Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.389 tác phẩm
2.747 tác giả
680
116.719.362
 
Nhân vật bình dân trong một dòng văn xuôi tự sự địa phương
Yến Nhi

 

*

  Các nhà lý luận đã nói nhiều về văn hoá trong ý nghĩa vĩ mô với những quan hệ sâu sắc, rộng lớn đối với  con người và cuộc sống.  Con người trong văn chương hiện đại có những chuẩn mực gắn bó với các giá trị văn hoá lâu đời. Có một thời người ta nghĩ rằng có thể làm một phép tích hợp các hình tượng con người tu sĩ, con người tư sản, con người cộng sản là có mô chuẩn con người hiện đại. Nhưng rồi thất vọng! Thực tế đoạn đường trải qua đã chỉ rõ tính ảo tưởng của phép luận suy này, khi lý tưởng đã khác thì khó có thể có chung các hành vi, các giá trị.

 

           Con người VN hiện đại trước hết là con người tâm linh. Họ biết hướng tâm tưởng mình về các giá trị truyền thống, yêu quý giống nòi, tổ tiên, tiền bối đã có công  xây dựng đất nước, làng thôn. Lòng biết ơn nảy sinh tuệ nhãn thấy rõ mất còn, nuôi khát vọng, hành động kế tục nhiệm vụ và phát triển truyền thống như lời Bác dạy khi thăm Đền Hùng. Đó là con người hành động, mang sứ mệnh chinh phục tự nhiên, cải tạo hoàn cảnh sống. Có vấp ngã, thất bại nhưng không ngộ nhận! Niềm khắc khoải "chớ đem thành bại luận anh hùng"chỉ là một mệnh đề an ủi về tâm lý nhất thời, không phải là một mô chuẩn xử thế vĩnh hằng. Con người Việt Nam ngày nay, nổ lực hoạt động trên mọi lĩnh vực: sản xuất, kinh doanh, hành chính, khoa học , nghệ thuật, quân sự...,nắm vững quy luật  thị trường, tinh thông nghề nghiệp để gặt hái những thành công làm quốc phú, dân cường, sánh vai cùng bè bạn. Chúng ta không đề cao cái chủ thuyết dẫm đạp lên tất cả để thành công, nhưng cũng cần tham khảo cái ý kiến của Pearl Buck (nhà văn từng đựợc Nobel ) khi nói về nước Mỹ :" Trong xứ sở chúng ta tội lớn nhất là thất bại ". Con người  hiện đại có mối quan hệ hài hoà với cộng đồng và môi trường. Không chỉ có văn hoá trong giao tiếp "kính già yêu trẻ, vui v với mọi người " mà còn biết yêu quý, có trách nhiêm với môi trường. Yêu quý thiên nhiên, bảo vệ, làm trong sạch môi trường không phải là một yêu cầu hiện đại mà còn là sự tiếp nối phép di dưỡng tinh thần của người xưa.

 

            Nhiều học giả bàn về tính cách "con người Á- Đông", họ xét đặc điểm này thông qua các quan hệ: cá nhân - gia đình (dòng họ ) -  làng xã - quốc gia. Phải nói , so với Phương Tây thì Phương Đông yếu tố cộng đồng thể hiện qua quan hệ gia đình, dòng họ , làng xã, khá bền vững, đặc biệt  ở Việt Nam mối quan hệ làng xã lại càng đậm đặc hơn. Đặc điểm này là một thế mạnh giúp cộng đồng người Việt thực hiện khá thành công các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, tuy nhiên đi vào công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá, lại có không ít trắc trở do tính bảo thủ, mun mánh của cơ chế tiểu nông làng xã.

 

         Trong góc nhìn của chúng tôi, văn học thời kỳ nào, ở không gian nào chủ yếu cũng nhằm vẽ nên bộ mặt tinh thần của con người thời họ sống. Một thời hướng đến những nhân vật cao cả (anh hùng ca), một thời hướng đến những con người bình thường. Cao cả hay bình thường họ đều là những CON NGƯỜI ( viết hoa) đối tượng chính của văn chương! Trong bài này chúng tôi chỉ xin giới thuyết góc nhìn hướng đến  một  dòng  văn xuôi tỉnh lẻ, mà theo cách nói của Hégel, “từ một người có thể hiểu ra nhiều người!”

