Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
827
116.681.321
 
Người quê
Vinh Anh

 

    Tặng vợ và cậu Chiến nhân ngày giỗ đầu của mẹ.

 

Vợ tôi người quê. “Người quê” như tôi hiểu là từ nhỏ chỉ sinh sống ở nông thôn, một vùng đất được bao bọc bởi lũy tre và những cánh đồng, xa lạ với văn minh phố phường. Sau này, đến tuổi thanh niên, nhờ có sự quen biết của họ hàng, xin cho đi bộ đội. Từ đó thoát quê, sau nữa lấy chồng và dần thành người thành phố. Quá trình thóat quê của vợ tôi cũng nhờ phần gặp tôi. Nó là cái số, là duyên kiếp. Nếu không gặp tôi thì nàng ta cũng sẽ gặp người khác trên đường đời và rồi số phận của tôi với nàng sẽ đi theo hướng nào đó mà chỉ có Chúa mới trả lời được.

Tôi là dân thành phố. Có cái mã đó là do ông bà, bố mẹ, cụ kị tôi đã rời làng quê ra thành phố làm ăn từ xa xưa tít tắp. Cái gốc gác thành phố với tôi thực ra cũng mong manh. Tôi chỉ ở thành phố từ 6 tuổi tới 16 tuổi. Đúng chục năm. Chục năm đó định hình cái nếp thành phố trong tôi.

Kỷ niệm của tôi về làng quê nhiều không kém thành phố. Do cuộc đời đưa đẩy, tôi được sống ở nhiều miền quê khác nhau trong thời điểm đặc biệt của đất nước, đó là cả tuổi thanh niên trưởng thành và đến độ chín của người đàn ông, “tam thập nhi lập”. Vậy là miền quê các vùng cũng góp phần rất quan trọng trong hình thành tính cách của tôi.

Dài dòng mấy lời như vậy.

Tôi về quê nàng mất hơn hai tiếng đạp xe. Thời đó chỉ đạp xe thôi, mấy ai có xe máy để đi. Cách nay những bốn chục năm cơ mà.

Cái làng của vợ tôi nằm ngay trên quốc lộ 5. Con đường đó tôi đi lại nhiều lần bằng xe hỏa, một lèo từ điểm đầu đến điểm cuối, không bao giờ xuống dọc đường. Ngày đó đi lại bằng xe hỏa vừa rẻ tiền vừa an toàn. Dù vắng khách và có ghế trống, không mấy khi tôi ngồi. Tầu chạy là tôi chiếm một chỗ đứng ở chỗ nối hai toa. Tôi thường chọn chuyến tầu nhanh và đứng lì như vậy khoảng hai ba tiếng đồng hồ, bâng quơ, hờ hững, lướt nhìn những cánh đồng quê và những dãy núi tít xa. Nếu đi đêm thì nhìn bầu trời, ngắm các vì sao và những ánh đèn thấp thoáng mờ ảo như những con đom đóm trong những ngôi nhà đâu đó hắt ra, tự mường tượng, chắc ở đó mọi người đang bữa ăn tối quê mùa vội vàng trong cảnh nhập nhoạng hoặc cũng có thể là ánh đèn của bọn trẻ học bài. Tôi thường hướng mặt về phía gió và nói chung, chẳng nghĩ ngợi điều gì hết.

Không rõ vì sao, tôi rất thích được về làng quê, đi trên những con đường sống trâu gồ ghề, nhiều chỗ đọng bùn và ven đường phủ cỏ ướt thẫm nước. Ngày đó tôi chưa có khái niệm về thiên nhiên hoang sơ, cũng chưa biết tường tận, nơi đó, chứa đựng sự trong vắt tình người, cái tình người mộc mạc, chân chất. Nhưng từ nơi sâu thẳm nào đó vẫn có lời mách bảo, con người nơi đây dễ tin cậy hơn, chốn này làm ta an tâm hơn, mảnh đất này hàm chứa sự tinh khiết, thắm đượm hơn.

