Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
817
116.684.720
 
Phố quê trong thành phố
Vinh Anh

 

 

Gọi là phố khu phố hay gì gì đó cũng được nhưng không thể gọi là làng, là xã vì cái khu phố nhà tôi ở nó không có tên, đường đi lối lại cũng rất chi là ngoắt ngoéo. Cái khu phố đó được gọi là tổ. Tổ dân phố số 13, thuộc cụm 1, tiếp theo là phường là quận. Phường cũng rất to và quận lại càng to. Mang tiếng là ở thành phố nhưng mà không có tên phố, không có số nhà. Địa chỉ ở thành phố mà tìm bằng tổ, bằng cụm thì có mà khóc. Chỉ khổ cho mấy ông bà nhà quê, hỏi thăm nửa ngày chưa ra, khi tìm được đến nơi thì phờ phạc cả người, rời cả cẳng. Đến như tôi đây cũng vậy, dù đã sống ở cái thành phố này ba chục năm có dư, mà hễ cứ phải đi tìm cái địa chỉ ghi tên tổ, tên cụm là tôi phát ngán. Tôi không kiên trì được như mấy ông bà nhà quê vì không tìm thấy thì mình về nhà mình, còn mấy ông bà ở quê mà không tìm được thì biết ăn ngủ ở đâu, chẳng nhẽ mang tiếng lên thành phố lại phải nằm vạ, nằm vật dưới mái hiên cái nhà nào đó à. Có lẽ vì ái ngại cho những người phải đi tìm như vậy nên tôi rất ngại mời bà con ở quê lên chơi, dù rằng mình đã vẽ vời cái địa chỉ đó rất cẩn thận nhưng mà vẫn cứ phải kèm theo câu nói “ông bà, chú bác nếu có việc ra thì hãy điện trước để cháu ra bến tầu, bến xe đón”. Nhưng người nhà quê có việc ra thành phố là có việc nhờ cậy, nên họ ngaị lắm “đã nhờ vả lại còn bắt đưa đón” vv…vv… Thế là họ cứ đành chịu khổ, nhìn thấy họ như vậy thì cái lòng thương nó cũng tăng lên một chút.

 

Phía ngoài cái tổ phố nhà tôi ấy, chỉ cách có một con đường dài khoảng trên trăm mét thôi là một đường phố lớn của thành phố. Vậy mà nhà tôi bên cạnh đó đã ba chục năm này vẫn rất là nông thôn, vẫn rất là làng quê. Thành phố thì tất nhiên có nhiều cái hay rồi, nhưng làng quê ở giữa thành phố như tổ dân phố tôi đây thì hay dở lẫn lộn, mới cũ lẫn lộn, khó phân biệt được lắm. Có cái điều tôi thích nhất là ở tổ dân phố của tôi, đa phần là quen mặt nhau, đều biết nhau, thậm chí biết chi tiết là đằng khác. Chính cái đó là cái hồn của làng quê được rời lên thành phố. Vâng, tôi xin nói lại, đấy là cái quí nhất mà tôi không muốn xa cái tổ phố quê này. Giá như mọi nơi khác, những người trong các ngôi nhà cao cửa rộng, cũng dám mở cửa nhìn ra ngoài như phố nhà tôi.

Như vậy là mọi người đã phần nào hình dung được cái phố quê nơi tôi sống. Các ngõ ngách ở cái thành phố có cả triệu dân sinh sống này, đã làm nên một thành phố có mật độ dân cư đông vào loại nhất thế giới. Chẳng biết có phải vì tôi yêu nó không mà tôi phóng đại nó lên tầm cỡ thế giới như vậy. Quả thật là lớp lớp thế hệ vài chục năm ở đây không mấy di chuyển, mà đất thì không sinh sôi, có nghĩa là chúng tôi ở đây cùng nhau rất nhiều thế hệ. Những khoảnh đất ngày xưa hoang tàn, cỏ dại, ao hồ cứ dần biến đi. Cái ngày xưa, bãi rác xú uế từng đống, từng đống cũng dần biến đi. Nay chỉ còn lại lơ thơ, lác đác một vài chỗ. Đường xá ngày càng ngoắt ngóeo hơn, vòng vèo nhiều hơn, nhỏ hơn. Cũng lạ, những điều đó xảy ra trước mắt mọi người, mọi người đều thấy có cái gì đó không ổn, nhưng mà chẳng ai dám lên tiếng. Có lẽ vì thế mà tổ phố tôi càng ngày càng “quê”. Đương nhiên vẫn phải hiểu quê ở đây lại mang tính “phố”. Chẳng gì chúng tôi cũng đang ở trong lòng của một trung tâm sầm uất.

