Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
714
116.006.771
 
Vườn đá ở Huế
Lê Huỳnh Lâm

Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau“ câu kết bài Diễm xưa mà nhạc sĩ họ Trịnh tài hoa đã chiêm nghiệm qua cuộc lữ đày, ướt đọng trên đôi mắt sầu bi của một đời người. Đá rất gần gũi với chúng ta mà cũng rất xa lạ. Bởi đá rất tầm thường, nhỏ nhoi và đá quá vĩ hùng, cô độc. Mấy ai hiểu được lòng đá! Người ta thường ví những con người lạnh lùng, cứng rắn bởi câu: ”Lòng dạ sắt đá”. Lạ thay, qua bàn tay tài tình của con người, đá đã trở thành những tác phẩm tuyệt mỹ, hoặc được tạo hoá và thời gian tạo ra những ngọn núi, hang động như những hang động, những dáng đá ở Hạ Long, Phong Nha, Non Nước,… là những tác phẩm mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người. Con người đã thổi hồn vào trong đá hay con người phát hiện ra linh hồn của tượng đá và cảm nhận được những dòng “Lệ đá”(1) ?

 

Những chiều lang thang trên công viên tượng dọc theo bờ Hương giang thơ mộng cùng những tượng đá của các nhà điêu khắc trong nước và thế giới, các tác giả đến Huế với một mong muốn góp phần cho Cố đô lãng mạn hơn và cổ kính hơn. Mỗi tác phẩm của mỗi nghệ sĩ có một dáng vẻ khác nhau, mà chung quy đều thể hiện sự thăng hoa của con người hay ước mơ về một cõi thiện, về cái đẹp hay những trăn trở trong thế giới này.

 

Ở Huế, người chơi với đá không nhiều, đa phần là những người đã có tuổi. Những ai đã chọn đá làm bạn rồi mới biết, đá không trơ lì như mọi người lầm tưởng. Ngôn ngữ của đá chỉ dành riêng cho những người chân tình với nó. Những lần ghé vườn đá của anh Lê Trường Quỳnh ở làng Lựu Bảo thuộc huyện Hương Trà, nhìn đá để mà hiểu nỗi trầm luân của kiếp người  và cảm nhận sự trầm mặc của đá. Vườn đá của anh Quỳnh đã có hơn 10 năm. Ở đây, mỗi tảng, mỗi viên đá đều có một dáng vẻ đặc trưng và có cái hồn riêng của nó. Tảng này hiển hiện sự thanh thoát của vị thiền sư, hòn kia toát lên nỗi niềm cô đơn của đời người, có viên dẫn dắt chúng ta về với hình ảnh tuổi thơ mà hầu như ai cũng từng có: hai đứa đang cõng nhau khi cuộc chơi kết thúc,  thấp thoáng xa xa một dáng đá tựa hình bóng con thuyền đang ra khơi của nhà văn Hemingway cứ bềnh bồng trong ký ức tôi. Tôi lạc vào thế giới của đá, một thế giới kỳ bí và bao dung, một thế giới hoà bình và yên ắng, bởi lẽ đá luôn nói ngôn ngữ riêng của mình và chỉ nói cho những người thực sự muốn nghe. Nghe lời của đá mà như nghe tiếng lòng đang tự nói với chính mình. Đá cũng có tâm hồn và có cái dụng của đá, còn tôi như thế nào? Thế giới của đá đâu có tranh giành, sát hại nhau? Sao thế giới loài người lại như vậy!

 

Buổi chiều khi ánh nắng xuyên qua những kẽ lá, sóng nắng nhấp nhô trên lá cỏ làm cho màu xanh thêm phần mặn mà, tôi lang thang theo sóng nắng qua các tác phẩm đá trong những ngôi nhà vườn quanh thị thành, gần xế chiều tôi ghé thăm phủ thờ công chúa Ngọc Sơn ở số nhà 29 đường Nguyễn Chí Thanh, nơi có tác phẩm non bộ diện tích chừng 5 mét vuông chiếm cả một khoảng sân trước nhà, tôi mãi mê ngắm nhìn tác phẩm non bộ vời vợi giữa màu chiều cô tịch rồi chìm đắm trong nỗi niềm liêu trai của đá…

 

