Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
557
115.972.662
 
Thế giới thơ…
Khổng Ðức

Thật ra đây là những  điều đọc được trong sách chuyên bàn vế thi ca, gồm cả đông tây,  được ghi chép lại trong sổ tay, trong khoảng thời gian khá dài, rất cần cho những ai muốn tìm hiểu thi ca, nhất là cho giới học sinh sinh viên, nên  phổ biến ra cho mọi cùng biết. Việc ghi chép cũng chẳng theo một trật tự nào, đợi cho có thì giờ sắp xếp thành hệ thống hẳn hoi thi có khi lại mất hết…

 

Tại sao con người cần đến nghệ thuật? Vì nghệ thuật là phương thức bảo tồn tình cảm tốt nhất. Nó tươi mát sống động có thể đưa đến một lực lượng cọng minh là sự hưởng ứng  đồng cảm với mọi người..

 

Thi nhân hiện đại đi tìm kiếm cái thế giới nội tại của con người là cấp thiết. Đó là thế giới hình xoắn ốc, càng đi qua càng biến chuyển, càng thấy chân thực tính, càng  cảm thấy thế giới ấy sâu xa không sao lường được. Chính vì vậy mới khiến các tác gia hiện đại mãi mãi đào sâu vào đáy lòng  để tìm sự chân thực.

 

Cái chân cảnh của thi ca hiện đại không thể vận dụng công cụ của khoa học để xác định tính chân thực, cũng không thể dùng con mắt thịt ( nhục nhãn) để tìm kiếm chân thực, mà phải nhờ vào sức cảm xúc, cảm ngộ của bản thân thi ca may ra mới tìm được chân cảnh mà thôi.

 

Giá trị của thơ là giá trị bản thân của nó; cho nên thơ hiện đại ngoại trừ nó đem lại những khoái cảm còn không nhắm vào mục đích nào  khác. Thơ mà nhắm vào mục đích hay hiệu quả công dụng, thì chỉ là sản phẩm thứ đẳng .

 

Thơ hiện đại chuyển nhập vào thế giới thuần túy trừu tượng ; hầu như nó hoàn toàn bác bỏ những gì là truyền thống là qui cũ, mà đặt nặng vấn đề biểu hiện tự ngã, cố lắng nghe những xung động nội tại của chính mình. Dùng tự ngã làm trung tâm kiến lập một trật tự mới, một truyền thống mới, chủ yếu là biểu xuất cái chân cảnh của nội tâm. Vì mỗi một thi nhân đủ tư cách là thi nhân hiện đại đều muốn biểu hiện cái hướng hoạt động tâm linh của chính mình. ( Có thể lá cái không nói ra được bằng lời mà chỉ có thể bằng thơ).

 

Do đó mà họ không thể không khổ tâm kiệt tứ tìm kiếm các phương pháp nào để biêu hiện, không kể nó là nội tại hình thức, hay ngôn ngữ, ngữ pháp luôn luôn phải mới, phải biến đổi. Đó là một trong những nhân tố tiến bộ lớn nhất trong thi ca hiện đại.

 

Người xưa thường nói : “ tình động ư trung nhi hình ư ngôn”Tình đó thi nhân hiện đại gọi là “tình thú” ( thích thú hứng thú), Tình ý. Tình thú, tình ý đều là do sự cảm thụ mẫn nhuệ của thi nhân đối với sự hấp thụ sự vật ngoại tại và sự uẩn nhưỡng nội tĩnh mới thành ra một thứ gọi là “ ý tượng” (动於中而刑於言-情趣)意象.Bản thân của ý tượng mang tính thần bí, tính âm nhạc và tính ám thị. Do đo thơ hiện đại buổi đầu làm cho độc giả có cảm giác áo bí thâm sâu và tối tăm khó hiểu.