Lối ngang, lối dọc phố quê tôi rất chi là lằng nhằng. Chỉ riêng các “cửa khẩu”- chỗ kết nối với lại phố chính - có lẽ phải tới năm sáu ngả. Những chỗ được gọi là “cửa khẩu” đó vì được tiếp xúc với nền văn minh nhiều hơn khu bên trong, nên cái vẻ quê cũng ít hơn và lẽ tất nhiên, cái vẻ thành thị cũng nhiều hơn. Nhưng chẳng hiểu vì sao, tôi lại không thích cái anh nửa nạc, nửa mỡ ấy. Thế là tôi lại mâu thuẫn ngay với tôi rồi đấy, vì cả cái tổ phố quê nhà tôi, suy cho cùng cũng là cái anh nửa nạc, nửa mỡ. Có lẽ vì nó sát nền văn minh phố phường quá, nên mầu sắc dân quê đã bị phai phôi. Cái đầu tiên nó đập vào mắt là mấy cái nhà “cửa khẩu” lúc nào cửa cũng đóng im ỉm. Sự sống chỉ xảy ra bên trong cánh cửa. Hồn quê mà tôi ưa thích không tràn vào được, mà nếu có mở cửa thì hồn quê lại bị hồn phố lấn sân ngay.

Chẳng là nó sát nền văn minh phố phường hơn mà! Dần dà, vì nhiều lí do, các “cửa khẩu” này cũng mở cửa hết. Cư dân bên trong cánh cửa đã biết phát huy sức mạnh của nơi giao lưu, nơi tiếp xúc với các nền văn minh. Mới đầu là các cửa hàng, ngày xưa các cụ thường gọi là hàng xén hay tạp hóa gì đó. Những ngày đầu đó nó cũng dân dã lắm, chỉ vài thứ hàng cần cho sinh koạt như lọ dưa, lọ cà bên cái bàn nước cũng quê kiểng bày vài thứ kẹo lởm khởm cám dỗ trẻ con và mấy quả ổi ném chó chó chết. Mấy bác xích lô thỉnh thoảng vào làm chén nước hai xu và hút thuốc lào roòng roọc, nhả khói um bầu trời. Tôi cũng thỉnh thoảng vào ngồi, tâm sự đôi ba câu, tìm hiểu lí do mở quán dưa cà, hỏi đôi ba câu về thằng lớn, thằng nhỏ mà tôi vẫn còn nhớ nó đã từng ở đây nhưng không còn nhớ tên chúng được nữa. Ngồi ở đây lúc tan tầm cũng có cái thú vị của nó, rất nhiều gương mặt đều ở dạng quen quen ta có dịp được điểm lại vào một buổi chiều. Nói chung là các khuôn mặt đầy hối hả, đầy ưu tư và lo toan. Cái vui ập đến và lùa vào xóm như làn gió mát là tiếng ba bốn đứa học sinh đang chí chóe, chạy như ma đuổi vào ngõ, chúng vô tư hò hét vang cả “cửa khẩu”.Tôi ngắm chúng và nghĩ đến sự thay đổi, đến dòng chảy thời gian: nhanh quá, vậy là đã bao nhiêu năm ở đây rồi. Ba chục năm. Thế hệ của tôi bây giờ đã có người lên ông, lên bà rồi. Bên trong ruột khu phố quê thì ít thay đổi, chứ ở ngoài sát nền văn minh thì thay đổi nhanh lắm. Ở cửa khẩu phía tây đã có vài  nhà hai, ba tầng rồi.

