Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.400 tác phẩm
2.747 tác giả
686
116.783.881

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Công diễn kịch thơ Kiều Loan : 65 năm đợi chờ hạnh phúc của thi sĩ Hoàng Cầm
Đêm 6-7-2005, có một người đàn ông 83 tuổi đã ngồi xe lăn đến Nhà hát Tuổi Trẻ, chăm chú theo dõi buổi tập cuối cùng của vở diễn thực tập tốt nghiệp ĐH Sân khấu - điện ảnh của đạo diễn trẻ Anh Tú. Ông khóc lặng lẽ rất nhiều lần, để rồi khi tấm màn nhung hạ xuống, ông khó nhọc đi xe lăn lên sân khấu, ôm hôn từng diễn viên và cười thật tươi: “Hôm nay tôi đã sống lại những ngày xanh, về lại năm 18 tuổi”.

Người đàn ông hạnh phúc ấy là thi sĩ Hoàng Cầm, và vở kịch sắp được ra mắt là vở kịch thơ đầu tay Kiều Loan ông viết năm 1940, lúc 18 tuổi. 65 năm đã qua...

 

Ám ảnh một đời người - một đời thơ

 

Kiều Loan đẹp như trăng rằm. Kiều Loan chờ chồng mười năm chinh chiến không thấy về. Kiều Loan điên dại vừa đi vừa hát khắp nhân gian từ quê nhà vào đến kinh đô Phú Xuân tìm chồng... Nàng hát trách người chồng tham vàng bỏ ngãi, trách người quân tử bỏ nghĩa cầu vinh. Nàng than cho nhân tình thế thái, khóc cho kiếp người dâu bể trầm luân, mơ cho quê hương cuộc sống thanh bình, chẳng còn chuyện đao binh và tranh giành quyền lực.

 

Kiều Loan gặp chồng mà không được nhận, lúc được nhận thì lại thấy chồng mình đã thành kẻ khác, chỉ biết lấy máu đồng loại để dệt chiến công, chỉ còn mơ đến mũ cao áo dài mà quên đi cả tình chồng vợ lẫn nghĩa thầy trò. Kiều Loan nghiến răng dùng thanh đoản đao - tín vật thề ước - đâm vào trái tim kẻ phản bội.

 

Dù sao đây cũng là năm 2005, Kiều Loan không thể chỉ vì trót than khóc “Một mai thiên hạ tàn đi hết - giữa ngã ba đường tôi với tôi” mà lại phải im lặng như đã từng bị im lặng oan ức ngày nào.

 

Câu chuyện nàng Kiều Loan của thi sĩ Kinh Bắc Hoàng Cầm vừa có phong vị Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn vừa có hơi hướng Đạo tặc của Schiller. Hơi thở của Thơ mới tràn ngập trong không khí thành Phú Xuân của riêng Hoàng Cầm. Những câu thơ nếu chỉ đọc bằng mắt sẽ thấy hình như hơi kêu, hơi sáo, những lời thoại có vần có điệu sẽ dễ dàng rơi vào tình trạng “cải lương” hay “hát nói”, nhưng vượt lên tất cả, những vần thơ đẹp của chàng trai 18 tuổi ngày nào giờ đây vang lên trên sân khấu nhà hát của năm 2005, quyến rũ đến mê hoặc người xem - nghe trong một nỗi buồn đẹp đẽ và thanh khiết.

 

Khó có thể tin đến ngày này tháng này năm này mà người ta còn có thể ngồi kiên nhẫn xem - nghe một vở kịch thơ, về một đề tài muôn thuở là chiến tranh và lòng chung thủy, mà lại còn do một chàng trai trẻ viết từ 65 năm trước. Nhưng điều đó đã xảy ra, với Kiều Loan.

 

Và những gì đã xảy ra với Kiều Loan thật, trong ký ức của Hoàng Cầm, cũng bi thảm không kém: người con gái hoa khôi xứ Bắc Giang 18 tuổi, từng làm tan nát trái tim bao anh học trò làm thơ như Hoàng Cầm, đã bị giết chết vào một buổi tối mùa hè năm 1940. Quân Nhật đổ bộ vào VN, Bắc Giang thành trại lính, hàng chục sĩ quan xứ Phù Tang mê cô nàng hoa khôi đã sinh ghen ghét và thù hằn nhau.

 

Viên chỉ huy thấy không thể để mất “danh dự của quân đội Thiên hoàng” nên chỉ có cách tốt nhất là trừ tận gốc nguyên nhân. Kiều Loan bị bắt uống thuốc ngủ khi đang ốm. Cái chết của cô gái khiến Hoàng Cầm đau đớn sững sờ. Mười ngày sau, chàng trai viết xong kịch bản Kiều Loan, công sứ Bắc Ninh không cho diễn; lên Hà Nội, chánh mật thám Cousseau cũng trả lại bản thảo trong im lặng và khi nhà thơ trẻ giở ra thì cứ bốn trang đã bị gạch xóa mất ba (!).

