biết lão từ ngày còn đi học.

Lán của trung đội nữ thanh niên xung phong ở đầu nguồn suối, để kín đáo cho chị em. Phía trên đó suối chảy mạnh và có những phiến đá to, nước suối chảy tràn qua các phiến đá, rơi xuống phía dưới, dàn hàng ngang trên các phiến đá, như mái tóc xõa ngang vai các nàng thiếu nữ. Ngày thường, nước chảy nhẹ nhàng, róc rách, êm đềm, tạo thành một lớp màng nước mỏng tang, khi rơi xuống gần như theo chiều thẳng đứng của mấy phiến đá, tạo ra phía dưới khoảng hai mét, một vũng nước to. Chỗ đó để chị em tắm rửa sau một ngày lao động vất vả trên đường. Lán của các đấng nam nhi lui về phía sau, cách chỗ chị em nửa cây số, để canh chừng bảo vệ cho chị em.

Con suối đó vòng vèo dưới các tán lá của cánh rừng nguyên sinh, rất nhiều cây lớn, vươn cao ngạo nghễ, nhìn trời đất và hít thở không khí rừng già. Vô số các loại cây nhỏ bám theo. Ở đâu cũng vậy, cuộc sống loại thực vật cũng vậy. Các chàng thích tán các em bên lán nữ, thường vào rừng, tìm phong lan, hái tặng.

Lão để ý đến nàng ngay vì sự tinh nghịch và nhạy cảm học trò. Tinh nghịch là do ngày đó, lão hay rủ rê mấy thằng bạn sang lán nữ mò mẫm, tìm hiểu. Vì cái mò mẫm đó mà lão biết lý lịch của nàng. Nàng của lão ngày đó mới mười bảy, học xong lớp 8 thì nghỉ học. Vậy mà so với số nữ của trung đội thanh niên xung phong, nàng của hắn học cao nhất. Ở quê, chuyện con gái nghỉ học thì có cả ngàn lí do, lý do đầu tiên là nhà neo, lấy chồng. “Đã neo người còn lấy chồng”. Hắn trêu nàng như vậy lúc đi ngang qua. Còn nàng đáp: “Neo là nhà người ta… Lấy chồng là nhà mình…” Lão hỏi tiếp: “Nhà người ta… là ai…” Nàng bảo: “ Thế mà cũng học sinh giỏi…”

Chẳng hiểu sao, cái mảnh đất đồng chua, bạc màu ấy, quanh năm người nông dân cứ bán lưng cho đất, bán mặt cho trời đó, lại nảy ra một cô gái trắng nõn nà. Hắn trêu nàng: “Em tắm bằng bình nước ở cái nhà anh bán hành phải không?” “Hành gì?” “Dọc bằng đòn gánh, củ bằng bình vôi, ai mua hành tôi, thì thương tôi với, ấy. Này anh là anh bán hành chính hiệu đây”. Nàng của hắn: “Rõ dơ, hành vôi gì ở đây…” Hắn thấy nàng quay mặt đi và nụ cười tươi rói kèm theo. Hắn thích lâng lâng.

Lão là học sinh giỏi, ai cũng biết. Nàng của lão hát hay, không mấy người biết. Nhưng với sự tinh nhạy của cậu học trò đang ngấp nghé ngưỡng cửa đại học, cả ngưỡng cửa yêu đương nữa, lão biết nàng có giọng rất tốt, khỏe và mượt mà, tha thiết.

Nàng của lão hát hay, khiến lão chết ngây bao lần. Những ngày đó, lão nghe trộm là chính, còn nghe nàng hát chính thức chỉ là phụ, nàng chỉ ngồi hoặc đứng trong đám đông, hát đồng ca. Có chăng chỉ các bạn nữ cùng lán, biết giọng của nàng. Có lần lão lén đi theo nàng ra suối. Nàng ngồi trên phiến đá hát. Ôi chao, rừng xanh, suối trong, mây trắng, gió mát, hương thơm… theo tiếng hát của nàng làm lão ngất ngây mê mết. Chiều hôm đó, lão tìm cách nói với nàng: “Họa mi ơi, vàng anh ơi, chui vào tay áo anh nhé…” Nàng của lão: “Hứm… nghe trộm nhé, liều liệu chết đấy…”

Lão chết thật chứ không chết lịm. Cái chết của thằng si tình. Lão quên là lão đang nghe trộm. Với kiểu “nhòm ngó” đó, nếu ai tóm được lão, lại bảo lão nhìn trộm con gái tắm. Tội tày đình, tan hết mọi giấc mơ của thằng học trò mà tương lai đang ngời ngời.

Mà có người thấy thật. Người đó chính lại là bí thư đoàn. Lão giật mình khi bất thình lình, bí thư đoàn đứng trước mặt lão. Bí thư vốn không ưa thằng học sinh giỏi này. “Về nhà ngay. Sao đồng chí lại như vậy, đồng chí không xấu hổ à?”

Bí thư đoàn muốn xử lý lão để giữ nghiêm kỷ luật và để gì nữa không ai biết. Và thế là kiểm điểm. Kiểm đi kiểm lại, kiểm lên kiểm xuống để kết tội lão. Nhưng nàng của lão cứu lão. Nàng nhận, nàng rủ lão đi chơi, đến chỗ thác xỏa tóc ngồi nói chuyện, vì chỗ đó đẹp. Còn vì sao lão có dáng ngấp ngó, ngóng trộm đó là vì nàng bảo lão lên bờ trên kia chờ, để nàng tắm. Nàng cố tình cho lão phải đợi, lão sốt ruột, nên mới có “dáng đứng sốt ruột” đó.

