Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
601
116.534.986
 
Giọt nước mắt màu đất và những ngụ ý
Yến Nhi

           

 (  tác phẩm của Đức Ban, NXB Hội Nhà Văn, 2014)

*

                 Giọt nước mắt màu đất gồm 9 truyện ngắn của nhà văn Đức Ban được viết chủ yếu ba năm trở lại đây. Trong bối cảnh sáng tạo có nhiều đổi mới của nền văn nghệ quốc gia, anh có tiếp thu và trong chừng mực nhất định cá tính sáng tạo của anh có nhiều đổi thay so với trước.   Từ cây bút chuyên sâu về đề tại nông thôn thời hậu chiến anh mở rộng sang viết về đời sống cộng đồng trong một môi trường rộng lớn hơn cả thành thị lẫn nông thôn, đời sống người dân thời đổi mới trong mối liên quan phức hợp từ văn hóa đến kinh tế , đạo lý đến phong tục, hiện tại trở về quá khứ…tất cả được soi chiếu bằng một cái nhìn cấp tiến và thể hiện bằng một bút pháp nhiều sáng tạo hòa vào vòng quay của nền văn xuôi đương đại.

 

         Mảng truyện thứ nhất, căn bản anh vẫn sáng tác theo bút pháp truyền thống, bám chặt vào mảnh đất hiện thực, sự dụng công tập trung vào các chi tiết gây hồi hộp cho người đọc. Đó là các truyện  Nước chảy, Sóng Bến Duềnh, Bên đường phố, Người đàn bà trên Cầu Giằng,Thăm thẳm  rừng xanh… Tuy xử dụng bút pháp tả thực quen thuộc nhưng nội dung nhiều nét mới . Những mệnh đề có tính triết lý chìm sâu dưới các truyện tạo một hấp lực không theo lối mòn. Hiện thực hiện lên không rõ ràng hai tuyến ta địch, không tô vẽ về những con người hoặc tốt hoặc xấu cụ thể đơn điệu, mà cái xấu, cái tốt phổ quát ở nhiều lớp người cũng như trong mỗi con người được hiện lên trong một phức thể khá tiêu biểu của đời sống đương đại.

 

           Đó là vị quan chức một thời tha hóa , cuối đời trở nên lương thiện khi gặp cảnh ngộ người đàn bà từng cưu mang mình nay trong thân phận thấp hèn vẫn le lói tình yêu quê hương chứa đầy kỷ niệm, Ông đã bị cảm hóa (Người đàn bà trên Cầu Giằng). Truyện khác dựng lên cảnh oái oăm ngang trái, người bị hại phải đi ở nuôi kẻ đã hại gia đình mình - một con chó lai - cậu Pin, “con nuôi” của một nhà giàu (Nước chảy). Sóng Bến Duềnh, Thăm thẳm rừng xanh lại đề cập đến một vấn đề khá phổ biến trong cuộc sống thời thị trường, kẻ thì chạy theo đồng tiền, kẻ thì chạy theo dục vọng làm những chuyện phi luân, nhưng phản trắc bội bạc đã chịu quả báo. Những nhân vật Hân, nhân vật Ông tiêu biểu cho lối sống tha hóa đó, kết quả bị chính cuộc sống đó hãm hại, bị vợ con phản bội  đẩy vào ngõ cụt bi thảm của số phận.

         Có hai truyện trong tập tác giả đưa đến cho người đọc hai mẫu đời đáng suy ngẫm. Một thanh niên học xong đại học, từng đi lính, từng làm báo, đầy chữ nghĩa, nhiều mơ ước ( chú Huyên) bị cuộc đời oái oăm xô đẩy phải lập thân bằng việc lập“ Tổ thợ nề ” sống cuộc đời cần lao lang bạt, với một tình duyên tủi cực, chua xót ( chị Hiền), chú sống vất vưởng, ngày lao động, tối làm thơ… rồi phá sản thất nghiệp, mắc bệnh tâm thần. Con người ấy cho đến lúc chia tay vẫn không quên được cái hòm sách chứa mơ ước một thời, nên nhờ cậu bạn chăm giữ hộ và luôn khuyên nhóm thợ đàn em sống ở đời phải lấy tình nghĩa làm trọng (Bên đường phố). Trong mưa, câu chuyện về một công chức tỉnh lẻ sống nhợt nhạt tù đọng chán ngán vì bao thất vọng: phục vụ cho thủ trưởng rồi cũng bị bỏ rơi, vợ chạy theo đồng tiền mong cứu vớt gia đình ra khỏi cái nghèo nhưng bị chính quỹ đạo đồng tiền nó hút vào, trụy lạc rời bỏ gia đình, anh ta bế tắc sống một đời nhạt chán nơi tỉnh lẻ, thui chột bao mơ ước ban đầu. Những nhân vật có vẻ như “sống mòn” kiểu mới bất lực  trong đời sống hiện đại. Bằng cái nhìn có phần khách quan, tiên nghiệm  Đức Ban hé mở bước đầu cho người đọc thấy không chỉ “ cái phần tối” trong con người thời nay mà còn chỉ ra cái  xấu , cái phi lý của cái khung xã hội hiện hình ra trong mặt trái của cơ chế thị trường , nguồn gốc đẻ ra những bất công, bế tắc dẫn đến sự hình thành , nảy sinh cái xấu, cái ác…

