Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
722
116.709.367
 
Trường ca Việt , một cách nhìn...
Yến Nhi

Khoảng mấy năm gần đây trong nền văn chương nước nhà thể tài trường ca đã gây được sự chú ý của không ít tác giả cả trên hai phương diện lý luận lẫn sáng tác. Các tác giả Trần Thiện Khanh, Nguyễn Văn Dân, Lại Nguyên Ân, Chu Văn Sơn có cuộc trao đổi khá lý thú về Trường ca trên tạp chí Thơ 11-2009. Xin được góp thêm vài suy nghĩ  về  thể tài này.

 

1- Về khái niệm Trường ca .Trường ca cũng như nhiều thể tài khác trong văn chương theo quan niệm của M.Bakhtin  là những khái niệm “không bao giờ bị đông cứng”Trường ca , bởi vậy, để dễ tìm hiểu những đặc điểm trong sự phát triển đương đại nên xem là một thể loại văn chương đang biến chuyển và còn chưa định hình.

Không định nghĩa theo lối «  duy danh », nhưng căn cứ vào sự kết hợp hai khái niệm « Trường » -  « Ca » đã gợi ý cho chúng ta đây là một thể loại mà dung lượng câu chữ phải  dài ( trường), phải có yếu tố ngôn ngữ và có nhạc điệu (ca).Trong ý nghĩa nguyên thuỷ , nó không nhất thiết là Thơ, loại nghệ thuật nào có hai yếu tố trên đều có thể gọi là trường ca( nghĩa rộng).Chẳng hạn trong âm nhạc ,trường ca (ca từ và âm nhạc) thường có độ dài lớn hơn nhiều so với ca khúc,  cấu trúc tự do đi liền mạch được liên kết chặt chẽ bằng nhiều khúc đoạn .Thí dụ, trường ca Hội trùng dương của Phạm Đình Chương ,Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi, Sông Lô của Văn Cao ,  Đóa hoa vô thường của Trịnh Công Sơn,Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam của Chu Minh , gần đây là trường ca mang tên Người Việt của nhạc sĩ Minh Châu ...  Tác phẩm văn xuôi - Những linh hồn chết - của Gô gôn được ông đặt tên trường ca trên ý nghĩa rộng rãi này, tác phẩm dài hơi, ngôn ngữ có tính nhạc!.

Lịch sử phát triển trường ca quả đã có nhiều thay đổi.Trong truyền thống , nghĩ đến trường ca  là nghĩ đến “tác phẩm thơ có dung lượng lớn thường có cốt truyện tự sự hay trữ tình”,nó có nhiều phân nhánh nhưng chủ đạo là thể loại  có cốt truyện lãng mạn với đề tài lịch sử cộng đồng. Dần dần trong trường ca các đề tài cá nhân, triết lý, đạo đức được tăng cường , các yếu tố kịch, trữ tình được khai thác dồi dào.Giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của trường ca là thời đại của chủ nghĩa lãng mạn đầu thế kỷ 19. Sang thế kỷ 20 trường ca  phát triển theo hướng trữ tình, đề cao các phương diện tâm lý, triết lý,các xúc cảm tâm linh . Dù là thời hoàng kim hay lúc phân rã thì trường ca, “ với tư cách một thể loại tổng hợp trữ tình-tự sự hoành tráng, cho phép kết hợp những chấn động lớn, những xúc cảm trầm sâu và những quan niệm về lịch sử, vẫn chiếm được vị trí nhất định trong thi ca thế giới, là thể loại mà bất cứ nhà thơ lớn nào cũng đều muốn thử sức”(Bách khoa toàn thư mở Wikipedia).

 

