Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
820
116.687.290
 
Hai thằng nó và tôi
Vinh Anh

Tặng Điệp và hương hồn Uy

 

Hai thằng ấy thân nhau, thân nhau cỡ nào, chỉ chúng biết mà thôi. Tôi cũng biết loáng thoáng là chúng nó thân nhau. Biết vì thằng Uy là đồng hương, còn thằng Điệp thì đã có cả một mùa rét ôm nhau ngủ kiểu úp thìa. Rét quá, không ngủ được, lại dễ mỏi. Hễ thằng này xoay thì thằng kia cũng phải xoay. Xoay để giữ nhiệt cho ấm. Hồi đó trai trẻ mà sao sợ rét thế. Rét quá cơ. Sau này ngồi ôn lại, tìm ra nhẽ, chẳng qua là đói. Lính tráng bị nuôi đói. Cơm độn ngô hoặc bột mì được nặn như chiếc bánh tròn tròn, đen như hòn đá. Đúng là hòn đá, ném chó, chó chết.

Cứ mỗi đận tôi xuống đơn vị chỗ hai thằng là y như rằng chúng nó kiếm được thứ gì thêm để tôi cùng ăn. Hôm nay đĩa rau khoai, hôm sau đĩa rau khoai nữa, rồi thì lại rau khoai nữa. Chẳng là dân vùng này chỉ trồng khoai. Các chú muốn cải thiện thì nói một tiếng với chủ nhà, tha hồ hái. Vừa ăn vừa nói có vẻ ra cái điều không có gì tiếp khách cho tươm tất. Vậy mà nghe thằng Uy nói, cũng mát cả cái lòng, cái ruột. Cứ làm như ở quê không bằng. Tôi nói, để khi nào về quê mày, chiêu đãi một bữa gà thật thịnh soạn. Thằng Điệp nhớ đấy, cố sống đến ngày hòa bình.

Chúng tôi ba thằng, chẳng hiểu số giời thế nào, chơi được với nhau. Cái đầu tiên là ba thằng cùng nghành quân giới. Thằng Điệp học đạn. Tôi và thằng Uy cùng quê, học pháo. Ba thằng bảo nhau, làm thằng thợ xe sau này còn dễ kiếm việc, làm thằng thợ pháo, sau này chết đói. Cũng may, tuy không gắn cả đời với lính nhưng thằng Uy trước khi đi lính, vốn là thợ nguội, nó bỏ cơ lê, mỏ lết cầm dũa, cầm búa rất khéo. Nó kiếm ăn thêm bằng nghề gò xô, chậu, vừa đủ sống vất vưởng để nuôi một vợ, hai con. Thằng Điệp mang mác thương binh, được đi học ngân hàng. Còn tôi, biết mình “phận mỏng cánh chuồn”, ráng ở lại quân ngũ, đến tận nghỉ hưu.

 

Hai thằng ngày đó đều đã có vợ. Thằng Điệp yêu con bé gần đơn vị. Cũng gian lao và anh dũng lắm mới lấy được con bé đó. Gian lao vì hồi đó nó nghiêm cẩn trong mối quan hệ trai gái. Thằng Điệp bị gây khó bởi một lão cán bộ kiểu chính trị. Cái lũ này sao luôn luôn gây khó cho đồng đội. May mà nó lại gặp được ông thủ trưởng nhà trường thông cảm và tốt tính. Vậy là vượt qua đận gian lao. Đến đận anh dũng nữa. Cái đận anh dũng là cái đận tổ chức cưới xin. Nghĩa là phải có nhà trai nhà gái, đơn vị tổ chức công nhận. Lần này nó cũng vượt qua một cách oanh liệt. Nghe nó kể mà tôi không dám lấy vợ và ghét thậm tệ bọn cán bộ mang mác chính trị, bọn chuyên phá quấy, chỉ gây khó khăn cho đồng đội. Vun vào không vun lại cứ phá ngang còn ra cái điều, tôi làm vậy là bảo vệ hạnh phúc cho các đồng chí. Rõ thối!

Hồi đơn vị đi chiến trận. Tôi một hướng, thằng Uy và Điệp một hướng. Tôi xa chúng nó một tháng chiến trận và sau này xa thằng Điệp mấy năm. Mãi sau mới tìm được nhau. Số là, trong trận chiến, thằng Điệp bị thương vào gót chân. Nó chui vào hầm được quá nửa người nhưng cái chân ở bên ngoài, dính bom. Nó chỉ kịp kêu “Ối Uy ơi, tao bị trúng đạn rồi, và nó ngất xỉu. Thằng Uy bên cạnh băng bó và động viên nó. Cũng thằng Uy, ép hai đứa nữa, đưa nó vào viện dã chiến bằng cáng. Nhờ thằng Uy nên thằng Điệp mới sống vì nó được đến viện kịp thời. Không có thằng Uy thì thằng Điệp đã gửi thây ở rừng Lào.

