Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
799
116.523.918
 
Đọc “Sóng vỗ mạn đời” của Phan Như : Sống mà gặp nhau đã đẹp vô cùng
Lê Huỳnh Lâm

Dạo này, thỉnh thoảng tôi nhận được tin nhắn “nhìn đời hiu quạnh”, mà theo lời thầy Chạy đó là câu của anh Định Giang ở Vỹ Dạ mỗi khi ngồi nhâm nhi. Khi mắc việc thì thôi, còn rãnh rang thì tôi đến ngồi lai rai vai ly bia với thầy Chạy và nhìn cổ thành hắt hiu, hoặc nhìn cội bồ đề đơn độc, nhìn một góc phố chiều nguội nắng hay nhìn người qua kẻ lại,… tất cả là để ngắm nhìn cõi lòng đang tan tác. Phải chăng, hiu quạnh là thuộc tính của con người? Vì dù muốn hay không thì trong cuộc phù sinh, ai rồi cũng có một lần hiu quạnh, mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết “Bên đời quạnh hiu”. Một trong những cách thể nhập vào cơn hiu quạnh là làm thơ. Cũng trong những lần nhìn ngắm hiu quạnh, thầy Phan Văn Chạy đã gửi tặng tôi tập thơ “Sóng vỗ mạn đời” với bút danh Phan Như do nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành. Hôm nay, đọc xong tập thơ để cảm nhận sự hiu quạnh mà tác giả đã trải nghiệm.

 

Ta nằm ngó dã tràng xe cát

Cũng xong rồi một kiếp loay hoay

Ta xếp giấy thả thuyền ngơ ngác

Nghe trong ta tan vỡ một ngày

(Sóng vỗ mạn đời)

 

Xác thân mỗi con người là một chiếc thuyền ngơ ngác giữa biển đời, và khi cảm nghiệm được thời gian tức là cảm nhận được sự tan vỡ trong từng khoảnh khắc giữa chốn đời mà hư vô đang chế ngự. Để rồi ước vọng được Hoá thân, khi:

 

Sống giữa đời mất mác

Mà thèm một cuộc hoá thân

 

Thật ra, tác giả đã có nhiều cuộc hoá thân, mỗi bài thơ là một sự thể nhập của tâm hồn và mỗi bài thơ như là thần chú để được hoá thân:

Tôi cầm một đoá liên xanh

ôi bàn tay em công chúa

đã hóa thành một cánh chim

màu trắng

(Sen tịnh)

 

Sự hoá thân còn được thể hiện:

 

tôi là con ve sầu

ra đi vội vã

như đã hẹn muôn đời

bên cây đời mới trỗ

tôi lại về treo chiếc áo màu nâu

(Ve sầu)

 

Tuỳ căn nghiệp mà trong hành trình hoá thân của mỗi phận người thế này, thế khác. Nhưng trong hành trình đó, nỗi ám ánh lớn nhất là hư vô mà dù muốn hay không mỗi người đều phải giáp mặt:

 

Ta ném thân ta vào giữa cuộc đời

cuộc đời rơi ảo mộng

ta trông ta chờ ta thương ta hận

xây một lầu đài mơ cuộc tỉnh say

mai kia nằm xuống

tia nắng hồng có viếng mộ tàn phai

(Ném cuội lên mây)

 

Dù trong cơn tuyệt vọng thường trực của đời người, nhưng thoáng chốc hy vọng một tia nắng hồng vẫn xuất hiện. Cuộc hành trình cảm nghiệm sự hiu quanh, thi sĩ đã rút ra được chân lý:

 

Nào có can chi đời hữu hạn

Sống mà gặp nhau đã đẹp vô cùng

 

Vì thế mỗi cuộc hạnh ngộ cũng là niềm chân thật đã được tạo hoá đạo diễn:

 

Đời không chi bằng có bạn bè

Cạn ly đời ta đập vỡ hư không

Có chi đâu ngoài niềm chân thật

Và sự chân thật được thể nghiệm qua:

Năm năm mắt vẫn xanh màu biếc

Nhát chém còn đau thấu tận lưng

Tôi sống dù muôn nghìn chua xót

Vẫn một phương trời Quán Thế Âm

(Năm năm mắt vẫn xanh màu biếc)

 

Là một người Huế, làm thơ, mà lại là thầy giáo nên những hình ảnh thân thương của Huế đã xuất hiện trong tác phẩm:

