Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.411 tác phẩm
2.747 tác giả
538
116.856.794
 
Cùng đi và như là ở lại với trang sách Lê Vũ Trường Giang
Trang Thùy

 

    Tôi biết Lê Vũ Trường Giang không lâu, mặc dù Lê Vũ Trường Giang thuộc trong số những người "tuổi trẻ tài cao" theo như cách gọi tôi vẫn thầm mến phục mỗi khi đọc những bài viết của Lê Vũ Trường Giang.

     Sinh năm 1988, nghĩa là Lê Vũ Trường Giang thua tôi những mười tuổi, nhưng thành tích trong văn đàn thì quả thật đáng nể. Với những tác phẩm Ngủ Giữa Trùng Sơn (truyện ngắn - NXB Văn Học 2012), Khúc Phong Cầm Trên Cát (NXB Quân đội Nhân Dân 2018), Nở Tàn Biên Niên Kí (Saigon Books & NXB Văn Hoá Văn nghệ 2018) cùng các giải thưởng như Giải nhì cuộc thi truyện ngắn trẻ Tạp chí Sông Hương, giải B Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô lần V 2008 - 2013... và những giải thưởng văn học khác đã phần nào xác thực một tài năng viết sung sức và "có nghề" của Lê Vũ Trường Giang.

     Trong tay tôi là cuốn bút kí Đi Như Là Ở Lại (NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh 2017) của Lê Vũ Trường Giang. Thật sự chưa bao giờ một cuốn bút kí nào gợi sự tò mò trong tôi như Đi Như Là Ở Lại này. Có lẽ sự thôi thúc trong tôi để say mê đọc hết cuốn sách bởi lý do tôi muốn biết chàng trai trẻ này tài năng thật sự như thế nào mặc dù tôi tin lời của những người đã từng quen biết tác giả trước tôi khi nói về Lê Vũ Trường Giang: "Đó là một chàng trai trẻ rất giỏi và tài năng!"

     Quả là vậy, hôm tôi gặp Lê Vũ Trường Giang, qua cuộc sơ ngộ ấn tượng Lê Vũ Trường Giang trong tôi là một chàng trai dễ gần, lại có một vẻ gì đó chân chất của một người "sinh ra từ làng". Nhưng qua những câu chuyện tôi nhận ra Giang có một sự am hiểu về lịch sử, về những nét văn hoá nhiều vùng miền, về con người trong thời cuộc, khiến tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

 

     Có lẽ đi, viết và đọc, đó là niềm đam mê của Lê Vũ Trường Giang và chính điều đó đã làm nên tên tuổi của Lê Vũ Trường Giang hôm nay.

     Trở lại với Đi Như Là Ở Lại, Lê Vũ Trường Giang viết: "...Tôi muốn chép lại những hồi ức đã ngủ quên, cả trạng huống, diễn tiến tinh thần lúc tôi điền dã những vùng đất đi qua. Sự lục lại, truy vấn trí nhớ có thể không phục hồi nguyên trạng nhưng chí ít cũng gìn giữ những chi tiết có tính mộc bản của hồi ức..." (trang 6). Và quả thật vậy, kí ức đầu tiên Giang nói về vùng Trằm ở làng Thần Phù. Nơi đó tuổi thơ Lê Vũ Trường Giang gắn liền trên miền đất cát với những bạt ngàn dưa gang, dưa hồng, những nhọc nhằn nhưng thấm đẫm bao ngọt ngào lẫn cơ cực của một miền quê. Đọc Mênh Mông Trằm của Lê Vũ Trường Giang, dường như có những hình ảnh của tôi trong đó, có lẽ không chỉ riêng tôi mà là rất nhiều những ai đã từng có một tuổi thơ trong veo, những tháng ngày khó khăn mà in sâu vào từng mạch nguồn của cảm xúc qua nhiều trường đoạn của đời người. Bất chợt tôi nghĩ phải chăng với Lê Vũ Trường Giang luôn thao thiết nặng lòng với mảnh đất nơi mình sinh ra, những ngọn gió Lào khắc nghiệt và những giọt mồ hôi trên những ruộng sắn, nương khoai đã tôi luyện nên một Lê Vũ Trường Giang bản lĩnh và rắn rỏi, khẳng định mình qua những trang viết.


     Đọc Đi Như Là Ở Lại của Lê Vũ Trường Giang tôi còn như được lang thang cùng tác giả đến rất nhiều những vùng miền trên quê hương. Có những vùng tôi đã đặt chân tới, cũng có những nơi tôi chưa từng biết đến, nhưng qua ngòi bút của tác giả những địa danh ấy chợt bừng sáng, lung linh vớ những phác họa khái quát lẫn chi tiết, sự quan sát và cảm của tác giả quả thật khiến tôi thú vị: "Tôi nhớ cái cảm giác điện Gia Thành chỉ còn là đống gạch đá tàn hoang năm xưa, để lại nỗi xao lòng cho người hoài cổ lội đường xa đến thăm cố tích.Trong cái nhìn thẩm mỹ toàn diện, sự đổ vỡ không hẳn đã làm phai hết cái đẹp chân thiện của cảnh sắc Thiên Thọ Lăng...Tiếng chim trời vỗ cánh chao liệng trên ngọn núi trước mặt, mang những thanh âm xa xôi của quá khứ về, lòng người trải ra, hoàng hôn đã liếm vàng những cánh rừng âm u nghìn cội..”. (Giấc ngủ lâm tuyền, trang 99).