 

Do nơi bản thân ý tượng  khó chụp bắt, mà nhà thơ phải khổ sở đặt nặng việc phô trương ý tượng.Thậm chí có một số thi nhân vội vã đưa ra những cái chân thực nội tại chưa qua sự chỉnh lý của lý tính – đó là những gì của tiềm thức, hay vô ý thức, là cái thế giới cực hổn loạn chưa được chỉnh l;ý mà cũng không có cách gì chỉnh lý được. Thơ hiện đại vì muốn “truyền chân” điều đó không trải qua cái thế giới quá độ của lý tính. Nó còn đập phá  ngữ pháp truyền thống, để tự tìm ra tính chuẩn xác của ngữ ngôn; không coi trọng sự miêu tả xác thiết các hiện tượng của sự việc, mà là đi tìm sự biểu hiện xác thiết tính nội tại hoàn chỉnh. Nó không tự thuật lại cái diện mạo mà là triển thị cái “linh” của sự việc. Thi nhân hiện đại cũng phải vận dụng  cái công cụ văn tự để hình thành; nhưng  họ phải đập phá cái ngữ pháp truyền thống, mà thiết lập tổ chức một trật tự ngôn ngữ  mới.

 

Điều mà thi nhân hiện đại  muốn diễn tả là chân cảnh nội tại; chứ không phải  là cái vỏ trang sức ở bên ngoài. Thí dụ :

 

Mùa hạ kéo dài những nụ hôn tham lam

Những  gương mặt lạ lướt qua không âm vang

Nụ cười nắng rỡ ràng  mái phố

Bước, bước đi những bước đi lẻ loi chếnh choáng

Vẫn có những tự đặc biệt mang tính nội hàm, tượng trưng, như :

Em chỉ còn là hình sương bóng khói

Mùa hạ thắp lửa hư tưởng  lên trời cao nhức  nhối

 

Mỗi khi nói đến Sex, người ta thường có ý niệm xấu; thực ra sex là biểu hiện ý niệm nguyên thủy sinh tồn của con người. Nó biểu hiện  bản năng nhu cầu của con người, của thơ, nó là chân cảnh.

 

Con người luôn luôn mong mỏi trưởng thành, mong mỏi có một cuộc sống hào hoa; cho nên luôn luôn tự thân phải đề phòng cảnh báo, tự thân phải tỉnh táo, tự thân phải tự hành hạ thúc giục. Nó tự bảo, nếu phải cầm lấy roi quất vào háng của anh thì không sao có tiến bộ. Giống như kẻ hầu hạ (hoạn quan) trong cung đình, vĩnh viễn không thể nào sống cho bản thân mình. Điều đó chứng tỏ khát vọng cuộc sống thành trưởng thành bi ai; cho nên tốt nhất là không trưởng thành vĩnh viễn mãi mãi ở giai đoạn thuần trinh. Nó cho rằng  con người ngoài cái bản thân mình ra, không còn có đối tượng nào để ỷ lại được cả. Đó là chân cảnh mà các thi nhân hiện đại đang theo đuổi.

 

Tóm lại chân cảnh trong thơ hiện đại, không biểu hiện cái hình thức ngoại tại, mà là biểu hiện cái thực cảnh nội tại. Nó không nằm ở cái biểu tượng thực tại, mà là ở nơi chân thực cảnh của tâm linh; không phải ở nơi thế giới vật chất hổn loạn, mà là ở nơi cảnh giới tinh thần vô hạn; không phải ở nơi biểu hiện thường thức phong phú, mà là biểu hiện cuộc đời phức tạp rắc rối. Sự siêu tuyệt của trí tuệ, Shakespeare cũng từng nói:“ con mắt tinh anh của thi nhân, điểm thần kỳ của nó là được nhìn qua lại, trên dưới, có thể từ trên cao nhìn xuống, hay từ dưới thấp nhìn lên cao; trong khi sự tưởng tượng của nó chưa hề bị cái sở trị của hình thái sự vật cụ thể hóa, thì cây bút trần của thi nhân có thể khiến  cho chúng định hình tượng, cùng cung cấp cho những gì hư vô hóa ra sự vật, và gán cho nó tên gọi.”  Đó tức là thị cảnh rộng rãi mênh mông của thi nhân. Nó không nhìn thế giới như chỉ có một điểm mà là nhìn toàn thể vũ trụ, rồi về sau đem cái chân thực từng thấy được triển hiện ra với mọi người; đó là chân cảnh.

