Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.374 tác phẩm
2.747 tác giả
630
116.492.890
 
Suy ngẫm tản mạn ngày đầu năm
Vinh Anh

Sáng mồng một, mưa lay phay. Đẹp và yên tĩnh làm sao. Cả một cảm giác thanh bình nữa. Cảm giác thanh bình cho ta cái liên tưởng không chiến tranh, không bom đạn. Thì vậy rồi. Từ lâu đã không còn bom đạn và chiến tranh. Những điều đó đã càng ngày càng lùi xa. Lùi xa để cho người ta tập trung vào công việc mới, suy nghĩ về những vấn đề mới.

 

Thực ra, suy nghĩ bắt đầu từ lúc giao thừa, đứng một mình xem bắn pháo hoa ngay bên hồ. Những quầng pháo hoa như những chiếc nón, chiếc ô cực lớn chụp xuống đầu. Thoáng một chút lo sợ vì biết đâu một tai nạn do sơ suất của nhà sản xuất dẫn đến tai nạn. Lại nghĩ đến lần đầu thấy bom rơi trên đầu. Cuống quít tìm chỗ nấp. Nhưng rồi lại bình tĩnh và buồn cười cho sự ngây ngô. Bom rơi với vận tốc máy bay thì nó sẽ rơi xuống một chỗ khác. Vậy đấy. Nhìn pháo hoa và nhìn bom rơi. Một ngày hoà bình và một ngày chiến tranh.

 

Lại nói về con đường yên ả và những hạt mưa xuân va vào mặt. Lạnh đến tê cóng bàn tay, lạnh đến co ro muốn ôm ấp,  vậy mà vẫn thích. Phải suýt soa một chút mới thật là tết xứ Bắc. Qua chốn nương thân của cặp vợ chồng già vẫn trú ngụ bên hồ, thấy canh cánh trong lòng. Một điều gì đó chưa hoàn thiện trong cuộc đời này. Lại thấy mình sao mà ích kỷ.

 

Sau mấy ngày nóng như chớm hè những ngày giáp tết để đào bung hết cỡ, thấy nhoi nhói trong lòng cho người trồng hoa. Trạnh lòng một chút thôi. Thương vay khóc mướn một chút thôi. Biết là chẳng có ích gì cho đời hết mà vẫn cứ ái ngại, ngậm ngùi cho những số phận.

 

Đã từ nhiều năm, thành thói quen, ngày mồng một là ngày lên chùa. Người đi chùa cũng vừa đủ gọi là đông. Cái đông tạo không khí cho một ý nguyện, không phải, một ước mong thì rõ hơn. Hình như ai cũng tâm niệm, đi chùa đầu năm là để lấy cái may, cái phúc.

Nhưng thú nhất là không phải màng việc chốn trần thế. Đi chùa trong sớm nay là để tìm sự bình thản của tâm hồn, mong ước cả năm ta được sống trong không khí hoà hợp, bác ái hỉ xả. Vào cửa chùa, con người ta như đã được về chốn phiêu du, tìm thấy sự thanh thoát trong tâm tưởng, đón niềm vui và may mắn bất ngờ có thể đến. Người ta có thể dối trá ở nhiều nơi, nhưng lên chùa, lại lên chùa vào đầu năm, ai nỡ dối trá, ít nhiều cũng có chút lòng thành. Với những mong ước đầu năm và với không khí đầu xuân, người người nhìn nhau chỉ muốn trao những nụ cười thân thiện, vào tới đây là vào với từ bi thánh thiện rồi. Người với người là bằng hữu rồi.

 

Có phải vì vậy mà vào chùa ta đều gặp những nét mặt bình thản và thành tâm. Không ai vội vã, đôi chỗ có chen vai, lách người đấy nhưng đều rất lịch sự nhường nhịn nhau. Văn hoá ngày đầu năm ở nơi cửa Phật đáng để cho những ngày sau trong năm. Con người trở về với bản chất con người của mình như ngày đầu cất tiếng khóc chào đời.

