Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
714
115.996.582
 
Theo Dấu Người Đi Mở Đất
Chế Diễm Trâm

Tôi đã đọc một truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Minh Châu kể về một anh trí thức đi không sót một xó xỉnh nào trên trái đất, vậy mà đến lúc nằm bất động trên giường bệnh và cảm nhận rất rõ cái ngày mình như tảng đất đổ òa xuống bến sông lở không còn xa nữa, mới nhận ra cái bờ bãi bên kia sông Hồng ngay trước cửa sổ nhà mình lại là một chân trời xa lắc vì anh chưa bao giờ và có lẽ là sẽ không bao giờ còn cơ hội được đặt chân lên đó. Vẫn biết cuộc đời lắm nghịch lý nhưng vẫn băn khoăn cái truyện ấy có nặng tính luận đề quá chăng? Cho đến một ngày câu hỏi ấy được hóa giải thật tình cờ mà rất thấm thía. Hóa ra cũng có lúc mình ứng vào đúng cái tình huống “vòng vèo hay chùng chình” khó tránh khỏi trong đời như cái anh Nhĩ trong câu chuyện!  

 

Anh chị tôi từ Sài Gòn về Nha Trang nghỉ lễ, nhìn qua nhìn lại, du đảo nhiều rồi, sang Vinpearland, vào Khu du lịch Sông Lô mấy lần rồi, tắm suối, tắm hồ, tắm bùn cũng đủ kiểu rồi… Thế là rủ nhau lên non – lên Hòn Bà. Thật ra, cái địa danh Hòn Bà gắn với tên tuổi Bác sĩ Yersin đã nằm đâu đó trong trí nhớ bừa bộn của tôi nhưng rồi cuộc sống, công việc lú lấp mất. Không ngờ chuyến đi ấy đã đem đến cho tôi rất nhiều ngỡ ngàng và một hạnh phúc khó tả xen lẫn niềm tự hào về nơi mình đã sinh ra và lớn lên, gắn bó và yêu quý…

 

*

                                                                       

Từ thành phố biển Nha Trang đi theo Quốc lộ 1A hướng Nha Trang – Cam Ranh, đến địa phận xã Suối Cát, rẽ tay phải là bắt đầu hành trình chinh phục núi Hòn Bà. Như để tạo đà cho xe vọt lên những con dốc ngoắt qua ngoắt lại như đỏng đảnh thi gan với người, những rẫy xoài giống Úc trĩu quả, quả đỏ au nổi bật trên nền đất pha cát trắng mịn màng, lùi dần lùi dần…  

           

Đường lên cao mỗi lúc một khó đi hơn. Ngồi trong xe, hai tai cứ ong ong nhưng cảnh quan hai bên đường luôn mở ra những cảm giác mới mẻ. Dưới chân núi Hòn Bà là hồ Suối Dầu tưới tiêu nước cho vùng Suối Dầu khá rộng (Suối Dầu xưa là đồn điền cao su hàng trăm hecta mà A.Yersin đã có công di canh vào Việt Nam, nơi hiện còn Khu chăn nuôi động vật để chế tạo huyết thanh của Viện Pasteur Nha Trang do Yersin sáng lập và nơi đấy vẫn còn phần mộ của ông). Cảnh thơ mộng êm ả như một bức họa đồng quê. Suối Đá Giăng ôm ấp cả một đoạn đường dài, dọc theo đó là những rừng keo lá tràm và những rẫy chuối trồng xen của người dân Suối Cát. Lên một đoạn ngắn gặp Trạm kiểm lâm. Đoàn chúng tôi lên đây vào ngày lễ 1/5, mà lại xuất phát từ Nha thành khá sớm nhưng nhân viên của trạm vẫn có mặt trong căn chòi trực. Một anh cán bộ ghi bảng số xe rồi mở barie cho xe đi qua.

 

Một thảm rừng nguyên sinh rậm rạp mở ra vô vàn cảm xúc… Một chú sóc nhỏ đang mơ màng, choàng giật mình vì bóng xe qua, nhảy phốc lên cành cao, cái đuôi nhẹ như một cái chổi lông phất một nhát thật đáng yêu. Mọi người đang trò chuyện bỗng lặng đi, trái tim run lên khe khẽ khi bỗng dưng bắt gặp những điều tuy giản dị nhưng không bao giờ có được giữa phố thị đông đúc, rộn ràng. Tiếp đến là những khu rừng lồ ô xanh ngát. Lên cao là rừng cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, thân nổi sần vút cao, cành vươn những cánh tay nghều ngoào. Khi những cột cây số rút dần khoảng cách với đỉnh núi, những cây lá đỏ biêng biếc xoay thành những tán tròn giương những chiếc ô mát mắt, vui mắt.

