Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
527
115.991.453
 
Hãy cúi mặt nhận diện chính mình
Lê Huỳnh Lâm

(Đọc tập thơ “Khi người ta cúi mặt” của Nhụy Nguyên, NXB Hội nhà Văn, 2011)

 

Một trong những đặc tính quan trọng để làm nên thơ là sự thật. Sự thật trong ý nghĩa nào đó cũng đồng nghĩa với cảm xúc, vì thời nay, mọi thứ đều có thể giả tạo nhưng với cảm xúc thì không thể. Nếu không, có lẽ người máy đã biết yêu, ghét, giận, hờn… điều này quả thật chưa một ai tưởng nghĩ đến.

 

Khi cảm xúc được giải mã qua ngôn từ, một phần sự thật đã rơi rớt, người xưa thường nói ý tại ngôn ngoại là vậy. Khi những ngôn từ được tô vẽ thêm để trở thành cái gọi là nghệ thuật thì sự thật lại một lần nữa bị làm biến dạng theo một hình thể khác hoàn toàn với cảm xúc sơ nguyên. Một câu nói hình như của triết gia Aristote đại ý như sau: Nghệ thuật thi ca dựa trên hai tính chất cơ bản và tự nhiên của con người là: bắt chước và trình diễn.

 

Đứng trong cảm quan như vậy để soi chiếu thi ca, thì sự sáng tạo đã lùi dần vào bóng tối. Một trong những ý nghĩa của sáng tạo chính là sự bắt gặp đột khởi của mỗi cá nhân về vũ trụ quan của chính cá nhân đó, nhưng khi đưa sự bắt gặp đó vào một hệ quy chiếu thì quá trình lao động bắt đầu khởi sinh. Lao động ngôn từ chính là trình diễn cái đẹp cho một xã hội thu nhỏ. Cụ thể là diễn đạt cảm xúc về cái đẹp cho một cộng đồng. Sự thành công của một bài thơ ngoài nội hàm về ý nghĩa, phần còn lại chính là ở nghệ thuật diễn đạt ngôn từ. Trong ý nghĩa đó, tập thơ Khi chúng ta cúi mặt đã được tác giả cố gắng trình diễn những cảm xúc của mình bằng lối ẩn dụ, dù ẩn dụ là một trong những lối nói của dân gian (nói khóe, nói lập lờ, mượn cái này nói cái kia, nói vậy mà không phải vậy…) đã được đưa vào hệ thống mà một số nhà nghiên cứu tự cho rằng đó là nghệ thuật của trường lớp.

 

Suy cho cùng mọi trường lớp đều xuất phát từ cuộc sống, hệ thống tri thức đều được đúc kết từ xã hội, từ ngàn xưa cho đến sau này, do vậy mà một số người có quan niệm văn học salon, văn học vỉa hè, chân đất,… cần suy nghĩ lại. Thế nào là salon khi một Nguyễn Hiến Lê từ một kỹ sư công chánh đã trở thành một nhà văn, nhà văn hóa, một dịch giả; và Ngô Trọng Anh, Cung Tiến, Bùi Giáng, Hồ Hữu Tường,… thuộc salon hay vỉa hè? Vậy thì cái ranh giới mà một lớp người nào đó đã ngụy tạo ra để phân biệt giữa những người làm văn hóa, văn nghệ, phải chăng là do bản ngã kêu ngạo, xem thường các giá trị dân gian? Hay chỉ là sự tiếp nhận ngôn từ chưa thấu đáo?

 

Trở lại với Khi người ta cúi mặt cũng là lời nhắc nhở về bản ngã của con người, phải biết cúi nhìn vào quá khứ, phải nhìn xuống xem thử mình đang đứng hay quỳ ở đâu. Cúi mặt cũng là đức tính khiêm nhường, trong một ngữ cảnh khác cũng chính là sự ươn hèn không dám ngẩng nhìn vào thực tế. Ở đây, tôi tin rằng Nhụy Nguyên đang cúi nhìn vào cõi lòng mênh mang, mà mỗi thời khắc lướt qua, sự tiếp nhận thông tin từ các hệ thần kinh, các giác quan, linh giác đã tạo ra một sự hỗn loạn trong sâu thẳm của cõi lòng, và khi nhìn vào cõi thăm thẳm đó may ra còn có cơ hội tĩnh tại để viết nên Bản di chúc của trái đất:

 

Khi ta chết

sẽ chẳng có nơi chôn

Cứ treo ngược giữa trời

làm quả cân vũ trụ

 

Khi xem trái đất là tâm điểm của vũ trụ, hay tác giả đã gửi một thông điệp về sự trường tồn của hành tinh này khi mà, biết bao biến cố và các lời tiên tri nào đó cứ ám ảnh và đe dọa con người.