*

            Văn học Việt Nam nói chung và văn học Hà Tĩnh nói riêng, thơ ca phát triển sớm hơn văn xuôi.  Văn học Hà Tĩnh phát triển trên nền cuộc sống địa phương đầy cam go thử thách của thiên tai, giặc giã. Người ta cho rằng thể loại văn xuôi tự sự, đặc biệt là tiểu thuyết gắn với cuộc phát triển đầy kịch tính của Chủ nghĩa tư bản. Điều đó giải thích tại sao tiểu thuyết Việt Nam phát triển muộn và tiểu thuyết Hà Tĩnh cũng không ngoài số phận đó, tuy cũng có những cố gắng vượt qua đáng kể, những ngoại lệ.

           Trong hàng bao thế kỷ mảnh đất Hà Tĩnh luôn chịu nhiều thử thách, chiến tranh cùng với thiên tai địch họa, cuộc sống đầy rẫy khó khăn, dẫu vậy người dân xứ này vẫn nổi bật những phẩm chất tiềm ẩn : lòng yêu nước, tinh thần chịu đựng, sự bền bĩ, lòng quyết tâm ...Con người Hà Tĩnh được tôi luyện, tiếp tục truyền thống quá khứ của người dân đất Hoan châu - linh địa qua bao đời trở thành nhân vật gợi nhiều chú ý của văn xuôi địa phương. Dẫu còn nhiều bất cập và đậm nhạt khác nhau trong từng thời kỳ nhưng nhìn chung văn xuôi tự sự, đặc biệt với thể tài truyện, ký văn học Hà Tĩnh  phần nào đã khắc hoạ được chân dung con người hiện đại của vùng đất giàu truyền thống này. Văn học thế giới hiện đại hướng nhiều đến những con người bình thường trong mọi lĩnh vực. Đó là những  nhân vật bình dân nhưng mang nhiều phẩm chất tích cực cao đẹp trong đời sống. Trong quỹ đạo đó, con người Hà Tĩnh hiện đại, những nhân vật bình dân đủ các tầng lớp trong mọi lĩnh vực đời sống được thể hiện khá đầy đặn trong văn chương, dẫu chỉ là sự khởi đầu trong một dòng văn xuôi tự sự địa phương.              

               Trong chiến tranh những tác phẩm bên cạnh khắc hoạ những con người dũng cảm trong chiến đấu như Trí người dân tộc Bun ( Eo núi phía trước - Trần Hữu Tòng) khôn ngoan và gan dạ trong việc truy tìm những tên biệt kích đang trên đường lẫn trốn; thì người chiến sĩ trẻ Đức (Một khoảng trời - Nguyễn Sinh) thực sự làm người đọc xúc động với  tâm hồn trong sáng, sự cao thượng trong đạo đức, tế nhị trong tình cảm. Chiến tranh có những khắc nghiệt của nó, dễ làm con người mất phương hướng sa ngã, nhưng cái chính là sự biết đứng lên và bàn tay đồng đội tha thứ, cưu mang. Người phụ nữ càng cần được thông cảm và nâng đỡ. Xuân Thiều trong Mười ngày cho một đời đã có một cái nhìn đầy vị tha khi miêu tả quan hệ tay ba Châu, Lượng , Bình và đứa con Quân. Sự thương yêu và tha thứ thay cho thù hận, vì suy cho cùng chính chiến tranh đã giáng lên số phận họ những ngọn đòn vô hình mà không  nên khơi rộng vết thương đó ra.

            Số tác phẩm viết về cuộc sống hòa bình xây dựng khá phong phú và đa dạng về bút pháp. Tạm kể: Nguyễn Quang Thân - Người không đi cùng chuyến tàu, Văn Phan - Thời gian qua vườn hồng , Hữu Lợi - Mưa rừng , Nguyễn Hữu Đàn – Tiếng Nghệ Tĩnh, Võ Minh Châu -  Nỗi niềm ai tỏ  , Đinh Kính - Chuỵện riêng của tôi, Phan Cung Việt - Dương Quý Phi -Nguyễn Quốc Trung - Mùa hái điều,  Lê Cảnh Nhac - Lâu đài, Nguyễn Minh Ngọc - Chị Ngần v.v...

              Chiến tranh qua đi, để lại những di sản không phai mờ, cả tiêu cực lẫn tích cực. Con người trước những đòi hỏi khắt khe và đa dạng đã có sự phân hoá, bậc thang giá trị so với quá khứ đã có nhiều thay đổi. Đó chính là mảnh đất giúp thể tài tự sự phát  triển.

