Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
590
115.976.786
 
Thi Sĩ Mùa Xuân Nguyễn Bính
Chế Diễm Trâm

1. Nguyễn Bính được mệnh danh là thi sĩ của tình quê, thi sĩ “chân quê”. Mồ côi mẹ rất sớm, mười ba, mười bốn tuổi, Nguyễn Bính phải theo chân anh cả (nhà viết kịch Trúc Đường) ra Hà Nội, Hải Phòng kiếm sống, rồi sau đó vào Huế, vào tận Sài Gòn…sống “kiếp con chim lìa đàn”. Trót “Bỏ lại vườn cam, bỏ mái gianh/ Tôi đi dan díu với kinh thành” (Hoa với rượu) nhưng Nguyễn Bính lại thấy “Bơ vơ trong xứ người xa lạ” (Lá thư về Bắc), xa lạ với văn minh đô thị đến cùng cuộc biến thiên “mưa Âu gió Mỹ”, bày tỏ thái độ bất hoà với thực tại, tìm về với vẻ đẹp “thời trước” của đồng đất mình, quê hương mình. Đó là hai trạng thái tinh thần – cảm xúc chủ đạo trong thơ Nguyễn Bính trước Cách mạng.

 

Hai trạng thái cái tôi lãng mạn của thi sĩ Nguyễn Bính (một cái tôi khắc khoải hướng về không gian làng quê đã mất và một cái tôi lạc loài trong không gian đô thị xa lạ) có thể thấy rõ nhất trong những bài thơ xuân. Chính bởi vào xuân là lúc làng quê tưng bừng sự sống, sức sống hơn lúc nào hết và cũng chính độ xuân gợi nhắc cho người tha hương nỗi niềm sầu xứ hơn bao giờ hết. Điểm lại những bài thơ tiêu biểu của Nguyễn Bính, nhiều bài nói trực tiếp đến xuân và Tết như “Mưa xuân”, “Mùa xuân xanh”, “Xuân về”, “Thơ xuân”, “Nhạc xuân”, “Gái xuân”, “Tết của mẹ tôi”, “Xuân tha hương”…, và cả những thi đề tuy không có chữ “xuân” nhưng ý thơ vẫn xoay quanh đề tài mùa xuân (“Cô lái đò”, “Sao chẳng về đây?”, “Hoa với rượu”, “Lá thư về Bắc”, “Hành phương Nam”…) thì ai cũng phải công nhận Nguyễn Bính, trong số các nhà thơ hiện đại, là một trong những người viết nhiều về xuân và Tết hơn cả.

 

2.1 Gia tài thơ Nguyễn Bính trước Cách mạng viết về mùa xuân có sự phân cực rất rõ: xuân quê mình và xuân quê người. Quê người trong cái nhìn của một thôn dân trôi dạt như Nguyễn Bính, thật lạ làm sao, chẳng khác nào một “sa mạc”, không men say kích thích, không ý nghĩa hương hoa cuộc đời: “Đời tôi sa mạc, ôi sa mạc/ Hoa hết thơm rồi, rượu hết cay.” (Hoa với rượu). Vì thế mà xuân đến chỉ gieo thêm mối sầu thất vọng: “Chẳng đợi mà xuân vẫn cứ sang/ Phồn hoa thôi hết mộng huy hoàng/ Sớm nay sực tỉnh sầu đô thị/ Tôi đã về đây rất vội vàng.” (Sao chẳng về đây?). Kiểu mùa xuân không chờ không đợi ấy giống với sự ơ hờ của Chế Lan Viên: “Tôi có chờ đâu, có đợi đâu/ Đem chi xuân đến gợi thêm sầu/ Với tôi tất cả như vô nghĩa/ Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau” (Xuân). Nhưng ngoài nỗi đau thời thế sinh bất phùng thời như thi sĩ họ Chế, Nguyễn Bính còn có thêm nỗi đau thân thế - nỗi đau của một thân phận nếm mùi “Em đi dang dở đời mưa gió” (Xuân tha hương). Bởi thế, Nguyễn Bính còn cực đoan hơn khi thấy với bụi bặm kinh kỳ, quê người dứt khoát không có mùa xuân: “Xuân đã sang rồi em có hay?/ Tình xuân chan chứa, ý xuân đầy/ Kinh kỳ bụi quá xuân không đến/ Sao chẳng về đây? Chẳng ở đây?” (Sao chẳng về đây?). Chẳng những không có xuân, mà thị thành còn là nơi chôn vùi mùa xuân: “Giữa nơi thành thị gió mưa phai/ Chết dần từng nấc, rồi mai mốt/ Chết cả mùa xuân, chết cả đời” (Sao chẳng về đây?).