Dưới cái nắng chang chang của trưa hè xứ Huế, tôi theo chân anh Ngọc Thu đến nhà thầy Trợ Tâm ở đường Phan Châu Trinh, anh Thu là học trò cũ của thầy Trợ Tâm. Anh cho biết, cụ Tâm là bậc thầy về non bộ, theo cụ Tâm chơi với non bộ là trở về với đạo của trời đất có âm dương, ngũ hành. Tiếc thay cụ đã về với gió cát, nhưng tác phẩm và lời chỉ dạy của cụ Trợ Tâm về non bộ còn khắp nơi và ngân vang trong những con người mê đá. Buồn thay, ngôi nhà cụ Trợ Tâm bây giờ  thay đổi quá nhiều, tôi thất vọng vô cùng và nhìn thấy nỗi bàng hoàng, tái tê hiện rõ trên gương mặt người học trò đáng yêu của cụ Tâm, chẳng biết cụ Trợ Tâm ở thế giới bên kia có cảm nhận được điều này không? Ở Huế, người làm nghề non bộ không nhiều, họ là những người chơi đá khắp thị thành, họ đem cái đẹp đến cho những ngôi nhà vườn mà vật liệu chính chỉ là đá. Thời gian vừa qua tôi có biết anh Xuân Hiển một người làm non bộ khá nhiều, anh là người làm đẹp cho những ngôi nhà vườn của người khác mà như làm đẹp cho chính ngôi nhà mình. Những người xa xứ, chiều chiều ra đứng ngã ba cứ trông ngóng về cố hương, bởi nỗi buồn xa quê, nhớ mẹ làm cõi lòng quặn thắt. Để phần nào vơi đi nỗi nhớ quê hương, những người xa nhà đã thu nhỏ hình ảnh quê hương trong những hòn non bộ. Nghệ thuật làm non bộ đã có từ xa xưa và đi vào trong đời sống văn hoá, tinh thần người dân Cố đô Huế, phần lớn trước khoảng sân mỗi nhà thường có một bể nước và trên bể được đặt một hòn non bộ, những nhà có vườn rộng hơn chủ nhà dành một khoảng sân để thu nhỏ cảnh nước non hữu  tình ngay trong vườn nhà. Thông thường người ta có trồng một cây Bồ đề, hoặc cây Sanh trên hòn non bộ để tạo nên phong cảnh thơ mộng trữ tình, điều này thể hiện tình yêu quê hương, yêu cái đẹp, yêu cỏ cây hoa lá và nói lên cái thú thưởng ngoạn tao nhã của người dân xứ ta. Một ngày giữa hạ, tôi lạc về miền Vỹ Dạ và ghé thăm anh Đinh Thu, chủ nhân ngôi nhà rường cổ kính thuộc vùng Tây Thượng. Anh Đinh Thu là người rất mê đá. Nhiều lần anh đã đạp xe lên những vùng đồi núi chỉ để đem về những hòn đá. Khoảng sân trước nhà anh có những tác phẩm đá theo phong cách hiện đại, có tác phẩm như đôi nam nữ đang thể hiện vũ điệu ba lê uyển chuyển hay ở một góc nhìn khác trông như đôi tình nhân đã cách biệt lâu ngày nay được hạnh phùng đang ôm choàng lấy nhau trong tiết nhịp nồng ấm của hai trái tim đang nhập làm một. Trong những góc khuất có những chàng đá đang thu mình cô đơn trong vùng không gian im lặng. Rồi trên một chậu kiểu chỉ hai viên đá anh Thu đã tạo nên đỉnh núi hùng vĩ mà những viên đá này với người khác lại không có giá trị gì. Phía xa xa trên ngọn đồi nhỏ trước nhà, có dáng đá như thiếu phụ đứng bế con lạnh lùng, kiêu hãnh gợi lên trong tâm trí tôi hình ảnh hòn vọng phu cô quạnh giữa đất trời và từ đôi mắt đá sầu muộn như ứa đọng những giọt lệ mằn mặn, uất nghẹn rỉ xuống mảnh hồn tê dại, đơn độc đang chìm sâu trong thế giới huyền hoặc của đá. Bỗng nhiên giữa không gian im vắng, văng vẳng lời ca nao nao cõi lòng  Hỏi đá xanh rêu bao nhiêu tuổi đời… Tượng đá kiên trinh ôm con đợi chồng…(2). Ôi đá cũng có tuổi, nghĩa là đá phải trải qua chu trình sinh, lão, bệnh, tử và đã có một thời “Tuổi đá buồn(3) hắt hiu dưới cơn mưa trắng xoá mịt mùng những lối đi... Đá ở vườn nhà anh Đinh Thu không nhiều nhưng mỗi viên là một tác phẩm khá hoàn chỉnh mà chính anh đã sắp đặt. Có hôm, sau khi sắp xếp đá trong vườn xong, anh nhìn lại và thấy mình như lạc vào thạch trận, anh hãi hùng trước sự bí ẩn của đá. (Điều này làm tôi liên tưởng đến trận chiến giữa Khổng Minh và Lục Tốn trong tác phẩm Tam Quốc Chí của La Quán Trung, trong trận đó Khổng Minh đã bày Thạch Trận và dụ Lục Tốn vào. Chỉ những tảng đá trông rất bình thường và được sắp xếp theo một quy luật huyền bí nào đó mà làm cho một vị đô đốc tài ba như Lục Tốn lạc lối, như lạc giữa rừng rậm thâm sâu, Lục Tốn cứ luẩn quẩn mãi trong Thạch Trận mà không tài nào tìm được đường để thoát thân, may nhờ lòng thương người của cụ Huỳnh Thừa Ngạn, cha vợ Khổng Minh giúp đỡ mới ra được. Trong tác phẩm “Thần điêu đại hiệp” của Kim Dung, có đoạn tác giả đã nói đến thạch trận do Hoàng Dung điều khiển còn Dương Qua thì dụ Kim Luân Pháp Vương vào kỳ môn của thạch trận, khi đối phương vào trận rồi thì thạch trận bắt đầu biến hoá kỳ ảo với những khẩu lệnh:“Chu tước tiến về Thanh long”, ”Quẻ Tốn chuyển sang Quẻ Ly”, “Bất phương trở thành Qui phương”..., và kết quả làm cho Kim Luân Pháp Vương hồn xiêu phách lạc).