           

Một bên là sườn núi dựng vách sừng sững, chỉ hơn 30 kilômét mà chúng tôi đếm được đến hơn 230 cua tay áo, có nhiều chỗ thực đúng là cùi chỏ nhọn hoắc. Nhìn bên thung sâu, giữa thảm xanh đại ngàn, những cung đường rồng rắn xếp chồng lên nhau kỳ vĩ. Có rất nhiều gương cầu bên vệ đường nhưng vì đường quá ngặt nên xe không chạy nhanh. Biết là vắng vẻ nhưng mỗi khúc quành vẫn phải bấm còi. Tiếng còi vang lên liên tục nhưng rồi chìm lút vào cái sâu lắng của núi rừng. Non hai giờ đồng hồ xe bò lên đến đỉnh, thành một cuộc nhàn du.  

           

Dù đang ở trên ô tô máy lạnh nhưng bước chân tiếp đất đỉnh Hòn Bà vẫn có thể cảm nhận ngay cái ren rét ngọt ngào xâm chiếm thân thể, tâm hồn. Một nhóm nhà khoa học Nhật Bản còn lên sớm hơn, đã nai nịt chuẩn bị vào rừng sưu tập bướm. Bướm ở đây đẹp và nhiều vô kể, rập rờn trên những khóm hoa và trong vạt rau. Bướm dạn người, đưa bàn tay khẽ khàng là chúng nhẹ nhàng thân thiện làm quen. Có những con bướm cánh xanh non da trời có những đường viền đen mỏng mảnh, có con vàng tươi như nắng, điệu đàng tô một viền đen rồi thêm một viền trắng cho nổi bật. Độc đáo nhất có lẽ là những cánh chuồn chuồn kim tím thẫm, ta hay gọi là tím Huế, thập thững trong đồng cỏ còn mát mùi sương mai.

           

Khu rừng trước mặt thỉnh thoảng dậy lên tiếng chim lảnh lót và tiếng vượn hú đàn. Công tác bảo vệ và kiểm lâm ở đây khá nghiêm ngặt vì Hòn Bà hiện nay là Khu bảo tồn thiên nhiên loài voọc chà vá chân đen và vượn bạc má. Có nhiều loại cây quý, nhiều nhất là vàng tâm, dẻ, dổi… Nơi đây các nhà khoa học đã thống kê có 559 loài thực vật nhiệt đới, 255 loài động vật, trong đó có 41 loài thực vật và 59 loài động vật quý hiếm có tên trong Sách Đỏ.

 

Tuy Khánh Hòa xưa nổi tiếng nhiều cọp (có câu “Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận”) nhưng Hòn Bà hầu như không có thú dữ. Anh Nguyễn Tấn Cường, sinh năm 1969, người gốc ở Xóm Bóng Nha Trang, hiện là nhân viên bảo vệ Hòn Bà của Công ty Yasaka Sài Gòn - Nha Trang, xác nhận chưa khi nào thấy cọp, báo, gấu… xuất hiện ở đây. Chỉ thấy trong tài liệu “Alexandre Yersin nửa thế kỷ ở Việt Nam” (sách của Quỹ văn hóa Bộ Văn hóa – Thông tin và Thể thao xuất bản năm 1992) kể rằng một hôm Bác sĩ cùng đoàn tùy tùng lên Hòn Bà. Đến chân núi thấy có đàn voi kéo đến, đoàn người sợ hãi vứt cáng bỏ chạy nhưng Bác sĩ vẫn thản nhiên: “Người ta đi đường người ta, có gì mà sợ”. Quả nhiên đàn voi ngước nhìn rồi tẽ lối khác đi mất.