 

             Mảng truyện thứ hai có những nét  đổi mới làm rõ sự sáng tạo của cây bút Đức Ban. Lối trong rừng, một vở kich đầy hồi hộp, sự dẫn dắt tài tình của tác giả thông qua việc đi tìm báu vật của một vị giáo sư theo lời đồn. Đi mãi trong rừng gặp chủ nhân báu vật (Cố đạo) đấu trí, đấu mẹo mãi mới được cho xem. Nhưng than ôi một chiếc rương rỗng không , nhưng truyền mãi bao đời! Người dân thì u tối, mê tín, kẻ giữ của thì lợi dụng hư truyền để kéo dài địa vị quyền uy cha truyền con nối. Câu chuyện hồi hộp về một báu vật vu vơ trong quá khứ nhưng xem ra có ích phần nào cho độc giả về những ngụy tín mà người đời đang mắc phải trong những tranh chấp làng xã. Chốn xưa, một câu chuyện hư tưởng về một cuộc trở về của một bà lão và một vị tiến sĩ trẻ tuổi - Võ Mỵ . Trên một chuyến đò họ tình cờ gặp nhau và trở thành đồng hành tìm về làng cũ Hòa Nghĩa. Bà lão tìm về hương khói cho những người làng hy sinh trong một “cuộc bể dâu” làm ăn, khai khẩn hiện đại , chàng tiến sĩ về theo di chúc người cha một thời làm quan trên tỉnh, để lại cho con trai một vùng đất rộng lớn mà ông chiếm đoạt được. Nhưng than ôi, chỉ có một vùng hương khói mông lung đầy những vong hồn xiêu giạt bơ vơ. Truyện đẫm màu sắc hư ảo tâm linh nhờ những chi tiết sương khói chen những câu kinh, những tích Phật. Đức Ban thành công trong một lối viết giàu chất hư tưởng.

 

                Giọt nước mắt màu đất , truyện ngắn có nhiều dụng công của tác giả. Trong làn sóng công nghiệp hóa, trong bối cảnh bị xâm lăng kinh tế , làng Yên Linh một làng thuần Việt với đền thờ Thánh Mẫu ( nàng Len) một chứng tích lịch sử hào hùng chống xâm lăng trở thành nạn nhân của cuộc khai hóa biến thành vùng đất công nghiệp của ngoại quốc. Những khu rừng chống giặc được trồng lên trong quá khứ bị xóa sạch, làng mạc hoang tàn. Ông già người trồng rừng năm xưa càng buồn khổ hơn khi con gái vì lối sống phù hoa đã chạy theo ông chủ ra nước ngoài. Nhưng rồi như có phép thần thông, một cơn bão , một trận sóng thần xô đến cuốn đi hết . Không một dấu vết công trình còn lại. Ông lão mất trong cơn mơ, được thánh mẫu cứu vớt, lại gặp con gái nơi đền thiêng. Cô gái hồi tỉnh trở về , đền thiêng và dân làng vẫn còn văn hóa truyền thống vẫn còn trước sự xâm lăng kinh tế ngoại bang. Chủ đề tác phẩm tuy có chìm lấp dưới vài sự kiện hoang tưởng nhưng hiện lên khá rõ.