 

Ngôn ngữ thơ vốn mang tính chất súc tích, là chữ ít mà nghĩa nhiều, chữ thơ phải có dư âm dư vị. Đó là công đề luyện của tác giả. Ngôn ngữ thơ khác với tiếng nói thông thường. Vì thơ là một thứ biểu hiện nghệ thuật, nó phải xuyên qua sự trầm tư, phản tỉnh và đề luyện của thi nhân, tạo ra sự tân tươi, tinh xác, giản khiết, sinh động và ưu mỹ, để biểu hiện thành ngôn ngữ thích đáng của tính linh con người. Ngôn ngữ thích đáng (adequate language) là sự thẩm mỹ chứ không phải là lý trí. Bản thân của ngôn ngữ thơ chỉ ban cho chúng ta một thứ mỹ, chứ không phải một thứ tri. Mỹ hay cái đẹp là sự cảm thụ; còn tri  là một thứ thuyết minh, ngôn ngữ thơ là ngôn ngữ cảm thụ chứ không phải thuyết minh. Cảm thụ không nhất định là sự vật cụ tượng .

 

Sự diễn biến của ngôn ngữ tùy theo trào lưu  thời đại mà tiến hóa. Cổ đại có ngôn ngữ của người cổ đại, ngày nay có ngôn ngữ của ngày nay. Ngôn ngữ dùng lâu quá  mất hết trương lực, không đủ để diễn đạt tư tưởng và tình cảm của thi nhân ngày nay, dĩ nhiên không thể khiến người hiện đại  cọng minh đồng cảm, hưởng ứng.

 

Ngôn ngữ thơ có lực nội hàm; câu thơ do nội hàm mở rộng ra trương lực ngoại diên, câu thơ thành đậm đặc, nồng độ.

 

Nhiều người cho rằng  thơ hiện đại khó hiểu; ngôn ngữ thơ hiện đại quá rắc rối tối tăm, quá trừu tượng, cũng đúng. Vì đó là những độc giả, trong căn bản chưa bao giờ tiến nhập vào thế giới thơ. Hay nói rõ hơn là họ không có sức cảm được dòng hải lưu thâm sâu. Thi nhân ngày nay đòi hỏi độc giả phải tiến sâu vào thế giới của họ. Tức là tiến vào thế giới tâm linh, chứ không muốn độc giả đứng trên bờ biển mà ngắm bọt sóng; họ chỉ muốn độc giả lặn sâu vào đáy biển mới cảm thụ được dòng hải lưu to lớn. Muốn hiểu được ngôn ngữ thơ ít nhất cũng phải trải qua nỗi khổ tâm như nhà thơ sáng tạo ra ngôn ngữ ấy. Có thế mới cảm ngộ được ý mới của thơ, mới có thể cảm ngộ được gì ở trong thơ, đó là sự khoái cảm. Và thứ  khoái cảm ấy không phải là hình tượng cụ thể, mà bản thân của thơ chỉ ban cho một thứ khoái cảm, ngoài ra không có gì khác.

 

Thi nhân hiện đại vận dụng ngữ ngôn, không phải nhắm vào sự vật để miêu tả nó, mà là nhắm vào sự tượng  mà biểu hiện, không phải miêu tả thế giới ngoại tại mà là khai quật cái thế giới nội tại của sự vật đó.