 

Xưa kia, trong khi các vùng thấp xung quanh muỗi anophen hoành hành thì Hòn Bà tịnh không có, nay muỗi mòng vẫn vắng bóng. Trong rừng mát lạnh vì độ ẩm cao. Cũng vì rừng ẩm ướt nên rêu dày, dương xỉ rất nhiều, trên các cành cao lắc lỉu phong lan và những loài tầm gửi. Do không có ủng cao nên chúng tôi không vào sâu trong rừng. Dành lòng cho một ngày trở lại…

 

*

 

Hòn Bà chỉ cách thành phố biển Nha Trang khoảng 57 kilômét về hướng tây nam (đường chim bay là 30 km). Hòn Bà là đỉnh cao nhất trong dãy núi tên chữ là Bích Sơn (nghĩa là Núi Vách, cái tên do hình thế mà có), là đỉnh duy nhất nổi lên trên cái màn mây trắng quanh năm bao phủ. Alexandre Yersin đã phát hiện Hòn Bà năm 1915, đã tạo lập một trang trại trên đỉnh núi để di thực cây canhkina vào Việt Nam và dựng một trạm nghiên cứu về y học, nông nghiệp, thiên văn, vô tuyến điện…  

 

 

Ngôi nhà gỗ của Bác sĩ Yersin ở Hòn Bà

Trên cao trình 1500 mét so với mặt nước biển của Hòn Bà hiện còn ngôi nhà của Bác sĩ Yersin. Ngôi nhà gỗ được tỉnh Khánh Hòa phục dựng năm 2004 đúng hoàn toàn theo nguyên bản trên nền đá cũ, ngang 11m4, sâu 8m7, gồm hai tầng theo kiến trúc Pháp rất cân đối, hài hòa. Mặt tiền ngôi nhà có dòng chữ “viết” bằng dây dừa “NƠI LÀM VIỆC CỦA ALEXANDRE YERSIN”. Chiếc cầu thang gỗ 4 bậc khiêm nhường dẫn vào cửa chính. Cửa gồm hai lớp, lớp ngoài là cửa gỗ lá sách, cửa trong nửa dưới là gỗ, trên là kính. Bất ngờ thay, trong gian chính, một trang thờ Bác sĩ Yersin do những người bảo vệ khu di tích lập nên bằng tất cả tấm lòng thành kính, dù chỉ là một tấm ván gỗ treo áp tường. Một kiểu bàn thờ rất dân dã, rất Việt Nam, có di ảnh của Người với ánh mắt suy tư điềm đạm, có bát nhang, mấy chung nước, một cỗ bồng hoa quả, mấy thẻ nhang. Hôm chúng tôi lên đây là 29 âm lịch, lọ hoa thờ ngoài mấy nhánh trúc quan âm trường sanh có thêm cây cúc vàng tươi. Trên hàng hiên, 15 bậc thang hẹp đưa chúng tôi lên gác trên. Ngay chỗ cầu thang bước lên là nơi trước đây Bác sĩ đặt kính viễn vọng để vọng cảnh tứ hướng. Tôi đứng yên một lúc lâu để vời người xưa thấu thị cái không – thời gian ba chiều sâu thẳm hồn thiêng quê hương thứ hai của Người. Thật may, hôm ấy là một ngày đầu hè nắng trong nên từ đây chúng tôi có thể nhìn thấy vịnh Nha Trang trắng bạc thủy ngân, có ống nhòm có thể thấy cả chữ “VINPEARL” trên đảo Hòn Tre sáng lấp lóa dưới vầng thái dương.  

 

Anh Nguyễn Tấn Cường nhiệt tình dẫn đoàn tham quan ra khu vườn hoa trước nhà. Nơi đây xưa kia là lãnh địa bạt ngàn hoa hồng và quả dâu tây, nơi Bác sĩ thường xuyên đón những vị khách không mời là sóc, khỉ và chim… Còn giờ đây là nơi của những loài hoa ôn đới, một máng hoa mười giờ năm cánh vàng non chi chít ken những cành lá rung rinh như rong biển, vài chậu hoa bốn cánh màu cam, nhụy vàng, cong cớn trên những chiếc lá nâu tròn bóng loáng như lá súng. Anh Cường chỉ một khóm hoa ngoài mô đất, lá cong dài như địa lan với những ngồng hoa vít cong trĩu những bông hoa vàng cam rực rỡ nở chúc xuống đất nom như những chiếc chuông xinh xinh, nói đây là giống hoa do chính tay Bác sĩ mang từ Đà Lạt về, nở hoa tứ mùa. Vẫn còn đây bể lọc, bể chứa nước mưa do chính Bác sĩ chỉ đạo xây dựng, những vốc nước mưa ngọt lịm mát tỉnh cả người. Rau má dại lá to gần bằng bàn tay khum khum tựa những bông hoa xanh mướt, mọc lan dễ như những cuộc dạo chơi ngẫu hứng. Chúng tôi mê đi trước những giàn su su chỉ cao hơi quá đầu người. Lên Sa Pa được ăn đọt su xào, ăn đặc sản su luộc chấm muối mè nhưng không có dịp tận mục những giàn su su dễ thương như một mô hình đồ chơi bé bé xinh xinh như thế này. Trái tim như một chút lỗi nhịp khi ta đưa tay chạm khẽ những quả su su ngây thơ, còn xanh trắng lông tơ.

