Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.395 tác phẩm
2.747 tác giả
706
116.733.282
 
Người mang tên làng lên phố
Trang Thùy

 

     Không gian không quá rộng lớn, không đèn màu nhấp nháy với những vật dụng bài trí đắt tiền, ấy vậy mà điều đó không hiểu sao lại thu hút tôi mỗi lần đi ngang phải liếc vào một cái, và ghé thăm mỗi năm đôi ba lần. Ngôi nhà cũng là quán cà phê ấy mang một cái tên dân dã mà khá ấn tượng: cà phê Bao La.

     Không chỉ là quán cà phê, nơi đây còn là một không gian nghệ thuật khá đặc biệt, tôi  luôn suy nghĩ như vậy mỗi khi đi ngang ngôi nhà ấy. Cũng có thể chính tiếng nhạc được phát ra với một lượng âm thanh vừa đủ với những dòng nhạc Trịnh Công Sơn, Phạm Duy..., những giọng ca Khánh Ly, Lệ Thu, cũng có thể là những bông hoa rất đỗi bình thường quanh đâu đó hoặc một vài bông hồng hái trước hiên nhà được cắm trong những chiếc lọ gốm cổ một cách tinh tế mang tính thẩm mỹ cao; những vật dụng xinh xắn được làm từ mây tre như bộ bàn ghế, những chiếc rổ, rá, dần, nia, sàng hay chiếc lồng ấp dân dã. Trên tường điểm xuyết vài bức ảnh chân dung các nghệ sĩ Trịnh Công Sơn, Khánh Ly, Phạm Duy, Lệ Thu ... Cà phê Bao La vừa độc đáo lại vừa mang dáng dấp, linh hồn của một làng nghề nổi tiếng xứ Huế: làng nghề mây tre đan Bao La.

     Sinh ra từ làng Bao La, anh chủ quán Nguyễn Quốc Tuấn luôn nặng lòng với quê hương của mình nên dù đã xa quê lên phố nhưng hình ảnh, con người thân thuộc nơi đây vẫn luôn được anh ấp iu, nhớ tưởng. Có lẽ những vật dụng ở đây đã nói lên tất cả những gì đã in đậm trong tâm trí anh một thời luyến nhớ, tên đất, tên làng.

 

     Trò chuyện với anh, có thể bắt gặp hình ảnh của một người đàn ông thật thà, chân tình. Hằng ngày, anh mưu sinh bằng nghề hớt tóc bên cạnh công việc bán cà phê hàng ngày. Nhưng một điều khá đặc biệt của anh gây ngạc nhiên và thú vị trong tôi là những bài thơ anh sáng tác đều đặn. Những bài thơ nói lên những suy tư, trăn trở phận đời, phận người của anh luôn cuốn hút tôi mỗi khi lần giở.

 

     Thú thật, mỗi lần đi ngang nhà anh tôi đều ưa liếc nhìn vào. Dù là một thoáng qua rồi mất hút nhưng nơi này có cái gì đó khiến tôi không thể không xúc động. Có lần, tôi thấy cả gia đình quây quần bên mâm cơm, đầm ấm. Có lần, tôi thấy anh ngồi suy tư bên khay trà, trước khoảng sân trồng nhiều hoa và bên khung cửa sổ, chị Hằng, vợ anh vẫn cần mẫn lạch cạch bên chiếc bàn máy may gia công. Có lần, tôi nhìn thấy hai vợ chồng ngồi bên nhau coi chung trận bóng đá. Ánh đèn vàng hắt bóng hai vợ chồng lên vách, đêm lặng lẽ buông mành, ánh trăng chiếu soi khoảng sân nhỏ hẹp mà hạnh phúc ngập tràn trong ngôi nhà nhỏ ấy. Lại có những buổi chiều tôi ghé, chị tất bật pha chế, lát sau anh đón con đi học về, trên tay là một bó hoa lúc thì xuyến chi, lúc thì trang, phượng. Anh tỉ mỉ cắm vào những chiếc bình gốm cổ và chỉ một lát sau đã có những bình hoa thật độc đáo dễ thương. Không hiểu sao mỗi lần ngang nhà anh, nhìn vào ngôi nhà ấy tôi bỗng liên tưởng đến câu: "bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ". Có lẽ đó là những gì gây cảm mến trong tôi để nhiều lần tôi muốn ghé quán. Dù đôi khi chỉ ngồi rất vội, dù đôi khi một năm chỉ đôi ba lần, nhưng mỗi lần đến đó tôi luôn được anh ngồi tiếp chuyện rất thân tình. Hai vợ chồng tâm đầu ý hợp, con cái ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành. Anh là một người chồng mẫu mực, chị là người vợ chăm chỉ đảm đang. Còn hình ảnh đẹp nào hơn như thế cho một gia đình dù không thuộc tầng lớp khá giả nhưng mái ấm luôn đầy ắp nụ cười. Đó hẳn là một tổ ấm khiến bao người ước ao. Tôi nghĩ thế!

