Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.416 tác phẩm
2.747 tác giả
555
116.883.522

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
50 năm, giá trị một tập thơ
Đó là tập thơ Cửa biển của Hoàng Cầm - Văn Cao - Trần Dần - Lê Đạt in tại nhà xuất bản Văn Nghệ, Hà Nội, tháng 10-1956. Nửa thế kỷ đã trôi qua trên những vần thơ đầy nhiệt huyết của công dân, đầy cảm xúc lãng mạn và đầy dự cảm hiện thực của Hoàng Cầm - Văn Cao - Trần Dần - Lê Đạt trong tập Cửa biển.

Hai năm sau ngày kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, từ chiến khu về lại thủ đô, bốn nhà thơ cùng chung tâm huyết đổi mới thơ, muốn “đem lại một luồng gió mới, một hơi thở mới vào nghệ thuật” (Hoàng Cầm) đã thúc giục, cổ vũ nhau sáng tác và đã cho ra một tập thơ chung ghi dấu quan trọng đời thơ mỗi người cũng như cho nền thơ chung.

 

Cảm hứng xuyên suốt các bài trong tập thơ của cả bốn tác giả là sự ngợi ca cuộc sống mới, ngợi ca công ơn cách mạng đổi đời cho mỗi con người và cả dân tộc, đồng thời cũng đã chỉ ra những mặt trái, mặt tiêu cực trong quá trình vận động phát triển của xã hội mới.

 

Hiện thực mới, cảm hứng mới và nghệ thuật thơ mới - tất cả chung đúc lại tạo nên giá trị của tập thơ ngay từ rất sớm, khi nửa bước đang bắt đầu xây dựng lại cuộc sống sau khi vừa dứt chiến tranh.

*

Hoàng Cầm viết trường ca Tiếng hát quan họ (5-1956) kể chuyện uất nghẹn tình duyên của một đôi lứa Kinh Bắc dưới chế độ cũ. Yếm rách còn che được gió/ Tình này dang dở yếm nào che. Cách mạng về, giải phóng con người, giải phóng tiếng hát, quan họ lại bắt đầu. Yếm đào lụa nõn Bắc Ninh/ Vù vù bay quanh trái đất/ Đồi Lim bốc lên với cả rừng người/ Lượn tròn trong gió tiếng hát tiếng cười.

 

Nhưng để đi tới được chân trời rộng mở cho tự do con người, tự do tiếng hát, thì cách mạng còn nhiều việc phải làm. Bóng tiên chỉ trùm khăn áo mới/ Lại nghênh ngang đi tuần làng. Và nhà thơ mơ ước rồi đây Tiếng quê quan họ/ Sẽ thành trái núi khổng lồ/ Ném xuống biển cồn sóng gió/ Vòng nhỏ/ Vòng to/ Đến vòng nào nữa/ Chân mây mở rộng từng mùa/ Lòng mẹ bao la con sẽ trở về/ Trong bài ca vỗ sóng từ xưa. Và ba năm sau ông viết tập thơ chính của đời mình, về Kinh Bắc, với câu mở đầu Cúi lạy Mẹ, con trở về Kinh Bắc.

 

Lê Đạt góp bốn bài vào tập thơ (3-5/1956). Bài Máy kể chuyện anh nông dân đứng máy ở công trường, buổi đầu chưa quen, bỡ ngỡ, nhưng rồi anh đã vận hành máy thành thạo. Bài Đụng long mạch kể chuyện một thanh niên dũng cảm đào giếng chống hạn, bất chấp sự kiêng kỵ “long mạch” của dân làng. Mỗi bước chúng ta đi về đằng trước/ Có mấy nghìn năm níu lại đằng sau. Thơ phải ngợi ca Những con người dám cả gan đánh bốc / với những già nua cũ kỹ của cuộc đời.

