Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
830
116.681.056
 
Nguyễn Xuân Sanh – một trong những nhà thơ tượng trưng tiêu biểu của phong trào thơ mới
Chế Diễm Trâm

 

 

Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh đã giã từ dương thế vào sáng ngày 22/11/2020, hưởng thọ 100 tuổi. Đó là đại biểu cuối cùng của Phong trào Thơ mới (1932 – 1945). Nhắc đến tên nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, bạn đọc sẽ không quên dấu ấn của ông đối với Phong trào Thơ mới nói chung và với nhóm Xuân Thu nhã tập nói riêng – một trong những nhóm thơ lấy ảnh hưởng của chủ nghĩa tượng trưng làm tuyên ngôn sáng tác.  

Nhóm Xuân Thu được tập hợp từ năm 1939, gồm nhiều lĩnh vực. Mảng thơ gồm các tác giả Phạm Văn Hạnh, Nguyễn Xuân Sanh, Đoàn Phú Tứ; nhạc có Nguyễn Xuân Khoát; hoạ có Đỗ Cung. Năm 1942, Xuân Thu thư lâu xuất bản một tập sách có tên là Xuân Thu nhã tập. Từ đó tên tập sách thành tên của nhóm. Trong bài Quan niệm in trong tập sách, họ lý giải cái tên của nhóm như sau:

Một biểu tượng đương nhiên, cái nhịp của cuộc sống vô cùng. Sắc xuân và hương thu. Hai mùa quá độ, uyển chuyển trong khoảng cao, trong, nhẹ... Hai mùa thực hiện Đẹp và Thơ. Hai mùa rung động cảm thông Người với Đất Trời, Trời Đất và Người.

Năm 1943, nhà thơ Đoàn Phú Tứ lại nói đến ý nghĩa của cái tên ấy:

Sống theo cái Nhịp của Trời Đất, mà cái biểu tượng đương nhiên và tốt đẹp nhất là hai mùa Xuân và Thu luân chuyển. Nên lấy hai chữ Xuân Thu làm biểu hiện cho cái Nhạc của Vũ trụ” mà “Thơ chính là cái rung động siêu việt trong trẻo, nhịp nhàng của bản nhạc vô cùng ấy([1]).

Trong Xuân Thu nhã tập, ngoài các tiểu luận trước đó đã đăng trên báo Thanh nghị, còn có ba bài thơ của Phạm Văn Hạnh (Thư thơ, Người có nghe, Giọt sương hoa), ba bài thơ của Nguyễn Xuân Sanh (Buồn xưa, Hồn ngàn mùa, Bình tàn thu), một bài thơ của Đoàn Phú Tứ (Màu thời gian), một bản nhạc của Nguyễn Xuân Khoát phổ nhạc bài thơ Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ và một bức tranh phụ bản của Nguyễn Đỗ Cung vẽ một gốc cây đã bị đốn hết thân cành nhưng trên đó đang bừng nở những chồi biếc khỏe khoắn.

 

Đó là những sáng tác vừa đóng vai trò thử nghiệm vừa đóng vai trò minh chứng cho những tuyên ngôn lý thuyết đã được trình bày trong các tiểu luận. Số lượng tác phẩm tuy không nhiều, nếu không muốn nói là ít ỏi nhưng nhìn vào đây cũng có thể thấy được rằng những luận điểm tuyên ngôn sáng tạo (đặc biệt trong tiểu luận Thơ) đã được các tác giả triển khai và ứng dụng ngay trên các tác phẩm của họ.

Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh có viết riêng một mục dành cho một tác giả thuộc thi phái Xuân Thu nhã tập là nhà thơ Đoàn Phú Tứ và trích đăng một bài thơ của Đoàn Phú Tứ – bài Màu thời gian. Tuy Nguyễn Xuân Sanh không có một mục riêng nhưng trong tiểu luận Một thời đại trong thi ca của tập sách nói trên, Hoài Thanh có nhắc đến Nguyễn Xuân Sanh hai lần, và cả hai lần cái tên Nguyễn Xuân Sanh đều đi liền với Bích Khê – một trong những nhà thơ tên tuổi của Trường thơ Loạn:

Từ Xuân Diệu, Huy Cận, thơ Việt Nam đã có tính cách của thơ Pháp lối tượng trưng. Nhưng còn dè dặt. Bích Khê và ít người nữa như Xuân Sanh, muốn đi đến chỗ người ta thường cho là cao nhất trong thơ tượng trưng: Mallarmé, Valéry.

