Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
834
116.686.342
 
Đời như một cuộc trốn tìm…
Yến Nhi

 

( Đọc “Thơ chọn”* – Dương Kỳ Anh)

 

            Tôi biết anh từ khi còn là một chàng trai mảnh dẻ với những câu thơ tuổi học trò trong trẻo mà hứa hẹn. Những câu thơ gắn với một vùng quê có nhiều di tích và danh thắng với những cái tên quá mộc mạc mà bí ẩn: những Cầu Kênh, Cầu Rác, Đền Chèm…,với những câu chuyện tưng tửng về hươu Bàn Đọ, người Chợ Voi nghe qua một lần mà nhớ mãi. Cuộc đời anh từ nhỏ đã thấm đượm nỗi buồn gia cảnh: ông nội là nghĩa quân, cha cán bộ kháng chiến mà vì chút gia tài đã bị lâm vào cảnh oan khuất. Người già đau yếu thiếu nơi nương tựa, anh em đôi miền ly tán. Anh đến với văn chường từ nỗi buồn thân phận. Cõi đời trong thơ anh cũng đa đoan chồng chất buồn vui, sáng tối thật giả ( Nguyễn Quang Thiều- Cõi người cõi thơ) là vậy .

 

             1- Có những tập thơ đọc giữa chừng phải dừng lại vò đầu bứt tai mà suy nghĩ, có thơ dễ hiểu có thể đọc một lần hết cả tập với hàng trăm bài. Nói như vậy để thấy sự khác biệt về phong cách không làm xa cách, trái lại sự khác biệt vẫn có thể gặp gỡ ở một nơi, đó là tình người, là sự chiêm nghiệm say mê yêu mến cuộc đời dẫu họ nói bằng những cách điệu khác nhau.Thơ họ Dương Kỳ Anh thuộc loại thứ hai.

         Đi vào thơ của Dương Kỳ Anh chúng ta thấy như là vào bữa tiệc đời với tất cả sự đa dạng, tất cả sự đối nghịch, tất cả những sự khác và giống nhau, nó có cả mặn nhạt chua cay lẫn ngọt bùi, cả đen - trắng, cả xấu - tốt , cả trên - dưới, một hiện thực phong phú rộng mở  trước mắt người đọc…Các yếu tố sự, cảnh, tình mà Lê Quí Đôn lưu ý khi nói về thơ đều ẩn hiện trong tập sách. Tất cả đều có ở trong thơ anh và cái sợi chỉ đỏ xuyên suốt thấm đẫm tất cả chẳng phân biệt mọi sinh thể trong thế giới  đó là tình yêu với cuộc đời, lòng trắc ẩn với con người, là “ý nghĩa của kiếp người” (NQT-bài đã dẫn)!

            Tập thơ đã mở rộng biên độ đề tài của thơ không chỉ ở bề rộng mà cả ở bề sâu, nhiều cung bậc đời sống có thể bắt gặp trong THƠ CHỌN từ một nghi vấn trẻ thơ cho đến cảm hứng người già, từ niềm vui tình yêu trong giấc mơ đến suy tư về thực tại khó khăn của đất nước.  Thời gian nghiền nát tất cả/ Đời người cát bụi hư không ! Anh nói về những đường cong mềm mại và trắng như đường cong vành trăng non của thân hình con gái, về vùng thánh địa  Cao Bằng mùa xuân, Phất một bông lau/ Lưng đèo/ Trắng xóa…Hoa đỏ/  Buộc vào lưng chừng trời, nói về tinh yêu cháu nhỏ Bài thơ tết năm ngoái/ Ông còn nợ cháu một câu hỏi/ Rốn của quả đất nằm ở đâu?  nói về miền quê cơ cực xa ngái và lòng không khỏi thầm trách Tóc dù điểm bạc/ Lòng còn chân quê/ Xênh xang áo mũ/ Ai đi không về…Xa xôi hơn, tác giả nhạo báng cả Phổ Nghi và Hòa Thân Thăm nơi vua ở/ thấy vua cũng xoàng/ Thăm nơi quan ở/ Biết là quan tham…/Rồi ai thiên đương/Rồi ai địa nguc/ Bể dâu nào biết /Trời xanh bạc đầu… như là một gợi ý gián tiếp về hiện tình xã hội. Thơ anh cả cảm xúc và đề tài đều mở rộng đường biên để hòa nhập với nền thơ đương đại! Điều ghi nhận là một hồn thơ già chín về hiện thực được biểu đạt trong một ngôn ngữ trẻ mới. Anh gia nhập một cách tự giác vào dòng thơ các tác giả truyền thống - hiện đại khá phổ biến như là cái dòng chính trong nền thơ hiện nay.