 

Bài cuối cùng và là bài hay nhất trong 4 bài, Cha tôi, từ kình nghiệm cuộc đời người cha Năm tháng mòi mòn bao nhiêu khát vọng, người con rút được bài học lớn Đau thương kiên quyết làm người /không nên lùi trước cuộc đời/phải thắng. Thơ Lê Đạt ở những bài này mang tính tự sự, nhưng đã có những dấu hiệu cách tân câu chữ mà mấ chục năm sau ông vẫn tiếp tục.

 

Văn Cao xuất hiện trong tập thơ với trường ca Những người trên cửa biển (mùa Xuân 1956) gồm 4 phần. Sinh ra tôi đã có Hải Phòng, câu thơ mở đầu sừng sững cho một bài thơ dài bề thế, mạnh mẽ. Hải Phòng đi từ những ngày động biển đến những ngày báo hiệu mùa Xuân. Nhưng Đất nước đang lên da lên thịt/Đất nước còn đang nhỏ máu ngày ngày.

 

Nhỏ máu, vì đã bắt đầu xuất hiện những kẻ thù của cuộc sống mới, đó là Những con rồng đất khi đỏ khi xanh, lẫn trong hàng ngũ, là Những con bói cá / Đậu trên những chiếc dây buồm / đang đo mực nước, là Những con bạch tuộc/Bao tay chân cố dìm một con người. Những con sâu mọt ấy, nhà thơ đã thấy và ông tuyên bố Tôi sẽ vạch từng tên từng mặt, bởi ông tin Con đường ta đi tự hào duy nhất / Con đường đi trái đất quanh mặt trời. Và như vậy, với Văn Cao, Hải Phòng đã dựng nên Thơ/Những câu thơ thành thời sự.

 

Trần Dần sảng khoái ca vang Cách mạng tháng 8 (7-1956) đầy cảm xúc tri ân: Đầu óc người ta có thể vãi rơi đi / cả ngày sinh tháng đẻ bản thân mình / Nhưng - mãi mãi, ngày sinh nhật nước / không bao giờ, ta có thể quên. Với kiểu thơ bậc thang như của Maiakovski, với nhiệt tình công dân yêu nước như của Maiakovski, bằng những ý thơ mãnh liệt, những hình ảnh táo bạo, Trần Dần đã dựng lại cả một thiên sử hào hùng của Cách mạng tháng Tám mang lại độc lập cho dân tộc, tự do cho người dân.

 

Ta đã sống - trăm năm ngục đá/Ta nấc lên như cơn bão bị ghìm / Lại đã sống / 11 năm làm chủ / bầu trời mây tuôn dài rộng đường chim. Cho nên nhà thơ thù ghét tất cả những gì dã man xúc phạm con người, những gì ăn cướp của con người / Dù một chút trời xanh leo lẻo / Một chút mây bay - cánh mộng cuộc đời. Ông vững tin ở tình yêu đất nước của mình. Dù mảnh đất có ngày còn xám / Dù trời ta đôi nơi còn lấm bụi ngàn xưa / Nhưng có hề chi - tôi đã từng yêu / Trời đất ấy, tôi đã từng tin tưởng. Ông cất cao lời thơ kêu gọi mọi người: Hãy đời đời hát mãi cùng tôi / Không thể để, dù một móng chân bị nô lệ / Một sợi tóc của con người, cũng phải được tự do.

 

Nửa thế kỷ đã trôi qua trên những vần thơ đầy nhiệt huyết của công dân, đầy cảm xúc lãng mạn và đầy dự cảm hiện thực của Hoàng Cầm – Văn Cao – Trần Dần – Lê Đạt trong tập Cửa biển. Số phận Đời và thơ của 4 ông về sau này chứng thực tinh thần tiên phong và cách mạng của họ.

 

Tập thơ hồi đó do Vũ Lộc trình bày bìa và trông nom in, và "ngoài số giấy thường có in thêm 710 cuốn giấy đặc biệt”. Tôi có một ý nghĩ, giá như bây giờ in lại nguyên vẹn tập cửa biển này, đó sẽ là chứng tích của một thời sống và một thời thơ đến nay vẫn còn giá trị và ý nghĩa.

Phạm Xuân Nguyên - Báo Thể thao và Văn hóa,TTO