Một thời gian sau thời mở cửa, cái tổ phố quê nhà tôi cũng thay đổi dần. Dẫn đầu vẫn là mấy cái nhà ở “cửa khẩu”. Quán nước hút thuốc của mấy bác xích lô không còn nữa, mấy lọ dưa cà cũng không còn nữa. Một ngôi nhà hai tầng lí tưởng với chúng tôi, hồi mới mở cửa, mọc lên. Cái quán nước bây giờ biến thành một nhà bán tạp hóa và bánh kẹo loại sang. Bên trong cả một dãy toàn cửa kính sáng loáng và vô số mặt hàng. Loại bánh kẹo này ở nhà tôi chỉ xuất hiện vào mỗi dịp tết. Cả một năm làm lụng cũng muốn mở mặt, mở mày với xóm làng chứ. Bên cạnh đó là một cửa hàng bán các đồ dùng gia dụng và điện. Có vẻ vẫn còn nhom nhem vì bụi phủ lên các mặt hàng. Khác hẳn cái của hàng tạp hóa và bánh kẹo lúc nào cũng bóng bẩy. Chuyện, một loại là đồ ăn uống, một loại là đồ cơ khí, sắt thép. Như vậy là chúng tồn tại và phát triển. Tiếp xúc với nền văn minh có khác. Mãi giờ đây tôi mới nhận ra cái quan trọng của vị trí. Chẳng là ngày xưa, cái thời nhà cửa còn được bao cấp, thủ trưởng của tôi cũng là một cán bộ to, tem phiếu cỡ Vân Hồ, được phân một căn hộ ở tầng một ba mươi sáu mét vuông không kể công trình phụ, vậy mà ông ấy không chịu nhận, cứ đòi lên tầng hai. Đến ngay như tôi đây, cái ngày nhận xuất nhà tập thể, tuy không được chọn lựa như thủ trưởng, cũng cứ nghĩ “ở sâu sâu trong này càng tĩnh”. Giờ thì mở mắt ra chửa? Mở cửa là nhìn ra đường, chẳng bù cái ngày nào cửa cứ đóng im ỉm, mà mở là mở gần như suốt ngày, suốt tháng, suốt năm đấy. Tôi bây giờ không thể biết được họ lời lãi như thế nào được nữa. Lại nghe tin đồn, họ đang đi tìm đất. Ghê chưa!