Tôi mang sẵn những tình cảm quê kiểng trong tôi về với quê nàng như thế đó.

Tuy vậy, cứ như tôi nghĩ, nơi vợ tôi sinh ra cũng chưa thật thuần chất quê mùa như tôi hằng ấn tượng. Bởi như đã nói, nó gần đường quốc lộ và thêm một chi tiết nữa sau này tôi mới biết, nó gần thị trấn của một vùng đồng bằng Bắc Bộ. Những ảnh hưởng đó làm cho người quê có đôi phần phai mất chất quê, nếu như đâu đó hoặc ai đó có dính dáng đến cái “mặt đường” hoặc dính dáng đến cái “thị trấn”. Có câu nhất cận thị, nhị cận giang mà. Nhà vợ tôi có dính dáng đến một trong hai cái đó.

Nghe nói từ xưa, xa như cổ tích ấy, bà ngoại vợ tôi biết làm hàng xáo. Hàng xáo là gì, bọn trẻ bây giờ chắc chẳng biết, tôi cũng chỉ biết láng máng, hàng xáo nghĩa là có buôn bán, có buôn bán là có lời lãi, có lời lãi là có tiền. Mặc dù cái lời lãi đó như người quê nói, chỉ là “lấy công làm lãi”. Như bà ngoại vợ tôi chẳng hạn, để có một thúng gạo đem bán, phải xay giã, sàng xảy, thức khuya, dạy sớm, gánh hai thúng gạo cỡ bốn năm chục cân từ tối đất, qua hơn chục cây số để đến chợ lúc còn nhọ mặt người, bán vội gánh gạo, mua vội gánh thóc, lại quay quả trở lại hơn chục cây số về nhà chuẩn bị hàng cho phiên chợ sau. Đấy là lấy công làm lãi. Cái lãi đó được bao nhiêu, chỉ có bà ngoại vợ tôi biết. Nhưng mà bằng cách đó, nuôi được cậu con giai ăn học, mà là gửi ra Hà Nội học cơ. Đó phải là người có chí và có cả tiền nữa.

Cổng làng quê vợ tôi sát ngày mặt đường quốc lộ. Cổng làng là điểm nhấn của mỗi làng quê. Khi ở xa, người ta lưu giữ trong trái tim cái cổng làng và nhớ về nó như là hình ảnh đại diện quê hương. Cái cổng mang vẻ cũ kỹ, già nua, pha trộn chút rêu phong, phế tích, hoang bỏ… gì đó. Chính cái cũ kỹ khiến nó thành cổ xưa, nó là cổ tích và tạo ra cái riêng của quê mỗi lần đi xa ngóng về. Cổng làng quê vợ tôi cũng thế. Nhìn dáng đứng của nó trước thời gian, cảm tưởng thấy được các vương triều đã trôi qua.

Bước qua cổng làng là vào địa phận làng của vợ tôi. Ngay khi đặt chân trên con đường làng này, tôi như tức thì liên tưởng ngay đến chuyện các cô gái làng khi xuất giá, làm dâu. Mỗi cô, phải hiến cho làng mấy trăm gạch để kết thành đoạn đường gạch lát nghiêng này. Bước chậm từng bước trên con đường bằng gạch lát nghiêng đó, tôi nghe mơ hồ những tiếng vọng từ đâu đó xa xôi: “Để anh mua gạch Bát Tràng về xây”. Ừ quá khứ xa xôi mà tôi đang thấy rất gần, tôi như nắm bắt được quá khứ cổ tích, tôi đang bước cùng với người xưa. Tôi đang bước trên con đường đó đây, chứ còn gì nữa?  