          2-  Lỗ Tấn nói từ tim chảy ra là máu từ cái vòi chảy ra là nước, điều giúp cho người đọc gọi được LÀ THƠ, khi nó rung động chân thật và có cái nét riêng của sự xúc cảm của tác giả với cuộc đời! Tấm lòng tác giả nghiêng về phía cái đẹp, phía cấi tốt để suy nghĩ, từ  cuộc tình của đôi bạn trẻ đến cái  sắc hoa Hoài ở trong mơ, từ trang sách đọc dở  đến một tiếng rao đêm hay nỗi nhớ nhà thơ cũ Nguyễn Vỹ, từ câu chuyện người ông với cháu nhỏ đến những điều ghi được ở Ngã ba Đồng Lộc, tất cả mọi cảnh, sự, tình nhà thơ đều gửi gắm tâm sự . Lời thơ nhẹ nhàng nói như chơi nhưng để lại trong tâm hồn người đọc là một niềm day dứt sâu lắng hoặc về sự bẽ bàng phân li trong cuộc sống, hay  niềm trắc ẩn sau những phận đời mà nơi đó không bao giờ nguôi tắt ánh sáng niềm tin. Cái đẹp luôn vươn lên khỏi sương mù, mưa gió, đấy chính là cuộc đời như câu ngạn ngữ của người Pháp Cést la vie! - Đời là thế! Đời không thuần nhất, đời không đơn giản, đời phức tạp nhiều biến cố mâu thuẫn nhưng đời là một lẽ tồn vong của lương tâm, của ánh sáng. Cái tâm điểm thẩm mỹ của THƠ CHỌN làm nó khác các thi phẩm khác có lẽ là ở cái nỗi buồn nhân thế của tác giả trước những mâu thuẩn của cuộc đời. Nhà thơ chân thật thốt lên: … Hình như cô đơn mới là sự sống/ hình như nỗi buồn mới là hy vọng/… không đợi không chờ/ hỏi cũng không thưa /đường đời dù trải đầy hoa sao ta vẫn sợ. 

            Tập thơ trải nghiệm nhiều tâm sự của tác giả, thi tứ nào cũng gợi cảm, vì nó thốt lên tự đáy lòng. Kỷ niệm ngày xưa tình anh em máu mủ: kỷ niêm tháng ba mưa giầm/ sấm ran đồng lúa/ anh em mình đi bắt cá ron/ thế mà giờ đây âm dương cách biệt:…giờ em nằm nơi đâu/ nghĩa trang Trường Sơn/hay nơi Thành cổ/

gió lào thổi héo cây cỏ /thổi rát mặt người/ bụi mù đất đỏ …

        Day dứt, vương vấn người đọc là những vần thơ xúc cảm thế sự. Tác giả thấy những nghịch lý cuộc sống … ở đây bùn đất lên ngôi /mảnh sành mảnh chỉnh cùng ngồi với vua/…đời người như ngọn gió qua/ bao triều vua cũng chỉ là hư không/ Và thấy sự bất lực của bản thân. Một lời tự bạch chân thật mà những người lương thiện không ai không trải qua một lần trong đời: Ở đâu gừng không cay/ nơi nào muối không mặn/ đời bao nhiêu cay đắng/ Ta ngọt lành được chăng?

Anh luận bàn thế sự, cảm nhận được cái khó khăn của thực tại nhưng cũng khẳng định  sự hy sinh cần thiết, chịu đựng cần thiết của từng cá nhân cho Đất nước tiến lên:… Đất nước không thể lùi/ đời phải lùi một bước/ bữa cơm dù đạm bạc/ nơi ở còn đơn sơ/ đất nước không thể lùi/ ta phải lùi một bước/… lùi về phía hy sinh/ lùi vào trong mất mát/ lùi vào nơi thua thiệt /cùng với nhân dân mình/ đứng về phía sự thật. Một điểm sáng nhân văn trong tập thơ!

