Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.405 tác phẩm
2.747 tác giả
381
116.819.944

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Người dắt bò ra phố
Sinh ra và lớn lên ở thủ đô nhưng tâm hồn Hà Trí Hiếu đầy ắp những khung cảnh làng quê. Anh vẽ bò với niềm đam mê kỳ lạ. Những con bò trong tranh của anh không chở theo cỏ, rơm, gạch cát, không chở cả bóng trăng, dáng cây nhưng vẫn thấm đẫm hồn quê kiểng.

Họa sĩ Hà Trí Hiếu sinh ra và lớn lên tại phố Khâm Thiên, Hà Nội. Anh là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, từng tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Tuổi mụ đã hơn bốn mươi, cả đời sống chủ yếu ở chốn thị thành. Nông thôn đối với anh danh chính ngôn thuận chỉ là ký ức về những tháng ngày ngắn ngủi đầu những năm 70 của thế kỷ trước sơ tán về quê nội ở làng Cát Động (xã Kim An, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây) ven bờ sông Đáy. Thế nhưng trong hội họa, nông thôn là thế giới bất tận của Hà Trí Hiếu.

 

Năm 1996, Hà Trí Hiếu từng cho trình làng triển lãm cá nhân đầu tiên tại gallery Sông Hồng với ý tưởng chủ đạo "Ánh sáng của đất". Trước đó, người yêu hội họa từng được xem tranh của anh ở nhiều triển lãm chung, đặc biệt trong các lần "xuất chưởng" của nhóm 5 họa sĩ trẻ Thủ đô một thời khét tiếng "The Gang of Five" (với những Hồng Việt Dũng, Đặng Xuân Hòa, Trần Lương và Phạm Quang Vinh). Nhưng phải tới "Ánh sáng của đất", ta mới có thể hình dung được khá trọn vẹn cái hồn quê gần như bản ngã trong tranh Hà Trí Hiếu.

 

Giữa phù hoa phố xá, Hà Trí Hiếu đã dựng lại cho ta không gian lặng lẽ, u tịch, thâm trầm đa nghĩa với những tiếng kêu muôn đời không thành tiếng của các giọng ca bồ côi của thôn nữ, với những bóng dáng ảo huyền quyến rũ một cõi đi về, với cả tấm lá chuối xanh mướt hồn thơ Nguyễn Trãi "tình thư một bức còn phong kín"... Cái làng giữa phố của Hiếu vừa thực vừa ảo, vừa là quá khứ và  hiện tại, vừa là cả tương lai nữa...

 

Trong "Ánh sáng của đất" cũng đã có một vài bức tranh vẽ con bò, con vật hiền lành, hữu dụng của làng quê ta. Đó là những tác phẩm đầu tiên trong bộ sưu tập dần dà trở thành đồ sộ (không phải về kích cỡ tranh hay số lượng, mà về ý nghĩa và giá trị nghệ thuật) của Hà Trí Hiếu về một chủ đề mà anh đã dành dễ đến cả một thập niên (ở tuổi sung sức nhất đối với một họa sĩ) để vẽ. Con bò, đó là chủ đề duy nhất của lần triển lãm cá nhân thứ hai của anh, tại Mai Gallery năm 1998. Tại đây treo chỉ một phần tranh vẽ bò của Hiếu, nhưng cũng đủ cho ta cảm nhận về một biểu tượng chủ đạo trong nghệ thuật của người họa sĩ đang dồi dào sức sáng tạo này.

 

Mang con bò ra phố, Hà Trí Hiếu dường như muốn gửi một thông điệp thấm đẫm nỗi niềm lưu lạc của đồng quê, một đồng quê mà dù sinh ra và lớn lên ở đâu, mỗi một người Việt đều - theo bản năng mơ hồ hay rõ ràng ý thức - cảm thấy nuối tiếc ở trong mình.

 

Ấn tượng mạnh mẽ nhất về những con bò của Hà Trí Hiếu - đó là cái đẹp. Hiếu chăm chút vẽ bò như thể đấy là những mỹ nhân, những mỹ nhân nhìn chung là ngơ ngác trước cảnh đời xô bồ, hoa lệ. Cũng sự nhu mì mà ai trong giới mày râu cũng muốn thấy ở phụ nữ. Cũng những sắc màu lúc rực rỡ, lúc ngậm ngùi và luôn luôn quyến rũ. Và đặc biệt là những đôi mắt như giấu lệ vào trong - đó như thể những tấm gương, lặng lẽ chiếu vào ta những khẩn cầu câm lặng. Soi vào đấy, ai đó có thể nhận rõ mình hơn.

 

Con bò của Hiếu có khi trở nên siêu thực, có khi bó mình thành những hình khối, nhưng lúc nào cũng cố gắng che chở cho con người, nâng đỡ con người, liên kết con người và vạn vật... Con bò hoá thân thành trung tâm của sự sống, níu giữ lòng ta với một quê kiểng đang dần dà lùi bước trước sự đô thị hoá khó có gì cưỡng lại nổi của thế giới.

 

Với nhà nông, con trâu là đầu cơ nghiệp. Với họa sĩ Hà Trí Hiếu, con bò đã trở thành một phần - rất quan trọng - trong sự nghiệp nghệ thuật của anh. Hình như ở Việt Nam, đây là lần đầu tiên có một họa sĩ đã đầu tư - và đầu tư thành công - tài năng vào một gia súc thân quen với chúng ta đến thế

 

http://www.cand.com.vn/vi-vn/vanhoathethao/guongmat/2005/6/57980.cand
Đặng Đình Nguyên - ANO