Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
823
116.682.081
 
Bạn thời lính
Vinh Anh

Kỷ niệm 60 năm làm lính

  (Chuyện lính của tớ)

 

Không hiểu sao, với hắn, chuyện đợi đò, đợi phà, đợi xe… là một bài sát hạch hoặc thử thách lòng kiên nhẫn cực kỳ khó vượt. Đấy là nói về cuộc sống ở ngoài Bắc thời kỳ chiến tranh và sau đó khoảng chục năm nữa. Sau này, cùng với thời gian vun vút bay, sự thể có khác. Hắn đã từng bị trượt về môn vượt phà. Trượt là vì tội sốt ruột, không chờ được đi phà, đi đò vừa mất tiền, vừa mất thời gian. Còn nếu là một quãng sông chỉ rộng trên trăm mét, nếu mình hắn, hắn tự xem xét, nhận định binh tình, chẳng thèm nghe những lời đoán non đoán già khi nào đò sẽ sang, hắn bỏ đò, gói ghém quần áo, bơi luôn. Hắn đã vượt sông như thế hai lần khi được tranh thủ về nhà. Tính của hắn là thế, tạng hắn là thế, thấy sông nước là muốn vẫy vùng. Chuyện hắn kể nhiều khi tức anh ách, tại sao trên đời lại có thằng gàn dở như thế, một tí đợi cũng khó chịu. Tức. Tức xong, lại phục hắn vì cái sự ngang ngạnh, coi trời bằng vung. Hắn tự hào: “Tao là hậu duệ của Yết Kiêu…” Cụ tổ nhà tao là tướng của vua Thủy Tề.

 

Tao tên là Rơi, hắn kể hồi mới quen nhau. Không hiểu sao, cứ khi nó nói chuyện, mọi người cứ dần sán đến để nghe hắn nói. Mẹ hắn bụng mang dạ chửa vẫn phải đi gặt và đẩy thuyền lúa trên sông về nhà. Lần đó, khi đang đẩy thuyền lúa qua con lạch, thì đau bụng và hắn rơi tõm xuống con lạch nước ngập đầu. Hắn tỉnh bơ: khi mẹ tao còn hoảng hốt mò tìm thằng con thì tao đã quơ tay đập đập xuống nước và bơi luôn vào bờ. Nói vậy để biết hắn cũng thuộc dân sông nước có hạng. Hạng ruồi, hạng muỗi gì đấy, nhưng cũng đáng nể. Vì vậy hắn mang tên Rơi. Nguyễn Văn Rơi.

Tôi thân với hắn nhưng lúc nào hắn cũng trên cơ tôi. Hắn đẹp cân đối, kiểu đàn ông, tay dài ngực nở. Nhiều lúc tôi ghen, khó chịu mà cứ phải lặng im chịu trận. Tôi chỉ thỉnh thoảng lừa được một cú thụi nó. Hắn lấn át tôi đủ đường, đặc biệt chuyện sông nước. Biết tôi thuộc loại “dở hơi không biết bơi”, hắn rủ: “Này, đơn vị mấy khi đóng gần sông, lại là sông Đà, tao với mày đi tắm sông cho nó thoải mái tí chút, tao sẽ dạy mày bơi, tạng mày xuống nước chỉ có chết. Lính trinh sát thì phải biết bơi. Tao xin phép A trưởng rồi. Mùa này nước cạn, dễ tìm chỗ tắm. Đảm bảo một bữa là mày biết bơi. Tao là thày giáo giỏi nhất quả đất”. Quả thật, tôi cũng biết bơi tí chút, nếu vất xuống nước, cố gắng vẫy vùng cũng nổi được cái tay, đợi người đến vớt, nên không thể so với hắn. Với lại cũng muốn xem hắn trổ tài. Hắn biết trình của tôi như vậy, xùyùy, cho qua, không thèm chấp. Bực không tả được. Nhưng vì tính tôi vẫn phục những thằng có tài, được ở với thằng có tài, quen biết với thằng có tài nhiều lúc cũng thơm thêm một tí. Dân mình vốn vậy. Tên chung gọi là sĩ diện, thích khoe, ra cái vẻ ta đây.