     Mưu sinh bằng nghề hớt tóc, công việc ấy tưởng chừng chẳng liên hệ với thi ca, ấy vậy mà những vần thơ của anh luôn mang những triết lý sâu xa, giàu hình ảnh, vốn từ phong phú: Bao La  xóm nhỏ hồn quê/ Nhớ nhung phố vắng thói lề tình xưa/ Lặng nghe đêm cũ giọt mưa/ Nôn nao mấy hạt còn chưa giấc nồng/ Tạ từ thôi những đèo bồng/ Dở dang cơm áo mây  hồng chiều hôm/ Về ngồi im tiếng ấp ôm/ Khuya thường chắt lọc lắng lòng gọi mơ. (Màu quê)

 

     Nghêu Ngao Tử là bút hiệu của anh dưới mỗi bài thơ. Có lẽ với anh tất cả đều được đơn giản hoá, anh làm thơ cũng như là hát ca nghêu ngao giữa cõi đời mênh mông này vậy. Không cần những danh xưng thật kêu, anh chỉ "buồn tay viết chơi", chẳng để mong được gọi là nhà thơ hay thi sĩ. Thậm chí cũng chưa có ý định gom những bài thơ để thành một tập thơ làm kỉ niệm cho mình.

 

     Giữa muôn vàn quán cà phê sang trọng, kiểu cách mỗi nơi mỗi vẻ ở xứ thơ này, quán cà phê của anh không nằm ở một vị trí thật đắc địa mà luôn có một lượng khách ổn định. Giữa những bon chen bộn bề vẫn còn tiếng máy may kiên nhẫn kêu lạch cạch, vẫn còn có người vừa hớt tóc vừa làm thơ. Cuộc sống vốn luôn ẩn chứa những điều thật bất ngờ thú vị. Và cà phê Bao La cùng vợ chồng anh chủ quán là một trong những nét đặc trưng của xứ Huế như có ai đó đã từng nói: "Xứ Huế đi đâu cũng gặp nhà thơ!" Với tôi, anh cũng là một nhà thơ!

 

 

Trang Thùy
Số lần đọc: 566
Ngày đăng: 25.05.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mùa Khánh Đản về - Trang Thùy
Dran! Mùa hoa Quỳ vàng! - Vương Kiều
“Văn Hóa Đọc” phương Nam có tự bao giờ ? - Phan Văn Thạnh
Mốc ơi em ở đâu rồi! - Trang Thùy
Bước hành hương lặng lẽ - Nguyễn Thỵ
Trận chiến Luỹ Thầy - Đào Duy An
Từ bé Cosette đáng thương tới con gián Samsa đáng sợ - Nguyễn Anh Tuấn
Bến đỗ nào cho em? - Hoàng Thị Bích Hà
Viết, trong bóng rợp của người cha - Nguyễn Tường Thiết
Khi còn chiến tranh là còn hy vọng - Trương Văn Dân
Cùng một tác giả
Mùa nấm mối (truyện ngắn)
Mít vườn nhà (truyện ngắn)
Ngày mùa (tạp văn)