Chuyện thằng Điệp bị giòi bọ ăn phần gót chân là chuyện của nó. Nó cũng suýt chết ở cái bệnh viện đó trong hang khi bị nước lũ cuốn, cũng là chuyện của nó. Nó sống cho đến hôm nay khi đã phải trải qua những “gian lao và anh dũng” lúc lấy vợ, nên bây giờ chuyện đó nó coi khinh.

Thằng Uy lấy vợ thế nào thì tôi không rõ. Hồi tôi xuống thăm nó, sau khi nó đã chuyển ngành, thấy một cố gái bé tí. Thằng Uy cũng thấp bé nhẹ cân, vậy cũng đẹp đôi. Sau khi thằng Uy bỏ áo lính mặc áo thợ, cuộc sống chẳng khá khẩm gì. Thế là hết mong được nó chiêu đãi thịt gà. Nhà nó rách lắm. Rách thật. Chật chội, tối tăm. Tối đến nỗi tôi không nhìn rõ mặt vợ nó, chỉ biết đó là một cô gái cũng bé bé, thâm thấp như thằng Uy. Thì đã bảo chúng nó đẹp đôi mà.

Thằng Điệp bảo tôi, mày có gì giúp nó. Có đéo gì mà giúp? Tôi vặc thằng Điệp. Nói vậy nhưng cũng có. Tôi cho thằng Uy cái khung xe đạp nam mà tôi được phân phối giá rẻ như cho mà không ai muốn nhận và cái ê-tô cho nó kẹp đồ vật mà nó gia công, làm thêm tại gia. Tháng sau, nó mang cái xe đạp mà tôi đóng góp cho nó cái khung lên khoe. Chỉ phải cái cậu ta “thấp bé nhẹ cân”, đi cái xe nam cao, cứ nhệch nhệch cái mông. Trông chỉ thấy thương, chẳng thấy mừng.

Dù sao, chúng nó cũng vợ con đuề huề, con cái lớn tướng, đặc biệt là thằng Điệp, những bốn đứa, toàn con gái. Một tết, tôi đạp xe xuống chơi nhà nó, thấy nó dán khắp tường căn nhà cấp bốn, thấp lè tè toàn tranh vịt. Tôi chưa vợ con, chẳng chú ý. Lại nghĩ, thằng này trang hoàng ngày tết cũng lạ. Ngồi uống rượu lòng lợn với nó, hỏi, sao mày dán lắm tranh vịt thế? Thì mày thấy, nhà tao toàn vịt. Tôi nhìn ra phía sau, phía sau nhà nó là cánh đồng, có mương nước, có ruộng lúa, đang được chuẩn bị cấy, nước lấp xấp mặt ruộng, chẳng thấy con vịt nào. Hỏi vịt đâu. Nó điên tiết, buông: thằng ngu! Vịt đầy nhà đây. Mẹ cha nó, nó chửi mình ngu là đúng. Mình nhìn con vợ nó và bốn đứa con gái, yêu phết đấy chứ. Thật đáng đời!

Mãi rồi cũng đến lượt tôi cưới vợ. Biết phận mình là lính, đám cưới cũng muốn bỏ qua nhiều công đoạn cho bớt nhiêu khê và đỡ tốn tiền. Mà thời đó, cả xã hội nghèo, nên cũng dễ nhận được sự đồng cảm. Thằng Uy mang tiếng cùng quê, nhưng nó ở Hải Phòng, đi lại khó khăn. Thôi thì báo tin cho mày biết, để mày khỏi giục giã chuyện tao lấy vợ. Nó vẫn bảo tôi, già rồi, lấy vợ đi, đừng kén, rồi mọi chuyện đâu vào đó. Lính tráng ngày xưa đơn giản thật.

Sát ngày cưới của tôi, đâu như chỉ còn chục ngày. Nó lọ mọ vác cho tôi một cái chậu men to tướng, chụp lên đầu và không nhìn thấy mặt. Nó mang lên thẳng cơ quan tôi. Hỏi sao mày không đến nhà tao. Tao đi nhờ mấy lão lên Hà Nội, ngại các lão ấy phải đi đi lại lại, tao bảo đến cơ quan mày cho tiện, đỡ phiền người ta nhưng phiền mày. Nhưng mày là bạn, đéo sợ. Tao được thưởng cái chậu thay tiền. Tặng mày luôn. Nếu mày chưa có con thì để đựng gạo, nếu có con làm chậu tắm. Nó bơi được trong chậu đấy. Chẳng gì nó cũng làm ở nhà máy sắt tráng men, nên mới có cái chậu khủng như vậy để tặng tôi. Đúng như nó nói, lúc đầu chưa con để đựng gạo. Sau này, hai đứa con của tôi đều lần lượt bì bõm trong cái chậu vĩ đại đó. Mỗi lần tắm cho con là nhớ ơn thằng bạn cất công đội cái chậu to tướng lên cơ quan. Tắm trong cái chậu rộng rãi đó, chắc các cô công chúa của mình thích lắm. Thích nhưng chúng nó có biết công sức của các bác ấy đâu. Bọn trẻ bây giờ chúng cứ vô tư mà lớn thôi.

