Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
819
116.678.175
 
Thơ Haiku Nguyễn Thánh Ngã “Viết từ sương mù và trên cánh hoa”(*)
Chế Diễm Trâm

 

 

            Đọc và thích tác phẩm của một nhà thơ chưa một lần diện kiến giống như một mình đặt chân đến một xứ lạ phương xa, rất nhiều điều để khám phá trong sự tò mò pha chút nghi ngại. Bước vào thế giới nghệ thuật thơ haiku của một nhà thơ chưa một lần quen biết giống như đi vào một khu rừng có nhiều lối chân mờ mờ và khuất nẻo. Cầm trên tay một tập thơ haiku của một nhà thơ Việt Nam đã từng nhận giải thi thơ haiku, vua biết mặt chúa biết tên nhưng bản thân mình chưa từng tiếp xúc cũng tựa như lạc vào một mê trận đồ có lối đi rõ ràng nhưng phải loay hoay tìm mãi lối ra nếu không nắm được quy luật. Cảm giác đó là có thật khi nâng trên tay tập Thơ haiku Nguyễn Thánh Ngã (NXB Văn học, 2014).

 

Thơ haiku là thể thơ tinh túy của đất nước Mặt Trời Mọc. Ai thích và đi theo lối thơ “hẹp” này là người thích trầm tĩnh, suy tư. Nói “hẹp” là vì haiku là thể thơ kiệm lời nhất trong tất cả các thể thơ của nhân loại. Một bài thơ haiku “nửa ngậm nửa thốt” bởi chỉ có 17 âm tiết, chia làm ba phần: phá (5 âm tiết) – thực (7 âm tiết) – kết (5 âm tiết). Tiếng Nhật đa âm tiết nên một bài thơ haiku chỉ trong vòng 7 – 8 từ (và không vượt quá 10 từ). Đã vậy, haiku ít dùng những từ biểu đạt tâm trạng, ít dùng tính từ, trạng từ…

Thơ haiku thường lấy đề tài thiên nhiên bốn mùa và tâm trạng con người trước thiên nhiên làm đề tài (tiếng Nhật là “kigo”). Vì tính chất hàm súc cần có và phải có nên thơ haiku phải dùng đến các từ ngữ chỉ cây cỏ, hoa lá, con vật có tính đặc trưng để làm nên ước lệ, gọi là “quý ngữ” (tiếng Nhật là “kido”). Chẳng hạn, mùa xuân thì có hoa anh đào, hoa mơ, hoa nở,…; mùa thu là trăng, cỏ lau,…; mùa hè là con ve, con đom đóm,…; mùa đông là tuyết, cánh đồng tuyết,…

Thơ haiku mang nhiều Thiền tính của triết cảm phương Đông, ưa suy tư, thích chiêm nghiệm. Mỗi bài thơ là một khoảnh khắc trực cảm, đạt đến sự đốn ngộ để hướng đến những triết lý phổ quát. Bạn đọc phải tự nhìn thấu vào cảnh qua vài nét chấm phá, tự đón nhận những thanh âm mơ hồ, tự lắng lòng mà đoán nhận, chiêm cảm triết lý vĩnh hằng được ký thác ẩn kín.

Tiếp nhận thơ haiku đã khó, sáng tác haiku còn khó gấp trăm, nghìn lần. Để đạt đến tứ tính: chất sabi (tịch lặng), u huyền (yugen), đơn sơ (wabi), bi cảm (aware), thơ haiku xem sự tối giản là yêu cầu hàng đầu của sáng tạo. Tối giản lời nhưng ý phải thâm sâu. Do vậy đọc một bài thơ haiku là một thách thức nhưng đồng thời là một sự thích thú thẩm mỹ.

