Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.389 tác phẩm
2.747 tác giả
743
116.718.582
 
“Về miền cảm xúc” chân thật những trang đời
Trang Thùy

 

     Một buổi sáng nắng nhạt, nhà văn Lê Huỳnh Lâm ghé tôi và trao cuốn sách Về Miền Cảm Xúc của tác giả Trần Quang Khen cùng thư mời tham dự buổi giới thiệu cuốn sách của tác giả. Chu đáo, lịch sự, đó là cảm giác của tôi khi nhận cuốn sách kèm thư mời nằm trong một chiếc túi giấy kích cỡ vừa đủ.

     Tranh thủ thời gian rảnh, tôi tranh thủ giở sách ra, đọc từng dòng văn còn nóng hổi mùi giấy mới và tự lúc nào tâm tư tôi đã lạc trôi về những miền cảm xúc do tác giả mang lại.

     Người ta hay bảo dân Toán thường khô khan với những con số. Tôi nghĩ đó là suy nghĩ khi chưa đọc Về Miền Cảm Xúc của tác giả Trần Quang Khen. Tôi hoàn toàn đồng ý về nhận xét của nhà văn Lê Huỳnh Lâm dành cho cuốn sách: "Thật quý hiếm và ngạc nhiên khi một người thầy dạy Toán lại viết văn với bút pháp chặt chẽ, văn phong rất thật và không kém phần hấp dẫn cùng nhiều thông tin bổ ích". Đó cũng là điều ngạc nhiên gây thú vị và thôi thúc tôi đọc hết cuốn sách.

 

     Ngẫm cho cùng từ trong sâu thẳm mỗi người đều ẩn chứa những cảm xúc, chỉ có điều bằng cách này hoặc cách khác mà mỗi người có cách thể hiện riêng của mình: qua âm nhạc, qua hội hoạ, qua những việc mình làm, thậm chí có người lại âm thầm không muốn biểu lộ ra cảm xúc ấy. Người thầy giáo đặc biệt này lại có rất nhiều cách thể hiện qua âm nhạc, qua hội họa và chuyển tải những cảm xúc ấy qua những bút kí đa sắc màu: điều này nói lên một đời sống phong phú, có phần tài hoa của tác giả bên những mối quan hệ huyết thống, bạn bè, xã hội.

     Về Miền Cảm Xúc, đó là một quá trình sống được hình thành của một con người trải qua bao thăng trầm theo thời cuộc. Nhưng có lẽ chính những điều ấy lại là những chất liệu rất thật được anh đưa vào dòng văn nghiêng về tính chất tự sự này. Theo tôi sự quyết định thành công của một bút kí đòi hỏi trước tiên đó là tính chân thật của bài viết. Tính chân thật ấy trong Về Miền Cảm Xúc được tác giả thể hiện rõ rệt trong xuyên suốt mạch văn, đưa người đọc về miền quá khứ ấu thơ đầy thiếu hụt nhưng đầy ắp tình thương của gia đình: "Cha mạ làm quần quật dưới nắng dưới mưa mà vẫn chưa lo đủ ngày hai bữa, huống chi lo chuyện ăn mặc, học hành. Anh em chúng tôi thấy cha mạ vất vả cũng xúm vô làm, đứa cạo vỏ, đứa xắt sắn, đứa phơi lúa, đứa đào trùn nuôi vịt, đứa nấu cám heo, đứa chằm nón... có khi đang ăn nửa chừng mà mưa giông ụp xuống thì cả nhà đều chạy ào ra sân hốt những thứ phơi chưa khô, chưa khén. Có lẽ nhờ vậy mà anh em tôi có ý thức tự lập từ rất sớm" (Mạ tôi). Đọc đoạn văn này, tôi hiểu tác giả đã viết, kể rất thật chuyện khó khăn một thời của gia đình mình, bởi vì thực sự tôi cũng đã từng trải qua tuổi thơ khó nhọc như thế; cũng ăn cơm độn sắn, cũng ăn bo bo cho lâu đói, cũng xắt sắn phơi khô, cũng đào trùn cho vịt, cũng... "sau vài trận mưa giông đầu mùa, con gà nào bị dịch hay đứng cù rủ mạ mới cho làm thịt, ăn vẫn ngon đáo ngon để, có bệnh hoạn chi mô!"

