Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.420 tác phẩm
2.747 tác giả
548
116.896.117

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Dưới mưa xuân, thơ của thời @
Tiết trời se se lạnh, mưa xuân phơi phới bay. Ban tổ chức nói thời tiết không chiều lòng người, nhưng khách du xuân - yêu thơ thì cho rằng thế mới lãng mạn, mới "thơ"! Bằng chứng là ngay từ sớm, khi lá cờ thơ được kéo lên ở Văn Miếu (Hà Nội) thì cũng là lúc hàng ngàn người đã có mặt.

Đã được 4 năm, ngày rằm Nguyên tiêu được chọn là Ngày thơ Việt Nam với mục đích tôn vinh thơ ca, lưu thơ lại trong lòng công chúng ngày nay. Năm nay Nguyên tiêu đúng vào ngày nghỉ, có lẽ vì vậy mà đông người đến với thơ hơn. Hà Nội được coi là trung tâm của những hoạt động chính của ngày thơ. Nhiều nhà thơ khắp nơi, như nhà thơ Hoàng Quý (Vũng Tàu), Inrasara (Ninh Thuận) đã kịp về Hà Nội, góp một tiếng thơ trong Ngày của thơ tại chốn linh thiêng Văn Miếu.

 

Nhiều vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, trong đó có ông Nguyễn Khoa Điềm - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa T.Ư, cũng là nhà thơ nổi tiếng, đã đến dự lễ khai mạc Ngày thơ lần thứ IV.  Sau lễ kéo cờ thơ là màn thả thơ rất ấn tượng và lễ kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

 

 Năm nay, phần "Hội thơ" được chia làm 2 khu vực. Sân Thái Miếu là diễn đàn của các nhà thơ lão làng (cũng là nơi dành cho những người yêu thơ lớn tuổi thích sự trầm mặc, từ tốn). Chương trình thơ Đất nước mùa xuân là nơi đọc thơ của những nhà thơ đã thành danh Hữu Thỉnh, Vũ Quần Phương, Trần Nhuận Minh... và các hội viên của 9 CLB thơ Hà Nội cùng một số đại diện CLB thơ các tỉnh thành. Những cuộc thi của sân này cũng thuộc loại truyền thống: ngâm thơ, thi câu đối, đọc thơ cổ, thơ trào phúng, trao đổi về nghệ thuật thi pháp...

 

Bước một bước sang sân nhà Thái Học, sẽ là một nơi nhộn nhịp và trẻ trung hơn nhiều. Đó là sân thơ Trẻ - một nét mới đặc sắc của Ngày thơ Việt Nam năm nay. Hội Nhà văn VN giao sân chơi này cho Ban Văn học trẻ do nhà văn Phan Thị Vàng Anh làm chủ trò. Một không gian thơ tương đối hiện đại và bộc lộ cá tính rõ rệt thể hiện qua những cây thơ và những gian trưng bày thơ. Phần trưng bày thơ hiện đại và hấp dẫn bởi những poster chân dung nhà thơ trẻ và những câu thơ tự chọn của họ (do kiến trúc sư Nguyễn Trương Quý thiết kế), thu hút người yêu thơ, đồng đều từ những nhà thơ có tên tuổi như Đoàn Ngọc Thu, Phan Huyền Thư cho đến những cái tên mới xuất hiện như Từ Nữ Triệu Vương, Trương Quế Chi... Những cây thơ cũng bộc lộ phần nào cá tính thơ của mỗi người. Phan Huyền Thư với cây tương tư, Trần Hoàng Thiên Kim với cây chữ (những câu thơ được viết bằng nghệ thuật thư pháp), Dạ Thảo Phương với cây mù... Cuộc trình diễn thơ lẽ ra còn thu hút đông đảo hơn nếu những nhà thơ như Lê Vĩnh Tài, Đinh Thị Như Thúy ở Tây Nguyên, Trương Quế Chi ở Pháp, Văn Cầm Hải ở Huế về kịp. Duy có Bùi Đức Vinh vừa kịp bắt xe từ Nam Định lên, vừa kịp chép tay những câu thơ của mình lên cây ngay trước giờ khai mạc... Người ở xa chỉ có thơ là đến được trên những gian trưng bày trang trọng. Cũng bởi sự xuất hiện của những không gian thơ này mà không khí giao lưu nhộn nhịp diễn ra trong khắp khoảng sân Thái Học. Các nhà thơ ngồi tại chỗ chụp hình lưu niệm, bán sách cho người yêu thơ, ký tặng... Các nhà thơ trẻ như Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh, Bình Nguyên Trang có các tập thơ mới bán khá chạy và phải huy động thêm cả người nhà ra... thu tiền ! Nhà thơ Ninh Thuận Inrasara cũng "nhanh nhẹn" ký gửi ki-ốt Phan Huyền Thư một số không nhỏ tập thơ Lễ tẩy trần tháng 4 - tác phẩm đoạt giải văn học ASEAN 2005 rất được mọi người chú ý.