Ở Việt Nam, thời cổ đại có những trường ca  nổi tiếng của các dân tộc anh em như   Đam San, Đam Di,Xing Nhã... ,thời trước CM cũng có một số trường ca gây được ấn tượng ( trường ca của Phạm Huy Thông), trong hai cuộc Kháng chiến và sau ngày thống nhất thì thể loại này nở rộ . Trong cách nghĩ phổ biến đây là thể loại văn học mà nội dung chủ yếu ca ngợi những hiện tượng mang tính lí tưởng cao đẹp và phủ định những gì phản tiến bộ,u tối, trong trường ca nhà thơ lí giải những vấn đề liên quan đến số phận của Dân tộc ,của Cộng đồng,của Con Người, (có thể của cả những cá thể như tình yêu, tình bạn, lòng vị tha, đức hy sinh ...) nhưng luôn có ý nghĩa xã hội  rộng lớn.Về cấu trúc, trường ca  gồm nhiều chương, khúc mang tính chất tổng hợp bao gồm nhiều yếu tố: tự sự, trữ tình và cả kịch .  Nhân vật của trường ca có thể là  một anh hùng , một vị tướng với nhiều chiến công lỗi lạc, mà cũng có thể là một con người với tất cả cái riêng tư. Tuy nhiên số phận đầy thử thách, khát vọng lớn lao, niềm tin yêu, lòng quả cảm vô song... là những yếu tố thẩm mĩ hàng đầu mà trường ca hướng đến .Đặc tính nổi bật của  trường ca cổ điển là sự  hướng đến  “ tinh thần cao cả" , trường ca  sau này (CN hiện thực xã hội chủ nghĩa) gắn với cảm hứng sử thi, với tính cách vĩ đại của nhân dân của dân tộc.

 

2-  Về sự phát triển thể tài này trong văn chương Việt : Có ý kiến cho rằng trường ca  hiện đại phát triển  theo hướng trữ tình hoá (cốt truyện phát triển theo tâm trạng chủ thể ), Thể loại trường ca  tự sự ( có cốt truyện phát triển theo hành trạng nhân vật,hoàn cảnh khách quan) không còn nữa vì đã có tiểu thuyết và điện ảnh làm thay việc kể chuyện ,phản ánh hiện thực! Trên thế giới nhiều nhà nghiên cứu cũng đã chú ý đến sự phân hoá của thể tài này . Họ cho rằng : Trường ca hiện đại thường phát triển theo hướng trữ tình, tâm lý, triết lý, các xúc cảm riêng tư đặt trong tương quan với những biến thiên lịch sử, trong khi  yếu tố cốt truyện được giảm thiểu. Tuy nhiên ở Việt Nam,xét  sự phát triển của thể loại này ,trên cái nền chung các trường ca  tiêu biểu hiện đại  ta  thấy có hai khuynh hướng, một vẫn theo truyền thống nặng về tính tự sự kết hợp trữ tình , một phía khác nhiều tác phẩm theo khuynh hướng cách tân thiên về trữ tình.Có thể kể tên một số tác phẩm tiêu biểu Bài ca chim chơ rao - Thu Bồn,Theo chân Bác –Tố Hữu, Con đường của những vì sao - Nguyễn Trọng Tạo, gần đây Người anh cả của toàn quân(Trường ca vềTướng Giáp) – Hoàng Bình Trọng... thuộc loại thứ nhất.Các trường ca này  đều có nhân vật ,có cái sườn tự sự, thậm chí cả kịch tính.  Đó là Bác Hồ, Tướng Giáp,hai cán bộ Hùng và Rin,hai chiến sĩ Mùa và La , 10 cô gái Đồng Lộc..,rất nhiều mảng tự sự về hai cuộc kháng chiến làm nền cho hành trạng các nhân vật, đan xen bên cạnh những suy cảm trữ tình của tác giả .Các trường ca Đường tới thành phố - Hữu Thỉnh,Những người đi tới  biển -Thanh Thảo,Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm, Trầm tích –Hoàng Trần Cương,Trường Sơn- Nguyễn Đức Mậu,Đổ bóng xuống mặt trờiNgày đang mở sángTrần Anh Thái... thuộc loại thứ hai. Các trường ca này chủ yếu thể hiện những suy tưởng , những cảm xúc của chủ thể trữ tình.Mạch trữ tình la cái sườn chính xâu chuỗi các khúc đoạn, yếu tố tự sự được giảm xuống thứ yếu ,chỉ còn đọng lại trong một vài chi tiết  có tính liên tưởng. Sự khác biệt này ta có thể tìm thấy qua lời thổ lộ cuả  hai tác giả Nguyễn Trọng Tạo vàTrần Anh Thái.