Trong sự thú vị ngập tràn, chúng tôi được anh Cường tiếp tục đưa đến những bất ngờ khó quên trong đời. Anh vuốt ve những hòn đá nhẵn trước sân nhà in di tích những mũi khoan Bác sĩ xây những máng đá để ươm cây canhkina – vỏ cây là nguyên liệu chiết xuất chất ký ninh bào chế thuốc điều trị sốt rét. Đầu hông nhà bên kia là vườn thuốc của Bác sĩ Yersin. Vẫn còn đó rất nhiều những bồn đá do Bác sĩ xây nên từ những vật liệu đá dăm, vôi và đường mật được ngựa thồ từ dưới xuôi lên. Mỗi chiếc máng đá tọa trên một tảng đá thiên nhiên, một khung cảnh kỳ diệu với những khay đá cao thấp to nhỏ khác nhau nhưng đều có một độ nghiêng na ná nhau, có lẽ là để hứng được nhiều sương trời nhưng không đọng nước mưa. Giờ đây cây canhkina không

Bồn đá ươm cây canhkina

còn nữa, khu vườn ngút ngàn hoa tím dại li ti như những ngôi sao xa xôi. Xa hơn là vạt cỏ tranh ngả nghiêng trong một màn trắng mờ mờ hơi nước ẩn hiện những tia nắng mong manh. Trên một tảng đá đen tuyền, thật bất ngờ, chúng tôi bắt gặp một cành địa y xám trắng nổi bật lên như một họa tiết cách điệu trên vuông lụa. Sau nhà đầy dấu tích của nhà bếp cũ, của những bậc đá người xưa lót đường dẫn xuống thung lũng, nơi có dòng suối nhỏ cách 100 mét dưới thấp. Đó là nơi Bác sĩ đặt chiếc máy bơm đem từ Pháp sang để bơm nước lên một cái hồ bề 3, bề 6 (mét) để nuôi gia súc. Đứng đấy trông xa xa là tầng tầng cây cổ thụ thân loang lổ những đốm trắng đốm đen, lô xô trôi xuống thung lũng, đẹp như một cổ tích. Phía tây đối diện ngôi nhà, nơi bây giờ là lưng một trạm kiểm lâm, dấu tích một khu chuồng ngựa của Bác sĩ ở cao độ 1578 mét, mỗi bề rộng 7 mét, còn vương hai cái máng gỗ và những bậc tam cấp lên xuống.    

 

Anh Cường đưa chúng tôi về với niềm quá vãng bằng một số di tích nữa của “người muôn năm cũ”. Anh dẫn chúng tôi ra thăm cây trà (cây chè) cổ thụ do chính tay Ông Năm Yersin trồng. Một tấm biển đã nhạt nhòa màu sơn theo thời gian, ghi chú đây là cây trà cổ thụ của Bác sĩ Yersin. Cây trà tựa vào lưng một phiến đá vách thẳng cao khoảng ba, bốn mét. Một cái thang cây dòng từ đỉnh hòn đá xuống. Chúng tôi hỏi tại sao lại có cái thang ở đây. Anh Cường nói ngày xưa đây là nền của trạm nghiên cứu, Ông Năm có khi trèo lên phiến đá cao này để liên lạc với Suối Dầu và Nha Trang nên các anh phục hiện cho mọi người hình dung. Nơi ấy, giờ vẫn còn hai cây trụ của cái trạm cũ.