 

     Cách viết của Lê Vũ Trường Giang, không quá thô mộc để phải xơ cứng, cũng không quá đỗi trau chuốt để như một chàng công tử đỏm dáng bảnh bao, mà tác giả chọn những từ ngữ rất đẹp, rất giàu thanh âm ngữ điệu và rất "sang". Chẳng thế mà nhà văn Nguyễn Khắc Phê đã nhận xét về Đi Như Là Ở Lại: "Khát vọng hướng tới đỉnh cao của nghệ thuật bút kí, và hầu hết bút kí của anh in trong cuốn sách vừa ra mắt bạn đọc đã thể hiện sự công phu của tác giả về nhiều mặt. Đạt được điều đó, trước hết, do tác giả đã có một quan niệm có thể nói là nghiêm túc và đặt yêu cầu cao về thể loại văn học này".

 

     Đọc Đi Như Là Ở Lại của Lê Vũ Trường Giang, trong tôi như hiện lên những miền đất tác giả đã từng đi qua bằng những những nhận xét sâu sắc, những đồng cảm của Lê Vũ Trường Giang về những số phận long đong trong Nỗi niềm Hương Giang (trang 164) rất tinh tế, qua đó thấy rằng tác giả đã có một ánh nhìn nhân ái hoà quyện vào đời sống bấp bênh của những phận đời lênh đênh sông nước, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn có những nét đẹp đời sống văn hoá rất riêng của cư dân vạn đò, đó cũng là một trong những dấu ấn của sông Hương nói riêng và mảnh đất Thần Kinh non nước hữu tình.

     Đọc Đi Như Là Ở Lại đôi lúc ta lại như được tìm về với những miền kí ức dại khờ, của những hồn nhiên tuổi thơ với những cảm xúc khó phai trong những ngày Tết cổ truyền. Lại thấy tác giả có những nỗi hoài niệm rất dễ thương, những hình ảnh trồng hoa vạn thọ, đi chợ Đông Ba, lặt lá hoàng mai, trông nồi bánh tét... Tuổi thơ luôn đẹp, và để ghi lại những khoảnh khắc đã từng trôi qua làm nên một bức tranh đa sắc quyến dụ người xem là một điều không phải ai cũng làm được: "Tôi lặn ngụp trong hương xưa, tìm lại bóng hình của những mùa xuân đẹp như tranh làng Sình, lung linh như sào bông giấy Thanh Tiên và thơm ngọt mùi mứt Tết chợ Đông Ba…” (Khúc rời Tết cũ, trang101).


     Khép cuốn sách lại, nhưng vẫn như đang lãng đãng phiêu du cùng những chuyến đi của tác giả Đi Như Là Ở Lại. Ừ nhỉ, đi và lưu dấu những cảm xúc của mình bằng những trang viết sắc sảo giàu xúc cảm như thế này ai mà không muốn mình cũng có những chuyến đi như thế.

     Chúc Lê Vũ Trường Giang luôn giữ mãi niềm đam mê với những chuyến đi và những trang viết của mình. Riêng tôi, đã thực hiện lời hứa với lòng mình sẽ kể những điều tôi cảm nhận được sau khi đọc xong Đi Như Là Ở Lại, giờ gấp sách và tôi lại đón chờ tác phẩm mới của Lê Vũ Trường Giang vào một ngày không xa, đó là điều hiển nhiên vì với tài năng của một cây bút trẻ đầy sáng tạo như Lê Vũ Trường Giang thì... e rằng tôi nói không sai!

 

Huế, 13.6.2020


 

 

 

Trang Thùy
Số lần đọc: 1147
Ngày đăng: 25.06.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
“Giữa khi mưa lưu hoàn đổ” Trước thềm Xuân” - Võ Quê
“Ta như viên đá còn lăn” – Tập thơ tình không tuổi - Hoàng Thị Bích Hà
Đọc tác phẩm (Giấc mơ bốn mùa) của nhà thơ Thiên Di - Nguyên Bình BRVT
Hoài niệm – một thi phẩm thơ bình dị mà hàm chứa tính nhân văn sâu sắc - Hoàng Thị Bích Hà
Cảm thức hư vô về kiếp nhân sinh trong thơ Đoàn Văn Khánh - Thiện Mỹ
Nỗi lòng người nhập cuộc - Phan Văn Thạnh
Đọc Nguyễn Xuân Dương - Đặng Xuân Xuyến
Phạm Thiên Thư, có ngần ấy thôi - Nguyễn Đức Tùng
Tâm thức Văn hóa trong thơ Văn Lê * - Trần Hoài Anh
Phạm Thiên Thư, có ngần ấy thôi - Nguyễn Đức Tùng
Cùng một tác giả
Mùa nấm mối (truyện ngắn)
Mít vườn nhà (truyện ngắn)
Ngày mùa (tạp văn)