 

Một trong đặc tính của thơ là sự thiêng liêng. Trong Mật tông Tây Tạng người ta xem sự tu tập đã đưa hành giả đạt đến những trạng thái tâm linh, và thi ca cũng được xem là cảnh giới của sự khai mở một vùng nhỏ bên trong não bộ, gọi là vùng thi ca. Điều này khiến sự dâng trào xúc cảm cùng với sóng của mật âm mà chỉ có những hành giả mới cảm nghiệm được, cảm xúc đó là tâm từ lan tỏa trong không gian, và khi nó va động vào những hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thì thi ca được hình thành. Chính vì vậy mà trong một nghĩa hẹp nào đó thơ có thể được xem như một tôn giáo mà mỗi tín đồ cũng chính là một giáo chủ. Tín đồ và giáo chủ tuy hai mà một, do vậy kinh thơ là những gì chân thật nhất của tác giả; thơ không thể là những câu chữ rỗng tuếch, vô hồn, không là những xác chữ tự đào huyệt chôn chính mình khi chưa kịp khai sinh:

 

Một ngày xác chữ lên ngôi

Huyệt thơ rỗng suốt cuộc đời thi nhân

 

 

Mỗi cá thể mang một mầm sống từ thế giới siêu nghiệm để bước vào đời sống này, mà trong triết học gọi là đà sống (la vie), vì thế thơ là nỗi niềm rất riêng của mỗi cá nhân, khi cái bản ngã nhỏ bé ẩn hiện bên trong mỗi nghệ sỹ dần triệt tiêu thì đại ngã được trỗi dậy, đó chính là tâm thức của xã hội đã được hình thành trong tác giả, chỉ có những tâm thức như vậy thì mới có cơ duyên để tạo ra tác phẩm có chiều sâu và chiều dài trong hành trình sống của chính nó.

 

Trong tập Khi người ta cúi mặt tác giả đã dồn nén vào không gian thơ tính đa nghĩa, cùng với những hình ảnh quen thuộc nhưng được sắp đặt, lắp ghép một cách kỹ thuật để tạo ép phê cho người đọc, ví dụ như trong Nhận diện

 

nhiều khi

ta quỳ dưới gốc nhang cắm đau lòng cát

cái lạy như nhát chém

chậm giữa không gian thánh đường

tồn lưu âm bản

Máu rỏ. Tráng phim. Vén mặt kiếp người

 

Thật ra, “không gian thánh đường” và “cái lạy” là hình ảnh của hai nền văn hóa khác nhau, là nguyên nhân của sự xung đột đã biến “cái lạy như nhát chém”. Hay hình ảnh người thắp nhang cầu xin lợi lộc và sự an bình cho bản thân, vì thế mới “đau lòng cát” - đó chính là kỹ thuật dồn chữ và lược giản của tác giả, để gửi đến người đọc hình ảnh thắp nhang không còn thiêng nữa, đã khiến cát đau lòng; hay chính là nỗi đau của tác giả về thực trạng tâm linh hiện thời.

 

Vậy đó, bản chất của thi ca là cứu rỗi, và trước hết là cứu rỗi chính tác giả. Có thể ví tác giả như một cái máy thu phát tín hiệu. Tiếp nhận các chất liệu, các hình ảnh, các thông tin từ cuộc sống này, từ những cảnh giới tâm linh để rồi nhào nặn, tô vẽ, sắp đặt thành một tác phẩm và phát đi. Thật công phu và đau đớn khi một tác phẩm trước khi được ra đời phải trải qua biết bao công đoạn tiềm ẩn bên trong tác giả, biến nỗi đau thành thơ.

Chúng ta hãy cùng lắng nghe lời tâm sự từ tác giả:

 

ôi những câu thơ hoang dã của tôi

hãy mau co chân phóng trở lại rừng...

                           người!

 

Đó chính là bản năng sơ khai mà con người chưa dám li khai thế giới của chính mình - điều thực sự cần thiết cho người nghệ sĩ đi hết chặn đường ngắn ngủi trong cõi tạm này. Xin hãy bước vào thế giới thi ca của Nhụy Nguyên, thế giới Khi người ta cúi mặt. Cúi mặt, để mà chiêm ngắm cõi lòng hỗn hênh trước bão tố cuộc đời./.

 

19-8-2011

Lê Huỳnh Lâm
Số lần đọc: 1833
Ngày đăng: 07.01.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tình và xuân trong thơ linh Lân xứ võ - Lâm Bích Thủy
Phân giai cấp qua khẩu vị - Lê Hải*
Lê Thánh Thư Viết Trong Bóng Tối - Vũ Trọng Quang
Nhớ lại ý nghĩa Thi Ca của Cổ Nhân: Đọc tập thơ Kinh Vô Thường của nhà thơ Võ Thạnh Văn - Nguyễn Đăng Trúc
Chạm Bóng – Chạm Vào Cõi Nhân Sinh - Trần Hoài Anh
Ngoảnh Lại 15 Năm... - Hoàng Hưng
Để Có Thể Ăn Xà Bông ! - Nguyễn Đông Nhật
Lý Luận - Phê Bình Trong Ngòi Bút Trần Hoài Anh - Lê Tú Anh
Lời Tiên Tri Của Giọt Sương – bản hợp xướng với những tấu âm lạ... - Nguyễn Hữu Tình
Phiên Bản Của Một Nỗi Buồn - Lê Huỳnh Lâm
Cùng một tác giả
Đêm (thơ)
Chết (thơ)
Huế (thơ)
Đông ngàn (tạp văn)
Thu Xưa (tạp văn)
Tùy bút cho H. (tạp văn)
Online (thơ)