 

Hôm ra sông, hai thằng chỉ quần đùi, may ô. Hắn làm những động tác khởi động cho lần tắm rất cẩn thận. Tôi đã xuống nước từ lâu mà hắn vẫn trên bờ, làm những trò gì không biết. Lúc hắn xuống nước, tôi thấy một vệt sóng kèm theo những cái khoát tay rất nhẹ, nước sông vẫn cứ lặng im. Nó băng qua mặt tôi, vụt trong nháy mắt đã ra giữa dòng, rồi lại mất hút trong dòng nước. Nhìn khắp mặt sông mà không thấy hắn. Trong khi đó, tôi vẫn loanh quanh đứng ở mép sông, nước chỉ đến ngực, chân lúc nào cũng đạp đất, hai tay xoai xoải khua nước ra cái vẻ đang bơi. Rồi hắn nổi lên trước mặt tôi: “Ra xa kia mày, ở đây nước bẩn lắm”. Hắn đẩy tôi ra ngoài, tôi chới với, hắn vội kéo tôi lại: “Lại đây ông tướng, nằm dài người ra trên mặt nước, tao đỡ cho cái bụng… chân đập, tay khoát nước về phía sau… mạnh vào…thế này, thế này… thế, thế…” Tôi cứ vậy tập đập, tập khoát tay, đạp chân, tập nằm dài trên mặt nước. Hắn nhìn tôi, cười, chẳng nể nang: “Tay chân mày như cứt…mà người như cục đá…” Thôi, đủ… tao đưa mày ra ngoài kia rèn. Hắn bảo tôi bám vào hắn, hắn dìu tôi ra ngoài sâu một chút. Tôi bảo từ từ, không ra ngoài sâu được đâu. Mồm nói thế nhưng tôi đã cảm nhận chân không chạm đất rồi. Thoắt cái hắn rời khỏi tôi, tôi quay đầu vào bờ, nó không cho, lôi tôi ra ngoài rồi bỏ. Tôi phải tự vùng vẫy. Vậy là tôi bơi được vào bờ. Hắn nhìn tôi cười: “Được đấy. Tí nữa là mày bơi được…”. Lại lần nữa đi, hắn tiếp tục đẩy tôi ra xa hơn, bỏ mặc tôi đập nước ùm ụp. Cứ vậy tập đi tập lại, khi quay về thì trời đã nhá nhem. Tôi đã tự “di” người đi được một đoạn dưới nước.

 

Sau hai bữa nữa là tôi bơi được ra giữa dòng và quay được vào bờ, dù có làm sóng nước bến sông xôn xao và theo cái mồm hắn, đứng cạnh khi tôi bơi, cứ như sóng gió cấp mười đang nổi. Hắn tuyên bố, mày hết dở hơi. Còn tôi thì mang ơn hắn.

Hắn thì mang ơn sông Đà. Sông Đà qua tùy bút “Người lái đò trên sông Đà” của Nguyễn Tuân, mà người đời khen nức nở, đối với tôi là một khám phá lý thú. Đoạn sông Đà chỗ tôi tắm thật đẹp. Đang mùa cạn, đứng trên mỏm đá cao cỡ ba mét, nhảy ùm một phát, ngập đầu. Mở mắt nhìn dưới nước, một màu xanh trong veo. Nước mát lạnh cho cảm giác trong sạch và tinh khiết, muốn vuốt ve. Những lúc mải mê vùng vẫy, khua cho sóng nước xôn xao. Rồi tôi và hắn bơi sang bờ bên kia. Bên đó có một nếp nhà tranh. Tôi tò mò vì thoáng thấy bóng con gái trên bãi ngô xanh mướt. Con sông thật lạ kỳ, một bên vách đá, một bên bãi bồi. Bên vách đá rất hoang sơ, thâm u là bên đơn vị tôi đóng quân, bên bồi là bên dân cư. Một cái làng thưa thớt, lèo tèo vài ba nóc nhà. Mái tranh mà hắn phát hiện không phải là nhà mà là một chòi nghỉ tạm, bốn bề trống toác, đón gió bốn phương.