Phải nói là con đường làng rất ấn tượng với tôi ngay khi tôi còn đang ngơ ngác ngó cảnh quê của nàng. Con đường dài và khá thẳng nhưng mặt đường khấp khểnh, lồi lõm vì những đoạn đường gạch đã bị vỡ, bị mòn vẹt… theo thời gian. Suốt cả con đường dài cỡ hơn cây số từ cổng tới phía cuối làng, nơi tiếp giáp với một con kênh, được lát toàn bằng những viên gạch nghiêng. Những viên gạch nghiêng đó do các cô dâu làng đóng góp hay những ai đóng góp, giờ hỏi lại, chẳng thể nào có được câu trả lời rõ ràng. Vì thế với tôi, nó càng xưa, càng cổ, càng ấn tượng. Bước chân lên đường làng, tôi cảm giác mình được bước qua cái cũ kỹ rêu phong những năm tháng xưa có màu cổ tích, có chuyện huyện thoại. Cái cổ xưa đó nó gần gũi, thân thương lắm, dẫu rằng tôi chẳng có một mối quan hệ thân thích nào ở làng này. Tôi cảm thấy như đang được hưởng thành quả và là chứng nhân của lịch sử hôm qua. Hơn nữa, tôi lại còn có cảm giác như đang được rất gần gũi với người xưa. Người xưa đó chính là ông bà tổ tiên của người Việt. Tôi nghĩ chắc đã là quê, đâu cũng phải như vậy.

Từ con đường làng lát gạch nghiêng, lồi lõm, sứt sẹo, mấp mô đó, đi khoảng hai trăm mét, tới một lối rẽ. Ngõ rẽ vào nhà nàng nhỏ hơn, chỉ rộng độ hai mét. Vẫn những viên gạch lát nghiêng. Bây giờ có thêm những bức tường bao của từng hộ riêng biệt. Cái rêu phong, cũ kỹ, nghèo khó cũng lộ ra nhiều hơn. Vâng, đây mới thật là quê. Quê nào cũng nghèo lắm. Cái nghèo nhìn thấy ngay từ rãnh nước thải đen đen, từ các nhà vệ sinh hai ngăn sát ngay đường đi, với mùi hôi không lẫn, những bãi cứt chó, những mảng tường nhấp nhô cao thấp, nham nhở, đen xỉn đầy vết tróc, vỡ do đã lâu không được chăm nom, tu sửa… Cũng còn vòng phải, rẽ trái thêm khoảng trăm mét nữa mới đến cổng nhà nàng.

Đó là cuối những năm bảy mươi, thế kỷ hai mươi.

Tôi về quê nàng là về nhà nàng, để nàng giới thiệu tôi với họ hàng. Cái nghĩa của về quê nó lớn và thiêng liêng, vì nó mang nghĩa của một người (đa phần) làm ăn ở xa, về thăm lại quê hương, xóm làng, bà con,gia đình nhân ngày giỗ chạp hay lễ tết gì đấy.

Gặp lại quê nàng, tôi lại nhớ về những miền quê tôi đã qua và tự nhiên có ý so sánh. Ngày đó còn chiến tranh. Lần đầu tiên, tôi, với ý thức là người đã trưởng thành, đủ sức tự lập, vác ba lô về nhận công tác ở một làng quê vùng núi phía Tây Nghệ An. Xa xôi heo hút lắm. Cái làng quê đó không khác nhiều với quê nàng hôm nay, ấn tượng không phai và không đổi của tôi với mọi quê là cái nghèo. Hình như chẳng quê nào ở nuóc mình thoát cái nghèo hết. Làng quê đầu tiên tôi về sống và làm việc cũng vậy. Mọi miền quê tôi qua cũng vậy. Nói đến quê là cái buồn thoang thoảng phảng phất bay, như “món nợ” mà tôi đeo đẳng trong cuộc đời, khiến tôi luôn muốn làm điều gì đó tốt đẹp để dẹp đi điều ấm ách, nặng nề.