Các ông Bích Khê và Xuân Sanh noi theo gương Mallarmé, Valéry không thèm gìn giữ gì hết. Trong tác phẩm của họ vẫn chừng ấy tiếng ta rất quen, nhưng thảng hoặc ta mới tìm được dấu tích những ý tứ, những tình cảm ta vẫn quen gửi vào đó. Họ chạm trổ rất tỉ mỉ, không phải những rồng những phượng như ngày trước, mà những gì chẳng ai biết tên. Những gì đó đôi khi cũng đẹp. Đôi khi hình như họ đã diễn tả được những điều sâu kín, nhưng lời thơ rắc rối quá, dầu sao phần đông chúng ta cũng đành kính nhi viễn chi.

 

Những nhận định trên của Hoài Thanh cho thấy Nguyễn Xuân Sanh là một trong những cây bút chủ chốt không chỉ của nhóm Xuân Thu mà còn của Phong trào Thơ mới giai đoạn từ năm 1936 trở đi, khi thơ Việt Nam một lần nữa muốn cách tân – chuyển từ chủ nghĩa lãng mạn sang ảnh hưởng của chủ nghĩa tượng trưng, siêu thực với tên tuổi của ba nhóm thơ tiêu biểu: Trường thơ Loạn, Xuân Thu nhã tậpDạ đài.

Xuân Thu nhã tập trình bày nhiều quan niệm về thơ, về vũ trụ và nhân sinh, về trí thức, về nhạc, vẽ,… trong đó quan niệm về thơ đáng chú ý hơn cả. Trong tiểu luận Quan niệm, Xuân Thu nhã tập đưa ra nhiều luận điểm về mối quan hệ giữa thơ - nhà thơ - người đọc thơ.

Quan niệm của Xuân Thu nhã tập thể hiện rõ tinh thần canh tân thơ ca dân tộc khi Thơ mới lãng mạn có vẻ đã quá quen. Quan niệm thơ của họ là kết quả của mối lương duyên giữa phương Tây [cụ thể là dòng thơ tượng trưng, siêu thực Pháp] và phương Đông [chất hàm súc của thơ phương Đông và sự thâm trầm của Phật giáo]:

Tìm con đường thực, nối liền nguồn gốc xưa với ước vọng nay. Gọi về những tính cách riêng của ta, để có thể xuôi chảy trong cái dòng sống thực của ta, không quanh co, lúng túng vì những ảnh hưởng ngoài”.

Mục đích cách tân của Xuân Thu thể hiện trên hai phương diện: không lặp lại cái tôi lãng mạn “dễ dãi” (từ của Baudelaire) và chống lại sự đồng hóa của phương Tây để ngăn cái họa mất gốc. Chủ trương trở về nguồn – ngăn cái họa mất gốc – nhưng Xuân Thu vẫn chịu ảnh hưởng sâu sắc triết học phương Tây, chủ nghĩa tượng trưng trong văn học phương Tây.

Trả lời câu hỏi “Thơ là gì?”, các tác giả Xuân Thu nhã tập phân tích bản chất thơ ở ba cấp độ. Cấp độ thứ nhất, ở tính chất phổ quát: thơ có trong các hiện tượng tự nhiên, đời sống, đặc biệt tập trung trong các trong các loại hình nghệ thuật (văn học, âm nhạc, hội họa…). Rung động là bản chất phổ quát của thơ, rung động của thơ là rung động siêu việt, không thể cắt nghĩa, giải thích. Thơ là “một cái gì” không giải thích được mà cũng không cần giải thích, khi chưa kịp hiểu nó là gì, ta đã bị nó quyến rũ, lôi kéo, xâm chiếm. Thơ được ví như “Giai nhân”, như “Đẹp”, như “Trời”:

Người ta đã thử và chưa từng giải thích được thơ. Như Giai nhân, như Đẹp, như Trời. Người ta cảm thấy một cái gì siêu thoát, ra ngoài ước lệ, ở trên lý trí, nó rung động ta theo nhịp vũ trụ, hồn nhiên, nó hòa hợp Ta trong cái Đẹp và ấp ta trong cái Thật. Vẻ man mác của cái đẹp và ý sâu sắc của cái thật. Do trong trẻo gạn nên… Nó là cái gì không giải thích được, mà cũng không cần giải thích. Nó chiếm đoạt ta tất nhiên, hoàn toàn, tức khắc. Đột nhiên như ta nhào vô lòng mẹ không cần xét suy”.  