 

Mùa xuân gợi nhắc trong lòng thi sĩ mối sầu tha hương dằng dặc (“Hành phương Nam”, “Xuân tha hương”, “Xuân lại tha hương”, “Xuân vẫn tha hương”). Dấn thân “lăn lóc” giang hồ mà với Nguyễn Bính không khác gì “làm một chuyến đi đày” (Giời mưa ở Huế), xuân sang đồng nghĩa với hoài niệm não nùng: “Tết này chưa chắc em về được/ Em gửi về đây một tấm lòng/ Chao ôi! Tết đến mà không được/ Trông thấy quê hương thật não nùng!” (Xuân tha hương); đồng nghĩa với cô đơn sầu tủi: “Dang dở một thân nơi đất khách/ Tết này ta lại ngắm hoa suông”. Dù hoa Tết có đẹp thế nào thì lòng vẫn dửng dưng, nhạt nhẽo vì đó là hoa vườn người, hoa nở cho người chứ không phải cho mình: “Quán trọ xuân này hoa lại nở/ Lại ngồi xem Tết, Tết người ta”.

 

2.2 Càng bơ vơ, tê tái với xuân lưu lạc, Nguyễn Bính càng da diết không gian  xuân quê nhà. Niềm lưu luyến với cố hương, cố viên đã mang đến cho hồn thơ Nguyễn Bính những vẻ đẹp mộc mạc, chân chất, bình dị mà có sức lay động lòng người sâu xa nhất. Một “Thôn Vân có biếc có hồng/ Biếc trong nắng sớm, hồng trong vườn chiều” (Anh về quê cũ), một xóm Dừa “Ở đây vô số những trời xanh/ Và một con sông chảy rất lành (…) Xuân sang hoa nụ rồi hoa nở/ Phô nhuỵ vàng hây với cánh nhung” (Sao chẳng về đây?). Ở giữa thôn xóm ấy là “nhà tôi” - đẹp nhất vào mùa xuân: “Nhà tôi có một vườn dâu/ Có giàn đỗ ván, có ao cấy cần/ Hoa đỗ ván nở mùa xuân/ Lứa dâu tháng tháng, lứa cần năm năm”. Trong vườn nhà tôi ấy, mùa xuân “Đầy vườn hoa bưởi, hoa cam rụng/ Ngào ngạt hương bay, bướm vẽ vòng” (Xuân về)…

 

Dễ nhận ra, nói đến cảnh xuân quê nhà, Nguyễn Bính thường nói đến đường làng, đồng lúa, con đê, vườn dâu, ao rau cần, giàn đỗ ván, giậu mùng tơi, hoa cải, hoa bưởi, hoa cam, hoa xoan… cùng với gió đông, trời trong, nắng mới, mưa bụi, bướm trắng, bướm vàng dập dờn v.v… Tức là những thi liệu rất thực và rất… thường, không phải là cái mới phát hiện, không tạo cảm giác lạ lẫm, choáng ngợp. Nhưng chính những nét rất quen mà rất sống động, rất có hồn ấy là chỗ Nguyễn Bính khác người, hơn người. Đây là một vài cảnh rất quen mà cũng đã được lạ hoá, “rất Nguyễn Bính”: “Vườn xuân trắng xoá hoa cam rụng” (Hoa với rượu); “Anh trồng cả thảy hai vườn cải/ Tháng Chạp hoa non nở cánh vàng/ Lũ bướm láng giềng đang khát nhuỵ/ Mách cùng gió sớm rủ rê sang.” (Hết bướm vàng); “Mưa tạnh giời quang nắng mới hoe/ Lá nõn nhành non ai tráng bạc/ Gió về từng trận gió bay đi.” (Xuân về).

