Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.405 tác phẩm
2.747 tác giả
460
116.823.222

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Di sản văn hoá phi vật thể ở Việt Nam
Di sản văn hoá phi vật thể ở Việt Nam,Đang ở tình trạng báo động đỏ Đó là ý kiến của TS Nguyễn Chí Bền - Viện trưởng Viện Văn hoá - Thông tin khi trao đổi với PV Lao Động nhân dịp tổng kết chương trình mục tiêu quốc gia về di sản văn hoá giai đoạn 1 (2000 - 2005).

´ Ông có cho rằng, tình trạng báo động đỏ của văn hoá phi vật thể (VHPVT) hiện nay, một phần quan trọng nguyên nhân chính là từ nhận thức của một bộ phận những người hữu trách?

 

- Việc bảo tồn di tích đã được đặt ra ngay từ sau CM Tháng Tám, với Sắc lệnh 65 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng phần hồn của DS VH, là VHPVT, thì lại chưa được để tâm đến. Trước khuyến nghị về bảo tồn VH truyền thống và dân gian của UNESCO năm 1989, khi nói đến bảo vệ DS VH thì được hiểu đơn thuần đó là văn hoá vật thể. Ngay cả giờ đây, khái niệm này cũng vẫn còn khá xa lạ trong nếp quan tâm của khá nhiều người.

 

Cách đây ít lâu, khi chúng tôi triển khai nhiệm vụ sưu tầm, bảo tồn và phát huy DS VHPVT trong Chương trình mục tiêu quốc gia, có lãnh đạo địa phương còn hỏi: "Thế cái văn hoá phi vật thể là cái gì?" (!).

 

Từ năm 1995 đến 2005, tổng kinh phí đầu tư cho nhiệm vụ bảo tồn và phát huy DS VHPVT trên toàn quốc là hơn 42 tỉ đồng. Số kinh phí đó, để đầu tư chỉ cho một công trình vật thể đã là quá khiêm tốn. So với một đất nước mấy nghìn năm văn hiến như ta thì số tiền đầu tư cho DS VHPVT như vậy là quá ít.

 

Vấn đề tồn tại trước hết là ở nhận thức về giá trị của DS VH. Nhiều người vẫn quan niệm là đầu tư cho việc giữ gìn DS VH là đầu tư một chiều, ngành văn hoá là ngành chỉ biết tiêu tiền chứ không "tiền mẹ đẻ tiền con". Còn đầu tư cho DS VHPVT thì lại càng không thấy "hiệu quả" đâu cả. Hậu quả của cung cách tư duy như vậy là DS VHPVT của ta, vốn đã mai một sau những năm dài chiến tranh và nghèo đói, giờ lại càng bị mai một thêm. Điều rất nguy hiểm là DS VHPVT không có hình hài vật chất mà chỉ tồn tại trong ký ức con người nên rất dễ bị tổn thương, mai một. Trong khi đó, hầu hết các nghệ nhân của ta đều đã rất cao tuổi. Nếu ta không có biện pháp kịp thời lưu giữ lại tri thức, vốn liếng DS VHPVT quý giá của họ, thì khi mỗi nghệ nhân mất đi cũng sẽ vĩnh viễn mang theo luôn một phần của DS dân tộc mà không cách gì khôi phục lại được. ở Nhật Bản, những người được coi Báu vật nhân văn sống được nhà nước đảm bảo các chế độ đến hết đời, còn ở ta hầu như chưa có chính sách gì cho các nghệ nhân dân gian. Ngay cả danh hiệu của một số nghệ nhân dân gian được Hội VNDG VN phong tặng gần đây cũng mới là danh hiệu của một hội nghề nghiệp, chứ không phải của cơ quan chính phủ hay cao hơn là sự phong tặng của nhà nước. Trong khi đó, các nghệ sĩ chuyên nghiệp thì đã có các danh hiệu NSUT, NSND, và việc phong tặng đã được thực hiện nhiều lần.

 

´ Theo quan sát của chúng tôi, DS VHPVT ở ta đang bị đe doạ không chỉ bởi thiếu tiền, thiếu sự quan tâm, mà đôi khi nó lại bị huỷ hoại nhanh nhất vì quan niệm về bảo tồn và phát huy chưa khoa học. Ông có cùng quan điểm?