 

Ngôn ngữ thơ hiện đại không hạn cục chỉ có một ý nghĩa nhất định, mà là khuyếch triển ra vô hạn ý nghĩa, nó có thể đưa độc giả tha hồ tưởng tượng. cho nên chúng ta có thể nói, ngôn ngữ thi ca hiện đại là ngôn ngữ của tưởng tượng, ngôn ngữ nhiều biến đổi, ngôn ngữ của tối tăm.

 

Thi nhân hiện đại thông thường nhắm truyền chân chính xác cái chân thực nội tại của con người, mà vận dụng một thứ ngôn tự động. Thứ ngôn ngữ ấy không hợp với logic và không hợp  với ngữ pháp truyền thống. Nó có thể đảo lộn từ tính, động từ làm danh từ hoặc danh từ làm động từ. nhưng đó là điều bất đắc dĩ, chứ không phải cố ý làm ra thế; mà có cố ý thành ra trau chuốt, hay là ma quỷ chơi chữ.

 

Trước mắt thơ hiện đại tỏ ra trưởng thành, và thi nhân  hiện đại, lại lần nữa nỗ lực vượt khỏi cái tự ngã, loại bỏ cá tính, tình tự trình hiện chủ quan, mà chú trọng đến  sự phi cá tính, phi tình tự, triển thi khách quan. Rồi thì họ không thể không  sáng tác càng chân thật hơn, ngôn ngữ càng  tươi tắn mới hơn, nhắm trình hiện tâm ý của một đời, truyền chân cái chân thực của nội tại của một thời đại. Đó là sự kiện  ngôn ngữ thơ hiện đại mang tính siêu thoát. Cho nên ngày nay chúng ta đọc một bài thơ trước tiên phải nhận định đó là một thứ thẩm mỹ nghệ thuật, chứ không phải là công tác tìm hiểu một vật. Thi nhân hiện đại theo duổi việc sáng tạo ra ngôn ngữ mới, mà cũng là theo đuổi sáng tác ra tân nghệ thuật.

 

Nói về  tưởng tượng và ý tượng trong thơ .

 

Theo Trần Thiệu Bằng thì sự tưởng tượng là lạc thú của cá nhân. Lạc thú duy nhất khi con người cô độc.. Tưởng tượng hay ý tượng  vốn phát sinh từ “con mắt của nội tâm”, cái mà Hunt gọi là con mắt tâm linh (the mind’s eye) cũng gọi là ký ức của thị giác (visual memory). S.T. Colenridge gọi là con mắt nội tại, nó là đại biểu cao siêu của cảnh giới tinh thần.

 

Thi nhân dựa vào sự hoạt động của tâm linh, làm sống lại những kinh  nghiệm dĩ vãng, dựa vào ký ức hay tưởng tượng  sinh ra tâm tượng  ( mental image), tức là các nhà tâm lý học hiện đại gọi là Ý tượng (imagery.) Ý tượng vốn là một danh từ của tâm lý học. cái gọi là  ý tượng tức là  ký ức của ý thức. Nó là cái thứ từng kích thích tri giác mà không còn ở trước mắt, nó có thể làm cho tri giác ấy sống lại, cái dĩ vãng mà tri giác làm sống lại có khi toàn bộ, có khi chỉ một bộ phận mà thôi. Theo kết quả của các nhà nghiên cứu tâm lý học, thì thị giác tâm tượng  sinh ra ở nhi đồng  nhiều hơn là ở lớp trưởng thành .

 

Thị giác tâm tượng so với thị giác hình tượng thông thường thì tâm tượng  sinh động tinh vi hơn. Các học giả thường miêu tả cái kinh nghiệm, nhiều người trước khi ngủ hay trong mộng thường có  kinh nghiệm ấy.

 

Ý tượng thính giác ít hơn so với thị giác, nên có người nghe âm nhạc hay nghĩ đến màu sắc, hay màu sắc có thể tượng trưng cho âm thanh.