Phải nói là cái phố quê nơi chúng tôi ở có rất nhiều điêù hay và đáng nói. Hay thì không dám khoe, nhưng mà một trong những cái hay đó là sự đa dạng của cuộc sống, tất tần tật có cả ở nơi đây. Tôi không phải vì yêu mà nói quá lên đâu. Do nó có rất lâu rồi, tôi về đây đã hơn ba chục năm, vậy chí ít nó cũng đã tồn tại nửa thế kỉ. Có khi còn lâu hơn nhiều nữa, bởi vì nó có từ thời Tây chiếm đóng cơ mà. Mà nghe nói nó vốn là cái chuồng ngựa của Tây ngày xưa đấy. Tôi không có ý tìm hiểu lịch sử của nó nhưng nhiều lúc hứng lên cũng muốn tìm ra ở cái phố quê này có một nét gì riêng để lấy đó làm đặc trưng của phố quê nhà mình, chẳng gì tuổi đời của nó so với những khu phố sau này, nó cũng thộc loại đáng nể. Cái già, cái cũ kĩ đều có cái hay của nó, vì thế mới có chuyện khu phố cổ nọ, khu phố cổ kia. Kêu gọi du lịch, thăm quan toàn là nói đến cổ, còn cái to, cao đầy ra đấy có ai nói đến du lịch bao giờ đâu. Cái đa dạng của phố quê nhà tôi là đa dạng về văn hóa. Cái nghĩa văn hóa nó hẹp hơn một chút. Thí dụ như nói đến chữ “sĩ” chẳng hạn , phố quê này có đủ, hội đủ hết các “sĩ”, này nhé: tiến sĩ có đến sáu bảy ông, bác sĩ thì ít hơn ba hay bốn gì đó, chiến sĩ thì hầu như nhà nào cũng có rồi, tất nhiên thôi vì đất nước ta đã trải qua mấy cuộc chiến tranh ác liệt thế cơ mà. Còn một “sĩ” nữa oai hơn , đó là “viện sĩ”. Cũng có, việc này chỉ nghe đồn thôi, cái ông “viện sĩ” ấy không phải vì khiêm tốn hay vì cái hàm nó to quá nên ông ta cũng rất ít nói về nó, cái “viện sĩ” ấy là của một trường của nước ngoài nó phong cho. Cái kiểu phong của nước ngoài các tước hiệu nọ kia có thể đôi khi mình dịch nó sai, hiểu nó không đầy đủ và đúng cái phong của họ nên khi bỗng nó trùng với một cái hàm rất cao sang và danh giá như người đời vẫn hiểu về các ông viện sĩ ở nước Nga xa xôi ngày xưa. Cái viện sĩ của nước Nga ấy nó uyên bác lắm, uyên bác đến mức các điều họ nói có mấy người hiểu được đâu. Còn tu sĩ nữa chứ. Tu sĩ thì chỉ có một. Chắc là làm tu sĩ rất khó và có lẽ theo cái hiểu thô thiển của tôi thì tu sĩ nó không đời lắm, mà nó lại thiêng liêng, cao quí. Cái cao quí lại xuất phát từ cái tâm. Tìm ra một con người có cái tâm trong sáng mà lại mang một cái nghĩa thiêng liêng, trong sạch theo tôi là quá khó và vì thế chỉ có một người làm được. Chẳng là tôi hay nghĩ về mấy sự tốt xấu ở trên đời nên mới có cái sự so sánh đó. Nghe chừng cũng không ổn lắm, nhưng thấy có vẻ cũng đôi lúc có lí. Lại nói đến cái lí. Thế chả nhẽ ra làm tiến sĩ dễ hơn làm bác sĩ à, bác sĩ chỉ có ba bốn ông, mà tiến sĩ có đến những sáu bảy ông. Vậy là ý nghĩ của tôi vô lí rồi.