 

Cố đô Huế, ngoài những tác phẩm nghệ thuật được tạo nên từ đá bằng cách sắp đặt hay điêu khắc, còn có người vẽ tranh trên đá là hoạ sĩ Đặng Mậu Triết, ngoài những bức tranh vẽ trên các chất liệu thông thường khác của anh. Từ những cục đá sành, đá cuội do chính vợ chồng hoạ sĩ Triết - Hỷ lặn lội đến những vùng xa xôi để tìm kiếm, đào bới tận đáy những con suối hay trong lòng đất sâu và qua đôi mắt nhà nghề, những hòn, những tảng đá được tuyển chọn kỹ lưỡng rồi chuyên chở về nhà. Những viên đá tưởng chừng  như  vô tri vô giác đã bị người đời quên lãng và mãi mãi chôn vùi dưới bao lớp trầm tích thẳm sâu, nhưng với tấm lòng và tài nghệ của một hoạ sĩ, anh Triết đã thổi vào đá cái hồn thiêng Bi, Trí, Dũng của tổ sư Thiền tông Bồ Đề Đạt Ma. Những tác phẩm trên đá của anh Triết đa số là vẽ Đạt Ma, lúc thì vô tư lự, khi thì thu thần lại như thể đóng tất cả các giác quan, rồi có bức như bậc đại trí đang trầm mình trong nỗi khổ của nhân loại, có tác phẩm lạnh lùng kiêu bạt, có khi tràn đầy xúc cảm từ bi và có lúc dũng mãnh phi thường… Mỗi một phẩm cách của con người đều được thể hiện qua nhân vật huyền bí này, tôi cảm nhận đời sống của vị tổ sư Thiền tông tuôn trào như  một dòng thác của tâm thức. Có tìm hiểu về ngài Đạt Ma, đọc lời kinh của ông giảng thuyết cho vua Lương Võ Đế, chiêm ngưỡng những bức tranh vẽ Đạt Ma trên đá của hoạ sĩ Đặng Mậu Triết, chúng ta mới thấy được cái tài điểm nhãn của người vẽ Đạt Ma, yếu tố nổi bật của mỗi trạng thái tâm đã toát lên một cách cô đọng nơi đôi mắt bi hùng của vị Tổ sư Thiền tông này. Nhìn tranh, nhìn người mà chợt thấy trong mỗi chúng ta đều có dòng chảy của tâm được biểu hiện qua phong cách của ngài Đạt Ma tổ sư. 

 