Đi sâu nữa vào trong là đến đường cái, thi thoảng có tiếng xe cơ giới nặng nề, ậm ạch vòng vèo qua con đường đất lẫn đá khấp khểnh với ổ trâu, ổ bò. Trong tôi, con đường lên Tây Bắc luôn xa xôi và heo hút. Tôi như thấy hình ảnh đoàn vệ quốc quân “áo anh rách vai, quần tôi có hai miếng vá” ngày xưa và thấy rưng rưng vì đang dẫm lên bước chân mà bố tôi đã từng đi ở cái ngày xưa ấy. Ngày xưa ấy, ông có mặt trong đoàn quân lên Tây Bắc.

Vậy là từ con đường lên Tây Bắc, sông Đà trong tôi cũng rất hiểm trở và thẳm xa. Không biết từ bao giờ, sông Đà với tôi là cheo leo, là thác lũ, là ghềnh đá, và luôn là “để anh đi trảy nước non Cao Bằng”. Sông Đà uốn lượn và trên sông là những bè gỗ về xuôi của những người thợ rừng. Lên sông Đà là lên với biên giới mù sương đầy trắc trở và cũng là trở về với hoang dã cổ xưa nguồn cội, với rừng thiêng nước độc, với hoang sơ mông muội. Có một điều mà tôi ấn tượng từ thuở bé con, rất sợ bị“ngã nước”, dẫu ngày đó, tôi chẳng hiểu “ngã nước” là gì.

Từ bên “bờ dân cư” nhìn sang “bờ hoang dã” thấy rừng núi mù mịt, trong đó chất đầy những huyền bí của thần rừng lại còn biết bao dã thú đáng sợ trong thung sâu thâm u nữa chứ. Sang bờ đây, thấy rợp xanh bãi ngô, mát mắt quá, quen thân quá, bỗng thèm được sống bên bờ dân cư, thấy nơi đây quá đỗi gần gũi và rất gia đình, cái gia đình bé nhỏ mà chẳng ai có thể từ bỏ. Những điều thấy đó khiến cho nỗi nhớ quê nôn nao, cháy bỏng. Và rồi bỗng hiểu, vì sao hắn thích bơi sang bờ dân cư. Sang đây chỉ để cho giảm đi nỗi nhớ. Thấp thoáng bóng áo nâu và mái nhà tranh làm hắn nhớ. Cái tình với quê ở hắn, cũng sâu đậm hơn tôi.

 

Phải còn gì ở hắn nữa chứ? Cái đáng nể nhất với tôi là chuyện yêu của hắn. Hắn yêu nhanh khủng khiếp, yêu nhanh như chớp giật luôn. Chẳng hiểu từ khi nào, hắn từng kể, khi hắn đã để ý một ai, người đó có cố cũng không khỏi tầm mắt hắn. Hắn đã từng để ý một cô áo nâu. Tôi cười đểu, con gái nông thôn đứa nào chẳng áo nâu. Hắn không thèm để ý lời tôi, tiếp, trong cả chục cô đi làm đồng, loáng cái, hắn nhận ra cô đó luôn. Nhận ra ở bất kỳ vị trí nào. Mày không tin hả? Rồi sẽ có lúc mày ngạc nhiên. Đấy là tài phán đoán. Hắn nói cứ như ông tướng.