 

Khi vào Thư viện tỉnh Khánh Hòa tìm đọc về Bác sĩ Yersin, tôi thấy đúng là ông có lập trên Hòn Bà một trạm quan trắc khí tượng và thử nghiệm các thiết bị vô tuyến điện. Và cũng chính tại Hòn Bà, Yersin đã có khoảng thời gian yên tĩnh học chữ Morse. Ông là tư nhân đầu tiên ở Việt Nam sở hữu máy thu phát morse, máy thu thanh tân tiến bắt được đài bên Pháp và kính thiên văn.

 

Chiếc máng đá ươm cây canhkina

           

Tôi tìm sang Phòng Địa chí - Ấn phẩm địa phương của Thư viện tỉnh, cô thủ thư Mỹ Ngọc vui vẻ giới thiệu một loạt sách về “con người ngoại cỡ” này. Trong khi nhập lưu tên tôi vào máy, Ngọc không giấu giếm sự hãnh diện về kho sách của mình: “Rất nhiều người đã đến đây tìm tài liệu về Bác sĩ Yersin”. Tôi chú ý nhiều đến những trang đời Bác sĩ Yersin gắn với Hòn Bà. Bằng số tiền của hai giải thưởng do Viện Hàn lâm khoa học Pháp trao vào thời điểm năm 1915 – 1917, ông đã thuê người dân địa phương làm một con đường nối Suối Dầu với Suối Cát và bắt đầu tìm đường đưa cây canhkina lên đỉnh núi. Từ ngưỡng cửa ngôi nhà nhỏ ở đồn điền Suối Dầu, từ lâu, ông vẫn thường hướng mắt về những đỉnh núi cao ở phía tây. Vào thời đó chưa có một bản đồ nào về dãy núi này cả. Ông đặc biệt chú ý một ngọn khá cao trong dãy núi, khống chế tất cả các ngọn chung quanh. Một loạt những chuyến đi khảo sát đưa ông đi ngược con sông, vào sâu trong thung lũng, vượt qua những sườn núi dựng đứng và hiểm trở, những con suối nhỏ hợp thành những con thác lớn dữ dội, vượt qua những dãy núi đồ sộ và hoang vu hoàn toàn bị phủ kín trong lớp rừng nguyên thủy. Và ông đã đặt chân lên đỉnh cao nhất đó – đỉnh Hòn Bà, sau bao nhiêu gian nan.   

           

Sở dĩ ngọn núi có tên Hòn Bà chính bởi theo truyền thuyết người dân địa phương kể lại đây là hành cung của bà Thiên Y A Na. Truyền rằng mỗi lần bà giá lâm, một đạo hào quang dài như dãy lụa xổ bay xuống núi, rồi nghe ba tiếng sấm nổ vang rừng. Nhiều khi không thấy ánh sáng đáp xuống cũng không thấy tiếng sấm dậy nhưng từ trong núi phát ra hào quang chói sáng hàng trăm dặm. Những lúc ấy thường là đêm trăng trong gió mát, biết bà về ngự, người dân đốt hương, đốt trầm làm lễ.

           

Có thể là Ông Năm Yersin không tin câu chuyện huyền ảo ấy (trong nửa thế kỷ sống và làm việc tại Việt Nam, chưa ai thấy ông bước chân vào nhà thờ hay chùa chiền một lần nào) nhưng ông vẫn gọi đấy là Hòn Bà như truyền thuyết bản xứ. Và quan trọng hơn, ông là người có đầu óc phiêu lưu và lãng mạn hơn ai hết. Từ lâu ông đã ước vọng di thực cây quinquina (còn có tên là xinchona) vào đúng vùng tập tính sinh trưởng của nó chủ yếu là ở cao trình từ 1000 mét trở lên. Năm 1917, Yersin viết thư cho Dr. Koenigsberger, Giám đốc vườn thực vật Buitenzorg để xin mua hạt giống và một số cây ghép. Những người dân miền núi đã phát quang trên đỉnh núi một vạt đất chừng hai hecta mở ra một phong quan hùng vĩ. Những con ngựa của “nhà nông học bất đắc dĩ” đã thồ những hạt giống và 30 cây canhkina ghép, được đưa từ đảo Java (Indonesia) sang, lên thẳng Hòn Bà. Cây ghép mọc không tốt nhưng những hạt giống ương tại Hòn Bà đều mọc khỏe. Tuy nhiên tốc độ phát triển các cây con chậm dần, lá bị một loại nấm gây nhiều vết tròn màu rỉ sắt. Tháng 7/1923, 300 cây quinquina từ vườn ươm Hòn Bà lần đầu tiên được Yersin đưa trồng trên Dran (Đơn Dương).