 

     Mặc dù thế hệ tôi sinh ra sau thầy những gần hai mươi năm, nghĩa là năm thầy nhận quyết định đi dạy học tại A Lưới (năm 1978) thì lúc đó tôi mới rụt rè cất tiếng khóc chào đời. Những kí ức xa thẳm cứ ùa về, làm cay cay sống mũi, đẹp biết bao cuộc sống thiếu thốn nhưng êm ấm bên gia đình. Qua phút giây cảm xúc, tôi hình dung ra hình ảnh chịu thương chịu khó của một người thầy, và hiểu rằng chính từ những ngày tháng khó khăn ấy mới hình thành nên hình ảnh một người thầy cần mẫn, chăm lo vun vén cho tổ ấm của mình vào những tháng năm đồng lương giáo viên còm cõi ba cọc ba đồng sau này. Một người thầy biết chắt chiu nuôi ý tưởng (và thực hành ngay) đó là đi thể dục cũng kết hợp tha vài viên gạch, vôi vữa người ta không dùng nữa, như "con kiến tha lâu cũng đầy tổ", ngày này qua ngày khác, âm thầm dựng xây mái ấm cho riêng mình. "Sau một tháng tôi lát được cái sân gạch. Thừa thắng xông lên, tôi mượn xe cải tiến để chở cho được nhiều. Viên nguyên, viên bể, gạch đá chi cũng quơ về hết, mỗi ngày dùng búa đập vỡ ra chất thành đống, mua xi - măng, cát, thuê thợ đúc bờ - lô...Giấc mơ xây một cái nhà cấp 4 sắp trở thành hiện thực. Tôi đào móng, đổ dăm xuống, đằm cho đén rồi chờ cơ hội... Sự chờ đợi và lặp lại với nhiều người có thể là một sự nhàm chán, nhưng với tôi lúc này thì đợi như đợi mạ đi chợ về, như trẻ con chờ tết đến..." (Mái ấm của đời người)

     Thật ra tôi không muốn trích vào bài giới thiệu một đoạn văn khá dài của tác giả, nhưng đọc ngang bài này tôi thật sự muốn để mọi người cùng đọc và cảm nhận những dòng văn còn mang hơi hướm chân chất của một thầy giáo trải qua những dâu bể đời người, những dòng văn thi vị đôi lúc làm tôi tự cười một mình nhưng rồi lại thấy khoé mắt cay cay, xúc động, bổi hổi bồi hồi như bắt gặp chính mình trong đó, của ngày xa xưa. Rồi từ những ngày khó khăn ấy, tác giả cùng các thành viên trong gia đình đã nỗ lực cánh sinh, để giờ đây đã là một thầy giáo được bao thế hệ học trò yêu mến.

 

     Nghề chở những con chữ cao quý nhưng cũng là một nghề lao sinh, nhưng bù lại những học trò được thầy giáo Trần Quang Khen dạy dỗ đã được đơm thành hoa thơm quả ngọt. Đọc những dòng thư học trò gởi người thầy giáo kính yêu của mình được tác giả đưa vào trong phần cuối của cuốn sách mới hiểu rằng đó là niềm tự hào, niềm khích lệ mà không có tấm bằng khen hay danh hiệu thi đua nào cao quý bằng. Và đó chính là phần thưởng cao quý nhất cuộc đời dành tặng cho tác giả.

    Về Miền Cảm Xúc còn là những ghi chép một cách tỉ mỉ về những chuyến đi trong và ngoài nước đầy thú vị của tác giả. Những bài viết ấy giúp người đọc biết nhiều hơn về những địa danh, trong đó tác giả khéo léo lồng vào những cảm xúc của mình, thiết nghĩ đó cũng là một cách dụng văn khá đắc địa của chính tác giả.

     Khép lại cuốn sách Về Miền Cảm Xúc, nhưng sao những cảm xúc vẫn còn đọng lại, thôi thúc tôi phải viết vội những dòng tâm huyết. Phải chăng cũng như tác giả Trần Quang Khen, tôi cũng muốn viết lên những tiếng lòng của mình, vì dù sao đó cũng chính là những cảm xúc chân thật nhất!

 

 

Trang Thùy
Số lần đọc: 375
Ngày đăng: 05.06.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đóa sen thiêng tỏa hương đạo hạnh thơm đời - Võ Quê
Trót nặng tình với Huế - Trang Thùy
77 ca khúc phổ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh “Khúc ru trầm” thơ nhạc Hòa Thanh - Võ Quê
Đêm Ukraine - Nguyễn Đức Tùng
Từ mấy “chân dung tự họa” của thi sĩ Hoàng Cầm… - Nguyễn Anh Tuấn
Phiêu bồng về “Ngày ấy Kon Tum” - Đào Duy An
Văn nghệ khai Xuân - Từ Sâm
“Thơm xứ thần kinh” gửi gió thanh tao - Võ Quê
Thơm tho biết mấy, ngọt lành… - Võ Quê
“Thương quê những nỗi niềm” - Võ Quê
Cùng một tác giả
Mùa nấm mối (truyện ngắn)
Mít vườn nhà (truyện ngắn)
Ngày mùa (tạp văn)