Có dạo, cánh trinh sát chúng tôi chia thành từng tổ, đóng quân trong nhà dân. Chủ nhà của tôi là ba mẹ con, một già, một trẻ, một nhàng nhàng. Cô nhàng nhàng hơn chúng tôi vài ba tuổi. Chị ta rất bạo mồm bạo miệng khi nói chuyên nam nữ. Hắn kể, một tối mới ăn cơm xong, chị kéo hắn vào phòng riêng và hớ hênh kéo cả áo lên cho nhìn thấy ti của chị, và hỏi hắn, đã bao giờ thấy chưa. Hắn ngồi im, sợ và nhìn cặp vú như bị thôi miên, cũng không dám đụng chạm vào chị ta. Hắn kể, chị ấy cầm tay tao, đặt vào đôi vú tròn mẩy, nóng hổi và nưng nức ấy. Tôi hỏi, nưng nức là thế nào. Nó bảo, mày ngu vừa vừa chứ, phải biết tưởng tượng. Phải nói là thích, thích nhưng sợ lắm. Chị còn ép đầu hắn vào ngực, cho tao hít hà hơi của chị. Sờ bóp một lúc rồi chị ta bảo thôi. Tao đang thích, cũng cố bóp thêm mấy cái nữa rồi mới thôi. Lúc ra cửa chị bảo, khi khác nhé, giờ chị bận rồi. Hắn tưng tửng kể cho tôi nghe, tôi cứ đinh ninh hắn phịa. Mày kể chuyện trong mơ. Tôi đang nghĩ về cô em và bảo nó, mày đừng động vào cô em của tao.

 

Đêm đó, lính trinh sát chúng tôi, tập bài khó khăn nhất trong mọi bài, ngụy trang. Hai thằng tôi ngụy trang rất đạt, chúng tôi nấp ở dưới cây chuối, trăng mờ mờ bị mây che, đêm đã rất sâu, gió thoang thoảng, không có gì đặc biệt hết. Đang chuẩn bị bò tiến qua vườn chuối đến mục tiêu thì có tiếng kẹt cửa, chị nhàng nhàng đi ra, vừa đi vừa kéo quần, vừa ngáp. Chị dừng lại chỗ cây chuối và đái vào gốc chuối, đúng chỗ hắn nằm. Hắn lặng im chịu trận, tôi chỉ bị sượt qua, coi như không hây hấn. Sáng ra, tôi hỏi, mày hít hà chị ta rồi, có nhận ra mùi đó không? Hắn bỏ bát cơm ngô, cho tôi một quả thôi sơn vào mặt. May là dân trinh sát, tôi tránh được, lại không hây hấn gì. Hắn chỉ mặt tôi, tao cấm.

Sau đợt đó chúng tôi được nghỉ tranh thủ. Tôi và hắn đều nghỉ đợt đầu tiên. Có điều, tôi đi về thuận lợi, còn hắn phải vượt sông Đà. Tôi nhìn trời mưa, nói với nó, mày gặp khó với sông Đà rồi.

 

Trong các khoa mục học hành của lính trinh sát, tôi thích nhất là khoa mục bơi vũ trang. Tôi lây hắn và muốn được rèn thêm. Còn với hắn, khỏi phải nói, gặp nước thì đúng là bằng “cá gặp nước, rồng gặp mây”. Hắn cùng với quân tư trang cứ xoe xóe rẽ nước đi như có động cơ đẩy phía sau. Khi thu quân trên bờ sông, đã thấy bọn lính quây quanh hắn. Hắn ngứa mồm kể: Hôm nay nước êm, chứ cái hôm tao về phép thăm mẹ, trời tối, mưa gío bão bùng từ thượng nguồn, nước sông dâng lên, nhìn dòng nước chảy đã đủ sợ phát khiếp. Khi tao đến thì đã tối mịt. Nhìn phía bên kia sông, xa tít tắp, nơi kho gạo của Nhà nước, có ánh đèn, tao lấy đó làm chuẩn. Chúng mày phải biết khi đó nước sông không lờ đờ thế này đâu, sôi réo ùng ục, vừa chảy siết, vừa có rất nhiều gỗ trên rừng đổ về, lớ ngớ không chết vì nước mà chết do gỗ rừng táng cho vỡ đầu đấy.