 

Ý tượng dùng trong phương diện thi ca, cơ bản thường lợi dụng minh dụ hay ẩn dụ. Trong tâm lý chúng ta sinh ra tác dụng liên tưởng. Theo Hunt thì tưởng tượng và  ảo tưởng  được dùng trong tu từ học gọi là (figure of speech- tỉ dụ). Về tính chất thì bao quát tưởng tượng và ảo tưởng , về phương pháp  là lợi dụng  tỉ dụ. Thi nhân vĩ đại đều thích dùng  minh dụ, có người lại thích dùng ẩn dụ.

 

Ám dụ rất quan trọng trong thi ca, ám dụ là nói cái này thực sự là chỉ cái kia (saying one thing and meaning another). Nhưng  khi sáng tạo ý tượng  thì cần phải suy tư chọn lọc thật chu đáo.

 

Đọc Spinoza, nghe tiếng máy đánh chữ nghĩ đến mùi nấu nướng từ nhà bếp bốc lên; đó là những kinh nghiệm mà một con người có thể  gặp qua trong một sát na thời gian. Nhưng với một nhà thơ chân chính không thể hoàn toàn bỏ qua, mà tất cả  đều dung nạp vào tứ thơ của ông ta. Vì dù trong một sát na gặp được các thứ kinh  nghiệm, giá trị của nó không đồng đều. Nhiệm vụ của thi nhân là lựa chọn trong đống xô bồ đó. Nhà phê bình tiếng tăm của anh quốc là I.A. Richard nói : tư tưởng đều là việc chọn lựa (All thought is sorting). Thi nhân chọn ý tưởng ngay trong cuộc sống bình thường .

 

Ngôn ngữ văn học giống như thổ nhưỡng, dù phì nhiêu đến đâu, cày xới trồng tỉa qua nhiều năm tháng thành cằn cỗi. Chữ nghĩa cũng vậy, nên phải canh tân, mỗi thời đại mỗi khác, chữ nghĩa dùng mãi thành sáo mòn.

 

Cách dùng chữ của mỗi người phải là đại biểu cho cá tính của mình. J. Donne  từng nói :”Tâm của một nhà thơ phải như cái hạt trần trụi, cái tâm tư tưởng không hề trau chuốt “. Nhưng thực tế không phải như vậy. Thi nhân cần phải dùng các dạng thức văn, từ giản đơn chất phác đến phức tạp hoa lệ, thử nghiệm đủ thứ, có lúc dùng phương thức cô đọng, có lúc dùng phương thức dàn trải, có lúc tước bỏ chi tiết, có lúc dùng ngữ cú trùng điệp. Như Lý Bạch : Khí ngã giả, tạc nhật chi nhật bất khả lưu

Loạn ngã giả, kim nhật chi nhật đa phiền ưu

Hay như Trần Tử Ngang :

 

Tiền bất kiến cổ nhân          

 Hậu bất kiến lai giả

Niệm thiên địa chi du du      

Độc thương nhiên nhi lệ hạ.

 

Thi nhân mượn văn tự đóng đủ các vai trò để diễn xuất “ cái tự ngã chân chính“ của mình. Thứ văn tự ấy biểu diễn ra sao, có được sự xúc động đối với chúng ta không , đó chính là tiêu chuẩn để chúng ta thẩm định đối với mỗi bài thơ. Mỗi nhà thơ, không cứ là trực tiếp hay gián tiếp, đều là hướng về một cá nhân nào đó mà tỏ bày, đối phương có thể là độc giả , cũng có thể chính là bản thân tác giả. Tự trong ý thức có những tình cảm khác nhau, tự mình đóng một vai trò khác, như nói với người yêu, dự ngôn hóa là tư tưởng gia, phẩn thế tật tục, phúng thích, đồng thời nó cũng biểu diễn những thái độ khác nhau, như hoan hỉ, phản kháng, hoặc tuyệt vọng, hoặc ngang tàng, hoài nghi  hay tự tín…

 

Ý tượng (意匠) này khác với ý tượng  là hình ảnh (image); nó là tâm ý của họa sĩ khi vẽ tranh, giống như người thợ cấu tạo hình trong đầu; công phu lập ý của thi  nhân trước khi cầm bút viết. Xưa gọi là hứng thú, thần vận, cảnh giới. Thơ Tây phương thì chia ra  là cổ điển, lãng mạn, tượng trưng, hiện đại, v…v…. Anh văn gọi là “ design”.