Quê nàng cũng vậy, nghèo. Cái nghèo làm tôi hòa đồng được ngay. Có lẽ bởi tôi vốn nghèo. Tôi thích thú đến mềm lòng với người quê là ở câu chào. Ngay từ cổng làng, tôi đã “vấp” phải câu chào đầu tiên của một bà trung niên chẳng hề quen biết: “Anh về chơi…”. Tôi quen sống ở phố xá, chưa kịp trả lời thì bà đã đi qua, bước đi vội vàng và nhẹ mát như con gió chiều. Vốn liếng tôi tích tụ được bấy lâu vậy là chẳng thấm gì với câu chào đầu tiên ở quê nàng. Đấy là cái mộc mạc, sởi lởi, thân thiện. Câu ca dao xưa chạy qua đầu tôi “nhiễu điều phủ lấy giá gương/người trong một nước phải thương nhau cùng” hay như “bàu ơi thương lấy bí cùng/tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Tôi nghĩ, (có lẽ cũng hơi quá và cũng có chiều lệch nghiêng): “cái thân thích rất làng quê đã tích tụ từ ngàn đời mới sinh ra được câu chào như vậy chứ, đâu tự nhiên mà có…” Ôi, làng quê, “cái quê kiểng” khiến mình dù là gì, ở đâu, cũng chỉ nghĩ hay, nghĩ tốt về nó.

Còn đây là ngôi nhà nàng đã sinh ra. Tôi bỗng thấy thân thiết, tôi cảm như nó là của tôi, trong đó có vương hơi thở xa xưa, bóng dáng ngày xưa, khi nàng còn nhỏ. Nhà gỗ xoan trắng. Cái cốt làm nên ngôi nhà ngói ba gian là gỗ xoan. Những cột, những dầm, dui, mè đều được làm từ gỗ xoan. Thứ gỗ mọc đầy miền quê. Ở đâu đó tôi đọc được, cây xoan được tượng trưng là cây của miền quê nghèo. Nhà ngói cây mít là thuộc nhà giàu. Nhà làm bằng gỗ xoan mang dáng vẻ bình dân, như những người bênh vực nó, mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Gỗ xoan có vị đắng nên ít mối mọt. Vậy là hồn vía của cái nghèo nó ám ảnh tôi vào tận cái đơn sơ của ngôi nhà gỗ xoan.

Nhưng có lẽ, hình ảnh làng quê, cái chất quê kiểng ấn tượng không phải là hình dáng ngôi nhà mà là dáng tần tảo của những người phụ nữ “quanh năm chân lấm tay bùn, quanh năm buôn bán ở mom sông”. Dáng tất tả, lo toan, vất vả từ bước chân không chạm đất mà tôi chợt nhận ra ở đây, chính là mẹ của nàng.

Người phụ nữ Việt từ xưa vẫn nhún nhường nép sau người đàn ông, không mấy khi tự coi là chủ gia đình. “Đứng mũi chịu sào” phải là người đàn ông. Nhưng mẹ nàng đúng là người chủ của ngày xưa đó. Bà chủ của sáu đứa con lắt nhắt, đứa nọ nối đứa kia, con chị trông thằng em, đứa ra ruộng làm công lấy điểm hợp tác, đứa ở nhà lo cơm nước. Sau này khi đã nên vợ nên chồng, nàng vẫn nói với tôi: “Bố đi vắng quanh năm, một mình mẹ ở nhà cáng đáng hết mọi việc…” Tôi hiểu ra cái nghĩa cao cả của người phụ nữ thuần phác là thế.

Vào nhà tôi gặp cụ ông, ông ngoại của nàng. Một cụ già ngoài tám mươi, như nàng kể cho tôi từ trước, đã đầy những chìm nổi. Cái chìm nổi có nghĩa là cái lăn lộn với đời, khắp “chân trời góc bể”. Cụ đã lần mò sang tận Cao Miên làm ăn, vào Sài Gòn kiếm sống. Buôn bất động sản, đứng tên chủ tiệm may… Cụ thuộc dạng số rất ít thời đó, dám vượt qua lũy tre, đi qua cánh đồng để vẫy vùng. Tuổi thanh xuân và những hiểu biết cuộc đời, gửi cả vào gió mưa cùng năm tháng đã qua, bây giờ rất yếu. Hoạt động của cụ chỉ quanh cái giường và cái bàn để cái điếu bát. Tôi nhớ, gần cái điếu bát là chiếc đèn dầu có cái phao dầu bằng đồng mà cái tay cầm đã mòn vẹt, bung mép hàn phía dưới. Tuổi của chiếc đèn dầu bằng tuổi cô gái lớn, nghĩa là chiếc đèn cũng có sự thăng trầm của nó. Ngọn đèn dầu lúc nào cũng có lửa, nếu không chú ý sẽ không thấy một chấm xanh bé xíu bên trong. Thêm một chi tiết không thể quên, tay ông luôn lăm lăm cái vỉ ruồi, đập không sót một con.