Chuyện cưới của tôi, tôi phải nhờ thằng Điệp. Mang tiếng cưới không ăn mặn, chỉ hút thuốc, uống nước mà vẫn ăn, ăn hai nơi, mỗi nơi một tí. Một nơi thì họ hàng nhà vợ lo, có hai chục cân cá mè ranh dưới đơn vị cho thì bà bác vất cho lợn, bà bù cho cá to hơn, thịt to hơn và hai con gà sống thiến cỡ ba, bốn kí của thằng lính mang cho. Một nơi là chỗ tôi ở, thằng Điệp lo. Hôm làm cỗ, nó vác cho tôi một bộ lòng lợn và tự tay nó làm. Chẳng hiểu cưới người ta có ăn lòng lợn không, cưới tôi nhờ có cỗ lòng của thằng Điệp mới thành cỗ cưới. Tôi cứ mang ơn nó. Không có nó tôi chịu. Chắc lại phải nhăn nhở mời mấy ông hàng xóm hút thuốc Tam Đảo suông.

Nhớ đến đám cưới tôi là tôi nhớ đến cỗ lòng của thằng Điệp. Vì sao ư? Vì ngày đó lấy đâu ra thực phẩm mà tổ chức ăn uống. Dẫu có thực phẩm thì lấy đâu ra tiền mua. Vâng, khó khăn lắm. Bây giờ chỉ nói là khó khăn, khó khăn thôi. Chứ ngày đó á, bạc mặt.

Rồi thì thế nào? Xa xôi nên tin thằng Uy ít lắm. Người mang ơn nó là thằng Điệp. Nhờ thằng Uy mà thằng Điệp sống sót. Qua cái đận đất nước “gian lao và anh dũng” không phải như chuyện thằng Điệp lấy vợ mà là cả nước vượt qua cái đận đói khi cuộc sống đã rơi xuống dưới đáy (tôi còn biết có ông cốp nói, chúng ta chưa hẳn rơi xuống đáy đâu, đang lơ lửng, nghĩa là còn rơi tiếp, có thể khổ hơn nữa cơ), thằng Điệp lặn lội bằng cái chân què đi tìm thằng Uy ở dưới Hải Phòng. Lần mò mãi rồi cũng gặp được thằng Uy. Nó đưa thằng Điệp về quê mới của nó. Chẳng rõ chuyện gia đình nó, già rồi khó nói lắm, nhiều điều không tiện nói, không muốn nói, cứ âm thầm mang đi thôi. Thằng Uy đã âm thầm mang chuyện riêng của nó đi rồi. Nó cũng thiêng. Đúng hôm đó, tôi vác cái a lô gọi nó, con nó nghe máy. Bảo cho tao nói chuyện với bố, nó bảo bố cháu mệt. Chết rồi! Mệt cỡ này là chắc nó chết. Vậy là chỉ còn tôi với thằng Điệp.

Thôi, vậy nhé, Điệp ơi. Chỉ còn tao với mày. Mày vừa mổ, không cho tao biết. Tao thấy nhớ mày nên vào chơi. Ai ngờ mày bệnh nặng thế. Cố sống vài năm nữa. Tao cũng cố sống vài năm nữa. Cùng cố nhé.

 

6/9/20

Tao viết về mày ở một chuyện khác.

 

 

 

Vinh Anh
Số lần đọc: 274
Ngày đăng: 17.08.2023
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhà mình - Bùi Thanh Xuân
Vài chuyện nhỏ đầu tuần - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Tuổi thơ tôi, ở miền quê ngoại… - Nguyễn Vĩnh Căn
Hang người - Nguyễn Thỵ
Cữ sáng... - Phạm Nga
Trò đùa số phận - Nguyễn Vĩnh Căn
Cô và những mối tình ảo - Trần Hạ Vi
Nàng và những câu chuyện - Trần Hạ Vi
Đồng tiền rong chơi - Nguyễn thị Liên Tâm
Họ nhà nến - Tiểu Lục Thần Phong
Cùng một tác giả
Mưu sinh (truyện ngắn)
Chuyện vặt (truyện ngắn)
Lão và hắn (truyện ngắn)
Phượng (truyện ngắn)
Công chức (truyện ngắn)
Gặp lại ngày xưa (truyện ngắn)
Lời từ nơi hư ảo (truyện ngắn)
Vào hội (truyện ngắn)
Bãi giữa (tạp văn)
Mùa thu (tạp văn)
Người quê (truyện ngắn)
Nhớ làng (truyện ngắn)
Bạn thời lính (truyện ngắn)
Ánh mắt sông quê (truyện ngắn)
Ngõ nhỏ ngày xưa (truyện ngắn)
Đất làng (tạp văn)
Ở rừng (truyện ngắn)
Chuyện tình kể lại (truyện ngắn)
Hai thằng nó và tôi (truyện ngắn)
Hương vô tình (truyện ngắn)