Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.389 tác phẩm
2.747 tác giả
748
116.716.853

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Vụ xây khách sạn ở đồi Vọng Cảnh (TT-Huế): Vẫn tồn tại
Thời trước, do tính chất tiểu nông của xã hội phong kiến, luôn tồn tại cơ chế "quyền lực kép". Chính quyền trung ương cứ ra lệnh, nhưng các địa phương chỉ đảm bảo 3 yêu cầu: Trung thành, nộp thuế (bớt, xén) và cung binh. Còn lại, các quan địa phương cứ mặc sức thao túng mọi bề.Tưởng trong thời đại mới, lệ làng đã thua phép vua từ lâu rồi. Nhưng không, đâu vẫn hoàn đấy. Thậm chí, không ít nơi, "tính chất" địa phương, quyền lực của các vị "vua con" còn ghê gớm hơn xưa. Bộ GTVT tuyên bố với báo chí rằng bộ không có chủ trương cho mượn xe vì làm thế là sai, nhưng bộ lại không giải thích vì sao Văn phòng bộ vẫn có xe chùa của PMU 18 dâng? Đồng Nai còn có chuyện động trời hơn nữa. Cả "bộ máy công quyền" cấp xã, không sót một ai, biến trụ sở uỷ ban thành sòng bạc, ngang nhiên thách thức...

Những chuyện như trên không thiếu. Có thể còn có chỗ để bao lấp, chẳng hạn như "không để ý đến chuyện xe cộ" hay "ở xã xa xôi quá"; nhưng đến chuyện lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế không nghe chỉ đạo của Thủ tướng thì đã là vấn đề hoàn toàn khác rồi.

 

Còn nhớ, hàng chục tờ báo đã tập trung bảo vệ một ngọn đồi thiêng của tâm linh, của văn hoá. Những tưởng mọi lời kêu cứu sẽ là sóng vỗ ao bèo, nhưng Thủ tướng đã nhìn thấy vấn đề nên đã chỉ đạo xử lý. Song, "văn hoá làng" lại là nơi hiểu rõ nhất hai chữ ...hoá bùn! Muốn cho mọi thứ hoá thành bùn thì phải biết cách chờ thời, biết cách cho những quyết định mới "đi ở ẩn" một thời gian.

 

Đồi Vọng Cảnh là một cái tên thiêng. Nếu chỉ xét về phong thuỷ (tất nhiên đây không phải là luận cứ khoa học) thì đó là trái tim của Hoàng long - nơi ẩn giữ tiềm tàng sinh khí của đất cố đô. Xét về văn hoá, đó là kỷ niệm gắn bó với hàng vạn lứa đôi, hàng chục vạn con người dạo bước từ nhiều đời nay. Xét về mặt cảnh quan, có thể nói ở đất nước Việt Nam, ít có một ngọn đồi nhỏ bé tương tự nào có vẻ đẹp làm say mê lòng người đến thế. Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên, đồi Vọng Cảnh đã trở thành một phần không thể thiếu được của văn hoá Huế.

 

Bây giờ, một khi chỉ đạo của Thủ tướng không được lãnh đạo tỉnh thực hiện, tất nhiên người dân sẽ không bao giờ được sống cùng với những giá trị văn hoá của Vọng Cảnh nữa. Họ chỉ có thể đứng từ xa ngắm vọng... đồi Vọng Cảnh mà thôi. Có lẽ, thời đại tôn vinh những người giàu cần phải thế chăng? Lệnh của trung ương xa xôi lắm. Vả chăng, cũng chỉ mới có "nhiệm vụ quy hoạch chi tiết", phải... hoá bùn thêm nữa mới xây!

 

Đất nước đang giai đoạn thực hiện những bước chuyển mình tiếp theo để xây dựng một Việt Nam mới XHCN công bằng, giàu mạnh. Thể chế dân chủ pháp quyền XHCN không thể nào có được, nếu như cái "truyền thống" đất có lề, quê có thói ghê gớm của ngày xưa không bị phá vỡ. Không có cuộc sinh hạ nào không có những cơn đau. "Cơn đau" lớn nhất bây giờ là cần phải có một cuộc cách mạng thật sự trong hệ thống pháp quyền để khôi phục kỷ cương, phép nước.

 

Dòng họ Thân có thể khởi kiện

 

Ngày 24.2, ông Thân Trọng Ninh - Uỷ viên liên lạc Hội đồng Thân tộc cho biết: "Nếu UBND tỉnh TT-Huế vẫn đồng ý và cho phép xây dựng khách sạn thì họ Thân sẽ khởi kiện UBND tỉnh TT- Huế vì hành vi này". Cơ sở để họ Thân khởi kiện là: Cách đây hơn 200 năm, họ Thân (TT- Huế) đã sinh sống trên khoảnh đất ở phía tây nam đồi Vọng Cảnh. Lúc xây dựng Khiêm Lăng, Vua Tự Đức đã "chiếm" khoảnh đất đó để làm cấm địa, khiến Thân tộc mất quyền sở hữu... Đến năm 1965, sau 10 năm khiếu kiện, tại bản án văn toàn sơ thẩm số 511 ngày 11.9.1965, chính quyền sở tại lúc bấy giờ đã tái công nhận quyền sở hữu mảnh đất này lại cho họ Thân Trọng. Để khẳng định quyền sở hữu, Thân tộc đã dựng một tấm bia đá gần sát vườn hoa đồi Vọng Cảnh. Như vậy, xét về mặt "lý", khu đất này đang thuộc quyền sở hữu của họ Thân, UBND tỉnh không được "lấy ngang" để giao cho người khác được.

 

Ngôi mộ tổ của dòng họ Thân (niên đại hơn 200 năm) ở đồi Vọng Cảnh sẽ bị "kẹp" trong khu Life Resort?