Bây giờ lại bàn đến chữ “sư”. Chữ “sư” nghe chừng ít hơn, tuy ít hơn nhưng không phải là không có. Lại kể ra nhé: Giáo sư là một này. Phải nói rõ để người đọc hiểu danh vị của giáo sư thời nay và thời xưa. Giáo sư nói ở đây là nói về giáo sư theo nghĩa của thời nay. Hàm giáo sư là do nhà nước phong tặng, còn giáo sư ngày xưa chỉ lả thầy giáo thôi. Cứ đứng trên bục giảng là gọi giáo sư được rồi. Phố quê nhà tôi có một ông giáo sư. Đương nhiên là cái loại chạy việc lăng nhăng như tôi không cần biết đến ông ta là giáo sư loại gì. Nghe gọi giáo sư là đáng kính nể lắm rồi. Giáo sư chắc hẳn cũng như viện sĩ, họ nói ra toàn những điều khó hiểu và uyên bác cả. Chẳng hiểu đầu óc của họ chứa đựng những gì mà cao siêu thế. Tiếp đến là gia sư. Từ ngày phong trào học thêm nở rộ, cuộc sống nó đòi hỏi hành động ở một nhịp độ cao hơn hồi trước mở cử nên cha mẹ bây giờ lao vào kinh tế nhiều hơn, ít thời gian chăm chút cho con cái. Việc làm kinh tế càng phát đạt thì con cái càng bị bê trễ. Để bù đắp cho cái sự bê trễ đó phải nhờ vào gia sư. Nghề gia sư được dịp phát triển từ đó. Một văn phòng “gia sư” cũng được thiết lập ở “cửa khẩu” phía Đông khu nhà tôi cơ mà. Gia sư thì nhiều lắm, nhà tôi cũng đóng góp một nhân viên cho phong trào này để tăng thêm thu nhập cho gia đình đấy. Việc của các gia sư thì lúc nổi, lúc chìm, nghe nói bây giờ thì hiếm rồi. Con tôi cũng gia nhập vào đội quân thất nghiệp đó. Nhưng nghe chừng nó vẫn chưa chịu ngồi yên đâu, nó còn muốn tiến xa hơn. Nó xin vào giảng dạy tai trung tâm ngoại ngữ kia. Vậy là khá, cầu mong cho chất lượng ở các trung tâm mọc nên như nấm sau mưa này tốt đẹp. Còn một “sư”nữa, đó là nhà sư. Nhà sư ở phố quê tôi chỉ có một. Vị này là sư nữ, trụ trì một chùa ở rất xa. Tình cảnh và mặt mũi của nhà sư nữ này chỉ có những người ở cái tuổi “tri thiên mệnh” như tôi mơí biết được. Vị này thời chiến tranh có đi thanh niên xung phong, có tham gia chiến đấu và bảo vệ giao thông trên đường Trường Sơn. Chiến tranh và sốt rét đã lấy đi tuổi thanh xuân của chị. Ngày chiến thắng trở về thì chị thuộc vào dạng “quá lứa, nhỡ thì”. Chị xuất giá đi tu, gửi lại cho đời những trăn trở về cuộc chiến còn bản thân thì chị gửi gắm mọi nỗi niềm của tương lai nơi cửa phật. Xem ra những thành phần có trong phố quê của tôi đều thuộc diện rất khó có trên đời và rất đặc biệt. Còn loại cuối cùng thì đơn giản hơn. Đó là các loại “viên”. Đầu bảng là anh giảng viên, rồi giáo viên. Hai anh này chắc cũng na ná như nhau, đều làm nghề giảng dạy cả. Giảng viên thì người ta dùng cho trường đại học, giáo viên thì người ta dùng cho các trường phổ thông. Không hiểu ở mấy trường Trung cấp dậy nghề thì họ gọi là gì nhỉ. Cách gọi ở nước mình cũng phức tạp thật! Số còn lại trong đó có tôi là công nhân viên, viên chức, sinh viên. Tôi không phân biệt các loại được nên tôi cứ bảo tôi là công nhân viên chức nhà nước. Loại này nhiều lắm. Tất cả mấy ông “sư”, ông “sĩ” trên kia cũng cõ thể gọi như tôi được. Nhưng mà cuộc đời nó còn có khâu “oai”. Gọi hầm bà làng như tôi với họ là không được. Phận tôi, tôi biết mình là một công chức quèn, ăn nhờ vào đồng lương nhà nước, tuy nó ít đấy nhưng mà nó ổn định. Chỉ phải cái đôi khi cũng rùng mình vì những đợt giảm biên chế. Ngộ nhỡ nó rơi vào mình thì biết sống thế nào. Họ chỉ giảm các cái loại viên như tôi tôi, còn các “viên” mà mang các họ khác với họ “công nhân ”viên như tôi thì cứ vô tư. Mà cứ thấy nói giảm biên chế hoài. Giảm mãi mà không xong. Có lẽ là phải giảm từ mấy ông làm ra cái chủ trương này thì may ra mới giảm được thật sự.

Nói dông dài mãi tôi vẫn cứ cảm thấy chưa nói được cái điều mình muốn nói là tại sao lại gọi nó là “phố quê ở thành phố”

Như trên tôi đã nói là cái hồn của phố quê tôi ở chính là sự quen biết, gần gũi thậm chí còn biết tường tận về nhau. Để hiểu biết được nhau trong thời đại ngày nay, khó lắm. Cuộc sống vốn đa dạng, mọi người có cơ hội được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, thành ra bây giờ cái gì cũng đa dạng cả. Nói một cách rất xã hội học là như thế và khi ta nói đến đa dạng cũng là để chứng tỏ ta đây còn rất thời đại, cũng ngôn ngữ thời cuộc ra phết đấy. Vậy mà cái hồn quê ở tổ phố quê nhà tôi có được là ở chỗ thống nhất trong cái đa dạng đó. Lại ngôn ngữ đời mới rồi!