           

Trong một lá thư gửi cho một người bạn ở Pháp, Yersin dự tính vùng cao nhất của  Hòn Bà dành cho cây canhkina; cây cà phê, cây ca cao và cây chè ở vùng cao trung bình; nơi thấp nhất trồng cây cao su. Ông “muốn phủ hoa lên cả đỉnh núi Hòn Bà” và đây sẽ là nơi sưu tập những loại phong lan quý.  

Bác sĩ Noel Becnard (Pháp) đã viết về Hòn Bà trong cuốn sách “Những cuộc thám hiểm của Yersin” (Đào Xuân Quý dịch, Nhà xuất bản Thanh niên, 2004) như sau: “Có rất nhiều loại cây ở trên chóp núi : cây sồi, cây si, các loại thông, dương liễu… Trên cành những cây to và cao dày đặc những loại phong lan, hoa rất đẹp. Thân cây và đá chỗ nào cũng phủ kín các loại rêu. Đó là vì ở đây từ tháng mười đến tháng ba độ ẩm lên rất cao. Các đỉnh núi lúc nào cũng ngập trong một lớp sương mù dày đặc. Khí hậu ôn hòa, thời tiết cứ thay đổi từ 2604 đến 2605”.

           

Cuốn “Xứ trầm hương” của Quách Tấn có đoạn: “Trên cành cây cổ thụ, phong lan bám đầy. Trong các khoảng vườn ương và chung quanh trại của Bác sĩ Yersin, hoa hường cùng dâu tây (fraisier) trồng từng luống từng đám. Mùa xuân mùa hạ, lan nở hường nở, trăm hình nghìn sắc. Và mùi hoa theo gió trộn cùng mùi hương tô hạp, bay ngào ngạt khắp rừng sâu […] Thường thường trong rừng già chim chóc ít tụ tập. Nhưng ở đây nhiều phi thường! Nhiều đến nỗi có thể tin rằng số chim chỉ em số lá! Nhiều giống chim lạ không hề thấy nơi bình nguyên. Lại đủ cỡ đủ màu. Lớn nhất bằng bắp vế, nhỏ nhất bằng ngón tay cái, ngón tay út. Con thì xanh, con thì vàng, con thì xám, con thì nâu, con thì trắng tuyết, con thì rằn ri…, con thì như trái ớt chín, con thì như lá chuối non… Bay nhảy suốt ngày, tiếng kêu tiếng hót khắp nơi. Những con chim tí hon len lỏi trong những khóm hoa hường, trong những cụm phong lan, để tìm sâu, hút mật…thái độ hiền lành nhưng nhí nhảnh, trông hết sức dễ thương. Chim lớn phần nhiều không thích hoa bằng thích trái. Những đám dâu tây được chúng chiếu cố hết sức. Mùa trái chín chủ nhân ít khi được hưởng thỏa thuê. Hột theo mỏ, theo phân của chúng, gieo vãi khắp nơi. Và nhờ thổ nghi, không cần chăm sóc bón tưới, tới đâu cũng mọc dễ dàng và sanh hoa kết trái rất thạnh.”

             

Khi Alexandre Yersin qua đời, theo di nguyện “hãy giữ tôi ở lại Nha Trang, xin đừng ai mang thi hài tôi đi nơi khác”, bậc thánh nhân đã được người dân Khánh Hòa an táng ở Suối Dầu, mặt úp xuống, đầu quay về Nha Trang, chân hướng về Hòn Bà để mãi mãi ông được ôm trọn mảnh đất quê hương này :

 

Buổi ra đi giản dị như mọi người

Người yên nghỉ, mắt nhìn ra bốn hướng

Hòn Bà phía Tây, phía Đông là biển

Nơi Người đến đầu tiên có một xóm chài.