 

Nói vậy, không có nghĩa là Nguyễn Bính chỉ nhận diện mùa xuân bằng những tín hiệu thiên nhiên truyền thống. Là một nhà Thơ Mới, Nguyễn Bính rất hiện đại, cách tân những dấu hiệu mùa xuân từ những thay đổi rất nhân văn – thay đổi của chính con người: “Đây cả mùa xuân đã đến rồi/ Từng nhà mở cửa đón vui tươi/ Từng cô em bé so màu áo/ Đôi má hồng lên nhí nhảnh cười.” (Thơ xuân). Nhưng đấy cũng chỉ là mùa xuân trên môi má các em nhỏ, còn đây mới là mùa xuân thiếu nữ thật khơi gợi, đúng như tác giả “Thi nhân Việt Nam” nhận xét “ta không thấy người còn gì quê mùa nữa”(1): “Đã thấy xuân về với gió đông/ Với trên màu má gái chưa chồng/ Bên hiên hàng xóm, cô hàng xóm/ Ngước mắt nhìn trời đôi mắt trong (Xuân về). Hay: “Lòng xuân lơ đãng má xuân hồng/ Cô gái xuân mơ chuyện vợ chồng/ Đôi tám xuân đi trên mái tóc/ Đêm xuân cô ngủ có buồn không?” (Gái xuân)

 

Hoài niệm vẻ đẹp mùa xuân quê nhà, Nguyễn Bính còn nhiều những bài thơ về tục quê tuy rằng tập tục quê không phải là sức mạnh, là sở trường ngòi bút Nguyễn Bính (như thơ Đoàn Văn Cừ, Bàng Bá Lân…). Nhưng thơ về phong tục làng mạc quê hương ba ngày Tết của Nguyễn Bính rất nhiều, nhất là rất hay, một mặt chứng tỏ sự sống sâu của Nguyễn Bính với nơi mình đã ra đi, sống lâu với những kỷ niệm ấu thời, mặt khác là đặc điểm thi pháp thơ Nguyễn Bính đúng như Tô Hoài đã nhận định: “Chỉ có quê hương mới tạo nên được từng chữ từng câu Nguyễn Bính. (…) Trước sau và mãi mãi, Nguyễn Bính vốn là nhà thơ của tình quê, chân quê, hồn quê.”(2)

 

Đây là cảnh đi lễ chùa ngày đầu năm: “Trên đường cát mịn một đôi cô/ Yếm đỏ khăn thâm trẩy hội chùa/ Gậy trúc dắt bà già tóc bạc/ Tay lần tràng hạt miệng nam mô.” (Xuân về)

 

Đây là cảnh xuân sang pháo nổ, uống rượu đề thơ, cũng là một nét văn hóa không thể thiếu trong phong tục ngày Tết: “Có những ông già tóc bạc phơ/ Rượu đào đôi chén bút đề thơ (…) Pháo nổ đâu đây khói rợp trời/ Nhà nhà đoàn tụ dưới hoa tươi/ Lòng tôi như cánh hoa tiên ấy/ Một áng thơ đề nét chẳng phai.” (Thơ xuân)

Còn đây là hình ảnh hội chèo ngày Tết, một điểm nhấn trong sinh hoạt văn hóa làng quê mỗi độ xuân về: “Thôn tôi vào đám hai ngày chẵn/ Chỉ có chèo không, nhưng cũng vui.” (Cuối tháng ba); “Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ/ Mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay” (Mưa xuân).

 

Bài thơ “Tết của mẹ tôi” mang giọng tự sự khá đơn giản, nhắc đến những phong tục ai cũng biết cả, vậy mà đọc lên vẫn nghe rưng rưng đến lạ: “Mẹ tôi gọi cả các em tôi/ Đến bên mà dặn: “Sáng ngày mai/ Các con phải dậy sao cho sớm/ Đầu năm năm mới phải lanh trai/ Mặc quần mặc áo lên trên nhà/ Thắp hương thắp nến lễ ông bà/ Chớ có cãi nhau, chớ có quấy/ Đánh đổ, đánh vỡ như người ta”/ Sáng ngày mồng một sớm tinh sương/ Mẹ tôi cấm chúng tôi ra đường/ Mở hàng mỗi đứa năm xu rưỡi/ Rửa mặt hoa mùi nước đượm hương.”

 

