Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
665
116.697.718
 
Khi nàng thơ thay áo…
Yến Nhi

 

(Tản mạn về một bài thơ)

 

              Nhà thơ Trúc Thông là người tôi yêu mến và khâm phục về tài thơ của ông. Bài thơ Bờ sông vẫn gió của ông viết năm 1983 cho đến nay vẫn được xem là một thi phẩm xuất sắc viết về tình  mẹ - con.

                Hình tượng trong thơ truyền thống chủ yếu được xây dựng theo phương thức tả thực. Thơ bây giờ trong sự giao thoa với các dòng văn hoá mới, các phương thức xây dựng hình tượng đa dạng hơn, kịp hòa nhập cùng dòng chảy văn hoá hiện đại các yếu tố siêu thực, trường liên tưởng tâm linh, cái “ khoảng mờ trong vòng tròn nhận thức ”( Kant ), bấy lâu chưa được chú ý lắm nay được gia tăng, từ đó đưa đến một hệ quả “tính chất cá biệt” ở nhiều bài thơ hiện đại rõ rệt hơn, đa dạng hơn, tác động thẩm mỹ phong phú vào tâm hồn người đọc .

              Bài thơ Bờ sông vẫn gió tạo một hiệu ứng thẩm mỹ khác lạ nhờ yếu tố hư ảo-tâm linh! Đứng ở bờ sông thấy gió lay lá ngô nhớ mẹ, theo cách nghĩ dân gian thấy hiu hiu gió tưởng là hồn về, tưởng mẹ về nhưng không thấy. Lòng mong nhớ khôn nguôi người con “xin” mẹ về một lần nữa thăm lại những kỷ niệm một thuở. Bài thơ diễn tả sâu sắc tình cảm của những người con đối với bậc sinh thành đã khuất. Bài thơ hư hư thực thực, lãng đãng khói sương. Hiện tại và quá khứ, thực và mộng đan lồng vào nhau. Thi đề “nhớ thương cha mẹ” ta được gặp rất nhiều trong thơ ca nhưng ở đây thể lục bát đã được cách tân và chất hư ảo làm màu sắc hiện đại khá rõ.

             Nguyên tác ( lục bát truyền thống ) :

 

Bờ sông vẫn gió

 

Lá ngô lay ở bờ sông

Bờ sông vẫn gió

Người không thấy về

Xin người hãy trở về quê

Một lần cuối… một lần về cuối thôi

Về thương lại bến sông trôi

Về buồn lại đã một đời tóc xanh

Lệ xin giọt cuối để dành

Trên phần mộ mẹ nương hình bóng cha.

Cây cau cũ, giại hiên nhà

Còn nghe gió thổi sông xa một lần

 

Con xin ngắn lại đường gần

Một lần… rồi mẹ hãy dần dần đi

                           1983

             Đã có hàng chục bài bình tác phẩm này trên các trang mạng cũng như báo viết, nói về nội dung cũng như hình thức bài thơ , trong số đó tình cờ tôi đọc được vài bài bình khá hay trên mạng (* )nhưng nguyên tác bài thơ trích dẫn có khác. Đó là các câu thơ 6 cũng như 8 không viết hoa đầu dòng, vài chỗ viết theo kiểu vắt dòng leo thang.           

 

                 Bài thơ viết đổi lại theo dạng 6-8 cách tân :

Bờ sông vẫn gió

                     ...lá ngô lay ở bờ sông

bờ sông vẫn gió

                 người không thấy về

xin người hãy trở về quê

một lần cuối… một lần về cuối thôi

về thương lại bến sông trôi

về buồn lại đã một đời tóc xanh

lệ xin giọt cuối để dành

trên phần mộ mẹ nương hình bóng cha

cây cau cũ, giại hiên nhà

còn nghe gió thổi sông xa một lần

 

con xin ngắn lại đường gần

một lần… rồi mẹhãy dần dần đi

                           1983

          Thấy hay hay tôi đọc kỹ lại bài thơ, quả thật theo lối viết mới này bài thơ đem lại cho người đọc một cảm giác có phần mới mẻ.

           Bài trên là lục bát truyền thống, bài dưới là lục bát kiểu mới. Chỉ thay đổi kiểu viết hoa đầu hàng và một chút ngắt nhịp, vắt dòng, nhưng hiệu ứng thẩm mỹ rất khác nhau. Ở bài lục bát cách tân đưa đến cho người đọc một ấn tượng thị giác khác lạ vì đập vào mắt người đọc là một khối thơ liền kề không phân câu, không viết hoa đầu dòng và một nhạc cảm bên trong mới mẻ bởi hơi đọc chạy suốt toàn bài, tiết tấu chỉ thay đổi ở chỗ ngắt câu, vắt dòng. Nhờ cái nhịp điệu tác động vào tai và cái hình khối đập vào mắt mới lạ bài thơ tạo ngay một hấp dẫn thẩm mỹ ban đầu, sau đó tác động tâm trạng nguời đọc gợi một nỗi xót thương, khắc khoải dai dẳng, nguyên khối, lẫn một chút nôn nao, xao xuyến, ngập ngừng mà bài thơ 6-8 kiểu cũ không có!

         Phân tích vậy để thấy rằng đổi mới không chỉ là một “cố ý” của sự sáng tạo nói chung mà có khi chỉ là một ngẫu nhiên của hình thức thơ ca nói riêng!