(Thơ Giang Nam)

 

*

                                                                       

Năm 2004, tỉnh Khánh Hòa đã đầu tư trải nhựa con đường dài 37 km từ chân núi lên tận đỉnh Hòn Bà. Tương lai gần Hòn Bà sẽ là khu nghỉ dưỡng lý tưởng vì Hòn Bà có khí hậu mát mẻ quanh năm mà lại rất gần Nha Trang. Hòn Bà là địa chỉ hấp dẫn cho du lịch sinh thái, phát triển các diễn đàn nghiên cứu rừng nguyên sinh với các loài thực vật, động vật quý hiếm. Hòn Bà, một địa chỉ văn hóa độc đáo, đã và đang mở ra một tiềm năng tham quan, du khảo vô tận.

 

Sắp đến Hòn Bà sẽ mọc lên những khu biệt thự, những khách sạn cao cấp. Điều đó  là phù hợp với xu thế thời đại và nhu cầu phát triển của “vùng đất nữ vương” này. Trong dự án phát triển Hòn Bà, tỉnh Khánh Hòa có thể sẽ cho xây dựng một tuyến cáp treo lên đỉnh núi. Điều đó hoàn toàn có thể trở thành hiện thực. Hòn Bà vốn được mệnh danh là Đà Lạt thứ hai, không lý gì ta không đánh thức nàng công chúa chìm sâu vào giấc ngủ trong rừng quá lâu. Và chàng hoàng tử đã đến… Hiện tại Công ty Yasaka Sài Gòn – Nha Trang đã cho xây dựng một khu nhà sàn Êđê cao cẳng cạnh ngôi nhà gỗ của Bác sĩ Yersin, tháng 6/2011 sẽ làm lễ khánh thành. Đây sẽ vừa là chỗ nghỉ chân vừa là nhà hàng ẩm thực cho du khách. Đồ án một khu nghỉ dưỡng đã hình thành, đang chuẩn bị tập kết vật liệu và nhân công.

 

Cuộc sống là phải luôn lao về phía trước nhưng chúng ta cần giữ gìn cẩn trọng vẻ đẹp Hòn Bà u huyền trong nguyên sơ, nhất là phải bảo tồn nguyên vẹn khu di tích của Bác sĩ Yersin. Hầu như ai đã từng tham gia hành trình “Theo chân Bác sĩ Yersin” lên Hòn Bà cũng đều lưu luyến. Các tour du khảo Hòn Bà có hấp lực với nhiều người, nhất là các bạn trẻ, chính là tình cảm ngưỡng mộ, biết ơn thiêng liêng một tài năng và nhân cách lớn và còn bởi vẻ đẹp của mây trắng vắt ngang đỉnh cây, thân núi, với những cơn mưa bất chợt đi qua đánh rơi khói sương dạt dào, là ánh tà dương loang trên vạt cỏ, trên cánh đồng lau. Đêm, đốt một đống lửa trại bập bùng, du khách được trải nghiệm cảm giác thâm sơn kỳ bí, nếm trải cái mênh mang sâu thẳm của mưa rừng sương núi. Trong cái buốt lạnh nồng nàn, hạnh phúc biết bao được đón những tia nắng đầu tiên len lỏi qua màn sương khi vầng dương treo đầu cây cổ thụ đẹp hơn cả những bức cổ họa Trung Hoa, Nhật Bản…

 

Hòn Bà chắc sẽ hút hồn khách du nếu còn có bước chân ngựa, lúc sải vó, khi ghìm cương tận hưởng sơn thủy hữu tình, lắng nghe bản hòa âm của suối xa trầm trầm hòa trong tiếng vượn kêu chim hót như vị bác sĩ người Pháp đã từng chiêm cảm trên cung đường uốn lượn quanh co này.  Núi cao trập trùng chất ngất rất hợp giọng với những ai ưa cảm giác mạnh và thích mạo hiểm. Ai thích tắm suối thì Suối Đá Giăng giăng giăng sẵn đó. Ai thích thám hiểm thì vách núi dựng đứng thách thức đó, rừng xanh bạt ngàn mời gọi đó. Người thích quay phim, chụp ảnh đất trời huyền ảo thì Hòn Bà sẵn lòng ban tặng. Vào tiết lập xuân và mỗi độ thu sang, một ngày Hòn Bà có đủ bốn mùa. Mùa đông Hòn Bà không quá khắc nghiệt, nhiệt độ không bao giờ xuống quá 60C nên không có tuyết rơi nhưng sương mù đặc quện. Lúc hạ sơn, đừng quên dành ít thời gian tạt vào khu sưu tầm đá thiên nhiên nghệ thuật đủ màu sắc, hình dáng, ưng mắt thì tậu một “tác phẩm” về làm kỷ niệm…  