Cấp độ thứ hai, chất thơ trong nghệ thuật thơ – thể loại thể hiện tập trung nhất tính thơ – để chỉ ra thơ khác văn xuôi như thế nào. Theo Xuân Thu nhã tập, “Văn có tính cách giãi bày, thuộc lý trí, vụ ích lợi”, “thơ không phải lúc nào cũng để chỉ bảo một cái gì, vì nó không vụ lợi ích thực tế”. Họ nhấn mạnh đặc tính nổi bật của thơ là tính hàm súc, là kết quả của sự rung động trong trẻo và thuần khiết, vốn là đặc trưng thơ phương Đông. “Tính chất của thơ là hàm súc, tĩnh mạc, tổng hợp. Ngôn ngữ, cú pháp Á Đông rất thích hợp cho thơ. Tứ thơ thường đọng lại, cốt gợi hơn là tả… Từ cuối thế kỷ trước, thơ Pháp nhờ dòng tượng trưng đã gặp thơ Á Đông ở chỗ uẩn súc, huyền ảo… Thơ phải chứa nhiều sức khêu gợi, ý ở ngoài lời…

 

Chính vì vậy, thơ đích thực không dễ hiểu; nói cách khác, khó hiểu là một yếu tính của thơ ca, thậm chí cần xem sự khó hiểu này như một giá trị. Theo họ, “thơ không cần lúc nào cũng rõ nghĩa, không phải lúc nào cũng sáng sủa… Nó giữ phần sâu kín, giữ phần sâu sắc; không phải lúc nào cũng theo lý luận, vì nó chịu sức chi phối của những luật vô hình… Vậy thơ là một cái gì huyền ảo, tinh khiết, thâm thúy, cao siêu, cái hình ảnh sự khắc khoải bất diệt của muôn vật: cõi Vô Cùng ”.

 

Ở cấp độ thứ ba, thơ được xem xét trong tư cách là một đơn vị chỉnh thể ngôn ngữ – một bài thơ. “Tiêu chuẩn về hình thức thơ là tính-cách-độc-nhất”, bài thơ là sản phẩm độc đáo duy nhất thể hiện sự hàm súc, khêu gợi đầy bí ẩn của câu chữ, nhạc điệu, hình ảnh... Hình ảnh, ngôn từ, kết cấu, nhạc tính… tất cả được tổ chức chặt chẽ để “đọc xong bài thơ, ta bị y nguyên những câu, những tiếng của toàn bài chi phối. Hình thể, cùng lúc với hồn, sống mãi trong ta. Và ta không thể di dịch một âm thanh, một hình ảnh mà không phản bội và tàn phá”.

Về thiên chức của nhà thơ, Xuân Thu nhã tập nhấn mạnh vai trò tiên phong trong sáng tạo “tìm những cách rung động mới, những lối diễn đạt mới, bao giờ cũng ở hàng tiên phong” và phải xứng đáng với danh hiệu thi sĩ là người tạo nên cái-gì-chỉ-có-một. Do đó, hình ảnh người nghệ sĩ đích thực trong quan niệm của Xuân Thu nhã tập là “gốc cây Ta, đầy nhựa Thơ, hút nhận nhạc của Đất Trời để trổ sinh bao Điệu, thắm tươi những bông hoa Sáng Tạo dâng lên bàn thờ Đạo lý – lẽ sống của Đời”.

Việc tiếp nhận thơ cũng đòi hỏi ở người đọc những tố chất, năng lực thẩm mỹ nhất định. Theo Xuân Thu, những vần thơ đích thực “nó mê hoặc ta ngay và đặt ta vào giữa cõi thơ có thần trợ. Hay nói đúng, một cái gì trên cả âm điệu, không giải được mà chỉ cảm được thôi”. Do đó, họ đề nghị: “Hãy nằm trong thơ, dầm trong nhạc, đừng vội “hiểutrước khi xúc cảm. Rồi ta sẽ hiểu, nhất là sẽ biết, cái biết đầy đủ, trong trẻo, trọn vẹn, nhịp nhàng”. Họ đề cao trực cảm, đề cao những rung động hồn nhiên: “Đừng luận lý với thơ cũng đừng luận lý với người yêu, với giáo điều. Thấu nghĩa từng chữ, rồi những chữ ấy ở cạnh nhau sẽ nảy ra những âm thanh gì, hình ảnh gì, gợi trong trí não một vũ trụ gì tức khắc, mới mẻ”.