Ngoài những vườn đá và thể cách chơi đá được nêu trên, ở Huế còn nhiều vườn đá khác, đặc biệt có một vườn tượng rất nổi tiếng của điêu khắc gia Điềm Phùng Thị ở ngôi nhà số 1 đường Phan Bội Châu, vườn tượng của tác giả tài danh này là một công trình sáng tạo đầy tâm huyết với quê hương, chỉ một bộ mẫu tự gồm 7 chữ cái trông rất giản đơn, nhưng với khả năng sáng tạo phi thường và sự biến hoá kỳ ảo tác giả đã vượt qua những ranh giới của con người và gửi lại cho mọi người trên hành tinh này những tác phẩm tuyệt mỹ. Tác giả đã qua đời nhưng vườn tượng của bà luôn có hồn bà ghé đến hằng đêm để thì thầm những lời mà tác giả chưa kịp nói với mọi người khi đang còn sống trong cõi tạm này. Mỗi tác phẩm của bà Điềm là một nét đẹp, một ẩn dụ của ngôn ngữ  điêu khắc mà người xem có thể cảm nhận được qua sự đồng cảm với tác giả hay bằng trực giác. Một số tác phẩm của bà Điềm như gợi lại trong tôi dấu ấn của một nền văn hoá Champa xa xưa mang mang một nỗi u trầm. Có tác phẩm đòi hỏi người xem phải ở đúng vào một vị trí nào đó mới thấy được sự  hoàn mỹ của nó, đó là ẩn nghĩa của nghệ thuật sắp đặt chỉ dành riêng cho những người có duyên với tác phẩm. Thưởng ngoạn vườn tượng của bà Điềm Phùng Thị, tôi như trở về với thế giới kỳ bí của đá, thế giới của tuổi thơ hồn nhiên và thánh thiện mà tác giả muốn nhắn nhủ đến với mọi người trên hành tinh này về một cõi Chân Thiện Mỹ. Xin hát lên những lời tình ca của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “…Làm sao em biết bia đá không đau …Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau“. Phải chăng lời nhắn nhủ của những con người giàu lòng nhân ái, đầy nhiệt huyết với cuộc sống, một thông điệp nhân bản nhằm nhắc nhở mọi người hãy thương yêu nhau, hãy cảm thông nhau. Nghĩ về đá, chìm đắm vào thế giới kỳ diệu của đá và liên tưởng đến thân phận những con người cô độc, họ cô độc bởi tình yêu đối với họ là tuyệt đối, nhưng tìm đâu ra tình yêu tuyệt đối ở thế gian này? Phải chăng con người đã hoà mình vào thế giới thẳm sâu của đá để tìm đến với tình yêu tuyệt đối và cái đẹp vĩnh hằng? Ôi đá ơi! Tưởng chừng đá chỉ là những vật vô tri, vô giác mãi vùi chôn, ngủ say trong lòng đất sâu và bị lãng quên bởi thế giới loài người. Nào ngờ đâu, đá cũng khóc cười, đá trầm tư, hồn nhiên, đá khổ đau, hạnh phúc,… như một đời người. Ôi đời đá, đời người đã gắn bó cùng nhau thuở hồng hoang và từ thời xa xưa con người đã gần gũi, thân thiết với đá qua những dụng cụ, vật liệu và rất nhiều sản  phẩm khác được chế tạo từ đá để phục vụ cho cuộc sống hàng ngày. Trong cõi tâm linh, trong thế giới nghệ thuật con người đã đánh thức và thổi vào đá những luồng sinh khí tinh hoa của trời đất, của tạo hoá. Qua những bàn tay tài hoa và những tâm hồn ngập tràn niềm bi thương đang thênh thang bay bỗng trên tầng trời cao hút xa xăm đã gửi gắm lại trần gian này những vẽ đẹp quyến rủ, những thông điệp huyền ảo, linh diệu trên các tác phẩm đá, nhằm gắn kết tình người, tình nhân loại trong toàn thể thế giới đang hiện hữu suốt dòng thời gian bất tận và không gian mênh mang điệp điệp trùng trùng.



(1) Nhan đề một bản nhạc của Trần Trịnh– Hà Huyền Chi.

(2) Trích trong bản nhạc Lệ đá.

(3) Nhan đề một bản nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Lê Huỳnh Lâm
Số lần đọc: 3970
Ngày đăng: 09.08.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nỗi buồn sông - Lê Huỳnh Lâm
41 giai thoại làng Văn nghệ Đồng Tháp những năm cuối thế kỷ XX-1 - Thai Sắc
41 giai thoại làng Văn nghệ Đồng Tháp những năm cuối thế kỷ XX-2 - Thai Sắc
Tiếng gà gáy trong tâm thức Người Việt - Lê Huỳnh Lâm
Xưa là chợ rượu - Nguyễn Thanh Mừng
Ngó về quê Mẹ… - Lê Huỳnh Lâm
Mùa hoa giữa phố - Nguyễn Ngọc Tư
Tôi đến với Hội Bảo Trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi (NTT&TMC) Thừa Thiên Huế - Nguyễn Nguyên An
Thành phố bây giờ... - Phạm Lưu Vũ
Bóng tối - Bích Ngân
Cùng một tác giả
Đêm (thơ)
Chết (thơ)
Huế (thơ)
Đông ngàn (tạp văn)
Thu Xưa (tạp văn)
Tùy bút cho H. (tạp văn)
Online (thơ)