 

Nguyễn Trọng Tạo cho rằng:“Tôi đã kết cấu trường ca đan xen tự sự và trữ tình.[...]Những  cô gái trong trường ca này là thanh niên xung phong tham gia chiến đấu ngay dưới mưa bom bão đạn quân thù,và chàng trai làngười lính lái xe chở đạn vào chiến trường, qua hai nhân vật này tôi muốn làm hiện lên thân phận và tâm trạng của người công dân  trong cuộc chiến tranh vệ quôc” ( Tựa - Con đường của những vì sao).Còn Trần Anh Thái: “...tôi trung thành với khát vọng trên đường tìm kiếm cõi thẳm sâu chân thực trong chính bản thân mình…” ( phát biểu ở Hội thảo vềTrường ca TAT)

 

Phân chia như vậy là sát với sự phân hoá , sự đổi mới của trường ca hiện đại trong bối cảnh xã hội VN nơi những hiện thực lớn lao luôn  tạo tiền đề giá trị trực tiếp cho nội dung tác phẩm.Hiện tình văn chương VN luôn là sự đan chéo , phân hoá  để hội nhập,nếu chỉ quan sát một số hiện tượng đổi thay rồi khái quát lên mà không thấy sự tiếp nối e khi đi sâu tìm hiểu đặc điểm  nội dung cũng như các biểu trưng nghệ thuật sẽ khiên cưởng . Vì rằng: đường biên thể loại giữa trường ca tự sự và trường ca trữ tình hiện đại trong văn chương Việt có thể vạch ra được.Đó là tính đa dạng trong khả năng chiếm lĩnh bản chất hiện thực ,là sự phản ánh con người trong cái nhìn đa diện , cũng như sự thể hiện hiện thực qua các đặc trưng nghệ thuật hiện đại của  trường ca tự sự  rất khác ở các tác phẩm trường ca trữ tình .

 

Trong sự hiện hữu của các thể tài thơ, trường ca , thơ dài  với  truyện thơ  các đặc điểm cần phân biệt . Đều là những tác phẩm dài hơi , truyện thơ có nhân vật , có cốt truyện,tác giả thường khuất lấp đằng sau, thơ dài thì chủ yếu bày tỏ những suy cảm của tác giá - cái tôi trữ tình bộc lộ trực tiếp.Hai thể tài này có đường biên khá rõ,dễ phân biệt .Nhưng giữa thơ dài và trường ca hiện đại đều lấy cái mạch trữ tình làm cái sườn chính để phát triển, nêú lấy cái chỗ đứng ,cái sự phát ngôn của tác giả làm tiêu chí  phân  biệt thì đôi khi không rõ ràng , bị nhầm lẫn, vì chúng đều liên kết với nhau xung quanh chủ đề bằng những suy cảm trữ tình, tâm lý ,triết lý của tác giả  dẫu có nhiều chương đoạn phân khúc chăng nữa.Ở đây cái chỗ dựa duy nhất để bám vào mà phân biệt, đó là một tư duy  hướng về tinh thần cao cả với cảm hứng sử thi,ca ngợi những gì mang tính lí tưởng cao đẹp , với tính cách vĩ đại của nhân dân, dân tộc,“sự biểu hiện tư duy của một dân tộc dưới tất cả mọi hình thức và trong tất cả mọi phương thức của nó” (Hêghen - Mỹ học, những văn bản chọn lọc - Nxb KHXH Hà Nội 1996,tr176). Nói một cách khác cái tôi trữ tình, trực cảm đều có trong thơ dài và trường ca trữ tình, nhưng khác về chất , cái tôi trữ tình trong trường ca chính là chủ thể trữ tình mang sắc thái  cộng đồng, thể hiện tính lý tưởng tính cao đẹp của cộng đồng ,sắc thái cá nhân không lộ rõ như trong thơ trữ tình.

 

3- Về đặc điểm nghệ thuật của hai loại trường ca hiện hành , chúng ta có thể tìm thấy những điều riêng biệt dựa vào ý kiến của Hêghen khi ông bàn về trường ca trữ tình và tự sự sử thi.Ông cho rằng  “...nội dung của trường ca trữ tình  không phải là đối tượng trong sự vận động hiện thực của nó , mà là sự vận động bên trong của tư duy nhà thơ, những  biến đổi sôi động hay yên ắng, dòng chảy êm đềm hay hành tiến mãnh liệt, cũng như những bước nhảy đột ngột biểu hiện ra ở sự vận động  bên ngoài của nhịp điệu và sự hài hoà ở các từ [...] nó phải nhào nặn một cách nghệ thuật sự vận động của thời gian dưới những hình thức khác nhau.”(Y.N.nhấn mạnh)( sđd,tr191).Còn tự sự sử thi (trường ca tự sự) với đặc điểm có nhân vật phát triển trên cái sườn tự sự,  biểu trưng nghệ thuật là trình bày diễn biến của chúng theo sự triển khai chủ yếu về mặt không gian” ( sđd,tr191). Hay nói một cách khác trường ca trữ tình  nổi bật ở chiều sâu tâm lý ,tầm cao triết lý với  các xúc cảm mới mẻ thăng hoa trong mối liên hệ với những chấn động lịch sử lớn lao. Nó thuộc loại nghệ thuật vận động thời gian  có sự thể hiện bên ngoài qua giọng điệu phong phú và hài hoà ngôn từ .. Trường ca tự sự  thuộc loại nghệ thuật triển khai chủ yếu về mặt không gian ,nổi bật chung là tính hoành tráng lịch sử của các sự kiện,cùng bối cảnh hoạt động và tâm lý nhân vật .