              Nguyễn Quang Thân trong Người không đi cùng chuyến tàu đã đối lập hai hạng người, hai số phận. Đính, cao thượng dám chiụ trách nhiêm, ưa lao động sáng tạo, sẵn sàng đón nhận một số phận hẩm hiu. Niềm hạnh phúc duy nhất của anh là sự chia xẻ, sự yêu mến của những công nhân trong đó có cả vợ của kẻ trù dập anh. Ngược lại, Thảo, kẻ háo danh, vụ lợi luôn thành công, có địa vị, gặp may. Nhưng cái điều bất hạnh nhất cho Thảo là sự xa lánh của người đời, trong đó  có người vợ thân yêu khi dần hiểu ra sự thật tầm thường của chồng mình. Văn Phan- Thời gian qua vườn hồng, trình bày một oái oăm của cuộc đời, nhưng cái nhìn nhân bản của tác giả giúp người đọc nhận chân tin tưởng vào ánh sáng của cái thiện. Con người sống để yêu thương và tha thứ. Cuộc sống Nam – Bắc dằng dặc, nỗi lòng người đi tập kết đã đổi thay, ngày về vườn cũ bao hối hận. Tình cảnh ông Tứ , bà Xoan là một trong bao hoàn cảnh trớ trêu của người dân Việt trong những ngày đất nước chia đôi. Cũng có những con người trong chiến tranh thì cao cả nhưng cuộc sống hoà bình dần nhuộm thẩm họ. Họ dần vụ lợi nhỏ nhen và những cuộc chia tay tất yếu sẽ xẩy ra (Chuyện riêng của tôi - Đình Kính ). Nguyễn Quốc Trung trong Mùa hái điều nêu một vấn đề làm người đọc không dễ bỏ qua,  cũng như không dễ giải thích. Vợ chồng Ba Ngư làm giàu nhờ vườn điều. Khi xây dựng thêm nhà mới gặp hài cốt liệt sĩ, định bí mật thủ tiêu. Giang và các công nhân đấu tranh, mụ vợ tìm cách mua chuộc, dụ dỗ nhưng không được. Công việc ra ánh sáng... Cái xấu phơi bày, nhưng ngày tháng qua đi, toà nhà của vợ chồng mụ vẫn toạ lạc trên khu nghĩa trang ngày nào! Văn Linh trong tác phẩm Người hành khất đã triết lý về thân phận con người bằng một hình ảnh tượng trưng : con người mạo danh - con người máy. Những con người mạo danh làm theo lệnh như một cái máy liệu còn tồn tại, còn phát triển? Hay sẽ mất đi? Câu hỏi dành cho độc giả. 

Cuộc sống mới dẫu đã thay đổi nhiều nhưng không phải đã hêt những nghịch cảnh. Lâu đài - Lê Cảnh Nhạc - là một bức tranh xám day dứt bao tấm lòng hiện tại. Một gia đình khốn khó không khác gì Nhà mẹ Lê của Thạch Lam trước Cách mạng . Một “lâu đài” trên cây đa của hai đứa bé. Cách đó không xa mẹ Thơm của chúng đang vật vã trong cô đơn, chuẩn bị sinh đứa em thứ ba...Người mẹ qua đời trong thương tâm. Chị Ngần - Nguyễn Minh Ngọc, một bức tranh khác về người phụ nữ, một tấm gương về sự hy sinh cao cả. Chị hy sinh cả tuổi xuân, cả nhan sắc cho gia đình chồng, cho chồng qua hai cuộc chiến tranh. Một sự hy sinh thầm lặng rất khó thấy rõ mặt trong các chiến công của người đời, nhưng thử hỏi nếu không có những người vợ, người mẹ như chị Ngần  thì liệu những chiến công khác của chúng ta có trọn vẹn như ngày  hôm nay ?

 

Những năm đầu thế kỷ các tác phẩm nổi bật với đề tài đổi mới, đổi thay môi trường sống kéo theo đổi mới tính cách. Bên cạnh những nhân vật sống với cuộc sống nông thôn mới, chống chọi Covid và hội nhập công nghệ số ( Không hẹn mùa côm cốm -Trần Quỳnh Nga, Chuyến tàu mùa thu  - Trần Hải Vân, Tiết bụt sinh - Nguyễn Trung Tuyến, Cỏ - Văn Lê )… là những tác phẩm với dư âm cũ. Các nhân vật của Đức Ban, những kẻ cơ nhỡ, sống trong tủi hờn: ông Trìu, lão Dụt, lão Đa ( Ngôi sao hôm leo lét, Đền thờ Đức Thánh mẫu, Hoa bần ) đa phần tội nghiệp, trải nhiều nghịch cảnh như là định mệnh luôn rình rập đẩy họ vào những sự không may. Không may về duyên số, không may về đường làm ăn, luôn chịu những hàm oan. Tuy nhiên cuộc đời khốn khó  chỉ làm sáng lên những khát vọng sống, những phấm- chất -người dẫu có khi lay lắt như một mầm cây trước giông bão.