Đem tất cả những quan niệm ấy vào thực hành, các cây bút Xuân Thu nhã tập đã coi trọng tính “uẩn súc” của tác phẩm qua việc xây dựng các biểu tượng mang tính tượng trưng. Tính tượng trưng trong thơ của các tác giả Xuân Thu nhã tập được tạo nên bởi nhiều yếu tố mà trước hết là cách xây dựng hình ảnh giàu tính biểu tượng. Họ đặt các những hình ảnh, sự vật xa lạ cạnh nhau, trong nhiều trường hợp đã tạo nên những liên tưởng, cảm nhận đột ngột, bất ngờ.

Bài thơ Buồn xưa của Nguyễn Xuân Sanh qua bao năm tháng, có ai vỗ ngực rằng mình đã hiểu hết? Nhưng khi đã đọc bài thơ thì hầu hết đều yêu thích nó, chí ít cũng đôi câu rất nổi tiếng:

Lẵng xuân

            Bờ giũ trái xuân sa

Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà

Bài thơ xuất phát từ cảm hứng nỗi sầu nhân thế khi con người đối diện với “thời gian”, với “nhịp hải hà” miên man, vô tận. Từ “buồn” xuất hiện nhiều lần (6 lần), trong đó nỗi buồn hồi tưởng (“buồn xưa”) là âm hưởng chủ đạo. Bài thơ lấy điểm xuất phát là buổi chiều nay để sống lại một/nhiều chiều thu xưa:

Quỳnh hoa chiều đọng nhạc trầm mi

Hồn xanh ngát chở dấu xiêm y

Rượu hát bầu vàng cung ướp hương

Ngón hường say tóc nhạc trầm mi

Lẵng xuân

            Bờ giũ trái xuân sa

Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà

Nhài đàn rót nguyệt vú đôi thơm

Tỳ bà sương cũ đựng rừng xa

Buồn hưởng vườn người vai suối tươi

Ngàn mây tràng giang buồn muôn đời

Môi gợi mùa xưa ngực giữa thu

Duyên vàng da lộng trái du người

Ngọc quế buồn nào gội tóc xưa

Hồn xa chĩu sách nhánh say sưa

Hiến dâng

            Hiến dâng quả bồng hường

Hoàng tử nghiêng buồn vây tóc mưa

Đường tàn xây trái buổi du dương

Thời gian ơi tưới hận chìm tường

Nguồn buồn lạnh lẽo thoát cung hơi

Ngọt ngào nhớ chảy tự trăm phương.

            Tại thời điểm “chiều” hiện tại, có “quỳnh hoa”, có “nhạc”, khúc “nhài đàn”, có “rượu”, có “lẵng xuân”, có hương “ngọc quế”,… Trong không-thời gian ấy, sao mà không “say sưa”, “du dương” cho được, nhất là bên cạnh có “trầm mi”, “tóc mưa”, “môi gợi”, “da lộng”, “ngón hường”, có “vú đôi thơm”, “quả bồng hường”… dẫn dắt, dẫn dụ?

            Từ thực tại, thực tại “say”-“buồn”-“hận chìm tường” trong “lạnh lẽo”, người ta trôi, trôi dần, trôi hẳn về quá khứ, làm sống dậy một “mùa xưa” có chàng hoàng tử “hồn xanh ngát” trong “cung ướp hương” với “dấu xiêm y”, với ngón đàn “tỳ bà” mang cả một rừng “ngọt ngào” neo lại giữa “du dương” với “say sưa”…

            Càng tìm vui, tìm quên trong quá khứ càng mất phương hướng, cái tôi đành quay lại thực tại để thấy càng sầu mênh mông trong cả hai chiều kích thời gian (“muôn đời”) và không gian (“tự trăm phương”) làm thành nỗi sầu nhân thế đã hiện hữu trong con người từ xưa đến nay:  