 

Sau khi đọc một bài thơ có cảm giác gì, đó là thuộc về sinh lý, mỗi người đều có mỗi ý khác nhau. Emily Dickinson nói : Khi tôi có ấn tượng phảng phất rằng đầu óc tôi như bị ai lấy đi, thì tôi biết đó là thơ chân chính (Quand j’ai l’impression physique que le sommet de ma tête s’en va, je sais que je lis de la vraie póesie). Đó là phản ứng  hoàn toàn thuộc trục giác hay do “ma lực” hàm lượng  của thơ, đương nhiên là từ thông điệp (message) cục hạn đem lại. Vì thơ là một thứ nghệ thuật, chứ không phải là một công cụ phục vụ xã hội. Thế nhưng  thơ không thể không mang ý nghĩa chân chính; sự phát sinh ra thơ là từ bên ngoài xâm nhập vào bên trong , tức là do sự vật ngoại giới xâm nhập vào tâm tư của thi nhân. Từ đó nó mới đổi mặt thay đầu, làm mới lại và sáng tạo ý tượng (image) mới, cuối cùng mới dùng văn tự thiết kế thích hợp mà biểu đạt. Thế nhưng  nhà thơ R. Frost lại nói: Thơ là sự biểu hiện của văn tự. Nhưng  nhiệm vụ của thi nhân không phải đem văn tự hay vận luật đẹp đẻ truyền đạt cho độc giả, mà chính là đem ý nghĩa nào đó truyền đạt cung cấp cho họ. Ý chính hay chủ chỉ là phản ứng  của thi nhân đối với xã hội nhân sinh, do đó hình thức và nội dung  của thơ không thể tách rời ra được..

 

Cuộc sống khắp nơi đều là nguyên liệu nghệ thuật chưa gia công. Chỉ cần xem sự tuyển chọn của nghệ thuật gia, tự thân dùng phương thức  xử lý đặc biệt như thế nào. Vì ở phía sau của tất cả các tác phẩm nghê thuật, nếu chịu khó tìm hiểu đều có thể thấy được bản năng của nhà nghệ thuật, đó tức là tâm tượng, cách xử lý những tài liệu là tố chất của ông ta. Các hiện tượng nhân sinh  đều chưa hề mài dủa là thứ rối rắm; nhưng khi nghệ thuật dùng phương thức xử lý các thứ nguyên liệu đó, thì ông ta không muốn đánh mất cái ý vị tươi mát vốn có của nguyên liệu trước khi gia công , bởi nghệ thuật phẩm phải có sức gây cảm xúc cho người là ở chỗ đó. Bài thơ gây được cảm xúc nơi người đọc. nói như  nhà thơ Anh quốc là “ nỗi đau đem máu hòa vào mực” (the paint of turning blood into ink). Có người cho máu không chưa đủ mà phải có tưởng tượng và trí tuệ kết hợp mới được.

Trên đời không hề có các chủ đề vô vị, mà chỉ có vô vị trong thơ mà thôi.

 

Vận dụng trương lực của ngôn ngữ.

 

Ngôn ngữ thi ca là thứ ngôn ngữ được cải tạo, đề luyện thành hàm súc, đa nghĩa, nó khác với ngôn ngữ thường dùng hằng ngày giao tiếp. Ngôn ngữ thi ca có tính dàn trải, ẩn tế, ám thị, ẩn dụ, tượng trưng v..v…nên nó có độ trương lực; nó không nói thẳng trực tiếp mà là gián tiếp, nó diễn tả bằng hình ảnh , bằng ý tượng .