Số là cái khu phố nhà tôi nó có cái vị trí rất kì quặc. Cấp trên của nó có vài ba ông khác nhau. Hình thù địa lí thể hiện trên bản đồ thế nào tôi cũng không biết. Mình có phải là cán bộ phường, quận gì đâu mà được trích lục bản đồ. Chỉ biết nó có được mấy ông cấp trên cơ. Cấp trên thời nay thì cao vời vợi rồi. Cấp nào cũng to hết, lời nói của các cấp với dân chúng khu phố tôi, cỡ nào cũng đầy quyền uy, chỉ phải cái tội là đề nghị của dân là không bao giờ đến tai các vị chức sắc cả. Vậy mà người dân trong khu phố quê kiểng này lại bảo được nhau thế mới tài chứ. Tổ dân phố 13 là tổ của tôi ở. Ngoài ra còn tổ dân phố 7 và 9 nữa. Ba tổ dân phố của ba phường. Cái vị trí địa lí như thế là quá phức tạp rồi còn gì. Thông thường, với cái kiểu phân chia ranh giới thế này thì mạnh ông nào ông ấy biết, mạnh ông nào ông ấy làm. Biên giới là nơi thường qui tụ rất nhiều tệ nạn. Ở bên kia biên giới là không phải đất của ta, những chuyện không hay xảy ra bên kia biên giới là ta vô can. Vô can đây là vô can với chính quyền thôi. Mấy ông chính quyền có thể rung đùi mà nói : “Nó không thuộc địa bàn tôi quản lí”. Vậy là xong. Nhưng những chuyện xảy ra thì với cư dân xong đâu được, họ ở liền kề nhau, gặp nhau hàng ngày. Chuyện xảy ra với dân tổ kia cũng ảnh hưởng đến dân tổ này. Thế là có một ông giáo viên già đứng lên làm trung gian giải quyết. Đây là loại “viên” có họ “công nhân”đấy, loại mà tôi đánh giá là hàng ngũ đông đảo nhất, cũng như tôi : công nhân viên chức hạng bét.

Việc đầu tiên giải quyết được là việc xử dụng một miếng đất hoang làm nơi sinh hoạt chung của cả ba tổ dân phố. Nơi mảnh đất tọa lạc là bãi rác ngày xưa. Rác cứ được chất cao mãi lên, cao thành gò và tương lai nó sẽ cao thành đồi, sau này đến đời con cháu của tôi nó sẽ cao thành núi. Càng để lâu càng phí phạm và ô nhiễm nữa chứ. Vậy là ông giáo già đó thay mặt dân đứng ra làm cái đơn xin chính quyền cho phép dọn dẹp và xây cái nhà văn hóa cho ba tổ. Khỏi phải nói là nó công phu và mất thời gian như thế nào. Con đường ông giáo già đi để trình bầy cái lí do rất chi là chí công ấy, ngay bước đầu tiên đã tắc. Lí do: đó là việc của phường, không phải việc của cụm dân cư và của tổ dân phố! Muốn được việc cho làng, cho xóm đâu có phải dễ. Lại đi, lại trình bầy, lại thuyết phục, lại đỏ mặt tía tai… Thật không ở đâu như cái đất nước mình! Ai cũng to, ai cũng có quyền nhưng đến công việc chẳng ai giải quyết. Người ta nói là phải xin ý kiến cấp trên. Cấp trên thì gặp đâu phải dễ, bởi cấp trên trăm công ngàn việc và có điều cấp trên ở cái nơi rất bí hiểm, muốn gặp được phải qua rất nhiều cửa, các cửa đều có khóa rất chắc. Khổ hơn nữa là mỗi cửa mỗi quyền, mỗi cách hướng dẫn cho dân chúng cung cách phải làm, phải đi, phải theo. Chỉ có những người như ông giáo gìa, đã bốn chục năm trong nghề, đã dậy bảo bao nhiêu loại học trò, đã phải bao nhiêu lần khuyên giải và thuyết phục mới có đủ lòng kiên trì để đi hết các cửa ải, luôn có khẩu hiệu treo trước cửa cơ quan: Tất cả vì lợi ích của nhân dân! Cuối cùng bằng sức mạnh của quần chúng, ông giáo già vận dụng “nâng thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”, ông đã tập hợp được các cụ già ở cỡ tuổi xưa nay hiếm đến gặp gỡ các cấp lãnh đạo và vấn đề mới dần sáng tỏ, có cách giải quyết, có tiền xây dựng cùng với sự đóng góp của nhân dân ba tổ dân phố về sức người, sức của, sau ba tháng công trình “nhà văn hóa cụm một” khánh thành. Từ khi có cái nhà văn hóa này, ông giáo già vận động mọi người, mọi gia đình phát huy công suất của nhà văn hóa. Có chỗ tập thể dục dưỡng sinh cho các cụ, có chỗ tập bóng bàn, cầu lông, có chỗ cho thanh niên đàn hát, văn nghệ. Trong những cái được thì theo tôi cái được nhất của  nhà văn hóa là nơi tổ chức đám cưới cho các cặp uyên ương. Về cái khoản này, tôi lại phải dừng để nói thêm một chút:

Dân thành phố đã từ lâu, coi việc đi ăn cỗ đám cưới là ăn cơm bụi giá cao. Ai cũng phản đối, ai cũng cho là không nên làm cái kiểu ăn uống thế này, đặc biệt là các cụ nghỉ hưu. Nghỉ hưu rồi thì đồng ra, đồng vào đều hạn chế. Ở tuổi các cụ, một tháng không có một thiếp mời đám cưới là chuyện lạ. Vào mùa cưới còn nhiều thiếp hơn, có tuần một cái, có tuần hai ba cái. Một tháng vào mùa cưới nhận được ít nhất cũng bốn năm cái. Có cụ đi một cái cũng đã ảnh hưởng đến chi tiêu cả tháng lương hưu còm, nếu đi đủ bốn năm cái thì lấy tiền đâu ra cho các bữa ăn cả tháng còn lại. Ông giáo già cũng ở trong diện đó và ông quyết tâm vận động bà con trong cụm một cũng như ở tổ dân phố số 13 chúng tôi cương quyết cưới theo lối mới. Chuyện này cũng gây biết bao phản ứng, có người còn nhắc lại cái nghị quyết về tổ chức tang lễ, cưới xin của cấp nọ, cấp kia rất to và nó còn được chỉ đạo, phổ biến về các chi bộ hẳn hoi, các đảng viên đều biết, vậy mà kết quả gần như là con số không. Tiệc tùng đám cưới vẫn diễn ra linh đình, thậm chí còn to hơn trước khi có nghị quyết về nó, cá biệt có các ông lớn còn làm liền mấy ngày, giấy mời được phân theo loại cán bộ, ai mà không đi, rõ ràng như thế ai mà không đi, phản đối đấy nhưng có ai mà không đi. Cái dân mình đến là kì, biết sai rồi vẫn cứ cho chân vào tròng. Lạ thế! Đầu tiên ông giáo già vận động các cụ cùng lứa tuổi như ông. Chẳng là người cùng thế hệ nói chuyện với nhau dễ đồng cảm hơn. Các cụ đồng ý, tiếp đó là con cái các cụ cũng đồng ý phần vì nể sợ tuổi tác các cụ, phần vì thấy rõ cái lợi, cái vô lí của sự linh đình rởm, linh đình hão. Được một lời khen còn bao nhiêu lời chê đâu có biết. Một đám cưới tổ chức thành công, rồi tiếp sau nhiều đám cưới cũng rất thành công. Ông giáo già còn tiến lên một bước nữa khó hơn là vận động mọi người không hút thuốc lá trong đám cưới, đám tang. Cũng khó và cũng thành công. Cái hương quê, cái hồn quê ở đây là đám cưới tổ chức rất vui, bà con đi hết đến nhà văn hóa chúc mừng các cặp uyên ương. Hồn quê là ở chỗ này đây. Nhà có việc là cả tổ dân phố mỗi người góp một tay, công việc cứ chạy răm rắp mà chả tốn kém bao nhiêu. Cũng có ăn, nhưng cái ăn không phải là cái lệ. Họ hàng thân thuộc người ta từ xa đến chả lẽ chỉ có nước chè và ngậm kẹo. Phải ăn chứ, nhưng nó đúng là bữa cơm thân mật, không phải là những người lạ hoắc phải ghép ngồi chung với nhau cho đủ mâm, ngồi ăn mà ăn không dám ăn, uống không dám uống, ngay đến một tiếng cười, một câu pha trò cũng thật hiếm. Đến những đám cưới như vậy có bằng tra tấn nhau. Vậy mà bây giờ khối đám vẫn cứ phải vác cái mặt đến, đến và nhăn nhở cười khi gặp gia chủ, rồi thì ông ta cũng mất hút luôn, ông ta còn bận xoa tay người khác đang tiến vào hội trường. Còn đám cưới tổ chức ở nhà văn hóa tổ phố quê của tôi, mọi người biết nhau hết, gặp nhau hàng ngày, được dịp ngồi ăn, uống với nhau càng thân mật, càng ấm cúng. Thậm chí có say một chút cũng chả chết ai. Hồn quê ở giữa thành phố là đây. Thử hỏi xem bây giờ ở cái thành phố này tìm đâu ra được cái chất làng như thế, cái chất quê như thế, cái mà người ta bảo là tối lửa tắt đèn có nhau từ xa xưa trong lũy tre đã được mang về cái phố quê giữa thành phố này như vậy đấy.  