 

Nói đùa một câu với cô bé trông xe và một câu với cô soát vé: “ Giá trông xe thì cao ngất nghểu mà giá vào đền chẳng thấy thay đổi…” Được nhận lại những nụ cười vui vẻ. Ngày xuân, người ta bỏ qua cho nhau hết. Tất cả mọi điều cũng chỉ là sự mưu sinh và cũng vẫn là thể hiện sự yếu kém cố hữu của mọi ngành quản lý ở nước ta. Chẳng thấy thay đổi gì cả. Chúng ta vẫn cứ phải lựa nhau mà sống, dựa vào nhau mà tồn tại, cũng nhiều khi phải lừa nhau mà sống. Có trời mới biết hành trình từ cái giá vé trông xe ngất nghểu đến vô lý kia, sự chia chác và phân phối lại sẽ đi đến tận đâu. Còn ta, ta vẫn cứ đôi khi đọc được ở đâu đó những chỉ thị và biết tin về những đoàn kiểm tra. Nhưng cứ yên tâm đi, hãy biết tự lo và tự bảo vệ. Điều đó thành thói quen của dân ta rồi.

 

Trong đền nghiêm chỉnh hơn mọi năm. Không thấy dấu vết của sự bẻ lấy được một nhánh lộc riêng làm sở hữu cho mình, không nghi ngút khói hương trong nhà thờ, chỉ có một người ăn mày cửa Phật ngồi ở một góc khuất bên cánh cổng. Xuất hiện hai dãy bàn hai bên, nơi ghi giấy chứng nhận công đức cho những người hảo tâm. Vẫn rất nhiều thùng nhận tiền công đức. Bỗng nhớ cái cảnh rồng rắn trong các hội nghị lớn nhỏ, rồi mỗi người bỏ một ngày lương vào “thùng phiếu” mỗi lần có giông bão thiên tai, chết người mất của. Năm nào mà đất ta không có vài vụ thiên tai. Có lẽ không đâu nhiều như ở nước ta, cái cảnh đó diễn ra thường xuyên lắm, xem mãi thấy nhạt  Không thấy sự thành tâm và nỗi lòng thể hiện là mấy. Ngược lại, thấy sự bình tâm nhiều hơn. Vẫn biết chuyện gì đó mà diễn ra nhiều nó sẽ nhàm. Nếu với một tấm lòng thành, thiếu gì cách để tỏ tấm lòng mình kia chứ.

 

Lại nhớ bên trời Tây. Mấy ông bà tỉ phú làm từ thiện. Đúng là từ thiện kiểu tỷ phú. Họ đứng tên quỹ này quỹ nọ để gây quỹ. Họ góp vào quỹ hàng triệu hàng tỷ đô la. Cần phải là người nổi tiếng mới thu hút được nhiều lòng hảo tâm. Ấy vậy mà vẫn cảm thấy dù họ góp bạc triệu hay bạc tỷ vào các quỹ đó, vẫn thấy nhỏ nhoi và gờn gợn một điều gì đó không thật. Không thật nghĩa là giả chứ gì. Liệu có bao giờ họ dám rời bỏ cuộc sống vương giả của họ để sống như mẹ Tê rê sa?

Một chút gì canh cánh không yên. Dạo này đọc báo, hễ thấy trang những cảnh đời là mình muốn bỏ qua. Bỏ qua nghĩa là lẩn tránh đó. Thật ra mình cũng muốn chia sớt đôi chút cái số “lẻ loi” của mình đấy. Lại thấy đâu đó vọng lại cái lời làm mình yên tâm: “của ông nhỏ nhoi lắm”. Vậy là giả vờ yên tâm. Trong mình hình như lại không thật muốn chia sớt cái lẻ loi đó, nếu có chia cũng chỉ chia cái “gọi là” mà thôi. Cái “gọi là” là cái bé tí tiu ấy. Vậy là cái sự “động lòng thương cảm” của mình cũng chỉ là hời hợt, giả dối mà thôi.

 

Trên TV nhiều khi thấy hình ảnh thăm thú tặng quà đây đó, nhất là vào dịp lễ tết. Gói quà to như chiếc mũ bảo hiểm còn nguyên trong hộp được gói ghém cẩn thận. Đó là quà của ông này ông nọ tặng. Thấy tưng tức. Tiền mua quà là tiền thuế của dân hoặc của một tổ chức từ thiện nào đó mà lại cứ mang tên ông nọ ông kia. Chẳng mấy ai nghĩ đến cái sự nhỏ mọn đó. Nếu như mấy vị đó bỏ tiền túi ra như ngày xưa Bác Hồ tặng một tháng lương có giá trị là hai trăm năm chục đồng cho nhân dân An giê ri ấy thì hay bao nhiêu. Đấy có phải là “lấy của người làm phúc cho ta” hay đấy là một sự nhập nhèm công quỹ.