 

Chỉ với 10 triệu đồng kinh phí hạn hẹp cho sân chơi thơ Trẻ, các nhà thơ cũng đã tạo được một sự thu hút đáng kể người yêu thơ và giữ chân họ lại với diễn đàn thơ của mình. Cũng có đủ thơ - nhạc, có guitar đệm cho Phan Huyền Thư, Nguyễn Vĩnh Tiến hát, có nhà thơ tự đọc tác phẩm tâm huyết; có cả 2 MC Phạm Xuân Nguyên và Nguyễn Thị Minh Thái vừa dẫn chương trình vừa đóng vai trò những nhà phê bình tại chỗ. Thơ trẻ đang được chú ý bởi cách nghĩ, thái độ thơ với cuộc sống  ngôn ngữ và thi pháp đổi mới. Có thể cách nhìn ấy, thi pháp ấy chưa định hình rõ nét và chưa được các bậc thi sĩ cha chú ưu ái và gật gù, nhưng những gì họ làm cho thơ và người yêu thơ cũng đáng để hài lòng. Có họ, người đến ngày hội thơ không có cảm giác như những người ngoài cuộc - họ sẵn sàng giao lưu, sẵn sàng bày tỏ thái độ của mình đối với nhà thơ tại chỗ. Tuy vậy, giá như có thêm những cách nào khác ngoài việc "nối đuôi" nhau lên đọc thơ thì hay biết mấy. Nhà thơ Phan Huyền Thư ban đầu có ý định mời một rapper lên sân khấu vừa nhảy vừa đọc thơ mình nhưng bất thành. Dẫu sao, cách đọc thơ mình bằng cách thể hiện một bài được phổ nhạc cũng đã làm sân khấu thơ bớt nhàm chán đi nhiều. Hy vọng năm sau sẽ có thêm những ý tưởng mới hơn.

 

Trong dòng người đông đúc của buổi sáng Nguyên tiêu tại Văn Miếu, trẻ có, già có, nhưng rất giống nhau. Họ trân trọng con chữ, yêu mến từng vần thơ chứ tuyệt nhiên không có những người hiếu kỳ thấy đông thì tụ hội. Tiếng thơ của Ngày thơ Việt Nam đang lan truyền, làm ai cũng có thể kỳ vọng vào những ngày hội năm sau.

 

Đêm Nguyên tiêu, Hội Nhà văn Hà Nội kết hợp với Đoàn trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn quốc gia tổ chức chương trình Giao lưu thơ giữa các nhà thơ hội viên với sinh viên. Cũng tại chương trình này, các nhà thơ Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Nguyễn Vĩnh Tiến đã có những cuộc trò chuyện thú vị với sinh viên. Các nhà thơ Vũ Quần Phương, Đoàn Thị Lam Luyến, Nguyễn Việt Chiến, Tạ Kim Hoa, Vân Long, Vi Thùy Linh, Phạm Đức, Phạm Công Trứ, Nguyễn Quyến, Trần Ninh Hồ cũng đã đọc các tác phẩm mới ưng ý của mình trước sinh viên.

 

Ảnh : Nhà thơ Phan Huyền Thư đang... hát

Chu Minh Vũ - TNO