      Cách tân thơ thường là một song trùng : nội dung mới mẻ thì hình thức tác phẩm thay đổi theo, đạt được tính cách tân. Có khi là một trải nghiệm đơn tuyến, hình thức không có gì thay đổi nhưng nội dung thay đổi thì bài thơ cũng đạt sự cách tân nhất định. Thí dụ bài thơ sau của Đồng Đức Bốn , nhà thơ thuộc “nòi quê” 100%, thơ ông chủ yếu theo phong cách truyền thống dân dã, tuy nhiên trong sự ba động qua lại với môi trường thi ca hiện đại nhiều chi tiết thơ có màu sắc tân kỳ được tạo lập khá uyển chuyển tạo một cảm giác thích thú cho người đọc.

Câu thơ nấp ở sân đình
Nhuộm trăng trăng sáng, nhuộm tình tình đau.
Nhuộm buồn những hạt mưa mau
Thành sao nở trắng vuờn cau trước nhà.
Nhuộm hương của các loài hoa

Thành mơn mởn tóc đuôi gà cho em.

     Hình thức câu thơ 6-8 truyền thống, chỉn chu về vần, nhịp, thanh, nhưng những chi tiết mới mẻ đậm màu siêu thực làm nó thuộc dạng tân kỳ…  Đem câu thơ nấp ở sân đình đi nhuộm trăng, nhuộm tình, nhuộm  buồn, nhuộm hương,  cho mưa, cho hoa…chắc những nhà thơ siêu thực đương đại hẳn  vui lòng chấp nhận trí tưởng tượng của Đồng thi sĩ để xếp đứng cạnh mình. Cái mới như vậy có thể ở nội dung , cũng có thể ở hình thức, chúng có tính độc lập tương đối .  Rất dễ nhận thấy một sự thực là cái mới nhiều khi chưa hẳn đã hay, và cái hay nhiều khi chưa chắc đã mới. Nhưng đã hay lại mới thì là một biện minh quí giá cho  Thơ. Ta thường cho rằng nội dung mới kéo theo hình thức mới, nội dung quyết định mà! Thực ra trong một sáng tác cái đầu tiên là xúc cảm của tác giả ( chủ thể sáng tạo), đến bài thơ viết ra có nhiều nội dung ý nghĩa tùy theo sự tiếp nhận độc giả đối với hình tượng thơ, đặc biệt những nội dung ý nghĩa khách quan mới này có thể khác nội dung  ý nghĩa chủ quan ban đầu của tác giả. Từng nội dung ý nghĩa có những tương quan hình thức thích ứng. Mỹ cảm bài thơ trong chừng mực nào là tùy biến theo cảm quan của chủ thể tiếp nhận ( người đọc).

      Bài thơ Bờ sông vẫn gió trên là một minh chứng, bài thơ có thể ghép vào loại thơ hay bất kỳ thời kỳ nào nhưng những bài sau, những biến tác mới theo cảm nhận độc giả có thể xem là giá trị cách tân lại không cố định.

     Trường hợp bài thơ trên gợi cho chúng tôi một suy nghĩ, quan hệ nội dung và hình thức bài thơ là một quan hệ tương tác, nội dung thay đổi làm thay đổi hình thức theo, nhưng hình thức thay đổi cũng kéo theo sự thay đổi của nội dung, làm mới hẳn tác phẩm. Chợt nhớ lại câu chuyên trong truyện ngắn cuả một nhà văn: người cha làm nghề bán đồ chơi trẻ con, bao năm sống với nghề , nhưng rồi thời thế đổi thay những đồ chơi mới lạ  được bọn trẻ thích thú , con búp bê kiểu cũ của ông không cò ai mua. Thương cha người con út bàn với cha thay bộ áo quần cho búp bê theo mốt mới, thế là những bộ áo cũ được thay bằng váy áo kiểu mới, rồi uốn tóc nhuộm màu…thế là người mua laị xúm xít quanh con búp bê mới này mua hết trong ngày..

    Xin mạnh dạn trình bày một cảm nghĩ của mình mong bạn đọc và nhà thơ Trúc Thông lượng xét .

 

--------

 ( *) http://www.thivien.net/Trúc-Thông/Bờ-sông-vẫn-gió/poem-kvurac0gEdgBYIDp_DMD5w

( Đào Mạnh Thông)

 ( * ) http://bahung.violet.vn/entry/show/cat_id/1658826/entry_id/1466181

 

 

Yến Nhi
Số lần đọc: 1471
Ngày đăng: 20.10.2018
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Là nước chẳng là sông - Đình Quân
Lâm Thị Mỹ Dạ và những bài thơ đi cùng năm tháng - Hoàng Thị Thu Thủy
Những bông hoa mùa trần gian (*) - Phan Nam
Trần Dzạ Lữ - hồn thơ nồng nàn lãng mạn - Hoàng Thị Bích Hà
Nguyễn Đức Phú Thọ - những vần thơ lay động, tinh tế - Hoàng Thị Thu Thủy
Tôi đi tìm “Tiếng chim thêu” - Hoàng Thị Thu Thủy
Cái khác thường của Tiên thơ Lý Bạch - Mai Văn Hoan
Trúc Thanh và bài thơ Mùa thu rớm lệ - Phạm Ngọc Thái
Mơ quê trong “Xóm cỏ” của Nguyễn Khôi - Đặng Xuân Xuyến
Song Tử “dòng thơ trầm cảm khôn khuây” - Đặng Châu Long
Cùng một tác giả
Ban Mai (thơ)