 

Lắng nghe lời khẩn cầu đầu năm của những người đi lễ chùa, thấy như toàn những cầu lộc , cầu phúc, cầu tài. Đâu là những lời thỉnh cầu trong sáng và vô tư? Đức Phật trên cõi Niết Bàn có biết cái thật giả ở cõi nhân gian? Lại thấy đâu cũng có những đồng tiền lẻ phúng cho chùa. Toàn những đồng tiền lẻ nhỏ mọn. Nhưng xin thì chắc không phải như vậy, dù rằng đó là “lộc rơi, lộc vãi”. Lộc rơi, lộc vãi mà mình được hưởng cũng không bao giờ nghĩ là những đồng tiền nhỏ nhoi như những đồng tiền mình gửi vào. Con người ta vốn vậy. Xin thì muốn nhiều và cho thì ít thôi. Các tỷ phú trời Tây chắc cũng vậy thôi, cái họ bỏ ra và cái họ đã nhận về khác nhau nhiều lắm.

 

Thực ra thì vẫn ấm ức với cái sự chém chặt của việc trông xe ngày tết, mà ở đâu những ngày này cũng vậy cả thôi. Cùng em đi bộ lên chùa Trấn Quốc. Ngẫu hứng dạo bộ mà lại hay. Thấy lại cái vỉa hè Hà Nội mà mình tưởng như đã mất. Người Việt mình lười đi bộ lắm và vỉa hè đâu có dành cho người đi bộ. Hương xuân và những giọt mưa bụi bay thấm vào da thịt, tự thấy người trong veo, sạch sẽ, thanh thoát. Sắc khí hương trời ngày xuân làm cho tâm hồn dịu lành lại. Bỗng dưng muốn trải lòng với trời đất. Một phút cởi mở được lòng mình, thấy bỗng trở nên thanh tao.

Cổng chùa Trấn Quốc đã được xây mới. Lại thấy mất cái gì đó xa xưa. Sao mình lại hoài cổ thế. Đành rằng biết muốn thay đổi thì phải phá bỏ. Nhưng phá bỏ cái cũ kỹ đã gắn với ngôi chùa mấy trăm năm, có thể cũng cũ kỹ như mái chùa, vẫn thấy tiêng tiếc. Ngộ nhỡ sau này, cái chùa thấp lè tè và chật chội này cũng bị phá để xây một cái mới to đẹp và hoành tráng hơn thì sao? Cái cổng dù rêu phong và đơn giản đấy, thô sơ và ít dáng vóc đấy nhưng nó là một cái mạch của ngôi chùa trấn trị phương Bắc này. Vậy là cảm thấy mất đi cái gì đó trong lòng mình.

 

Hồ Tây hôm nay nhiều sóng và nhiều gió. Phía xa đầu kia mờ mịt khói sương càng thấy cái linh thiêng như mờ như ảo. Em hỏi hồ rộng bao nhiêu? Năm trăm héc ta đấy. Có vậy nó mới mênh mông hồn nước chứ. Mấy đâu có được như Hà Nội ta. Nghe đâu đã từng có ý định đào một đường ngầm xuyên qua hồ. Xin can. Đất linh thiêng, mỗi một tác động vào hồ là chạm vào hồn thiêng sông núi đấy. Nghe kể cách đây chưa lâu, mới khoảng năm mươi năm thôi, hồi đó có một đoàn xiếc sang ta biểu diễn, có thể trong đoàn có người nào đó không thiện chí, đang đi chơi thuyền trên hồ, trời bỗng nổi giông gió làm lật thuyền. Cha ông ta ngày xưa đã xây chùa, dựng đền để trấn giữ đất đai, phòng ngừa kẻ thù phương xa. Sự linh thiêng có phải đã ứng nghiệm? Có lẽ sau này truyện kể sẽ thành truyền thuyết

 

