Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
776
116.645.425
 
Đọc tập thơ Bóng Mùa của Nguyễn Thiền Nghi.
Lê Huỳnh Lâm

Chậm rãi đọc từng bài trong tập Bóng Mùa của nhà thơ Nguyễn Thiền Nghi, tôi chợt nhận ra một điều, tôi không nên viết gì thêm về tập thơ cũng như con người lặng lẽ triền miên ấy, lặng lẽ với tên gọi thân thương thầy Nguyễn Bồn trong nghề giáo và cũng là một võ sư cựu trào Teakwondo. Một gương mặt thầm lặng, yêu thơ. Vừa qua, tập thơ Bóng mùa, do nhà xuất bản Thuận Hoá ấn hành đã ra mắt bạn đọc, Bóng mùa là thi phẩm thứ năm của tác giả. Có thể nói rằng sức sáng tạo hình ảnh, câu chữ, cùng những tứ thơ rất đặc sắc đã làm nên một Nguyễn Thiền Nghi say thơ trong trạng thái rất tỉnh. Với anh, thơ như một chút hơi ấm giữa cuộc đời bể dâu:

Chẻ con chữ

Sưởi đời dâu bể

Quét tro tàn

Vun nghĩa sắc không

(Sắc âm)

Trước sự bao la của biển cả, sự cô đơn của người thơ đã thể nhập vào trùng khơi:

Bao mơ ước chau mày biển rộng

Chạm cốc ta

Môi giọt nhớ giọt tình

(Tình biển)

Đời người cũng lênh đênh như con thuyền, nhiều đêm đã mắc cạn trong nỗi cô độc để đón đợi bình minh:

Đêm mắc cạn

Cốc rượu tình khuya khoắt

Rót già thêm tuổi của bình minh

(Tình biển)

Ôi! Giữa cuộc đời đầy hệ luỵ, vẫn còn người đi tìm cái đẹp của trăng sứ, dù biết đó chỉ là ảo ảnh, trong bài Trăng sứ, tác giả như muốn nhắc đến những hư ảo của cuộc phù sinh:

Lang thang giữa những vòng đồng tâm hệ luỵ

Tìm trăng sứ

Để rồi có những lúc trở về nhìn cõi lòng giữa bốn bề hoang mang  :

Ngồi xếp bằng dỗ lòng không an định

và ngộ ra một điều giữa những đối đãi tương đối của trần gian:

Có khi cầm cái ngỡ còn

Gặp cái ngỡ không.

Trong bài Khói tình, có nhiều câu gợi lên nỗi niềm của tác giả như:

Buồn không tan

Mà sủi bọt tâm người

Tâm muốn lắng

Mà đời không chịu lắng

Những câu trên chữ đã khiến người đọc phải ngẫm nghĩ thật nhiều về cuộc đời, và hình ảnh sủi bọt tâm người như muốn nhắc chúng ta về những hư hao cuộc đời vẫn thường vây khốn quanh ta. Những hình ảnh trong bài thơ Hư thực đêm gợi cho người đọc liên tưởng đến gương mặt đầy trăn trở của nhà thơ trước bao vấn nạn cuộc sống hiện đại, để rồi lui lại nhìn cõi hồn mình trong những khuya xưa và những ngày sám hối:

Đêm tro than

Mắt người lửa cháy

Mòn gót đất trời

Mơ hồ đâu thuỷ đâu chung

Cày xới đời lên

Cấy trăng thiên cổ

Buổi mất mùa úp mặt vào tay

Bao vấn nạn chạm khắc cuộc sống

Vết khoan mưa

Sâu hoắm nỗi buồn

Sông màu thời gian vỡ ngọn

Tìm thực hư trong ngày sám hối

Thấy mình. Và không thấy mình

Chỉ cuộc tình như tỉnh như mê

Đi cùng ta

Cơn bão cuộc đời

Đọng tim đêm

Hình ảnh làng quê đang mất dần trong thời đại mới, đã được tác giả khắc hoạ lại rất tài  tình, như bài Mùa vụ có câu:

Người con gái gánh hạt cười

Đổ đầy má lúm

Đốm chín chạy dọc thân

Rung bật then cài tuổi

hay

Chông chênh lời gọi vói

Qua đụn rơm

Đàn kiến cõng trứng

Xẻ sống lưng mùa làm dấu

Trong bài Mùa khô có những câu:

Chiều đi men cơn say khô

Sắc màu nóng làm rẫy trên lưng

Chỉ một ngọn khói mỏng manh đã gợi lại bao kỷ niệm của làng quê yêu dấu được lưu giữ trong miền tâm thức của những thế hệ Việt:

Gậm nhấm tao nôi đời quán

Cuộn nỗi buồn lá sâu

Khói quê nhà un chiều làm dấu

Chút hạnh phúc ướt nhẹt hơi rơm

(Cánh cửa)