Thế rồi có chuyện. Ngày đó đạn bom nhiều lắm. Thanh niên xung phong nhiều khi còn khổ hơn bộ đội. Hôm đó, anh em lên tuyến hết, chỉ có nàng nằm một mình trong lán vì sốt rét. Bom không đánh trúng đường nhưng lại lạc vào lán. Như linh tính báo, lão chạy thục mạng về hậu cứ. Cảnh tượng tan hoang, cây cối ngổn ngang, rất khó để có thể nhận ra chỗ ở của mình. Khi tìm được nàng dưới hầm chữ A, cũng do linh tính, mà lão xác định được căn hầm nàng ngồi tránh bom, nàng bị sức ép và bị ngạt thở. Sau một hồi hô hấp nhân tạo, cấp cứu, nàng thoát bàn tay tử thần.

Sau tất cả những cáí gọi là sự kiện xảy ra đó, cái chính là cứu được sinh mệnh, mọi người như quên luôn chuyện “dáng đứng sốt ruột” của lão. Hết chiến tranh, lão được chọn đi học. Thực ra, lão đã đỗ vào đại học và được chọn đi học từ khi học hết lớp 10. Lão, như nhiều thanh niên ngày đó, có cái sĩ diện, cũng có cả lòng yêu nước, chẳng biết cái nào lớn hơn, nhưng người ta chọn lão đi thanh niên xung phong, có lẽ cũng nghĩ, sau 6 tháng tôi luyện rút ra, đi học vẫn kịp. Lão chấp nhận và duyên số để lão gặp nàng. Rồi 5 năm sau, nên duyên nên số. Thời gian yêu cũng khá dài đấy chứ, thử thách nhiều đấy chứ.

Cái ngày lão bệnh, nàng ngồi bên giường, vừa ngân nga những bài hát xưa vừa nuốt vào lồng ngực những giọt nước mắt. Trên giường bệnh, thấy lão mỉm cười, nụ cười thanh xuân. Có lẽ lão nhớ lại được những bài hát mà lão nghe trộm với “dáng đứng sốt ruột” bên suối, mà nàng đã bao che, gỡ tội cho lão, những bài hát dệt nên tình yêu và đi vào giấc mơ của lão, cả lúc vui lẫn lúc buồn. Mấy người cùng chăm người nhà bệnh như nàng nói với nhau, lão ấy sống được là nhờ nghe thấy tiếng nàng hát. Tôi cũng tin như vậy khi để ý mắt lão nhìn nàng. Cái nhìn chứa đựng tình yêu, đong đầy lòng biết ơn cứ sâu thăm thẳm và ngập tràn lãng mạn của tuổi trẻ như cái ngày xưa bên suối nước trong, mây trắng, chim hót với hương rừng ngào ngạt. Vậy là lão khỏi.

 

Mấy tháng nay, không khí vi rút Tàu như tràn ngập. Lão ngồi bên cửa ngắm mưa trong tiếng mưa rơi. Lão nhìn bàu trời u ám với vẻ mặt cũng u ám không kém. Lão nghĩ về các bài giảng ngày xưa mà lão được học và cả được dạy, như có điều gì day dứt mà lão không thể nói được. Lão nghĩ đến vị trí làm thày của lão và những thế hệ kế tiếp. Giờ đây, lão muốn nói nhiều, nói những cái khác cái ngày xưa đang nghĩ ở trong đầu mà lại không nói được. Tôi vào, lão chỉ vào mồm ‘tự dooo” rồi chỉ vào đầu: “noói khó quá.á.” Rồi lão phủi tay “khô.ông nói đư.ơc”. Trong nhà, tiếng từ TV đưa tin tàu cá của ngư dân bị tàu của Tàu cộng đâm chìm. Nghe hết tin, lão tắt TV, vang lên một giọng nữ tươi mát, tinh khôi, ngoái cổ nói với tôi: “Tua cho em này hát, tắt tua Việt Nam khẳng định chủ quyền em kia đi…”. Tôi há mồm, lão luyện giọng từ bao giờ mà nói gãy gọn thế.

 

8/4/20

 

 

 

 

 

 

 

 

Vinh Anh
Số lần đọc: 452
Ngày đăng: 05.08.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trôi trong mơ - Phan Văn Thạnh
Sáo diều - Đặng Chương Ngạn
Tôi viết khi tình thương bị hủy diệt, bị đánh cắp - Nguyễn Anh Tuấn
Bài học từ đứa gái điếm và mụ ăn mày - Phạm Nga
Thương mãi nụ Quỳnh Hương - Hoàng Thị Bích Hà
Li la do - Trần Hạ Vi
Người chết hai lần - Trần Yên Hòa
Tôi khờ quá làm sao mà biết được - Võ Anh Cương
Chuyện người thua kiện - Ngu Yên
Vùng đất dữ - Đỗ Nhựt Thư
Cùng một tác giả
Mưu sinh (truyện ngắn)
Chuyện vặt (truyện ngắn)
Lão và hắn (truyện ngắn)
Phượng (truyện ngắn)
Công chức (truyện ngắn)
Gặp lại ngày xưa (truyện ngắn)
Lời từ nơi hư ảo (truyện ngắn)
Vào hội (truyện ngắn)
Bãi giữa (tạp văn)
Mùa thu (tạp văn)
Người quê (truyện ngắn)
Nhớ làng (truyện ngắn)
Bạn thời lính (truyện ngắn)
Ánh mắt sông quê (truyện ngắn)
Ngõ nhỏ ngày xưa (truyện ngắn)
Đất làng (tạp văn)
Ở rừng (truyện ngắn)
Chuyện tình kể lại (truyện ngắn)
Hai thằng nó và tôi (truyện ngắn)
Hương vô tình (truyện ngắn)