 Chủ đề của văn xuôi Hà Tĩnh sau Cách mạng là sự biến tấu của những triết lý về thân phận con người trong đời sống hiện đại . Con người với nhiều va đập về số phận với nhiều trắc trở trong hoàn cảnh nhưng không ngừng vươn lên, vượt qua, không chỉ để “tồn tại” mà để làm chủ số phận mình, để “sống”.

Về nghệ thuật, văn xuôi Hà Tĩnh nhìn chung ít cách tân, về kết cấu đa số theo lối truyền thống, kết cấu theo tuyến sự kiện, theo thời gian tuyến tính. Thảng hoặc có đôi ba truyện kết cấu theo dòng tâm lý hay theo lối “đồng hiện” ( Đêm mù sương - Phan Trung Hiếu , Linh miêu - Bùi Hồng , Dương Quí Phi - Phan Cung Việt...) Hình ảnh quá khứ, hiện tại quyện lẫn tô đậm cho nhau cùng một bút pháp . Về nhân vật , trong một số tác phẩm tuy có pha lẫn các yếu tố hư ảo nhưng nhìn chung vẫn sáng tạo theo bút pháp hiện thực, xây dựng những cá tính bên cạnh tính chung. Nhân vật hành động trong những hoàn cảnh điển hình. Một số cây bút trẻ tác phẩm của họ có sự tìm tòi cách tân trong phương thức thể hiện. Bùi Hồng nhân cách hóa linh miêu, hoà đồng tâm  trạng vật với  người, Như Bình, Phan Trung Hiếu, Đức Ban đưa vào những chi tiết huyền ảo tạo không khí “Liêu trai” trong tác phẩm. Phan Cung Việt “giả lịch sử” để truyền đạt những thông điệp hiện đại. Ngôn ngữ nhìn chung có nhiều đổi thay, gần gũi đời sống và sinh động hơn. Cú pháp không quá câu nệ như cũ, nhịp điệu tự do, khẩn trương, sử dụng nhiều phương ngữ, khẩu ngữ...

                                                       *

           Một hiện thực rậm rạp sôi động được phản ánh trong tác phẩm, từ những dư ba đời sống chiến tranh, đến những mâu thuẩn nhân sinh trong cơ chế thị trường, từ những  nghịch lý nông thôn đến sự tha hoá thành thị..., các tác giả khai thác với góc nhìn mới. Hình ảnh con người bình dân thời đổi mới khá đa dạng được thể hiện trong các tác phẩm  được tô đậm với những sắc thái mới như tính sáng tạo, tính hiệu quả luôn đề cao ở các lĩnh vực đa dạng mới mẻ của đời sống như làm ăn kinh tế, chống thiên tai bão lụt, học tập khoa học công nghệ , tư duy khởi nghiệp….

           Các tác giả khi tiếp cận và khai thác hiện thực đa chiều đã bộc lộ tính độc lập, khả năng làm chủ ngòi bút, tầm nhìn và với thế giới quan tiên tiến phân tích sắc sảo đời sống  với trái tim cộng hưởng nỗi đau nhân tình thế thái, sẻ chia với những thân phận, những kiếp người sống quanh mình, đã tạo nhiều ấn tượng với độc giả khó tính thời hiện đại...

         
 

 

Yến Nhi
Số lần đọc: 275
Ngày đăng: 26.10.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thanh Thảo, hát giữa gió mưa - Nguyễn Đức Tùng
Về 2 chữ “Te tẻ” trong bài thơ “Chiều lạ” - Đặng Xuân Xuyến
Trần Quang Quý, ta lẻ loi đơn chiếc biết nhường nào - Nguyễn Đức Tùng
Lương Minh Vũ với lãng đãng khói sương hoài niệm - La Thụy
Một chút tâm sự khi đọc thơ Nguyễn Tuyển - Đặng Xuân Xuyến
Cảm nhận và bình thơ Trần Thoại Nguyên - Nguyễn Đại Hoàng
Cái nhìn nhàn nhã về Thơ Văn Trần Yên Hòa - Cung Tích Biền
Bàn tay nhỏ dưới mưa – tình yêu là hiến dâng - Huỳnh Thiên Kim Bội
Mùa thu, Apollinaire, Bùi Giáng, Phạm Duy, Hoa Thạch Thảo - La Thụy
Ai lên xứ hoa Đào - Lê Công Bình
Cùng một tác giả
Ban Mai (thơ)