Và hình ảnh người mẹ, mỗi ngày úp mặt trên cánh đồng để gặt tuổi đã được tác giả khắc hoạ trong Màu tuổi mẹ:

Mẹ gánh ngang thời gian

Chiếc đòn xóc thời vụ

Gặt tuổi mình trên mặt đồng sâu

hay

Mẹ vuốt tuổi mình

Trên chiều cong sợi khói

Rồi những câu thơ đã khiến người đọc giựt mình trong bài Đêm thả đèn:

Quẳng giấc mơ bầy quạ dữ qua sông

Thoáng mòn hao ăn nám lòng người

Mở lại mắt khô soi nhàu kỷ niệm

Sầu buốt xưa sau

Cháy lụn tro tàn

Những câu thơ trên chính là tâm tình về những giá trị đã một thời ghi dấu trong tâm hồn thi sĩ. Ngoài những câu chữ đầy tính sáng tạo, tập thơ phảng phất hơi hướng của sự tìm kiếm chân nghĩa cuộc đời bằng những tiết nhịp gọn gảy, rất riêng. Có thể tác giả như muốn dấu đi những liên âm giữa các câu, để tạo ra sự khác lạ, mọi điều của cuộc đời đã được nói hết trong tập thơ Bóng mùa, nhưng thật ra nhà thơ có nói gì đâu!

Buông tịnh tâm vào trong sâu lắng

Nghe tôi nói cùng tôi

Khi những gì ngỡ biết, cứ giả danh mà đi

(Khuôn mặt)

Những câu trong bài Cội rễ gợi lên một cuộc kiếm tìm của tác giả về ý nghĩa cuộc đời:

Mượn đời có không

Ôm lòng ngỡ thật

Chèo động mênh mông

Không rõ lối về

Cúi vào trăm năm

Cuộc người vẫn thế

Quay cuộc phù trầm

Ngồi vẽ mặt nhau

Đọc xong 39 bài thơ, tôi cứ mường tượng hình ảnh một người thiếu phụ ẩn khuất trong sâu thẳm tâm hồn thi nhân, để rồi trong Dự cảm lại xuất hiện:

Người con gái bối mùa trên ngực gió

Hạt mộng vo tròn

và trong Chiếc bóng hình ảnh người đàn bà cúi nhặt bóng mình trên sóng gió cuộc đời đã được biểu hiện:

Người đàn bà cúi nhặt bóng mình trên sóng

Thời con gái nặng nề ảo giác

Quá khứ như lưỡi dao chém xuống

Mắc mớ rễ tre

Chờ nước lớn đẩy thuyền ra biển

Bóng mùa phải chăng là bóng thời gian, bóng cuộc đời, bóng quê hương, chiếc bóng của thi sĩ trước những ám ảnh về một nơi chốn xa xăm trong xoáy động đất trời?

Sông người không ngừng chảy

Bước thời gian cứ lầm lũi đi tìm

Trong xoáy động trời đất

Biết về đâu điểm lắng.

(Dòng chảy)

 Huế, 2007

Lê Huỳnh Lâm
Số lần đọc: 3125
Ngày đăng: 24.11.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nguyễn Thị Ánh Huỳnh : “Va vào đâu mà đất giật mình ?” - Đổ Huy Thanh
NGUYỄN DUY: Đánh Thức Tiềm Lực - Nhìn từ xa... ’’Phấp Phới Ngũ Hành Kỳ’’ !-1 - Lê Xuân Quang
NGUYỄN DUY: Đánh Thức Tiềm Lực - Nhìn từ xa... ’’Phấp Phới Ngũ Hành Kỳ’’ -2 - Lê Xuân Quang
NGUYỄN DUY: Đánh Thức Tiềm Lực - Nhìn từ xa... ’’Phấp Phới Ngũ Hành Kỳ’’ -3 - Lê Xuân Quang
Lóng lánh một hồn thơ - Phạm Quang Trung
Gương mặt buồn ,mảnh đất buồn và lòng người nhân hậu - Nguyễn Đức Thiện
Lặng lẽ để toả sáng - Phạm Quang Trung
Tiếng ngựa hoang bên đồi cỏ cháy - Đặng Thân
NGUYỄN VĨ : Say… Viết - ‘’GỬI TRƯƠNG TỬU’’ - Lê Xuân Quang
Đọc ĐÊM GỞI GIÓ của ĐỖ HƯỚNG :TIẾNG ĐÊM lách tách THÂU GIỀNG TỬ SINH - Lê Vũ
Cùng một tác giả
Đêm (thơ)
Chết (thơ)
Huế (thơ)
Đông ngàn (tạp văn)
Thu Xưa (tạp văn)
Tùy bút cho H. (tạp văn)
Online (thơ)