 

Đất nước độc lập, sau nhiều lần tập luyện, vào một buổi sáng tháng 11-1946, Kiều Loan được công diễn một buổi duy nhất. Trưa hôm ấy, chủ tịch thành phố - bác sĩ Trần Duy Hưng - gọi Hoàng Cầm lên ái ngại: “Kịch hay lắm, nhưng không diễn được nữa đâu, mấy hôm nay quân Pháp khiêu khích dữ lắm, cậu đang diễn mà nó tung một quả lựu đạn vào rạp thì tính mạng đồng bào mình ra sao?”. Thế là nàng Kiều Loan xấu số lại phải im lặng, và im lặng thật lâu. Bởi vì vài tuần sau là kháng chiến bùng nổ, Hoàng Cầm lên chiến khu. Người vợ trẻ trung xinh đẹp của ông - nữ nghệ sĩ Tuyết Khanh, người đóng vai Kiều Loan trong buổi diễn duy nhất - vì đau ốm đã phải quay về thành, bà giận ông vì đã hứa sẽ theo về chăm sóc bà nhưng rồi lại mải theo kháng chiến mà quên tình riêng. Tuyết Khanh ra đi mang theo cả Kiều Loan - đứa con gái đầu lòng được cha đặt theo tên nàng thơ của mình. Qua “bên kia sông Đuống”, Hoàng Cầm mất cả Tuyết Khanh, cả Kiều Loan bé nhỏ, và cả vở kịch Kiều Loan chìm trong im lặng cho đến 59 năm sau buổi diễn đầu tiên.

 

Những bất ngờ dễ chịu của hôm nay

 

Có rất nhiều bất ngờ trong Kiều Loan. Thứ nhất là ở đạo diễn, khó ai dám tin sau thất bại của Vũ nữ đêm giao thừa, Anh Tú - người chỉ nổi danh với tư cách diễn viên - lại có thể mạo hiểm chọn một vở kịch khó đến như Kiều Loan làm vở diễn tốt nghiệp.

 

Anh đọc kịch bản một cách tình cờ, rồi mê lập tức, ôm cặp đến nhà Hoàng Cầm không biết bao lần để bàn thảo. Bất ngờ nữa là Quách Thu Phương, cô cũng từng là nguyên nhân chính trong thất bại của Vũ nữ đêm giao thừa và vừa tháng trước còn bị các nhà báo cười vì cách diễn “cứng như nuốt phải bút chì” khi vào vai Diễm “500 đô” trong vở kịch cùng tên, thì hôm nay đã trở nên mềm như lụa để hóa thân thành một Kiều Loan - nàng thơ của Hoàng Cầm.

 

Kiều Loan của Quách Thu Phương chưa thật sự chinh phục hoàn toàn người xem, nhất là những người yêu thơ Hoàng Cầm đến mê mệt, từng thuộc lòng cả Mưa Thuận Thành, Về Kinh Bắc cho đến từng câu thơ thoại của vở kịch dài mấy ngàn câu này . Nhưng Quách Thu Phương cũng đã kịp mang đến một vẻ đẹp tươi mới, trẻ trung và một cách cảm, cách nhìn khác về Kiều Loan của những nghệ sĩ hiện đại. Ngay cả cái cách mà cô phát âm những chữ đẹp và vang trong thơ Hoàng Cầm cũng là cách xử lý của một diễn viên hiện đại biết tiết chế đài từ một cách hợp lý và hiệu quả - dù từ xưa đến nay, đó chưa bao giờ là thế mạnh của cô.

 

Hai diễn viên nam, hai người đàn ông trực tiếp và gián tiếp mang đến bi kịch cho Kiều Loan - người chồng làm quan võ (Xuân Tùng) và hình bộ thượng thư (Đức Khuê) cũng là hai sự bất ngờ đáng khâm phục về sự thay đổi phong cách diễn xuất.

 

Đạo diễn Anh Tú cho biết: Kiều Loan mới chỉ là sản phẩm của cá nhân anh, Nhà hát Tuổi Trẻ chỉ giúp đỡ bằng cách cho anh mượn sàn tập, vở diễn chưa được nhà hát cũng như bất kỳ đơn vị nghệ thuật nào công nhận.

 

Anh hi vọng sau khi xem lần đầu, Nhà hát Tuổi Trẻ hoặc Hội Nghệ sĩ sân khấu sẽ làm “giấy khai sinh” đứa con được sinh ra một cách khó nhọc và đau đớn này. Nếu không, anh sẽ kêu gọi “xã hội hóa” để vở diễn có thể công diễn rộng rãi, Anh Tú hoàn toàn tin tưởng vào hiệu quả nghệ thuật và nhất là uy tín của “thương hiệu Hoàng Cầm” nếu phải đem “xã hội hóa” Kiều Loan.

 

Và ai đã có may mắn được chứng kiến những giọt nước mắt hạnh phúc của thi sĩ Hoàng Cầm, của đạo diễn Anh Tú, của các diễn viên đóng Kiều Loan, của gia đình và những người yêu mến Hoàng Cầm cũng tin như vậy.

 

 

Đạo diễn Anh Tú và diễn viên Quách Thu Phương cùng các diễn viên chúc mừng thi sĩ Hoàng Cầm sau đêm diễn tập cuối cùng - Ảnh: Việt Dũng

Thu Hà - TTO