 

Trở lại việc xây dựng khách sạn ở đồi Vọng Cảnh (TT-Huế):

Quá nhiều điều bất ổn

 

Như Lao Động số 52, ngày 22.2 đã thông tin, UBND tỉnh TT-Huế đã cho phép Cty liên doanh Vọng Cảnh tổ chức khoan thăm dò địa chất ở khu vực phía tây nam đồi Vọng Cảnh để chuẩn bị cho việc xây dựng khách sạn. Một lần nữa, dư luận ở TT-Huế lại bức xúc bởi UBND tỉnh lại tiếp tục làm theo quy trình ngược, dẫn đến dự án mới có quá nhiều điều bất ổn...

 

Người dân sẽ không được vào đồi Vọng Cảnh?

 

Ông Nguyễn Xuân Hoa - Giám đốc Sở VHTT tỉnh TT-Huế cho biết: Đối chiếu với kết luận của Thủ tướng Chính phủ (số 83/TB-VPCP, ngày 25.4.2005) thì "phương án trình duyệt" do Cty liên doanh Vọng Cảnh lập ngày 8.6.2005 lại quá đơn giản, chưa "tuân thủ đúng quy định về đầu tư xây dựng cơ bản" như kết luận của Thủ tướng. Cụ thể: Theo bản vẽ cũng như ý kiến trình bày trực tiếp của đại diện công ty thì dự án khách sạn lần này lại nằm sát đỉnh đồi Vọng Cảnh, lấy địa điểm vườn hoa đồi Vọng Cảnh ở độ cao 32,48m, với một khối công trình có tổng chiều dài 130m trải dài theo sông, cao khoảng 35m là không phù hợp. Chắc chắn nó sẽ "che khuất tầm nhìn từ đồi Vọng Cảnh đến sông Hương" (trái với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng). Công trình khách sạn chọn vườn hoa đồi Vọng Cảnh làm điểm đến có nguy cơ sẽ "xoá sổ" vườn hoa - tồn tại từ đầu thế kỷ 20. "Điểm đến" sẽ biến vườn hoa thành một bãi đỗ xe cho khách sạn có quy mô 130 phòng, và tất nhiên việc người dân được vào khu vực vườn hoa để ngắm đồi Vọng Cảnh là điều không tưởng.

 

Một vấn đề quan trọng nữa là nước thải. Theo giải thích của Cty tư vấn xây dựng HasKoning VietNam, nước thải từ khách sạn xử lý đạt tiêu chuẩn A của TCVN-5945-95, và sẽ được dùng tưới cây quanh khu vực là không ổn. Bởi tiêu chuẩn A của TCVN-5945-95 đã được chính đơn vị tư vấn giải trình tại "bản giải trình thiết kế khu xử lý nước" (trang 1/4 -1/24/2005) nói rõ: "Tiêu chuẩn A: Xả vào khu vực nước dùng cho giao thông thuỷ, tưới tiêu, tắm". Như vậy đã hàm ý đây là nước không sử dụng để làm nước uống cho người và súc vật. Trong khi đó, lượng nước thải của khách sạn, theo ước tính của chính Cty tư vấn xây dựng HasKoning VietNam, bình quân mỗi ngày thải ra khoảng 56m3 nước, trong đó có 8,4m3 nước từ nhà vệ sinh sẽ rất nguy hiểm cho nguồn nước của người dân TP.Huế.

 

"Nhiệm vụ thiết kế" - chỉ là một đề bài

 

Trở lại với quy trình làm dự án, ngày 25.1.2006, UBND tỉnh TT-Huế đã gửi cho Cty liên doanh Vọng Cảnh văn bản số 254/UBND-QH, nội dung cho phép công ty này triển khai công tác khoan thăm dò địa chất để chuẩn bị xây dựng khách sạn, trong đó có đoạn: "Khu vực đồi Vọng Cảnh và vùng phụ cận đã được UBND tỉnh phê duyệt nhiệm vụ thiết kế quy hoạch chi tiết...". Theo ông Nguyễn Xuân Hoa và các nhà chuyên môn thì cụm từ "nhiệm vụ quy hoạch chi tiết" chỉ được hiểu là một cách ra đề bài cho các đơn vị quy hoạch. Hay nói cách khác, đây chỉ là một bản đề cương, chứ không thể coi là bản quy hoạch chi tiết được.

 

Bản thân bản "nhiệm vụ quy hoạch chi tiết..." này cũng đã bộc lộ rất nhiều vấn đề. Đơn cử như mục "về thiết kế đô thị" có quy định: "Không gian ven sông gắn liền với các khu vực dịch vụ du lịch văn hoá, tín ngưỡng, vui chơi giải trí, ngắm cảnh, nghỉ ngơi, trên bến dưới thuyền, làng vườn sinh thái" là không ổn, dễ dẫn đến tình trạng đô thị hoá ồ ạt khu vực cảnh quan sông Hương.

 

Về việc tuân thủ các văn bản pháp lý, văn bản nói trên đã không tuân thủ Luật Di sản văn hoá và Nghị định 92/2002/NĐ-CP, ngày 11.11.2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hoá. Cũng như không tuân thủ Quyết định 1046 -QĐ-UBND ngày 8.10.1993 của UBND tỉnh TT-Huế về việc bảo vệ đợt 1 các di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh; Quyết định 2327/QĐ -UBND ngày 11.10.1999 của UBND tỉnh TT-Huế về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hoá và môi trường cảnh quan ở vùng tây nam thành phố Huế (có đồi Vọng Cảnh) hiện vẫn còn nguyên giá trị...

Tổ PV miền Trung,Hà Văn Thịnh - LDO