Tao lấy một cây gỗ, cởi hết quần áo cho vào ba lô. Cuộn tròn túm lại trong mảnh ni-lon che mưa. Buộc đầu nút thật chặt và buộc nó vào thân cây gỗ cũng chắc chắn không kém. Tao ôm cây gỗ như dũng sĩ đánh bộc phá công đồn, lao xuống nước. Chúng mày biết không, cái đoạn sông đó bình thường qua chỉ non nửa tiếng vậy mà tao đánh vật với nó ba giờ đồng hồ. Nước nó đẩy tao xuống phía dưới hơn hai cây số, không còn nhìn thấy ánh đèn kho gạo nữa. Bữa đó tao cũng chờn. Nhưng chúng mày thấy đấy, tao vẫn đây này. Mệt quá, khi đến kho gạo, tao xin nghỉ, đã là 12 giờ đêm. Ông trạm trưởng và các em xinh tươi nhìn tao thán phục, chỉ bộ đội mới làm được thôi. Đêm đó tao ăn xong là lăn ra ngủ như chết.

Mọi người để yên tao ngủ. Tình thương yêu đó là thật. Có thật chúng mày ạ. Cứ khoác lên mình bộ áo quần bộ đội là tự nhiên mọi người tin. Hắn nhớ đến chuyện tranh thủ thăm mẹ, vội vàng vơ cái ba lô và lên đường. Còn ba chục cây nữa, hết nửa ngày chứ ít. Bước ra cửa, gặp ông trạm trưởng. Ông giữ lại ăn cơm. Thôi, em đi luôn đây. Tối mai lại phải có mặt ở đơn vị rồi, chỉ có ba ngày thôi. Yên tâm, tớ lo cho cậu rồi, nhanh hơn nhiều. Tớ là tớ khâm phục cậu nên tớ đã xử lý… nhưng cậu giúp tớ một việc…

Vậy là trong các cô xinh xinh ở kho gạo có một cô cùng huyện tớ. Ông trưởng trạm cho mượn cái xe đạp Thống nhất mà ông rất quý. Mai cậu quay lại trả tớ, nhưng cho tớ gửi một cô gái, về thăm mẹ, mẹ cô ấy ốm nặng. Tao mừng rú, không biết nói gì, chỉ nhìn ông trưởng trạm, có lẽ để lưu về ông một ký ức đẹp trên bến sông này.

Tao và cô gái lên đường luôn. Cô nàng nhẹ bỗng, như cái bấc. Em tên gì, anh là lính. Em là Mơ. Chua thế. Giờ về nhà em trước nhỉ? Về anh đi, em sau. Không, thăm mẹ ốm là quan trọng. Không, anh không có thời gian, em có nhiều hơn. Không được, anh đưa em về trước. Không thuận, đường qua anh trước. Không thuận thì bắt thuận. Cứ vậy, Chuyện chúng tao toàn “không với không…”

Quả thật là cô bé rất xinh, nên tao cũng có phần thiếu “khách quan”. Cái áo nâu bó lấy thân hình nhỏ nhắn rất con gái. Tao rất thích con gái mặc áo nâu. Tôi giúi nó một phát, thì cứ nói là mê gái, chết ai. Nó không thèm đáp lời tôi. Nhưng phải nói lại là tao đưa cô bé về trước là rất đàn ông, rất lính, rất “ga-lê”. Tôi lại thụi nó rất “ga-lăng” ông ạ. Nó quay đầu nhìn tôi, cỡ mày, tao không chấp. Quả thật, đối đáp kiểu đó thì tôi thua. Mà phải công nhận, cách xử lý của nó như vậy là rất đẹp mặt thằng lính. Phải gọi nó là một thằng lính lịch lãm là khác. Dẫu có ghen với nó, tôi phải công nhận là nó xử đẹp.

 

Về tới nhà cô bé, phát sinh vấn đề. Mẹ cô bé ốm nặng, phải đi bệnh viện huyện. Cô bé bảo, anh về đi, từ đây em lo. Tao bảo, để anh cùng lo. Không được, anh về đi. Không về. Không khiến, anh về đi. Cô bé sẵng dọng, nói nặng để tao phải nghe. Không. Anh phải cùng lo. Tự dưng tao nâng trách nhiệm tao lên, “anh phải cùng”. Chúng mày thấy tao ứng biến nhanh không. Cô gái tức sắp khóc, nước mắt đã sắp rơi. Bảo về trước không chịu, giờ bảo về cũng không về, sao có người bướng thế, đã bảo không khiến mà, về đi.