Bà nàng cũng vậy. Bà ngồi trên giường, quan sát mọi việc xảy ra trong nhà. Thỉnh thoảng là tiếng đuổi gà: “Cha tiên sư bố con gà què kia… suỵt suỵt suỵt…” Bà xuống giường, ra sân, ra cổng, ra ngõ, mắt ngóng về phía xa, nơi cổng làng oai phong chễm trệ, nơi con đường quốc lộ chạy qua và đoán chừng cô con gái bà, bà chủ gia đình, mẹ của sáu đứa con, đã về đến đâu, đang đứng ở đâu. Chỉ khi mẹ nàng về đến nhà, mọi việc như mới bắt đầu.

Tôi nhớ, lần đầu tôi về, chứng kiến cảnh làng quê bận rộn trong vụ thu hoạch. Mọi người trong gia đình đều tất bật các công việc của mình. Nàng và chị cùng người anh đã thoát ly. Ở nhà chỉ còn ba đứa bé đang tuổi ăn học, vậy mà đứa nào cũng có việc. Hôm đó chỉ có nàng về nhà để chuẩn bị đón tôi. Đón tôi giữa ngày mùa bao nhiêu công việc không tên của nhà nông, mọi thứ tôi đều không quen. Tôi chọn công việc dễ nhất là giã gạo và đập lúa. Giã gạo bằng cối đạp chân, cái cối đó nhà nào cũng có, đặt ở trái nhà. Đập lúa bằng néo. Tôi cởi áo, chỉ giã một cối thôi. Tôi biết mọi người đang quan sát tôi, giã gạo là việc đơn giản, đang tuổi trai tráng, tôi chỉ mất một ít mồ hôi mà đôi lúc còn được nàng chú ý.

 

Mẹ nàng luôn chân luôn tay và luôn cả mồm nữa. Có thêm tố chất “hàng xáo” nên bà linh hoạt trong các vấn đề xử lí. Phải hiểu là bà không chỉ động tay động chân mà đầu óc cũng không ngơi tính toán. Cái dáng tất tưởi, nhỏ bé, đen cháy nắng đồng, quần ống cao ống thấp như vừa từ ngoài đồng về đã chỉ ra cái nết lam làm, ham việc. Thoắt cái, tôi đã thấy biến ra ngoài ngõ. Lúc sau, vào, vất cái gì đó trong bếp, sai thằng út rút một đống rơm đưa vào bếp, miệng nói: “Nhanh tay lên, bỏ nồi cơm xuống, vần bên cạnh và đặt lên bếp nồi cám lợn, bác Hồng sang ngay bây giờ đấy… U sang bên bà Hai, mời ông bà một tiếng cho có đầu có đuôi… Chị mày về nhớ ra sân kho xem đống rơm người ta chia cho nhà mình để tối gánh về… Mà quàng lên, rồi sang thôn Thượng mời bà Tuất cho u…” Vậy mà không hiểu sao, người chủ gia đình quán xuyến mọi việc như vậy mà không hề tỏ ra mệt mỏi và hơn nữa, hình như lúc nào trong đầu cũng suy nghĩ, bận tâm vào một điều gì khác, xa hơn, cũng lại đồng thời đã có hướng cho việc giải quyết chuyện đó.