 

Phóng xạ thi hay đầu xạ thi (projective verse) lả một học thuyết thi ca của trường phái Black Mountain College, thủ lãnh là  Richard Aldington xuất hiện ở Mỹ vào khoảng thập niên 50, tại trường đai học ở Massachuete, hiệu trưởng cũng chính làAldington, ông cùng với hai giáo sư là Robert Duncan, va Robert Creenley thành lập nhóm tiên phong và tạp chí bình luận, phản đối truyền thông cách luật của trường, đề ra thể thơ gọi là “ phóng xạ thể” Từ năm 1950 , Aldington đưa ra tuyên ngôn trình bày quan điểm chính của nhóm, bỏ các hình thức cổ điển, cú pháp và cách luật, chỉ cần thuận theo nhịp điệu âm nhạc như hơi thở. Hình thức dàn trải theo nội dung, cho rằng thơ là do thi nhân đem khả năng của mình truyền đến độc giả, một sự vật, một đồi tượng gì. Do đó thơ là “kết cấu của khả năng” và là sự “phóng xạ của tài năng”, một ý niệm cần phải trực tiếp hướng dẫn một ý niệm khác, đề ra sự tả tác mau lẹ. Lý luận cơ sở của ông ta là “ ý thức sinh lý học” cho rằng sự hoạt động của thơ không chỉ liên quan đến đầu não, mà còn liên quan đế phản ánh cảm xúc của giác quan, còn thể nạp đến tât cả cơ quan, toàn bộ thân thể. Vì vậy, tổ chức văn tự là  một thứ thuộc thể ẩn hình, nó có cả ấn ký của nhục thể con người và do đó phương pháp sáng tác thi ca gồm có hai bộ phận tổ hợp thành hình :

 

I.- là từ đầu xuyên qua hai tai đến âm tiết,

2- là từ tâm thông qua sự hô hấp đến các dòng thơ.

 

Nó là hình thức khai phóng  bộc lộ các thứ hình thái, má Aldington gọi là thơ “phóng xạ”. Phái này còn đề xướng cách trình bày thơ là lãng tụng, nhấn mạnh tính tự phát và khẩu ngữ hóa thi ca., nó có ảnh hưởng lớn trong thi ca Mỹ một thời.

 

Sao lục tháng 1-2010

(Còn tiếp)

Khổng Ðức
Số lần đọc: 2713
Ngày đăng: 21.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mẹ Maria Mạc Khải Đường Về Thiên Đàng - Lê Nghĩa
Thơ có thể làm được gì ? - Khổng Ðức
Từ Láy trong Cung Oán Ngâm Khúc - Trần Minh Thương
Ðám rước- 1 - Nguyễn Ước
Chủ Nghĩa Platon của Viết - Hamvas Béla
Vấn đề ứng dụng phân tâm học vào phê bình văn học ở đô thị miền nam 1954-1975 - Trần Hoài Anh
Tiểu thuyết trong quan niệm của lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954-1975 - Trần Hoài Anh
Thử lý giải hiện tượng ngâm khúc hình thức song thất lục bát không phát triển ở thời hiện đại - Trần Minh Thương
30 năm văn xuôi Đồng Nai, một phác thảo - Bùi Công Thuấn
Jean-Paul Sartre ,Nỗi đam mê làm người của thế kỷ 20[1] -1 - Phan Huy Đường
Cùng một tác giả
Nhân đọc bài (tạp văn)
Bức thư rơi… (truyện ngắn)
Thi Tính Tự Do (tiểu luận)
Khí hạo nhiên (tiểu luận)
Thần tứ (tiểu luận)
Thế giới thơ… (tiểu luận)
Mỹ học tiếp thụ (nghệ thuật)
Con tim nhà thơ… (nghệ thuật)