 

Đối chiếu các trường ca tiêu biểu gần đây,Trường ca về Tướng Giáp – Hoàng Bình Trọng và các trường ca Ngày đang mở sáng,Trên đường trở đi  Trần Anh Thái  ta sẽ có những minh chứng cụ thể.

 

Trường ca về Tướng Giáp của Hoàng Bình Trọng ,có rất nhiều chất tự sự men theo cuộc đời vị tướng .Nhiều chi tiết tác giả kể rất thực, rất bình thường nhưng tổng hợp lại rất hoành tráng mang được tư thế hiên ngang của dân tộc trong lòng nhân loai. Trần Đăng Khoa cho rằng ở trường ca này tác giả “... đã tạo dựng cả một chiến trường ngổn ngang và bề bộn [...] Hoàng Bình Trọng bám sát từng chi tiết có thật trong cuộc đời chỉ huy trận mạc của vị tướng thiên tài [..] là cái giấy thông hành để dân tộc ta có thể hiên ngang đi vào cõi mênh mông bát ngát của xứ người...”(  Y.N nhấn manh).  Bên cạnh, các  trường ca Ngày đang mở sáng,Trên đường trở đi của Trần Anh Thái , cốt truyện sự kiện bị phân rã và cốt truyện tâm lý được đẩy lên đến cao trào. Trần Anh Thái tổ chức trường ca nương theo dòng cảm xúc.Sự thăng trầm dồi dào, mãnh liệt của tâm trạng tạo nên giọng điệu chính của trường ca , mà có nhà phê bình cho là gịọng điệu của “Lửa “ . Cái làm nên khác biệt của trường ca Trần Anh Thái lsự phá vỡ những nguyên tắc cấu trúc của trường ca truyền thống, cấu trúc  trong trường ca của anh dựa hoàn toàn vào cảm xúc, lấy cảm xúc làm mạch chủ đạo, mạch sự kiện chỉ nảy sinh nhờ liên tưởng như lời nhận xét của Chu Văn Sơn không bám vào những sự kiện chính sử, mà kết hợp  chính sử với dã sử để tạo ra một không khí huyền sử đậm nét. Trường ca Trần Anh Thái mạnh ở yếu tố trữ tình .

 

Chúng tôi  lưu ý sự phát triển hai khuynh hướng trường ca đương đại VN : trường ca trữ tình và trường ca tự sự,mong làm nổi rõ sự phong phú đa dạng chung của thể loại này – dàn “đại pháo”- của nền Thơ Việt ,  lấy đó làm cơ sở  , cổ suý cho một sự phát triển đa dạng các phong cách sáng tác , các tác giả  tìm gặp và phát triển được cá tính sáng tạo của mình./.

Tháng 01-2010

Yến Nhi
Số lần đọc: 6058
Ngày đăng: 27.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thập kỷ mất mát, Bài 5 : Cuộc khủng hoảng dân chủ - Hiếu Tân
Thập kỷ mất mát, Bài 4 : Cuộc khủng hoảng khí hậu - Hiếu Tân
Khái quát những trường phái thi ca ( tiếp theo Thế giới thơ) - Khổng Ðức
Thập kỷ mất mát, Bài 3 : Cuộc khủng hoảng tài chính - Hiếu Tân
Thơ đã thất lạc quá lâu - Hoàng Vũ Thuật
Thập kỷ mất mát , Bài 2 : Cuộc khủng hoảng 11/9 - Hiếu Tân
Thập kỷ mất mát, Bài 1: Thế giới học được gì từ mười năm thừa mứa? - Hiếu Tân
Thế giới thơ… - Khổng Ðức
Mẹ Maria Mạc Khải Đường Về Thiên Đàng - Lê Nghĩa
Thơ có thể làm được gì ? - Khổng Ðức
Cùng một tác giả
Ban Mai (thơ)