Rồi bữa cơm đón tôi về quê cũng qua. Gọi là “qua” cũng chỉ là “qua” bữa cơm. Mẹ nàng bảo tôi lên nhà uống nước. Tôi đâu dám vì tôi biết còn biết bao việc đang cần đến bàn tay con người. Đống rơm được chia vẫn chưa được mang về nhà, con trâu đổi công nhà nàng hôm nay phải chăm vẫn đủng đỉnh nằm nhai lại chỗ rơm, mà nó cất ở ngăn đầu dạ dày từ chiều tối. Số rơm gánh về được đập lại kỹ hơn. Chẳng rõ được thêm bao nhiêu nhưng chắc là không ít. Hợp tác xã là của bà con mình cả mà, đập kỹ ở sân kho là của hợp tác, xã viên có mà nhịn đói. Con trâu sau khi nhai lại số rơm cũng bắt đầu làm việc tiếp. Nó kéo cái con lăn bằng đá đi vòng quanh sân đã trải đầy rơm. Vậy ra công đoạn cuối cùng là của trâu. Từ đây, những hạt thóc cuối cùng, hạt mẩy cũng như hạt lép, đều rụng hết, chỉ còn trơ lại thân rơm đã được cả con người lẫn con vật khái phá, sẽ được chất thành ụ rơm phía gần bếp, làm chất đốt. Đồng bằng lấy đâu ra củi để đun nấu cơ chứ. Từ đó, cho đến khi ánh trăng hạ tuần ló ra, đã quá chín giờ đêm, cái sân gạch trên năm chục mét vuông nhà nàng mới quang quẻ, sạch sẽ.

Tôi lên giường nằm ngủ với ông ngoại nàng. Tiếng rì rầm bàn chuyện hôm sau của mẹ nàng với bà ngoại như lời ru đưa tôi vào giấc ngủ. Chẳng hiểu sao, trong giấc ngủ, tôi cứ thấy bóng người đàn bà chăm lo quán xuyến mọi việc mà lại khiêm nhường đứng sau một bóng cao lớn. Cái bóng cao lớn kia luôn chứng tỏ mình là người chủ, là bờ vai cho bóng nhỏ bé kia dựa vào. Nhưng rồi tôi lại nghe thấy tiếng vọng từ sâu thẳm, rõ ràng và đầy tự tin: “dù anh biển rộng trời xa/ cũng không bước nổi qua tà áo em” (thơ của Nguyễn Thị Mai).

.

1/2/2019 (28 tết)

những ngày giáp tết Kỷ hợi

 

 

 

Vinh Anh
Số lần đọc: 1556
Ngày đăng: 07.02.2019
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện lan man - Võ Công Liêm
Người tâm thần tử tế - Bùi Thanh Xuân
Tự khúc cuối năm - Phan Văn Thạnh
Cô gái tóc vàng - Nguyên Minh
Nỗi lòng rau muống biển - Lê Hứa Huyền Trân
Ngày em lấy chồng - Lê Hứa Huyền Trân
Bà chúa Vực Vuông - Đỗ Nhựt Thư
Mơ về lại Hoàng Sa - Phan Trang Hy
Hẻm mười ba - Bùi Thanh Xuân
Con chim bay lạc - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Cùng một tác giả
Mưu sinh (truyện ngắn)
Chuyện vặt (truyện ngắn)
Lão và hắn (truyện ngắn)
Phượng (truyện ngắn)
Công chức (truyện ngắn)
Gặp lại ngày xưa (truyện ngắn)
Lời từ nơi hư ảo (truyện ngắn)
Vào hội (truyện ngắn)
Bãi giữa (tạp văn)
Mùa thu (tạp văn)
Người quê (truyện ngắn)
Nhớ làng (truyện ngắn)
Bạn thời lính (truyện ngắn)
Ánh mắt sông quê (truyện ngắn)
Ngõ nhỏ ngày xưa (truyện ngắn)
Đất làng (tạp văn)
Ở rừng (truyện ngắn)
Chuyện tình kể lại (truyện ngắn)
Hai thằng nó và tôi (truyện ngắn)
Hương vô tình (truyện ngắn)