 

- Quả như vậy. Đây là vấn đề dễ gây tranh cãi trong giới khoa học và giới quản lý. Nhân danh phát triển DS VHPVT, nhiều địa phương ở Tây Nguyên đã cải tiến cồng chiêng cũng như một số bài bản cồng chiêng tới mức làm biến dạng DS. Nhiều lễ hội cổ truyền được tổ chức theo một "kịch bản lễ hội", thành ra lễ hội cổ truyền khi được khôi phục laị trở thành xa lạ với bản chất của nó. Vì thế, bảo tồn DS VHPVT cho đúng đặc trưng của nó là một vấn đề cần được quán triệt kỹ, nếu không, chúng ta sẽ chỉ đổ tiền vào mà sẽ không thu được hiệu quả.

 

´ Ông có tự tin vào tính thiết thực và hiệu quả của những gì đã thu được trong nhiệm vụ Sưu tầm, bảo tồn và phát huy DS VHPVT của chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá giai đoạn 2001 - 2005?

- Phải khẳng định là, với kinh phí không nhiều dành cho nhiệm vụ này, Bộ VHTT và các địa phương đã sử dụng hiệu quả đồng vốn đầu tư. Cho đến nay, chúng tôi đã điều tra "kiểm kê tài sản" VHPVT được một nửa số tỉnh của toàn quốc. Hơn 20 dân tộc, nhất là những dân tộc có số dân ít như ơđu, Chứt, Rục v.v... đã được điều tra DS VHPVT. Hàng trăm hiện tượng DS VHPVT đã được lưu tại viện ngân hàng dữ liệu của viện VHTT. Chính nhờ dữ liệu ấy mà Viện VHTT đã xây dựng được Hồ sơ Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên để đệ trình UNESCO công nhận Kiệt tác truyền khẩu và DS VHPVT của nhân loại. Ngân hàng dữ liệu của Viện đã đã phục vụ cung cấp tư liệu cho Thư viện tỉnh Bắc Giang phục vụ bạn đọc. Một số chuyên gia nước ngoài đến làm việc với Viện rất mê tư liệu về DS VHPVT của chúng tôi. Trang web về DS VH PVT của Viện VHTT đã đi vào hoạt động và sẽ tiếp tục được nâng cao để các nhà nghiên cứu và người dân quan tâm có thể tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng. Chúng tôi cũng đã cung cấp tư liệu cho Đài THVN, Đài PT và TH HN làm các chương trình như "Không gian văn hoá", "Gìn giữ cho muôn đời sau"¿ Trong giai đoạn 2, cần phải có cuộc tổng điều tra trên toàn quốc, đối với những tỉnh chưa kiểm kê thì kiểm kê nốt. Và quan trọng nhất là công việc phục hồi DS VHPVT, đưa nó trở lại với đời sống. Trong giai đoạn 2, cần phải có khoảng 150 tỉ thì mới có thể làm tương đối tốt nhiệm vụ này. Làm mà không có đủ lực về kinh tế thì dẫu đường lối có đúng mấy cũng rất dễ bị nhôm nhoam, không đồng bộ. Có 2 vấn đề cần phải đặc biệt lưu tâm, rút kinh nghiệm trong giai đoạn tới là sự phối hợp đồng bộ của các ngành, cơ quan hữu trách, và nhất là đưa DS VHPVT vào giáo dục học đường.

 

´ Ở nhiều nước, những thông tin như thế này thường được cung cấp miễn phí cho những hoạt động phi lợi nhuận như nghiên cứu, giáo dục, và được bán với giá rất đắt cho các hoạt động vì mục đích kinh doanh. Ông có cho đó là một cách làm hay?

 

- Đúng là chúng ta nên phân loại mục đích sử dụng như vậy để nâng cao công tác tuyên truyền, giáo dục về DSVH PVT. Nhưng để tiến hành được như vậy còn cần một hành lang pháp lý rõ ràng.

 

- Xin cảm ơn ông.

 

Phương Duy - LDO