Đường từ phía chùa Trấn Quốc về phía đền Quán Thánh có đoạn đi giữa hai hàng cây. Đẹp và thơ quá. Nhớ câu thơ Phan Thị Thanh Nhàn. Khoác tay em đi như một cặp tình nhân đi giữa đất trời mùa xuân, thấy lòng thảnh thơi, thư thái. Mưa bay làm dịu lòng ta, cái rét se se làm con người muốn xích lại gần nhau. Nhớ cái thuở đang yêu. Cũng đoạn đường này, trên chiếc ghế đá quay mặt ra phía hồ, dưới bóng cây và lờ mờ ánh điện, ta cũng đã ôm em với tình yêu thuần khiết. Ngày đó không nhận ra vẻ đẹp của con đường, không hình dung ra những cành cây giữa hai hàng cây như chìa tay với với nhau, như nắm lấy tay nhau, nhưng bù vào đó là đang sẵn trong lòng lửa đốt của tình yêu. Và đây, ta đang cùng em lặp lại cái lãng mạn thuở nào. Con đường này sẽ còn mãi với tuổi trẻ. Rồi các con ta, các cháu ta cũng sẽ dẫn người chúng yêu đi trên con đường này. Lối đi này đã từng in dấu bao nhiêu cặp tình nhân. Nơi đây đã chứng kiến bao nhiêu cặp tình nhân gửi trao tình cảm thiêng liêng nhất của đời người. Vâng, và bỗng nảy ra ước muốn, được gọi con đường này là đường tình nhân, đường tình yêu hay là gì đại loại những yêu và thương như thế.

 

Lấy xe, khoảng 11h, vẫn thấy đường vắng vẻ, tiếc cái không khí linh thiêng hư ảo mà lại nhuốm mầu tình yêu huyền thoại, bon xe trên đường viền quanh hồ để gió và mưa phả vào mặt. Nhận ra một điều mất nữa của Hà Nội, một Hà Nội yên bình. Hôm nay và có thể một vài hôm nữa vẫn còn không khí yên bình thế này. Quý lắm! Thấy phảng phất không khí “dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo”. Không khí đó cho ta cảm một Hà Nội thơ mộng và sâu lắng. Đó là đất của sự học hành, nho nhã, thanh lịch luôn mở rộng lòng mình đón nhận những con người biết nghe lời sông núi, thấu hiểu nguyện vọng của muôn dân. Lại thêm một điều ước, giá mà chúng ta có một thủ đô như vậy. Vừa có thế “long chầu hổ phục” như lời vua Lý trong “ Chiếu dời đô” vừa chứa đựng và hiểu rõ trong đó những nỗi niềm thăm thẳm tiếng gọi non sông đất nước.

 

Ngày đầu năm rét giá nhưng lại sẵn đầy hơi ấm mùa xuân. Quy luật của thiên nhiên là vậy. Con tạo xoay vần mà. Con người sao cưỡng nổi. Ước mong “Quốc thái dân an”, nghe như lời của một đấng Quân vương. Ta chỉ là dân thường bé mọn nhưng ta vẫn có quyền mong ước như vậy chứ. Đó là mong ước muôn đời của dân lành. Vâng ta biết, ta và muôn người đều ước như vậy!

 

Đêm mồng một tết Canh dần       
Vinh Anh
Số lần đọc: 2527
Ngày đăng: 25.02.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mùa xuân và chim én - Mang Viên Long
NỖI NIỀM CẮT CÚP hay SARA ĐÃ CHÊ THIỀU NHƯ THẾ NÀO? - Inrasara
Chim én mùa xuân - Trần Hạ Tháp
Lãng Du trong Văn Học MỸ - Lương Văn Hồng
Cái nhìn sòng phẳng - Inrasara
Tết Lại Đến - Tết Lại Đi - Trần Quang Vinh
Lãng Du trong Văn Học Ấn Độ - Lương Văn Hồng
Lãng du trong văn học Ai Cập - Lương Văn Hồng
Từ mâm ngũ quả, phiếm bàn về con số 5 - Phùng Thành Chủng
Nàng Là ai, Hỡi Thúy Kiều - Khuất Đẩu
Cùng một tác giả
Mưu sinh (truyện ngắn)
Chuyện vặt (truyện ngắn)
Lão và hắn (truyện ngắn)
Phượng (truyện ngắn)
Công chức (truyện ngắn)
Gặp lại ngày xưa (truyện ngắn)
Lời từ nơi hư ảo (truyện ngắn)
Vào hội (truyện ngắn)
Bãi giữa (tạp văn)
Mùa thu (tạp văn)
Người quê (truyện ngắn)
Nhớ làng (truyện ngắn)
Bạn thời lính (truyện ngắn)
Ánh mắt sông quê (truyện ngắn)
Ngõ nhỏ ngày xưa (truyện ngắn)
Đất làng (tạp văn)
Ở rừng (truyện ngắn)
Chuyện tình kể lại (truyện ngắn)
Hai thằng nó và tôi (truyện ngắn)
Hương vô tình (truyện ngắn)