Ngàn mây tràng giang buồn muôn đời

Ngọt ngào nhớ chảy tự trăm phương

            Bài thơ đã trộn lẫn hiện tại - quá khứ - hiện tại làm thành một thế giới nghệ thuật của nỗi u buồn không dứt. Nhà thơ đã lạ hoá từ ngữ, hình ảnh bằng cách chuyển đổi cảm giác liên tục làm nên một thế giới nghệ thuật siêu cảm giác, khó hiểu, không giải thích được như quan niệm của thơ tượng trưng mà nhóm Xuân Thu nhã tập đã dụng tâm, dụng công theo đuổi. Đó là “nhạc trầm mi”, “hồn xanh ngát”, “trái xuân sa”, “lẵng xuân”, “nhài đàn”, “tóc xưa”, “tóc mưa”, “đường tàn”,…

Nhà thơ Buồn xưa cũng phát huy tính nhạc ảo diệu của thơ tượng trưng, trong đó âm giai chính là “du dương”, huyền hồ, buồn buồn thầm kín:

Ngàn mây tràng giang buồn muôn đời

            Câu thơ toàn thanh bằng (bình thanh) giống như nhạc điệu của những câu thơ của các nhà Thơ mới Xuân Diệu, Bích Khê:  

Sương nương theo trăng ngừng lưng trời

                        Tương tư nâng lòng lên chơi vơi (Nhị hồ – Xuân Diệu)

            Ô hay buồn vương cây ngô đồng

Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông (Tỳ bà – Bích Khê)

            Đó là thứ nhạc thơ mang nghĩa, chịu ảnh hưởng sâu sắc của thơ tượng trưng – “Thơ là sự dao động giữa âm thanh và ý nghĩa” (Valéry) – một điệu nhạc nhẹ nhẹ, dịu dịu nhưng day dứt, ám ảnh về nỗi sầu buồn của thời đại Thơ mới.  

Toàn tác phẩm có 142 âm tiết [kể cả nhan đề] thì có 89 âm tiết mang thanh bằng (62,67%). Nhạc điệu chủ đạo chuyên chở nỗi sầu sầu, buồn buồn, thương thương, nhớ nhớ… Bởi thế, ba chữ “nhạc trầm mi” được trở đi trở lại trong khổ đầu của bài thơ như một sự nhấn nhá, nhấn mạnh trạng thái vi diệu và mơ hồ của cảm xúc, tâm trạng.

            Bài thơ Hồn ngàn mùa, Nguyễn Xuân Sanh cũng giữ nét nhạc sầu miên man đó qua một điệp khúc (có biến đổi) cuối mỗi khổ thơ:

                        …Trầm ngàn mùa nghe tóc buông xây

…Rừng ngàn mùa e ấp Dung Nhan
…Hồn ngàn mùa lạnh lẽo tay hương
…Người ngàn mùa kiếp trắng nghiêng Sông([2])

Còn trong bài thơ Bình tàn thu, tác giả phối vần liên tiếp trong mỗi khổ, và số câu trong mỗi khổ theo quy luật đan xen nhau (2 câu - 3 câu - 2 câu - 3 câu - 2 câu) cũng làm nên một điệu nhạc đặc trưng của Thơ mới – sầu muôn đời-muôn phương:  

 Bình tàn thu vai phấn nghiêng rơi
Chén vàng dâng ướp nhạc lòng đời

Sương mùa lệ héo dặm đường hương
Cung phi dăng bướm buồn Nghê Thường
Sách đàn tay xõa ái tình chương

Cổ mây người nhạc dịu vườn tươi
Da xuân mười tám tuổi buồn người

Mi thơm chanh buổi chĩu buồn da
Rượu tóc loan tháng đượm mùa ngà
Sầu chùm tơ giấy giở mưa hoa

Người ơi người nẻo ngát tường nương
Hồn Tương Giang đàn dựa buồn hường.

Tuy các nhà thơ tượng trưng Xuân Thu nhã tập vẫn tuyên ngôn về một tư duy thơ siêu thức, kín mít, bí hiểm, xoá nhoà mọi liên kết logich, mọi cách hiểu nhưng qua sự liên kết các biểu tượng, và qua cả nhạc thơ, bạn yêu thơ vẫn có thể thấu cảm ý đồ nghệ thuật của họ. Và có bài thơ nào [nhất là thơ hay] mà không có tứ thơ? Vậy nên cái khó hiểu cố tình của thơ họ vẫn có thể giải mã được. Song, vì không dễ lý giải nên những bài thơ của họ có sức hấp dẫn lớn. Từ thế hệ này đến thế hệ khác đều có thể có những liên tưởng khác nhau, làm giàu có, phong phú vẻ đẹp không tới đáy của các thi phẩm. Mà như thế, họ đã thành công! Có lẽ, ở chốn suối vàng, họ đã mỉm cười hài lòng với sinh mệnh bất tử của những đứa con tinh thần của họ.

Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh đã đi xa nhưng tác phẩm thì vẫn còn mãi. Nhắc đến ông, chúng ta nghĩ ngay đến nỗ lực cách tân Thơ mới thập niên 40 của thế kỷ XX với vai trò của thi phái tượng trưng mang tên Xuân Thu nhã tập. Nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Long có lẽ là nhận định công tâm, công bằng nhất cho đóng góp của nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh trước Cách mạng:

“Nguyễn Xuân Sanh trăn trở tìm tòi để đến với cái đẹp trong sáng tạo nghệ thuật. Ông cách tân thơ bằng sự phá bỏ tính liên tục và thay bằng tính gián đoạn, gây một âm hưởng mới lạ, có vẻ bí hiểm, làm ngỡ ngàng người đọc đã quen với sự truyền cảm của Thơ mới. Nhưng ông vẫn giữ nguyên vần, khổ, câu và cách ngắt nhịp đơn điệu, nên sự sáng tạo không được triệt để.”([3])

Đóng góp lớn nhất của Xuân Thu, trong đó có công đầu của nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh là đã khơi gợi một ý tưởng: thơ có thể khác trước, khác với thứ thơ quen thuộc mà ta vẫn biết, mở ra một hướng đi mới cho thơ: “Nghệ sĩ ngày nay phải chịu trách nhiệm tạo thành những mỹ cảm ngày sau, những xúc động sau, những tuổi sau, những vô biên mới, những vĩnh viễn ngày mai.” Quan niệm của họ đã được hiện thực hóa một cách sinh động trong sáng tác của các nhà thơ viết theo khuynh hướng hiện đại chủ nghĩa sau này.

 

 

 



[1] Theo Wikipedia, Xuân Thu nhã tập

[2] Bài thơ Hồn ngàn mùa (Nguyễn Xuân Sanh) như sau:

            Hy-mã-lạp-sơn buồn thu đây

            Thu

                        Tóc xuân bưng đỉnh chiều đầy

            Quý dâng Hình Nhạc nẻo nghìn mây

 

            Trầm ngàn mùa nghe tóc buông xây

 

            Hoà hợp màu hương tranh thế gian

            Đất ơi hoa rót chén giời đàn

            Sen tưởng cầu thơm nguôi tiếng van

           

            Rừng ngàn mùa e ấp Dung Nhan

 

            Đền xanh cửa ngát lạc hoa thương

            Cúi đầu sao khóc bể chán chường

            Quay thuyền Lái Ngọc gửi mươi phương

 

            Hồn ngàn mùa lạnh lẽo tay hương

 

            Hoàng hôn kinh dậy đất mênh mông

            Trái đẹp sau xưa gợn gió bồng

            Vai sầu chín thuở Đức say Bông

 

            Người ngàn mùa kiếp trắng nghiêng Sông.

 

[3] Theo Wikipedia, Nguyễn Xuân Sanh

 

Chế Diễm Trâm
Số lần đọc: 867
Ngày đăng: 20.04.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trần Mộng Tú, mình em một ngôn ngữ - Nguyễn Đức Tùng
Cảm nhận bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” - Yến Nhi
Nguyễn An Bình – một đời nặng nợ với văn chương - Hoàng Thị Bích Hà
Ấn tượng với bộ phim “Bố già” của Trấn Thành - Hoàng Thị Bích Hà
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - rơi vào bẫy của tạo hóa - Nguyễn Linh Khiếu
Một số điều thắc mắc trong hai bài viết về chữ Quốc ngữ - Võ Xuân Quế
Đọc thơ Nguyễn Lương Vỵ(*) - Phan Văn Thạnh
Bóng con, bóng mẹ - Nguyễn Anh Tuấn
Một chút tản mạn cùng tập ”Thơ ngắn Đỗ Nghê” - Nguyễn An Bình
Thao thức với “Nỗi niềm với Huế” của nhà thơ Hoàng Trọng Bường - Hoàng Thị Bích Hà
Cùng một tác giả
Tạ Ơn (truyện ngắn)
Mép Nước (truyện ngắn)
Mỏng Như Cánh Chuồn (truyện ngắn)
Bìm bìm mãi tím (truyện ngắn)
Cái cột điện (truyện ngắn)
Họ Chế (tiểu luận)
Chạp yêu (truyện ngắn)