         Ở mảng truyện thứ hai này Đức Ban xử dụng nhiều thủ pháp mới không nệ thực và kết cấu tuyến tính như trước. Kết cấu truyện “vô chiêu thức”, khi kết thúc đột ngột, lúc song hành hai tuyến xưa và nay, khi nhảy vào trung tâm, lúc thắt mở nút như kịch…Đặc biệt chất huyễn hoặc được xử dụng đắt trong những bước chuyển từ hiện tại sang quá khứ, từ hiện thực  sang tâm linh, tạo một  không khí liêu trai khá hấp dẫn người đọc. Mưa một biểu tượng xuyên suốt tác phẩm: mưa trong rừng cản trở bước chân người đi tìm báu vật, mưa nơi quán cà - phê ngắt quãng cuộc chuyện trò của tác giả và “hắn”,  mưa trong xóm chài ngày bão dông phá tan bao công trình, mưa trên bến sông Duềnh đẫm ướt mối tình vụng trộm, mưa kết duyên lứa đôi  trái ngang hai kẻ lạc loài trên đường phố, mưa trên Cầu Giằng bao che cho cuộc dan díu của người say…Đất miền Trung lắm mưa nhiều bão tràn vào một cách tự nhiên làm nền  cho những câu chuyện của Đức Ban , làm chúng thấm đẫm một không gian mờ ảo sương khói , tạo một hấp dẫn riêng.

 

                Tập truyện nội dung chủ yếu vẫn xoay quanh cuộc đấu tranh Thiện và Ác, Xấu và Tốt, nhưng về phương diện đề tài đã  mở rộng ra nhiều bình diện trong đời sống cộng đồng. Một cuộc đấu tranh không ngưng nghỉ, con người cần phải cảnh giác trước cái xấu, cảnh giác ngay trong chính bản thân mình. Tập truyện không vẽ  tiếp nhưng nhân vật tội ác của tòa án hình sự đầy rẫy trên báo chí mà bằng con đường nghệ thuật tái tạo cái xấu như một phạm trù thẩm mỹ thức tỉnh lương tri con người thời nay. Cái thẩm mỹ trong nghệ thuật, cái xấu , cái ác trong đạo lý, và sự thiếu khoa học, thiếu hợp lý trong cái khung kinh tế - xã hội thời thị trường có một quan hệ tương tác, để cải tạo cuộc sống không thể không thấy cái quan hệ biện chứng đó! Đó là cái hệ luận mà nhà văn giúp người đọc nhận thức thêm sau những xúc cảm thẩm mỹ.

 

                 Đức Ban là một nhà văn có nghề, luôn trăn trở với nghề, với những tìm tòi mạnh dạn, một số tác phẩm của anh từng  gây được ấn tượng trong độc giả, đến tác phẩm mới này nhiều yếu tố trở thành phương thức nghệ thuật được vận dụng khá đắc địa, phát triển thường xuyên, tạo hiệu ứng thẩm mỹ cao,  góp phần khẳng định một phong cách riêng của tác giả./.

 

Tháng 10-2014

 

 

 

Yến Nhi
Số lần đọc: 2354
Ngày đăng: 29.10.2014
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những giai điệu thơ Tiệp Khắc *) - Đọc sách “Tuyển tập thơ Séc & Slovakia” của Do.honza Đỗ Ngọc Việt Dũng - - Đỗ Quyên
Thơ và trường ca Nguyễn Anh Nông: Lung linh qua bè bạn - Nguyễn Anh Nông
Bạt - Trần Văn Nam
Giới thiệu sách: “Thơ Tân hình thức Việt - Tiếp nhận và sáng tạo” ở Sài Gòn - Hồ Đăng Thanh Ngọc
Trích dẫn văn của Yukio-Mishima(Thiền Và Kim-Các-Tự Rực Rỡ Bên Cạnh Phân Tích Tâm-Bệnh-Lý Kiểu Tây Phương) - Trần Văn Nam
Nguyên Minh với Màu Tím Hoa Mua - Võ Quê
Vài chi tiết về Cuốn "Ký ức của một người buôn tranh" (Souvenirs D'un Marchand De Tableaux) của Ambroise Vollard - Vũ Anh Tuấn
Trần Dũng với "Sóng bủa Cồn Ngao" - Hoàng Giao
Đọc thơ Từ Hoài Tấn - Khổng Ðức
Đọc "Bàn tay nhỏ dưới mưa" - Trương Văn Dân
Cùng một tác giả
Ban Mai (thơ)