                      3- Thơ của  thi sĩ họ Dương nhiều hình ảnh rất mới, vì trong dòng chảy tiếp biến văn hóa tác giả đã hấp thụ được một số thủ pháp nghệ thuật hiện đại, trong thơ anh điểm xuýêt một số hình ảnh có tính chất cổ điển những chi tiết tả thực những tình tiết có tính báo chí, hoặc những tên người , tên vật rất cụ thể và  bằng một ngôn ngữ khá mộc mạc tự nhiên như lời ăn tiếng nói hàng ngày, bên cạnh lồng vào là những hình ảnh có tính tân kỳ, màu sắc tượng trưng siêu thực,  những hồi ức về giấc mơ, những ảo giác hoài niệm, cùng một ngôn ngữ giàu tính biểu tượng cho nên xem thơ mà tưởng như là đang tự đối thoại hay lạc vào một miền biên viễn nào vậy. Hãy nghe anh nói về hành trình gian khổ của kẻ tìm đường…đời như một cuộc trốn tìm/ tự mình bịt lấy mắt mình mà trông, một hành trình khốn khó đầy chất hiện sinh: … trời cao đất dày /một mình ta đi/ một mình ta đến/ một mình ta về/ một mình ta nghe/ một mình ta say…và cảm nhận một mùa xuân  Tháng giêng mắt ướt tóc dài/ Cỏ non xanh rợn chân trời hư không đầy tính biểu tượng, hay…Hương quê bông gạo khô giòn? Đàn trâu gặm cỏ nhai mòn tháng năm ( Đêm hè).  Câu thơ xoáy vào lòng người một ký ức xa ngái , đẹp một cách giản dị mà sâu lắng, rất truyền thống nhưng cũng rất tân kỳ. Đàn trâu mơ màng gặm cỏ mà tưởng nhai mòn cả tháng năm. Siêu thực mà cũng rất hiện thực!

Có nhiều bài nhan đề chỉ một chữ, nội dung vài ba câu, bên cạnh những bài như văn xuôi cũng tạo nên sự mới lạ.

            Nhìn tổng quát  trong lưu trữ nghệ thuật của Dương Kỳ Anh THƠ CHỌN vẫn nằm trong dòng chảy thơ truyền thống có yếu tố hiện đại chứ không hoàn toàn là thơ theo kiểu tân kì/ hậu hiện đại như một số tác giả trẻ khác và cũng không nằm trong cái dòng chảy của thơ văn mang âm hưởng dân gian như ta thường gặp.Tập thơ đã làm phong phú  thêm cái gia tài văn học của anh và cùng của  nền thơ  Việt  đương đại ./.

(*) nxb HNV-12-2023

          Thang 03-2024

 

 

 

 

 

 

 

Yến Nhi
Số lần đọc: 104
Ngày đăng: 19.03.2024
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đọc lại “Vòng tay học trò” sau sáu mươi năm tác phẩm ra đời - Hoàng Thị Bích Hà
Cùng đi tìm bản ngã của người thơ họ Đặng - Nguyễn Tiến Nên
Xuân tình trong tình Xuân - Đặng Ngọc Như
Nhân ảnh – một thiên truyện hấp dẫn - Hoàng Thị Bích Hà
Thơ Nhã Ca, một vài tư liệu nhỏ - Nguyễn Lệ Uyên
Nhã Ca, người đàn bà nào cũng đẹp - Nguyễn Đức Tùng
Nhà Văn Nguyễn Đình Toàn - Nguyễn Vy Khanh
Đọc thơ tình của một người lính cũ - Hoàng Thị Bích Hà
Tứ tuyệt tình trong thơ Đoàn Quân - Đặng Ngọc Như
Lâm Thị Mỹ Dạ, thơ là cái đẹp - Nguyễn Đức Tùng
Cùng một tác giả
Ban Mai (thơ)