Đi vào thế giới nghệ thuật thơ Nguyễn Bính, có thể thấy mưa xuân là hồn vía mùa xuân đất Bắc cũng là hồn vía thơ ông. “Hoàn toàn có thể gọi Nguyễn Bính là thi sĩ của mưa xuân (…) Duyên mưa kia cơ hồ chỉ trao cho mình Nguyễn Bính – một hồn thơ thuần Việt thuần Quê” (Chu Văn Sơn)(3). Trong thơ Nguyễn Bính trước Cách mạng, dường như mưa xuân là khởi thuỷ những mơ mộng, những nhung nhớ trong lòng các cô gái quê: “Em là con gái trong khung cửi/ Dệt lụa quanh năm với mẹ già/ Lòng trẻ còn như cây lụa trắng/ Mẹ già chưa bán chợ làng xa./ Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy/ Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ/ Mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay”./ Lòng thấy giăng tơ một mối tình/ Em ngừng thoi lại giữa tay xinh/ Hình như hai má em bừng đỏ/ Có lẽ là em nghĩ đến anh.”(Mưa xuân); “Xuân đã đem mong nhớ trở về/ Lòng cô gái ở bến sông kia/ Cô hồi tưởng lại ba xuân trước/ Trên bến cùng ai đã nặng thề” (Cô lái đò); “Mưa xuân bay mãi làm chi thế?/ Tôi nhớ ai nào? Xuân biết chưa?” (Một lần). Sau này, khi hoà bình đã lập lại, thơ Nguyễn Bính lại tiếp nối nguồn cảm hứng về những màn mưa bụi tơ mảnh đến mơ hồ ngày hội xuân: “Chiều xuân mưa bụi nghiêng nghiêng/ Mưa không ướt áo người xem hội làng” (Tiếng trống đêm xuân). Tất cả làm nên một thi sĩ mưa xuân rất có hồn mưa và rất có hồn Việt.

 

Trong thế giới màu sắc rộn ràng của thơ xuân Nguyễn Bính (bướm trắng, bướm vàng vẽ vòng trên vồng hoa cải vàng tháng chạp; trong vườn, hoa cam, hoa chanh rụng trắng đất; hoa xoan tím trong màn mưa bạc; lá nõn trên nhành non; cụ già tóc trắng bên cô yếm đỏ khăn thâm …), ta không khỏi giật mình trước một “Mùa xuân xanh”:

 

Mùa xuân là cả một mùa xanh

Giời ở trên cao, lá ở cành

Lúa ở đồng tôi và lúa ở

Đồng nàng và lúa ở đồng quanh.

Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh

Tôi đợi người yêu đến tự tình

Khỏi luỹ tre làng tôi nhận thấy

Bắt đầu là cái thắt lưng xanh.

 

Bài thơ phác thảo, phác hoạ những màu xanh kỳ diệu của tạo hoá, tạo lên một ấn tượng tươi tắn, trong trẻo đến tinh khôi. Một không gian ngập tràn màu xanh, những điệu xanh liên hoàn nhưng không trùng lắp. Trước hết là trên cao (giời), xuống thấp hơn (lá), rồi thấp nữa và mở ra theo chiều rộng, theo cái mênh mang của đồng lúa rập rờn. Nhưng, dường như chuyện lúa xanh chỉ là cái cớ giắt sang chuyện đồng anh – đồng nàng thật khéo, nhẹ như không. Tả xuân xanh là để khởi động cho tiếng nói tâm tình của đôi lứa yêu nhau (Nguyễn Bính giống ca dao cũng chính là đây). Ngay cả cỏ nơi họ hẹn hò, chờ đợi (trên mộ - trong bãi tha ma) cũng không “nửa vàng nửa xanh” mà “đang đợi thanh minh”, đang run rẩy hồi sinh, đang nhú sắc xanh. Tuổi trẻ, nhất là tuổi trẻ đang yêu, nhìn cái gì cũng đẹp, kể cả màu cỏ trên mộ! Từ chờ đợi, hồi hộp chuyển sang mong ngóng; từ điểm hẹn, chàng trai ngóng về luỹ tre làng cô gái. Cái cổng làng rõ xa, vậy mà cô vừa mới xuất hiện, anh đã bắt được tín hiệu – cái thắt lưng xanh màu hoa lý. Cái chấm xanh ấy là ánh chớp trong mắt chàng, là tiếng reo vui trong tim chàng, là niềm ngất ngây lan toả trong người chàng.

 

Cái màu xanh hoa lý đã hoàn chỉnh bức tranh “Mùa xuân xanh”, làm cho màu xanh của mùa xuân trở nên trọn vẹn. Lòng ta bất chợt tự hỏi liệu cái thắt lưng xanh ấy còn chứa đựng thông điệp gì nữa không? Ta còn nhớ Nguyễn Bính có lần “Van em, em hãy giữ nguyên quê mùa” với “cái yếm lụa sồi, cái dây lưng đũi, cái áo tứ thân, cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen” bởi ông “dị ứng” với cái văn minh kinh thành xa lạ (khăn nhung, quần lĩnh, áo cài khuy bấm). Vậy cái thắt lưng màu hoa lý không chỉ là cái thắt lưng, nó là làng mạc đồng quê, là hồn xưa dân tộc. Câu thơ cuối là một tiếng reo lên hạnh phúc, không chỉ vì em đã đến mà còn vì em vẫn “giữ nguyên quê mùa”. Cùng với “Chân quê”, “Mùa xuân xanh” có thể xem là tuyên ngôn nghệ thuật, tuyên ngôn về cái Đẹp của Nguyễn Bính.