Tập Thơ haiku Nguyễn Thánh Ngã gồm 251 bài cùng một lời đề từ vừa tự dẫn nhập, khái quát thần thái của thể thơ vừa như mời gọi độc giả bước vào một thế giới nghệ thuật của sự “hư không”:

                        Ở đây

                        Ngoài câu chữ

                        Hư không tràn đầy

Trên câu chữ, bạn đọc nhận biết những đề tài nhà thơ quan tâm: cuộc sống, con người, tình quê, tình nhà… Những thi tứ về cuộc sống bình dị, nhẹ nhàng và dịu dàng đi suốt tập thơ. Không khó để bắt gặp một ý thơ “đời nhẹ như mây khói” (Trịnh Công Sơn):

                        Giỏ hoa loa kèn

                        Xe đạp đẩy dốc

                        Dép cô gái đứt quai

Cảnh khá quen trên những con dốc dài và cũng khá kịch tính; song, giỏ hoa là tất cả, nó lấp đầy tất cả – sự nhọc nhằn (xe đạp đẩy dốc), sự trớ trêu (chiếc dép đứt quai)… Tất cả chỉ còn là cái Đẹp – cái đẹp của giỏ hoa, cái đẹp của con dốc, cái đẹp của cô thôn nữ, cái đẹp của cuộc sống lao động thường nhật bình dị…

Trên nguồn mỹ cảm đó, nhà thơ luôn gửi đi một thông điệp thao thiết: “Hãy nâng niu cái đẹp, hãy tận hưởng cái đẹp!” qua khá nhiều bài (1, 2, 5, 7, 11, 15, …, 103, 104, … 160, …). Ví dụ, bài đánh số 160:

                        Nắp vỡ

                        Ấm nước cắm hoa

                        Nghiêng vòi một nụ

 Nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã gốc người Quảng Ngãi nhưng sinh sống tại Đà Lạt. Quảng Ngãi không thiếu trong tập thơ (bài 101, 105, 106…) nhưng ăm ắp là hình, là dáng, là bóng thành phố Đà Lạt thông qua những  quý ngữ rất riêng của Nguyễn Thánh Ngã. Như là hoa, là thông, là sương khói, là mưa phùn, là mây mù… để Đà Lạt đúng với biệt danh “xứ sở ngàn hoa”, “xứ sở ngàn thông”: 

                        Thông và tiếng reo

                        Là hai người bạn

                        Ca hát lưng đèo

                                                (Bài 15)

Thông thường, người ta tả thông và gió. Nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã lại dùng thông và tiếng reo (cái “bóng” của gió) theo lối tả khách hình chủ để không chỉ nói về bạn gió, bạn thông mà cái chính là nói đến tiếng reo vui, ca hát vang vang hoặc thầm thĩ trong lòng chủ thể tự tại trên lưng đèo…

Hình ảnh Đà Lạt bàng bạc suốt từ bài 1, 2, 5, 6, 7, 15, 18, 26, cho đến khi khép lại tập thơ. Không ngoa khi nhận định rằng đây là tập haiku đầy đặn về Đà Lạt - Lâm Đồng xao xuyến, mênh mang, sâu lắng…

Đề tài về Mẹ bằng một tình yêu gián cách không - thời gian làm tan chảy trái tim bạn đọc (từ bài 139 đến 144). Những thi ảnh: đôi mắt mẹ, bầu sữa mẹ, màn sương thu, nhất là nấm mộ, làn khói hương… thổn thức, nhói đau về một thứ tình cảm thiêng liêng nhất của nhân loại – tình mẫu tử:

                        Mắt mẹ già còn ấm

                        Làn sương thu

                        Đợi con về vuốt mặt

Bất giác, ta như trở về, lặn vào thơ Basho khi Basho làm một cuộc du hành, trở về nhà thì mẹ đã mất, người anh đưa cho ông di vật còn lại của mẹ là một mớ tóc bạc: Lệ trào nóng hổi / tan trên tay tóc mẹ / làn sương thu.

Thơ haiku Nhật Bản thường đậm chất Thiền. Thơ haiku Nguyễn Thánh Ngã nhiều Thiền tính. Nếu không muốn nói là đậm, đậm đặc. Mỗi bài thơ đều mang tới một mật ngữ, một ẩn ngôn phảng phất triết cảm. Đọc bài thơ dưới đây không thể không nghĩ và ngẫm:

                        Chỉ còn một chiếc giày

                        Đạt Ma quảy một chiếc

                        Còn một chiếc trên vai

Giày thường tồn tại dưới dạng một đôi, mất một chiếc là bỏ cả đôi. Đây mất một chiếc mà vẫn “còn”, từ “còn” lặp đi lặp lại tới hai lần như một sự nhấn mạnh trong mất có được, trong được có mất, đừng bao giờ cất công đi tìm sự hoàn hảo, và nhất là đừng bao giờ đánh mất khát khao hy vọng. Chiếc giày còn, không vất đi mà quảy trên vai, như Đức Đạt Ma quảy dép phi hành ngang dọc, phóng khoáng và siêu thoát, phá chấp và an nhiên…

Nhiều bài thơ haiku của Nguyễn Thánh Ngã đã cố gắng và dường như đạt tới “sát na” – một khoảnh khắc bừng ngộ và bừng cảm (bài 37, 38, 41, 54, 62, 66, 114, 175, 177,…). Bài Đứa trẻ, bài thơ đoạt giải Nhất thơ Haiku Việt - Nhật năm 2009:

                        Xó chợ

                        Chiếc lon trống

                        Hạt mưa mồ côi

 Đứa bé mồ côi trong một chiều mưa lạnh nép mình vào một xó chợ. Đói. Lạnh. Đơn côi. Bấy nhiêu đó cũng đã đủ se sắt, dẫu có là một trái tim sắt! Nhưng, chưa hết, nhà thơ còn đọc trong chiếc lon rỗng, hạt mưa trong hạt mưa ngoài như những giọt nước mắt thánh thót, tung tóe sự thổn thức về thân phận nghèo khổ, về kiếp người hư vô… “Hạt mưa mồ côi” – một ẩn tượng nhân văn, nhiều người trong chúng ta từng chứng kiến nhưng đã vô tình đi qua. Bắt gặp tứ thơ này, chúng ta cảm động đến nghẹn lời và ân hận đến nghẹn ngào!

Tập Thơ haiku Nguyễn Thánh Ngã cuốn hút không chỉ bằng lời thơ mà còn thông qua những hình ảnh minh họa của chính nhà thơ đem đến những trực cảm - mỹ cảm ngỡ ngàng mà thú vị. Trên nền mỗi trang thơ, thoáng ẩn thoáng hiện hình ảnh núi Fuji độc đáo – biểu tượng của đất nước hoa anh đào, như một lời thầm nhắc hãy khám phá, ở chiều cao, ở chiều sâu và bề sau vẻ đẹp thơ haiku – một vẻ đẹp được người Nhật tôn thờ và nhân loại ngưỡng mộ. Bởi, thơ haiku:

                        càng mở ra

                        càng vang lên

                        sự im lặng bất ngờ

                                                (Nguyễn Thánh Ngã)

    

 

 



* Thơ Nguyễn Thánh Ngã

 

Chế Diễm Trâm
Số lần đọc: 2345
Ngày đăng: 24.07.2018
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Có điều như chưa nói với Sông Trà - Nguyễn Thánh Ngã
Tiếp biến văn hóa trong kịch Lưu Quang Vũ - Tuấn Giang
Đinh Tiến Luyện - Phạm Thanh Chương
Ngắm chiều – Bài thơ độc đáo của Bùi Cửu Trường - Đặng Xuân Xuyến
Phạm Công Luận ( Người“gìn giữ linh hồn”của phố) - Phạm Thanh Chương
Tác Phẩm đáng ĐỌC: SONG TỬ & nàng Như Quỳnh de Prelle - Vũ Trọng Quang
Cách thể hiện mới mẻ trong tập thơ “Tôi hát về ngày không em” của Bùi Minh Vũ - Hà Quảng
Viết gửi những cụ già ở Montreal (*) - Nguyễn Thánh Ngã
Nhắm rượu với “Cưỡng xuân” - thơ Đặng Xuân Xuyến - Đặng Xuân Xuyến
Phiêu đãng khúc đồng dao - Phan Chính
Cùng một tác giả
Tạ Ơn (truyện ngắn)
Mép Nước (truyện ngắn)
Mỏng Như Cánh Chuồn (truyện ngắn)
Bìm bìm mãi tím (truyện ngắn)
Cái cột điện (truyện ngắn)
Họ Chế (tiểu luận)
Chạp yêu (truyện ngắn)