Nhưng cáng buộc xong. Vậy là vừa đẹp vì có hai xe đạp đưa mẹ cô bé lên bệnh viện huyện. Đương nhiên, để nhanh, tao lại đèo em bé nhẹ như cái bấc, cũng không khó thêm. Tôi lại thụi nó phát nữa, khó, khó gì mà khó, sướng bỏ mẹ, động cơ không trong sáng còn lợi dụng thời cơ…

 

Đến bệnh viện, người bệnh viện cứ tưởng tao là con giai, lại biết chuyện đêm qua tao vượt sông, nên mọi chuyện đều trao đổi với tao. Tao nghiễm nhiên thành người quan trọng trong gia dình cô bé.

Khi mẹ cô bé lên bàn mổ, mọi người ở ngoài chờ. Bấy  giờ tao mới nhớ đến mẹ mình. Cô bé đến, nhỏ nhẹ và đáng yêu hết cỡ: “Bây giờ anh về nhé. Cho em thăm mẹ và cám ơn anh.” Tao chào mọi người, rồi hỏi em, em thăm mẹ nào? Mẹ anh. Mẹ anh là mẹ em? Thế sao mẹ em anh cũng nhận mẹ. Vậy khi nào hết phép, anh đón nhé. Không. Anh cứ đến. Không được, không cho, không cần… Còn không gì nữa? Không đón. Anh cứ đến đấy.

Vậy mà hôm rồi tao đến. Khi trả xe cho ông trạm trưởng, kể cho ông nghe chuyện cô bé. Ông bảo, cậu sang đây lấy xe của tớ đi đón nó. Tớ giao nhiệm vụ cho cậu. Tao sướng rơn. Hôm đón em ở quê, mặt em bừng lên rạng rỡ. Mắt cười, miệng cười, cả tay chân cũng cười, chúng mày ạ. Rõ ràng cô bé đang chờ tao. Tao hỏi nhỏ, còn “không” nữa không? Cứ không đấy, không đi nữa. Sao nào?

Tôi quyết đấm nó một cú chí mạng. Hỏi, thế yêu cô bé thì có còn hít hà cô chị nhàng nhàng nữa không? Hắn quay về phía tôi, mày ngu mãi không lớn được. Hai hoàn cảnh khác nhau. Hắn và tôi nói cái điều chỉ hai đứa biết. Tối, hắn thụi tôi một quả trời giáng, kèm theo lời đe dọa, liệu đấy, tao dìm mày chết.

 

1/6/20

 

 

Vinh Anh
Số lần đọc: 1157
Ngày đăng: 22.06.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thằng hoang - Nguyễn Đại Duẫn
Kẻ ăn mày - Võ Công Liêm
Thuốc “Hay” mùa đại dịch - Phan Tấn Thiện
Thiên đường đỏ thẫm - Nguyễn Thỵ
Giếng nhà Quê - Võ Quê
Mặt nạ của cái chết đỏ - Vương Kiều
Mối tình Chơn - Trần Yên Hòa
Tình yêu không ở lại - Lê Hứa Huyền Trân
Hồ đào lá vát - Nguyễn Thị Kim Lan
Khâu vàng của mẹ tôi - Trần Yên Hòa
Cùng một tác giả
Mưu sinh (truyện ngắn)
Chuyện vặt (truyện ngắn)
Lão và hắn (truyện ngắn)
Phượng (truyện ngắn)
Công chức (truyện ngắn)
Gặp lại ngày xưa (truyện ngắn)
Lời từ nơi hư ảo (truyện ngắn)
Vào hội (truyện ngắn)
Bãi giữa (tạp văn)
Mùa thu (tạp văn)
Người quê (truyện ngắn)
Nhớ làng (truyện ngắn)
Bạn thời lính (truyện ngắn)
Ánh mắt sông quê (truyện ngắn)
Ngõ nhỏ ngày xưa (truyện ngắn)
Đất làng (tạp văn)
Ở rừng (truyện ngắn)
Chuyện tình kể lại (truyện ngắn)
Hai thằng nó và tôi (truyện ngắn)
Hương vô tình (truyện ngắn)