 

3. Nhà thơ Nguyễn Bính sinh cuối xuân Mậu Ngọ - mất trong chiều cuối năm, 29 Tết Bính Ngọ (năm ấy tháng chạp không có ngày 30), như tiên liệu “Năm mới tháng giêng mồng một Tết/ Còn nguyên vẹn cả một mùa xuân” (Nhạc xuân), “để lại một mùa xuân nguyên vẹn cho người” (lời Trần Lê Văn)(4). Có đúng là nhà thơ đã tiên cảm về một sự ra đi giữa lúc xuân về hay là “một lời là một vận vào, khó nghe”? Không thể có câu trả lời chính xác, nhưng ta có thể biết chắc một điều là những sự kiện có vẻ ngẫu nhiên ấy khi được xâu chuỗi lại đã hoàn chỉnh bức chân dung thi-sĩ-mùa-xuân. Chưa ai có thể thay thế vị trí Nguyễn Bính để truyền đến cho người đọc một tình yêu “Xuân sang lưu luyến lòng tôi quá” (Sao chẳng về đây?), một khát khao “Chị ơi! Em cưới mùa xuân nhé” (Xuân tha hương), một thi hoạ thân quen “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” (Xuân nhớ miền Nam) và cao hơn tất cả, một không gian mùa xuân “nguyên vẹn” hồn quê, tình quê, điệu quê khiến bao trái tim ngây ngất, thổn thức suốt mấy mươi năm qua…

 

 

(1) Hoài Thanh, Hoài Chân – Thi nhân Việt Nam – NXB Văn học, 2008.

(2) Tô Hoài – Lời giới thiệu, Tuyển tập Nguyễn Bính, NXB Văn học, 1986.

(3) Chu Văn Sơn – Ba đỉnh cao Thơ Mới – NXB Giáo dục, 2006.

(4) Chu Văn – Lời bạt, Tuyển tập Nguyễn Bính, NXB Văn học, 1986.

Chế Diễm Trâm
Số lần đọc: 5940
Ngày đăng: 13.12.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Quan niệm về Tác phẩm văn học của lý luận - phê bình văn học đô thị miền Nam 1954-1975 - Trần Hoài Anh
Tiếp Cận Tư Tưởng Việt Nam: Tư Tưởng Nguyễn Du Qua Đoạn Trường Tân Thanh 12- hết - Nguyễn Đăng Trúc
Tiếp Cận Tư Tưởng Việt Nam: Tư Tưởng Nguyễn Du Qua Đoạn Trường Tân Thanh 11 - Nguyễn Đăng Trúc
Mấy Ý Nghĩ Về Thơ - Quang Dũng
Tiếp Cận Tư Tưởng Việt Nam: Tư Tưởng Nguyễn Du Qua Đoạn Trường Tân Thanh 10 - Nguyễn Đăng Trúc
Tiếp Cận Tư Tưởng Việt Nam: Tư Tưởng Nguyễn Du Qua Đoạn Trường Tân Thanh 9 - Nguyễn Đăng Trúc
Edmund Husserl - Suy-Tư Trong Tinh-Thần Descartes- 3 - Nguyễn Quỳnh USA
Tiếp Cận Tư Tưởng Việt Nam: Tư Tưởng Nguyễn Du Qua Đoạn Trường Tân Thanh 8 - Nguyễn Đăng Trúc
Tiếp Cận Tư Tưởng Việt Nam: Tư Tưởng Nguyễn Du Qua Đoạn Trường Tân Thanh 7 - Nguyễn Đăng Trúc
Đọc và Fê-bình VĂN-FẠM LUẬN /DE LA GRAMMATOLOGIE, đoạn 3, của Jacques Derrida - Nguyễn Quỳnh USA
Cùng một tác giả
Tạ Ơn (truyện ngắn)
Mép Nước (truyện ngắn)
Mỏng Như Cánh Chuồn (truyện ngắn)
Bìm bìm mãi tím (truyện ngắn)
Cái cột điện (truyện ngắn)
Họ Chế (tiểu luận)
Chạp yêu (truyện ngắn)