 

Hòn Bà có độ cao tương đương với cao nguyên Lâm Viên (thành phố Đà Lạt), Hòn Bà cao hơn Bà Nà một thoáng và thấp hơn Sa Pa một chút. Hòn Bà có khí hậu, cảnh quan ôn đới như những nơi ấy nhưng Hòn Bà còn có di tích lịch sử - văn hóa gắn với ngôi nhà gỗ giản dị và sự nghiệp du nhập cây canhkina vì sức khỏe con người và thiện chí phát triển kinh tế một xứ còn nghèo khó, hoang vu của Bác sĩ Yersin. Khó có thể hình dung cuộc đời và sự nghiệp của nhà y khoa, nhà thám hiểm, nhà nông học, nhà thú y Yersin trong nửa thế kỷ sống và làm việc ở Việt Nam, nhất là ở Khánh Hòa mà thiếu địa danh Hòn Bà. Nơi này đã nối một tam giác Nha Trang – Suối Dầu – Hòn Bà vững chãi kỷ niệm một vĩ nhân đã đi vào huyền thoại.

 

*

 

Thứ sáu ngày 13 của tháng 5/2011, một cái ngày rất dễ nhớ, tôi điện thoại lên Hòn Bà. Các nhân viên trên đó cho biết chiều hôm trước có một vạt mưa rừng đi qua đỉnh Hòn Bà khoảng nửa tiếng thôi nhưng mưa rất to. Khi mưa tan thì đất trời bàng bạc mù sương khoảng mười lăm phút rồi trong veo trở lại. Hèn nào so với ba ngày trước đó oi bức đến đỉnh đầu, hôm nay Nha Trang tiết trời dễ chịu hơn nhiều, có gió dìu dịu, nắng thôi không gắt gỏng nữa. Bởi thế Hòn Bà mới được ví von là lá phổi xanh của Nha Trang và cả vùng đất phía nam tỉnh Khánh Hòa. Dễ hình dung Hòn Bà hôm ấy đẹp cái đẹp của một ngày hè lung linh, nắng vàng hươm nhưng khí trời vẫn se se lạnh. Các anh hân hoan kể công ty vừa cho sơn mới lại ngôi nhà gỗ của Bác sĩ Yersin. Công việc vừa hoàn tất thì trận mưa hôm qua đổ xuống gợi lên biết bao hy vọng.

 

Hòn Bà ngoài cái cảm giác là lạ “một Đà Lạt trong lòng phố biển” còn có cái rưng rưng cảnh đấy người đâu??? Bởi thế, ai chưa đến thì chân phải cất bước “bất đáo Hòn Bà… phi hảo hán”, đến rồi ắt phải bận bịu sắp xếp cho một ngày trở lại không xa… 

 

(15/5/2011)

 

Chế Diễm Trâm
Số lần đọc: 2632
Ngày đăng: 03.01.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Kim Tuấn, Chiều Đông Nào Nhung Nhớ - Đinh Cường
Lạc Lõng Dưới Trần Gian - Phạm Đình Trọng
Lên Với Xứ Hoa Đào - Xuân Tuynh
Về Rừng Ăn Cá Lóc Nướng Trui - Mây Ngàn Phương
Tiếng Nguồn - Nguyễn Hồng Nhung
Giữa Cơn Thèm... Kịch - Nguyễn Hàng Tình
Thức với Mũi điện Khe Gà - Phan Chính
Mù Căng Chải, Sóng Sánh Mùa Vàng - Minh Nguyễn
Nguyễn Trung Bình - Qua Cái Nhìn Bè Bạn - Trần Tuấn*
Sông Đà - bài thơ của Quang Dũng thành kỉ vật kháng chiến tại Bảo tàng tỉnh Hòa Bình - Bùi Phương Thảo
Cùng một tác giả
Tạ Ơn (truyện ngắn)
Mép Nước (truyện ngắn)
Mỏng Như Cánh Chuồn (truyện ngắn)
Bìm bìm mãi tím (truyện ngắn)
Cái cột điện (truyện ngắn)
Họ Chế (tiểu luận)
Chạp yêu (truyện ngắn)