 

 

Vinh Anh
Số lần đọc: 1169
Ngày đăng: 27.03.2019
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đạo mẫu và tín ngưỡng Thờ Tam Phú, Tứ Phủ qua trật tự các giá hầu - Đặng Xuân Xuyến
Ý niệm mới về ngã mạn - Võ Công Liêm
Trương Văn Dân – Nếu không từ một áng mây trôi… - Hoàng Kim Oanh
Khuất Nguyên trong trái tim Nguyễn Du. Bài I : Hương hoa lan của hồn oan nước sở - Nguyễn Anh Tuấn
Văn chương vượt thoát - Võ Công Liêm
Đại thi hào Nguyễn Du: Huyền thoại cá nhân* về một hành trình sáng tạo nghệ thuật - Nguyễn Anh Tuấn
Lăng già tâm trầm mặc trăng ngàn - Tâm Nhiên
Một món quà đầu xuân - Hoàng Kim Oanh
Tiếp nhận Edgar Allan Poe trong nghiên cứu phê bình ở Việt Nam. Phần 1: Giai đoạn trước 1945 - Hoàng Kim Oanh
Socrates - Võ Công Liêm
Cùng một tác giả
Mưu sinh (truyện ngắn)
Chuyện vặt (truyện ngắn)
Lão và hắn (truyện ngắn)
Phượng (truyện ngắn)
Công chức (truyện ngắn)
Gặp lại ngày xưa (truyện ngắn)
Lời từ nơi hư ảo (truyện ngắn)
Vào hội (truyện ngắn)
Bãi giữa (tạp văn)
Mùa thu (tạp văn)
Người quê (truyện ngắn)
Nhớ làng (truyện ngắn)
Bạn thời lính (truyện ngắn)
Ánh mắt sông quê (truyện ngắn)
Ngõ nhỏ ngày xưa (truyện ngắn)
Đất làng (tạp văn)
Ở rừng (truyện ngắn)
Chuyện tình kể lại (truyện ngắn)
Hai thằng nó và tôi (truyện ngắn)
Hương vô tình (truyện ngắn)