Cô bé khi không vào quán học bài

Tôi pha cà phê thêm vào chút gió

Hay

Anh đứng ngó vô sân trường đại học

Nghe trong hồn ngày tháng xanh rêu

Bây giờ, hình ảnh thiếu nữ đội nón, đi guốc không còn nhiều trên các nẻo đường xứ Huế. Không phải do trên thị trường không còn có nón lá và guốc, mà do thế hệ sau này không có sự gắn kết văn hoá với thế hệ trước. Điều này do xã hội tạo nên và một phần không nhỏ là do trách nhiệm mỗi gia đình, và những tiếng gọi nhân bản của tác giả:

 

Và anh sẽ đưa em về khắp mọi miền

Xin cho trẻ con từng đôi guốc mộc

lột da làm giày thú rừng đau xót

khi gót chân hồng

không còn bó chặt

em sẽ nghe đời vỗ nhẹ cánh chim

(Guốc vông)

 

Trong bài Nón có đoạn:

 

Tôi xin đan một vòng tay ngàn xanh

để em che nụ cười xa vắng

đời đi qua một ngày gió động

quai tình tôi buộc nắng mưa

 

Đất Huế là trung tâm Phật giáo, vì thế mà mỗi người đều ảnh hưởng cái không khí rất trang nghiêm mà lại rất gần gũi, và cho dù muốn Bỏ vợ đi tu, nhưng:

Ra đi đâu phải là chia tay

Em độ giùm tôi một kiếp này

 

Và có lẽ tác giả đã chợt nhớ, “tu đâu cho bằng tu nhà...”, nên đã có Nịnh vợ ca ra đời để xin được buộc một gót chân chim, giữa hai đầu nắng nhạt:

Em giăng hai đầu nắng nhạt

buộc một gót chân chim

Cuộc đời chỉ là một cái tên, tại sao không thể gọi nhau bằng lời tha thiết:

Ai gọi tôi giữa đời tha thiết

Tôi chỉ là một cái tên

...

Ván ăn thua không cần mặc cả

Tan cuộc rồi ta xoá dấu chân đi

(Tôi đi qua nhà em bằng đôi ca khiêu)

 

Đọc những câu thơ trên tôi chợt nhận ra sự hiu quạnh chính là nỗi cô đơn của tác giả, dù đã biết rằng rồi một ngày nào đó sẽ Giã biệt Tinh Châu, nhưng:

Mai kia dưới chân trời xa ngái

Thương nhớ bạn bè ngày tháng cùng nhau.

 

Thơ Phan Như là tâm sự của chính tác giả với dòng sống đang trôi, mà mỗi thời khắc đã ghi dấu vào tâm hồn thi sĩ một vết xước, để cơn đau hình thành những câu chữ chân tình.

 

Huế, 9/9/2007

Lê Huỳnh Lâm
Số lần đọc: 3136
Ngày đăng: 19.09.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đọc tiểu thuyết Chuyện tình mùa tạp kỹ của Lê Anh Hòai : Những màn tạp kỹ chương hồi - Nguyễn Thị Hậu
Trần Lê Sơn Ý từ Bàn chân không đóng móng - Vũ Trọng Quang
Nguyễn Du đã chịu ảnh hưởng Phật Giáo như thế nào ?*1 - Đại Lãn
Nguyễn Du đã chịu ảnh hưởng Phật Giáo như thế nào ? 2 - Đại Lãn
Nguyễn Du đã chịu ảnh hưởng Phật Giáo như thế nào ? 3 - Đại Lãn
Nguyễn Du đã chịu ảnh hưởng Phật Giáo như thế nào ? 4 - Đại Lãn
Nguyễn Du đã chịu ảnh hưởng Phật Giáo như thế nào ? 5 - Đại Lãn
Nguyễn Du đã chịu ảnh hưởng Phật Giáo như thế nào ? 6 - Đại Lãn
Đọc sách :Kẻ nếm trải tận cùng nỗi đau - Phạm Viết Đào
Xuân Diệu : ’’Vua’’ THƠ TÌNH - ’’Chúa’’ THƠ YÊU và 2 Thi phẩm đặc biệt... - Lê Xuân Quang
Cùng một tác giả
Đêm (thơ)
Chết (thơ)
Huế (thơ)
Đông ngàn (tạp văn)
Thu Xưa (tạp văn)
Tùy bút cho H. (tạp văn)
Online (thơ)